Khởi Minh
(VNTB) –Hệ thống luật pháp của Việt Nam chưa có một hình phạt cụ thể nào dành cho hành vi quấy rối tình dục mà chỉ có những tội danh cụ thể như hiếp dâm, cưỡng dâm.
“Quấy rối tình dục” có thực sự đáng báo động?
Gần đây, Hà Nội vừa yêu cầu Sở GTVT cùng Công an Thành phố tăng cường tuần tra những nơi có nguy cơ quấy rối tình dục phụ nữ như xe buýt, bến xe, công viên” [1].
Nó cho thấy bức bách của tệ nạn này trong đời sống xã hội. Phụ nữ, lại một lần nữa là đối tượng bảo vệ, thế nhưng có thực sự như vậy hay không?
Báo cáo nghiên cứu về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện với sự giúp đỡ của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy, phần lớn các nạn nhân bị quấy rối tình dục ở Việt Nam là nữ giới (78,2%) và độ tuổi của các nạn nhân này (trong khoảng từ 18 đến 30). [2]
Khảo sát thu thập ý kiến của 2.046 người trên 16 tuổi ở Hà Nội và TP.HCM về thái độ cũng như trải nghiệm cá nhân trong vấn đề quấy rối tình dục nơi công cộng cho thấy xu hướng quấy rối tình dục trên phương tiện giao thông công cộng gia tăng nhanh chóng. Khảo sát của Tổ chức Plan tại VN thực hiện vào năm 2014 trên 1.000 trẻ em gái ở Hà Nội, có 31% các em trả lời từng bị quấy rối tình dục trên xe buýt. Còn tại TP.HCM, không ít sinh viên, học sinh đi xe buýt từng bị sàm sỡ, quấy rối nhưng đều chọn cách im lặng. [3]
Hiện tượng “quấy rối tình dục” không mới trên thế giới, nó cũng không xa lạ với các quy định pháp luật của các nước. Trong các văn kiện quốc tế từ cấp quốc gia, khu vực đã có nhưng định nghĩa cụ thể về “quấy rối tình dục” để điều chỉnh loại tội phạm này. Cụ thể:
Ở cấp quốc gia: Các bang của Hoa Kỳ là một trong những nước đầu tiên định nghĩa quấy rối tình dục, như một hình thức cấm phân biệt đối xử giới tính là vi phạm Khoản VII của Luật Dân Quyền. Các cơ quan chính phủ Mỹ để thi hành các Đạo Luật Dân Quyền, các Ủy ban Cơ hội việc làm bình đẳng (EEOC), định nghĩa quấy rối tình dục là tình dục không mong muốn, yêu cầu quan hệ tình dục, và những lời nói hoặc hành động khác có tính chất tình dục khi hành vi đó được thực hiện rõ ràng hoặc ngầm, bị sự từ chối các hành vi đó của nạn nhân và hành vi đó có mục đích hoặc tác động can thiệp bất hợp lý tới hiệu suất làm việc của một cá nhân hoặc tạo ra một môi trường làm việc đáng sợ, thù nghịch hoặc gây khó chịu.
Ở cấp độ khu vực, cả Liên minh châu Âu (EU) và Hội đồng châu Âu (COE) định nghĩa quấy rối tình dục là hành vi bất hợp pháp. Ủy ban châu Âu của EU định nghĩa quấy rối tình dục sau: “Khi một thái độ có liên quan đến giới tính thể hiện ở hình thức có từ ngữ, không từ ngữ hay bằng cơ thể có mục đích hay có tác động làm tổn thương đến phẩm giá của một người hay tạo nên một môi trường mang nhiều dọa dẫm, thù địch, hạ thấp, lăng nhục, xúc phạm hay bối rối. Điều này bao gồm hành lý, bằng lời hoặc không lời không mong muốn”.
Ở cấp độ toàn cầu, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) là một cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc đã đề cập hành vi quấy rối tình dục như một hình thức cấm kỳ thị giới tính dưới sự phân biệt đối xử (việc làm và nghề nghiệp) (ILO số 111). Tổ chức này nói rõ rằng quấy rối tình dục nhiều hơn một vấn đề về an toàn và sức khỏe, và điều kiện làm việc không thể chấp nhận, nhưng cũng là một hình thức bạo lực (chủ yếu là đối với phụ nữ).
“Quấy rối tình dục” trong pháp luật Việt Nam
Xem xét trong hệ thống luật pháp của Việt Nam chưa có một hình phạt cụ thể nào dành cho hành vi quấy rối tình dục mà chỉ có những tội danh cụ thể như hiếp dâm, cưỡng dâm. Trong một số trường hợp, nếu việc quấy rối tình dục xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì có thể xử lý về tội làm nhục người khác, nhưng bản thân hành vi của việc quấy rối lại không đủ yếu tố để cấu thành tội làm nhục người khác theo điều 121 Bộ luật Hình sự. Do đó, hành vi quấy rối tình dục này tuy có nạn nhân, có yếu tố “tội phạm” rõ ràng nhưng hình phạt cho nó thì vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Tình trạng khẩn cấp đến mức báo động đã khiến các nạn nhân là phụ nữ tại Việt Nam vốn cam chịu (xưa) và ngại ngùng (nay) trước các tội phạm về tình dục đã “phải” lên tiếng trong các cuộc khảo sát trong những năm gần đây. Thế nhưng cơ quan lập pháp đang làm gì?
