“Không phải Quốc hội là làm luật”, câu trả lời của Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng với TBKTSG đã gây ra nhiều tranh luận gần đây. Tuy nhiên, phải đặt câu nói đó trong ngữ cảnh mới rõ sự việc.
Tại cuộc họp báo tổng kết kỳ họp thứ 9 tuần trước, ông Dũng dành ít phút để nói về kết quả của kỳ họp. Ông khẳng định, 11 luật được thông qua tại kỳ họp gồm Luật tổ chức chính phủ, chính quyền địa phương, ngân sách nhà nước, dân sự, hình sự… thể hiện Quốc hội đã thông qua “toàn diện hệ thống pháp luật” về tổ chức nhà nước, giúp quản trị quốc gia “theo chuẩn mực quốc tế”.
Một Quốc hội thực hiện được quyền lập pháp, quyền giám sát tối cao đòi hỏi phải có tính chuyên nghiệp cao. Ảnh: quochoi.vn |
Trong bối cảnh đó, TBKTSG đặt câu hỏi: “Ông hình dung như thế nào về năng lực, hiệu lực quản trị, điều hành của các cơ quan nhà nước tới đây khi có hệ thống luật đó? Liệu những vấn đề như năng lực làm luật, giám sát của Quốc hội có được cải thiện? Hay vấn đề oan sai, tham nhũng, bội chi triền miên, và nhiều vấn đề khác liên quan đến trách nhiệm của nhà nước có được cải thiện?”.
Câu hỏi đặt ra là rất rộng, liên quan đến các cơ quan nhà nước; và câu trả lời trên chỉ đề cập riêng đến Quốc hội.
Song, vì sao nó lại gây tranh luận?
Thực tế thì ông Dũng nói đến hoàn cảnh làm luật ở Việt Nam hiện nay, khi có tới 80-90% các dự luật là do Chính phủ trình, và nhận định “Quốc hội phải có năng lực thẩm định chứ không phải Quốc hội là làm luật”. Có đúng vậy không? Ngay tại khoản 3, điều 5 (Làm luật và sửa đổi luật) tại chương 1 (Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội) trong Luật Tổ chức Quốc hội vừa được thông qua cuối năm ngoái quy định: “Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua dự án luật tại một hoặc nhiều kỳ họp Quốc hội căn cứ vào nội dung của dự án luật”.
Như vậy, lập pháp là chức năng hiển nhiên và không phải bàn cãi của Quốc hội, bên cạnh chức năng giám sát vì đã được ghi trong Luật. Dù có tới 80-90% dự luật do Chính phủ trình – điều này cũng bình thường vì nhiều nước khác cũng làm như vậy – thì đây vẫn phải là trách nhiệm của Quốc hội.
Lập pháp là chức năng hiển nhiên và không phải bàn cãi của Quốc hội, bên cạnh chức năng giám sát vì đã được ghi trong Luật tổ chức Quốc hội. Dù có tới 80-90% dự luật do Chính phủ trình thì đây vẫn phải là trách nhiệm của Quốc hội.
Còn về việc thực thi luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định trong điều 8: “Văn bản quy định chi tiết… phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết” (khoản 2); và “Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi văn bản đó có hiệu lực thì thi hành được ngay…” (khoản 1). Có nghĩa là, các nghị định, thông tư cần phải được ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm luật có hiệu lực. Bộ luật gốc là vậy, nhưng ít khi được tôn trọng trên thực tế và Quốc hội cũng không xem đó là chuyện phải thúc đẩy hay nhắc nhở.
Theo Bộ Tư Pháp, trong tổng số 60 văn bản còn nợ, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ chỉ mới ban hành được 5 văn bản, đạt tỷ lệ hơn 8%. Còn 55/60 văn bản chưa được ban hành, chiếm gần 92%. Kết quả của tình trạng thiếu luật như thế nào thì ai cũng rõ: Người dân và doanh nghiệp không biết đường nào mà lần, dù có luật.
Đã có những nhận xét về tình trạng “tám không” về luật ở Việt Nam là không rõ ràng, không đầy đủ, không hệ thống, không hợp lý, không minh bạch, không tiên liệu trước được và không hiệu quả, không hiệu lực. Đó là chưa kể, nhiều bộ, ngành, địa phương còn cài cắm thêm nhiều điều khoản làm méo luật. Hơn 3.200 điều kiện kinh doanh mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị vô hiệu hóa là một ví dụ.
Thực tế này cho thấy, Quốc hội chưa thực hiện tốt chức năng làm luật và giám sát của mình. Còn nhớ, tại cuộc họp báo tổng kết kỳ họp thứ 8 cuối năm 2014, TBKTSG đặt câu hỏi: “Quốc hội là cơ quan lập pháp nên Quốc hội phải là cơ quan đầu tiên tuân thủ luật. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Ví dụ, Luật Ban hành văn bản… yêu cầu cơ quan soạn thảo phải trình các văn bản hướng dẫn cùng lúc với dự luật lên Quốc hội, nhưng điều này chưa bao giờ xảy ra, mà Quốc hôi vẫn cứ thông qua luật. Hay Quốc hội vẫn cứ thông qua các dự toán ngân sách dù chi có vượt như thế nào chăng nữa, phủ nhận ngay nghị quyết của Quốc hội. Điều này nên hiểu như thế nào?”. Tiếc là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời ngắn gọn theo tinh thần là sẽ rút kinh nghiệm.
Hướng tới Nhà nước pháp quyền cũng cần có những nền tảng cho nó. Một Quốc hội thực hiện được quyền lập pháp, quyền giám sát tối cao đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, mà tỷ lệ 30% đại biểu chuyên trách khó mà đảm đương.
Theo Tư Hoàng (Thesaigontimes)