Việt Nam Thời Báo

Quốc Hội sẽ phê chuẩn Công ước Chống Tra Tấn trong kì họp tháng 10-11/2014?

hình ảnh chống tra tấn

Dân Luận tổng hợp

Phiên họp thứ 31 của của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII vừa kết thúc tại Hà Nội ngày 2/10/2014, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Trong phiên họp lần này có sự tham gia của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại diện lãnh đạo một số Bộ, Ban, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.
Một điểm đáng chú ý trong phiên họp lần này là Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội đã đồng ý với đệ trình của Bộ Công An, đó là xem xét việc chính thức phê chuẩn Công ước về chống tra tấn và những hành động đối xử hoặc trừng phạt mang tính độc ác, vô nhân đạo hay hạ nhục (CAT) của Liên Hợp Quốc.
Trước đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đồng ý với đề nghị chính thức của Chính phủ để phê chuẩn Công ước về các quyền của người khuyết tật (CRPD). Đây là đề nghị từ phía Bộ lao động, Thương binh và Xã hội.
Như vậy là Quốc Hội có thể sẽ phê chuẩn hai công ước này trong kì họp tháng 10-11 năm nay. Nếu được phê chuẩn, các bộ luật – đặc biệt là Bộ Luật Hình Sự – sẽ phải được sửa đổi để đảm bảo tính tương thích với Công ước CAT và các văn kiện pháp lý quốc tế liên quan. Trong đó phải kể đến điều khoản về dẫn độ, bồi thường thiệt hại tinh thần cho người bị tra tấn.
Nhiều người có quan tâm đến Công ước về chống tra tấn và những hành động đối xử hoặc trừng phạt mang tính độc ác, vô nhân đạo hay hạ nhục cho đây là một tin đáng mừng. Việc người dân bị đánh đập, tử vong trong đồn công an đã diễn ra ở nhiều nơi và gây bức xúc trong dư luận, và công ước này sẽ là phương tiện giúp họ và người dân bảo vệ mình trước lực lượng công an.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo công ước này chắc chắn được phê chuẩn trong kỳ họp tới. Các đại biểu Quốc hội sẽ còn đặt câu hỏi, chất vấn về tính khả thi và sự cần thiết của việc phê chuẩn nó trong phiên họp này trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Và ngay cả khi Công ước đã được phê chuẩn bởi Quốc Hội thì Việt Nam cũng sẽ không áp dụng trực tiếp công ước, mà có lộ trình thực hiện để “phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam”.
Chính phủ Việt Nam đã ký công ước CAT từ 7/11/2013, nhưng Công ước này còn cần sự phê chuẩn của Quốc Hội trước khi có hiệu lực.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo