Việt Nam Thời Báo

Quốc Hội VN cuối 2014: Hứa hẹn bùng nổ

http://vov.vn/Uploaded/dohung/2013_06_21/ky%20hop%205.jpg

Một lần nữa vào thời điểm cuối năm, Quốc Hội quốc gia “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” bước vào kỳ họp “bản lề.”

Nhưng khác hẳn với năm ngoái, bầu khí quyển kỳ họp thứ 8 khai mạc vào ngày 20 tháng 10, 2014 có lẽ sẽ bị xáo trộn khá dữ dội bởi các luồng khí đối lưu quyết liệt.

Cuối năm 2013, còn có đến 98% dân biểu dân bầu đồng thuận “gật” cho bản hiến pháp sửa đổi giữ nguyên tinh thần “sở hữu đất đai toàn dân,” nhà nước độc quyền về kinh tế và “quân đội chỉ trung thành với đảng.”

Tất cả xuất phát từ phát ngôn nổi tiếng mặc định của người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” vào cuối năm ngoái. Tình hình kinh tế-xã hội năm 2013 theo báo cáo của chính phủ cũng vì thế luôn được Quốc Hội “nhất trí cao” về độ ổn định không thể xâm phạm.

Nhưng vào cuối năm nay, tín hiệu phát ra từ phiên họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội trước kỳ họp thứ 8 là dị biệt hẳn. Từ Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ Tịch Tòng Thị Phóng đến các chủ nhiệm ủy ban, hầu hết đều tỏ ra bức bối một cách tương đối thành thật trước hàng loạt số liệu phô diễn về tình hình kinh tế nước nhà trong báo cáo chính phủ, vốn thường bị giới giang hồ mạng xem là “chém gió.”

Quốc Hội không tin dối trá

Tại phiên thẩm tra của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội vào đầu tháng 10, 2014, theo “thông lệ,” bộ trưởng Kế Hoạch-Đầu Tư thay mặt chính phủ chứng minh tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam sáng sủa hơn trước và “đang phục hồi”: xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, so với cùng kỳ năm ngoái và còn xuất siêu. Đã kiểm soát được lạm phát; lãi suất có xu hướng giảm; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư; dự trữ ngoại hối tăng và đã đạt mức 35 tỷ USD – cao nhất từ trước tới nay; thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định. Nhờ vậy nguồn thu cho ngân sách cao hơn so với cùng kỳ những năm gần đây. Việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế, với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, tái cơ cấu doanh nghiệp quốc doanh đã đạt một số kết quả tích cực…

Thế nhưng vào lần này, bản báo cáo với tố chất đậm giả tưởng trên đã bị phản bác khá chua chát bởi chính Chủ Nhiệm Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội Nguyễn Văn Giàu – người từng giữ chức Thống đốc Ngân hàng nhà nước trước khi phải bàn giao nhiệm vụ vào tháng 8, 2011 cho Nguyễn Văn Bình – người bị tạp chí Global Finance xếp vào “một trong 20 thống đốc có thành tích điều hành tệ nhất thế giới.”

“Báo cáo về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP quí 3 tăng hơn 6% là khó tin vì không chỉ ra được nguồn lực nào tạo tăng trưởng đột biến trong quí 3 làm cho tăng trưởng 9 tháng vừa qua đạt 5.62%” – ông Nguyễn Văn Giàu khơi mào phản bác.

Hồi đầu năm 2014, chính thủ trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương là Vương Đình Huệ – người từng giữ chức bộ trưởng tài chính dưới triều ông Nguyễn Tấn Dũng – đã chợt trở thành nhà ngôn ngữ học đương đại khi đưa ra lời mỉa mai về “GDP có chân”: hầu hết báo cáo về “GDP địa phương” của các tỉnh thành đều trên 10%, nhưng bình quân GDP cả nước lại chỉ có hơn 5%. Vậy già nửa kia “chạy” đi đâu?

Ông Nguyễn Văn Giàu tiếp tục chất vấn: Tại sao tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm trong vài năm qua, số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động rất lớn mà tăng trưởng vẫn cao hơn các năm trước? Tại sao thất nghiệp tràn lan mà năm nào chỉ tiêu tạo việc làm mới cũng xấp xỉ 1,6 triệu lao động?

Thực tế trong 9 tháng đầu năm 2014, số doanh nghiệp giải thể, phá sản lên tới hơn 50,000, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là hơn 18,000, trong số này có cả những doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn. Nhưng đó mới chỉ là những con số được thống kê và báo cáo. Trong khi dư luận về tính dối trá của công tác thống kê ngày càng đậm đặc.

