RFA Blog – Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam: Vững vàng trước mọi thử thách (Tiếp theo)

RFA Blog – Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam: Vững vàng trước mọi thử thách (Tiếp theo)

JB Nguyễn Hữu Vinh

rfavietnamblog

Bài 1: Hội Nhà báo Độc lập Việt nam : vững vàng trước mọi thử thách

Những khó khăn buổi đầu

Cũng như bất cứ hội đoàn dân sự nào trong nước, dưới chế độ cộng sản, khi được thành lập, luôn đối mặt với những thách thức chính trị từ phía nhà cầm quyền. Ngoài ra, với đặc tính người Việt, nhiều sự bất đồng và lắm ý kiến rất khó có thể có tiếng nói chung hoặc sự đồng lòng ngay khi mới chập chững hình thành.

Những vấn đề về đường hướng, cách hành động, nội dung hoạt động, nhận thức, nhân sự… đều được đặt ra một cách gay gắt.

Và như chúng ta thường thấy, cơ chế dân chủ là một mô hình tốt cho mọi tổ chức, thể chế xã hội, tuy nhiên, để thực hiện được điều đó cần nhiều hiểu biết về cơ chế này cũng như nhận thức về nó. Chính vì những vấn đề nhận thức, tính cách mà từ những tháng đầu khi mới thành lập, một số chệch choạc đã phát sinh.

Vấn đề nhân sự, vấn đề của từng cá nhân để được giải quyết cách thấu đáo, thỏa mãn ý tưởng và quan niệm của mỗi người là điều không dễ dàng. Chính vì vậy, một số sự xáo trộn ban đầu đã xảy ra.

Ngay từ khi manh nha thành lập, các hội viên sáng lập đã xác định rõ ràng rằng: Việc thành lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là một thử thách lớn và nguy hiểm trong chế độ độc tài. Bởi xưa nay, nhà cầm quyền Việt Nam chưa bao giờ dung túng hoặc nhẹ tay với những tiếng nói trung thực, nhưng tiếng nói của những người không có tiếng nói, những tiếng nói không chịu “sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng” và nhất là không lấy mục đích, tôn chỉ là phục vụ đảng CSVN.

Chính vì thế, những người giữ các chức vụ trong Hội sẽ là những người đối mặt lớn nhất với nguy hiểm, với sự đàn áp, trả thù bẩn thỉu và thậm chí là tù đày. Ngay cả các Hội viên, cũng phải là những người thật sự có lý tưởng, có bản lĩnh và chấp nhận nhiều hy sinh.

Do vậy, việc lực chọn nhân sự cho Ban Điều Hành, lãnh đạo Hội là điều cần hết sức quan tâm. Hầu hết đều nhận định và xác định tinh thần của một Ban điều hành Hội là những người dám dấn thân một cách vô vụ lợi, lấy sự thật, tiếng nói lương tâm để ràng buộc chính mình mà hoàn thành những công việc đã đảm nhận trong Hội.

Mặt khác Ban Điều hành Hội sẽ là những người sẵn sàng bước lên phía trước, khi có những sự cố của Ban Điều hành bởi sự đàn áp của nhà cầm quyền Cộng sản. Nghĩa là người sau tiếp tục bước theo những bước đi tiến lên của Hội nếu người trước bị bắt bớ, tù đày hoặc vô hiệu hóa.

Ở đó không có lợi ích, danh tiếng hoặc những điều thuận lợi cho những người dám đảm đương những công việc chung trong Hội. Ở đó chỉ có hy sinh và chấp nhận hy sinh vì sự cần thiết của xã hội, của đất nước được phát triển trong ôn hòa, trong trật tự, dân chủ và tôn trọng quyền con người.

Chính vì nhận thức đó, vượt qua tất cả những vấn đề thường có đối với các hội đoàn, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đã cố gắng cùng nhau bàn bạc và giải quyết vấn đề trên tinh thần dân chủ và tự nguyện. Từ đó những vấn đề được đặt ra bắt đầu đi vào sự thống nhất và được sự ủng hộ của đa số các Hội viên.

Hội viên của Hội có những nhà báo kỳ cựu, nhiều cây viết trẻ được hình thành từ trong phong trào đấu tranh với những nhận thức khá rành mạch và mạnh mẽ.