Đó là sự chậm trễ trong ra các quy định hình phạt dành cho hành vi quấy rối tình dục. Đến mãi năm 2012, thì cơ quan tư pháp mới chủ động đưa hành vi này vào Luật lao động 2012, trong bối cảnh, hiện tượng “sàm sỡ, lạm dụng” tình dục qua hành vi quấy rối diễn ra tràn lan trong môi trường công cộng lẫn môi trường lao động.
Tuy nhiên, quy định đó gần như không đủ cơ sở xử phạt. Chỉ bởi, các quy định được đưa vào mới có một nửa.
Quy định chống quấy rối tình dục nữ nửa vời
Tại Luật Lao động 2013, quy định về “quấy rối tình dục được thể hiện trong luật như sau: Quy định nghiêm cấm “ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc” (Điều 8); Quy định “người lao động bị ngược đãi, quấy rối tình dục” có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (Điều 37).
So với Bộ luật Lao động 1995, đây là một bước tiến quan trọng hướng tới giải quyết vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tuy nhiên, các quy định này khó đạt được sự hiệu quả, nhằm ngăn chặn các hành vi quấy rối tình dục cũng như bảo vệ nạn nhân một cách hiệu quả.
Đầu tiên là, nó không đưa ra các định nghĩa rõ ràng về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Thứ hai, Luật Lao động cũng chỉ mới nêu những hành vi bị cấm, quyền và nghĩa vụ của người lao động nhưng chưa có những chế tài cụ thể, trách nhiệm bồi thường ra sao. Cho đến nay, dù luật đã đi vào thực tiễn được 1năm 6 tháng, cũng vẫn chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể bao gồm việc giải thích và mô tả để xác định được chính xác thế nào là quấy rối tình dục.
Thậm chí, ngày 22/8/2013 Chính phủ ban hành Nghị định 95/2013/NĐ-CP có hiệu lực ngày 10/10/2013, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì không đề cập gì đến quấy rối tình dục. Luật đã quy định thiếu cụ thể, nghị định lại chưa hề đả động cụ thể về việc trừng phạt hành vi quấy rối. Thế thì “răn đe”, “phòng ngừa” được ai? Điều đó cho thấy, người lao động nữ dù được lưu tâm bảo vệ phẩm giá của họ với quy định về quấy rối tình dục, nhưng nó vẫn chỉ là “tấm áo manh” trong tiết trời lạnh giá. Không thể che chắn cho họ tại nơi công cộng, càng không thể là hành lang pháp lý để họ dựa vào khi bị lạm dụng/ quấy rối tình dục trong môi trường làm việc (lao động).
Các nhà lập pháp phải làm gì?
Luật đi sau thực tiễn để điều chỉnh thực tiễn. Nếu thực tiễn đã bức xúc lên tiếng đòi hỏi các nhà lập pháp phải ra quy định thì nghĩa là các điều luật đó là hoàn toàn cần thiết. Quấy rối tình dục là hành vi sai trái cần các quy định pháp luật chặt chẽ và nghiêm minh hơn, không chỉ trong Luật lao động. Các môi trường “lý tưởng” cho các hành vi quấy rối tình dục như : Xe bus, nơi công cộng, bệnh viện, trường học… vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Còn đối với các quy định về quấy rối tình dục trong Bộ luật lao động nửa vời như hiện nay thì thà rằng “không còn hơn có.” Bởi nếu có luật mà không chặt chẽ, chế tài xử phạt không nghiêm minh sẽ dẫn đến sự cầm chừng trong thực thi luật pháp. Còn cấm “suông” như thế nó chả khác nào việc tạo đòn gió trong pháp luật, làm nảy sinh ngày càng nhiều những đối tượng “vô pháp, vô thiên”, khiến dân yếu thế, đặc biệt là nữ giới tiếp tục bơ vơ chống chọi với loại tội phạm bệnh hoạn về nhân cách này. Và ở một mức độ nào đó, Luật Lao động với các quy định điều khoản cho có nêu trên đã tiếp tay/ khuyến khích cho loại hình tội phạm này tiếp tục nảy sinh tràn lan, vô tội vạ. Và như thế, không chỉ có công an Hà Nội, mà sắp tới, công an của hơn 60 tỉnh thành còn lại sẽ phải tiếp tục lao lực tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn nạn quấy rối tình dục nơi công cộng và trong môi trường lao động.