Vào tháng 7,2014, khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tổ chức cuộc gặp các “doanh nhân tiêu biểu,” một số doanh nghiệp đã phải tố cáo về một tình trạng “tiêu biểu” không kém là có đến 250,000-300,000 doanh nghiệp không còn khả năng hoạt động. Con số này nếu so với tổng doanh nghiệp đăng ký trên toàn quốc là khoảng 570,000 thì tỷ lệ phá sản và phải ngừng hoạt động lên tới trên 40%.

Còn chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội nêu ra hàng loạt số liệu cho thấy tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam là rất tồi tệ. Ví dụ hiện có 213 ngàn doanh nghiệp (hơn 68% số doanh nghiệp nộp thuế) khai lỗ không thể nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tất nhiên, doanh nghiệp phá sản và ngừng hoạt động càng lớn thì thất nghiệp càng cao. Thế nhưng hiện tượng “tâm thần học” không thể lý giải được là những quan chức cung cúc trách nhiệm như Bộ trưởng lao động thương binh và xã hội vẫn liên tiếp báo cáo tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam chỉ là 1,84% vào năm 2014, tức còn khả quan hơn cả các năm suy thoái kinh tế trước, và đương nhiên chỉ bằng 1/6 tỷ lệ thất nghiệp ở một số quốc gia trong Liên Minh Châu Âu!

Một số lĩnh vực trước đây đóng góp rất nhiều cho ngân sách như: khí hóa lỏng, rượu bia, thuốc lá, xi măng,… đều giảm sản lượng. Chỉ số hàng tồn kho tăng hơn 13%, so với năm ngoái. Việc giải quyết nợ xấu (nợ không có khả năng thu hồi cả vốn lẫn lãi) chỉ được khoảng 17% so với kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại đang tăng dần (năm 2013 là 3.61%, tháng 5 năm nay là 4.07%, đến tháng 7 năm nay là 4.11%). Ngoài ra ngân sách đang mất cân đối nghiêm trọng. Tỷ lệ bội chi ngân sách không những không thể giảm xuống dưới 4.5% GDP như yêu cầu mà còn tăng lên hơn 5% GDP… Vậy dựa vào đâu để tuyên bố “tình hình kinh tế-xã hội trong 9 tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biến tích cực”? – ông Nguyễn Văn Giàu tiếp tục truy hỏi.

Một “sự kiện” đáng nêu bật là chỉ đến phiên họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội vừa qua, Thống Đốc Nguyễn Văn Bình mới lần đầu tiên thừa nhận nợ xấu là 500,000 tỷ đồng, dù rằng số liệu này đã được giới chuyên gia phản biện cảnh báo từ đầu năm 2013.

Nợ xấu và nợ công chất chồng như núi đang khiến 90 triệu dân chúng Việt Nam, gồm cả 3 triệu công chức và toàn bộ lực lượng vũ trang, bị biến thành một thứ con tin rẻ rúng, chịu cảnh oằn mình trong hiện tại và cả trong tương lai còn lâu mới trả hết nợ.

Hứa hẹn bùng nổ

Báo nhà nước vừa giật tít “chủ tịch nước: kinh tế đất nước đang ở giai đoạn khó khăn nhất.” Nhưng chỉ mới cuối tháng trước, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, 2014, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng lại đánh giá “tình hình kinh tế-xã hội từ đầu năm tới nay tiếp tục chuyển biến tích cực; đà tăng trưởng rõ nét và đồng đều hơn; các chỉ tiêu kế hoạch đều đạt kết quả tích cực phát biểu,” và “góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đến năm 2015.”

Hình như chỉ đến lúc này Quốc Hội mới nhận ra rằng cơ quan tối cao về quyền lực nhân dân đã ‘gật” quá nhiều và quá dễ dãi cho các báo cáo đầy cảm tính vẽ vời của chính phủ trong nhiều năm qua. Nhưng sự thể tồi tệ vẫn ung dung tiếp diễn: với một chính phủ “ăn hết thì lấy gì mà tiêu” như lời của ông Nguyễn Sinh Hùng, kinh tế ngày càng bi đát và kết cục liên đới không tránh khỏi là Quốc Hội bị liên can về trách nhiệm.

Tất cả đang hứa hẹn cho một kỳ họp Quốc Hội mang tính “phản biện sâu sắc” và có thể bùng nổ vào cuối tháng 10 này.

Phạm Chí Dũng

Người Việt

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.