Tờ báo của Hội được thành lập với những bài viết và tiếng nói mạnh mẽ, rành mạch về tư tưởng và định hướng nhất quán từ đầu đã được hình thành và ngày càng phát triển, trở thành tiếng nói không chỉ của các Hội viên mà của nhiều tầng lớp, nhiều những người không có tiếng nói trong xã hội, đề cập đến không chỉ những vấn đề đời sống xã hội mà còn là những tiếng nói phản biện ôn hòa và có chất lượng trước những sự kiện xã hội.

Đặc biệt, tiếng nói trên tờ báo của Hội đã mạnh mẽ đấu tranh với những tệ nạn của thể chế chính trị như tham nhũng, khủng hoảng toàn diện về nền tảng tư tưởng, về lý luận cũng như nhân sự.

Hệ thống chính trị tham nhũng đã được mổ xẻ và vạch rõ những nguyên nhân, những yêu cầu cấp bách của xã hội… Tất cả những điều đó, đã được tờ báo của Hội như một diễn đàn để bàn luận một cách dân chủ và công khai.

Những miếng đòn bẩn

Ngay khi hội Nhà Báo Độc lập Việt Nam ra đời, những cơ quan truyền thông trong nước được sự chỉ đạo của công an, đã lập tức vào trận để bôi nhọ, xuyên tạc và dùng nhiều chiêu trò bẩn thỉu nhằm hạ bệ Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Trước hết, Hội Nhà báo Quốc doanh đã ngay lập tức ra một văn bản cấm tất cả các phóng viên báo chí nhà nước tham gia vào Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Kế theo đó, hệ thống báo chí nhà nước đã có nhiều bài viết công kích Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Những bài viết không hề nêu ra được bất cứ điều gì về việc thành lập Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam, chỉ là những lời quy kết một cách hết sức ấu trĩ và hài hước.

Tờ Petrotimes một tờ báo của ngành dầu khí, lúc đó do Nguyễn Như Phong, một tay bồi bút công an làm Tổng biên tập – sau này chính tay này đã bị “quả đắng” khi đăng bài viết bảo vệ Trịnh Xuân Thanh và bị kỷ luật thu hồi thẻ nhà báo, cách chức – đã đăng bài viết “Độc lập hay đối lập”.

Vẫn theo thói quen “cả vú lấp miệng em” bài báo đã vu cáo những người tham gia Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là  những “blogger đội lốt dân chủ, chống phá Nhà nước, “dựa hơi Mỹ”, “mưu đồ cách mạng hoa nhài”…

Tờ Quân đội Nhân dân, một tờ báo quân đội nhưng không có những thông tin về những phần lãnh thổ, lãnh hải của Tổ Quốc đang bị xâm chiếm, không hề có thông tin về những hành động trắng trợn, ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, trên biên giới… ngược lại rất tích cực trong việc chống lại quyền làm chủ, quyền tự do của người dân, đã đăng bài viết: “Cảnh giác với liều thuốc dân chủ “hội, đoàn độc lập”.

Vẫn những lập luận ngô nghê với tư duy ấu trĩ, áp đặt rằng việc thành lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là trái luật!

Những bài báo đó không có tác dụng như ý muốn của Ban Tuyên giáo Trung ương, trái lại chỉ gây thêm những thắc mắc và tò mò cho độc giả chưa biết về Hội và tìm hiểu về Hội nghề nghiệp này.

Thế rồi khi sự chính danh không thể có, không thể tranh cãi bằng lý lẽ, luật pháp, hệ thống công an và tuyên giáo Việt Nam giở những trò bẩn mà ai cũng thấy sự ti tiện và bỉ ổi trong đó với cách làm của đám trộm cắp, xã hội đen.

Ngày 28 tháng 7 năm 2014, Hội ra thông báo số 2, cho biết chỉ sau 10 ngày khởi sự, trang mạng Việt Nam Thời Báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, đã bị hacker phá hoại khiến nhiều độc giả không thể truy cập được.

Vượt lên tất cả những điều đó, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam vẫn phát triển và cất lên tiếng nói riêng biệt của mình góp phần xây dựng đất nước Việt Nam trước vấn nạn tham nhũng, phá hoại và suy đồi ngày càng nặng nề.

