Hòa Cầm
(VNTB) –Niềm vui nho nhỏ mà ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ với báo Đất Việt về việc “giá dầu giảm có lợi cho nền kinh tế và không ảnh hưởng tới ngân sách năm 2014” sẽ trở thành tin buồn của cuối năm 2015.
Những ngày đen tối của nước Nga tiếp tục kéo dài và không có hạn định dừng lại. Bởi vì, nó mới chỉ bắt đầu!
Sự suy thoái về kinh tế, khi đồng rúp sụp đổ ở mức thấp nhất, đẩy đến sự hoảng loạn hoàn toàn trong thị trường tài chính của Nga.
Nền kinh tế Nga trên bờ sụp đổ vì hai lý do chính: dầu và biện pháp trừng phạt.
Là một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, bấy lâu nay, Nga gần như dựa hoàn toàn chủ yếu vào xuất khẩu dầu thô để tăng trưởng kinh tế. Giá dầu đã giảm mạnh trong những tháng gần đây, với việc mất gần một nửa giá trị, khiến GDP Nga tụt mạnh và tăng trưởng kinh tế đã chậm lại. Theo IIF (Viện Tài chính Quốc tế) dầu 60 USD/ thùng có nghĩa là Nga mất đi 5% GDP của nước ở năm tiếp theo, nghĩa là nền kinh tế Nga tiếp tục ở trạng thái hấp hối. Còn từ đầu năm đến nay, Nga đã bay hơi hết 500 tỷ USD, đồng rúp sụp giá, tiền đầu tư bắt đầu tháo chạy.
Rõ ràng, đây là cái giá phải trả cho sự ảo tưởng về phát triển dựa trên giá dầu. Khiến người dân Nga mất đi một lựa chọn một chính phủ có năng lực thực thụ, mà chỉ chọn chính phủ biết cách tạo nên một nước Nga giàu có, phồn vinh kiểu gia tạo (với một thể chế yếu kém và thiếu minh bạch thời Putin), thông qua dựa dẫm vào dầu mỏ và tiến hành đầu tư công bất hợp lý, điển hình nhất là Thế vận hội Mùa Đông Sochi.
“Niềm vui” và nỗi buồn
Việt Nam cũng đang trên đường gia nhập vào ngày đen tối đó (cũng được xem là phiên bản nhỏ của Nga) khi mà số tiền thu về từ xuất khẩu dầu thô chiếm tới 10% GDP (tương đương 30% thu ngân sách).
Theo dự báo, giá dầu sẽ tiếp tục giảm mạnh trong nửa cuối năm nay. Giá dầu WTI giao tháng 1 trên sàn Nymex hạ còn 55,91 USD/thùng – thấp nhất kể từ tháng 5/2009. So với cuối 2013, giá dầu WTI hiện giảm 43% – mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua.
Ông Nguyễn Văn Nên – phát ngôn viên Văn phòng Chính phủ thừa nhận trên báo Vnexpress, cứ một USD giá dầu giảm so với mốc 100 USD một thùng, ngân sách Nhà nước sẽ hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Giả sử giá dầu giữ ở mức 60 USD trong năm sau, ước tính ngân sách có thể thất thu tới 40.000 tỷ đồng.
Giảm giá dầu, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách, và nhiều chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần chủ động “tăng sản lượng khai thác để bù vào mức sụt giảm của giá nhằm đảm bảo đủ nguồn thu”.
Bởi vì theo, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trả lời trên bản tin VTV tối 17/12 thì: “Nếu giá dầu tiếp tục giảm, sản xuất sẽ không còn có lãi, hoặc có lãi nhưng không đáng kể. Nếu giảm khoảng 30% tổng sản lượng khai thác theo kế hoạch hiện nay thì tăng trưởng GDP có thể giảm từ 0,8 – 1,2%”.
Bên cạnh đó, mặc dù xăng dầu thế giới giảm 38%, Việt Nam giảm 20% thì thu ngân sách còn cao hơn cả khi xăng dầu tăng giá, cho thấy vẫn cung cách tận thu ngân sách trong dân. Điều này xuất phát từ chính sự bất hợp lý trong cung cách điều hành nền kinh tế chỉ biết “múc – xới – đào – bán” để bù ngân sách.
Trong khi đó, ngân sách thay vì tìm cách đầu tư trong cách hệ ngành công nghệ, thì phần lớn được đem vào đầu tư công, nhất là lĩnh vực xây dựng cơ bản (chiếm 93,8% tổng số nợ đọng), và lĩnh vực này lại là nơi làm thất thoát, lãng phí ngân sách nhiều nhất.
Do đó, nếu Việt Nam vẫn thiếu một chiến lược dài hơi trong thu chi ngân sách, mà thực chất là là tìm cách lựa chọn phát triển bền vững thông qua tái đầu tư công hợp lý và tìm cách thay đổi nguồn thu ngân sách – nghĩa là tránh xa “căn bệnh Hà Lan”, thì nỗi lo thất thu ngân sách vào năm 2015, và sự gia tăng nợ công là có thực, bởi khi ấy, Việt Nam thay vì học cách “từ chối đăng cai Asiad 2019” thì lại tìm cách thúc đẩy những dự án kiểu “sân bay Long Thành”, trong bối cảnh vẫn chăm chỉ xúc dầu đi bán.
Và chắc hẳn, niềm vui nho nhỏ mà ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ với báo Đất Việt về việc “giá dầu giảm có lợi cho nền kinh tế và không ảnh hưởng tới ngân sách năm 2014” sẽ trở thành tin buồn của cuối năm 2015. Bởi theo dự toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, nếu giá dầu giảm còn bình quân 70 USD/thùng trong năm 2015, thì ngân sách hụt thu khoảng 30.000 tỉ đồng.