Khi thành lập, hội có 42 hội viên với bốn chi hội gồm ba miền trong nước và hải ngoại. Sau một quá trình sàng lọc, loại trừ những người bị khai trừ, hoặc tự xin ra khỏi hội, số lượng hội viên vẫn tăng lên theo từng năm.

Những hoạt động của Hội dù đã bị ngăn chặn bằng nhiều cách, bằng nhiều phương thức bẩn thỉu khác nhau của lực lượng an ninh và công an, vẫn đều đặn củng cố tinh thần và đường hướng phát triển của Hội trong thời gian từ khi thành lập đến nay.

Trong thời gian đó, Hội đã tham gia nhiều hoạt động như tham dự Hội thảo “Truyền thông phi nhà nước” do Đại sứ quán Úc tổ chức tại Hà Nội.

Tham dự cuộc họp báo của Đặc phái viên Liên Hợp quốc về tự do tôn giáo tại Hà Nội.

Ra nhiều tuyên bố ủng hộ các phong trào dân chủ, đòi quyền lợi của người dân như phong trào “Tôi muốn biết”, về quyền tự ứng cử của công dân, về bảo vệ di sản thiên nhiên tại Sơn Đoòng…

Cùng nhiều hoạt động khác của Hội, của các chi hội và các thành viên cổ vũ cho quyền tự do của người dân như tự do tư tưởng, tự do lập hội, tự do hội họp, biểu tình…

Những hoạt động của Hội đã làm nhà cầm quyền Việt Nam hết sức bối rối và khó chịu.

Bối rối, bởi Hội hoạt động công khai, đúng Hiến pháp, luật pháp quy định. Việc ra đời của Hội dựa trên Điều 25 Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Điều 20 của Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát, và Điều 19 của Công ước Quốc tế về những Quyền Dân sự và Chính trị, hai văn kiện quốc tế quan trọng về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết. Do vậy, về danh chính ngôn thuận, nhà cầm quyền Việt Nam không thể ra tay đàn áp trắng trợn khi mà các nước, các tổ chức nhân quyền quốc tế đang chú ý đến nhân quyền tại Việt Nam cũng như khi mà Việt Nam đang mưu đồ im lặng để được bước chân vào các tổ chức quốc tế cũng như ký kết các hiệp định thương mại…

Khó chịu, bởi nhà cầm quyền Việt Nam luôn coi các hội nhóm, tổ chức không “chịu sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng” nghĩa là không do đảng lập ra, thì đều là những tổ chức đối lập và phản động. Đặc biệt lĩnh vực báo chí, truyền thông là lĩnh vực mà các nhà độc tài thường luôn luôn không muốn bất cứ một ai được tự tổ chức và tham gia, bởi dối trá luôn là phương thức hành động của báo chí, truyền thông nhà nước chỉ nhằm phục vụ cho đảng. Ngược lại báo chí tự do, báo chí công dân là những tiếng nói độc lập, trung thực sẽ bóc trần bộ mặt thật của đảng trong thực tế.

Điều đặc biệt khó chịu, là so với hệ thống báo chí nhà nước, với hàng vạn nhà báo được cấp thẻ, được cấp tiền, nhưng sự tự do nói lên tiếng nói của sự thật, của chính mình hoàn toàn bị dập tắt. Do vậy Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam như một tấm gương đối chứng với và là niềm mơ ước về sự tự do của họ.

Khi “danh chính, ngôn thuận” một cách công khai không thể triệt hạ được Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và tiếng nói của Sự thật được cất lên trên trang Việt Nam Thời Báo (https://vietnamthoibao.org/), nhà cầm quyền Hà Nội đã liên tục sử dụng các chiêu trò bẩn thỉu như hack trang báo, dùng tường lửa ngăn chặn…

Nhưng, tất cả những điều đó đã không làm nhụt chí những người lên tiếng cho sự thật, những tiếng nói phản biện xã hội một cách ôn hòa, nêu lên thực trạng xã hội Việt Nam đang suy đồi và băng hoại, một chế độ tham nhũng và căn nguyên của nó…

Đàn áp

Khi mà những đòn bẩn không thể áp dụng và khuất phục được Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nhà cầm quyền CSVN đã tiến hành những hành động đàn áp trắng trợn.

Lợi dụng khi cả thế giới đang chú ý tập trung vào những vấn đề quốc tế nóng bỏng, cuộc chiến Mỹ – Trung đã gây sự chú ý của cả thế giới, và sau đó là đại dịch virus Vũ Hán đã làm cho các nước, các tổ chức quốc tế vốn hay theo dõi những vấn đề về nhân quyền ở các nước cộng sản.

Mặc cho bờ cõi đang bị ngoại xâm ngày ngày xâm lấn, đời sống người dân nheo nhóc và bi đát bởi muôn vàn thứ thuế và mọi chiêu trò bóp nặn của cả bộ máy, nhà cầm quyền CSVN đã ra tay đàn áp Hội nhà báo Độc lập Việt Nam cũng như các hội đoàn, tổ chức khác và nhiều cá nhân trong nước cất tiếng nói của mình trên mạng xã hội.

Ngày 21 tháng 11 năm 2019, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một cuộc bắt bớ với những lý do mơ hồ và bất chấp sự thật, bất chấp luật pháp.

Ngày 23 tháng 5 năm 2020, họ lại tiếp tục bắt giam ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc lập Việt Nam.

Chưa hết, ngày 12 tháng 6 năm 2020, công an Tp Hồ Chí Minh, Việt Nam, đã khởi tố và bắt giam ông Lê Hữu Minh Tuấn – Tên thường gọi là Lê Tuấn – thành viên Hội Nhà Báo Độc lập Việt Nam.

Đồng thời, nhà cầm quyền CSVN đã gia tăng việc sách nhiễu, gây khó khăn trong đời sống của nhiều hội viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam với nhiều chiêu trò đe dọa bẩn thỉu.

Họ bị khởi tố với những tội danh hết sức mập mờ với những điều luật hết sức mơ hồ của cái gọi là “Luật” của Việt Nam mà bất cứ ai cũng có thể suy diễn theo ý chủ quan của mình.

Ngay lập tức, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đã ra tuyên bố mạnh mẽ lên án việc nhà cầm quyền CSVN gia tăng đàn áp các quyền tự do cơ bản của công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận được ghi trong Hiến pháp và các văn bản Quốc tế mà Việt Nam đã long trọng cam kết.

Đồng thời, Hội đã khẳng định rõ ràng: “Những hành vi đàn áp trắng trợn của nhà cầm quyền Việt Nam không thể làm nhụt chí và càng không thể dập tắt tiếng nói tự do vì nhân quyền, vì xã hội, con người và đất nước Việt Nam cũng như sự nghiệp hòa bình thế giới.

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động và không từ bỏ mục đích của mình, chủ trương đối thoại và phản biện ôn hòa vì một Việt Nam văn minh và thịnh vượng”.

Những lời lẽ đanh thép đó đã tố cáo trước toàn thế giới và cũng là lời khẳng định rằng: Hội nhà báo Độc lập Việt Nam sẽ không lùi bước trước bạo tàn, sẽ vững vàng trước mọi thử thách và khó khăn do nhà cầm quyền CSVN gây ra.

Với chỉ hơn 40 người thuở ban đầu thành lập, ngày nay, số Hội viên của Hội đã gần 100 người, đó là một sự phát triển lớn lao trong điều kiện một nhà nước độc tài Cộng sản.

Đã 6 năm tồn tại và phát triển, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế của mình trên lĩnh vực thông tin truyền thông.

Nhà cầm quyền CSVN có thể bắt một số người, một số Hội viên của Hội, nhưng không thể dập tắt được những tiếng nói của lương tri, của phẩm giá con người cũng như những tiếng rên xiết của người dân dưới chế độ bạo tàn.

Bởi đó là lý tưởng, là sự thôi thúc của lương tâm con người trong mỗi người dân Việt Nam có lòng yêu quê hương, đất nước và mong muốn một xã hội phồn vinh và tiến bộ theo kịp bước tiến của thế giới ngày nay.

Ngày 18/6/2020

J.B Nguyễn Hữu Vinh

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar

    Chúc các anh vẫn vững bước .