Nguyễn Anh Tuấn
(VNTB) – Vụ bắt giữ bà Nguyễn Phương Hằng và người mẫu Ngọc Trinh, sau đó là việc điều tra nhà xe Thành Bưởi báo hiệu một bóng ma đang quay trở lại đời sống xã hội Việt Nam.
Những vụ án kỳ lạ
Bản án 3 năm tù giam đã khép lại vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng song vẫn chưa khiến dư luận lẫn những người trong cuộc hết băn khoăn về nguyên nhân thực sự của việc bắt giữ bà.
Chẳng ai được thuyết phục rằng chỉ vì những chuyện bóc phốt ồn ào mà bà Phương Hằng bị bắt, bởi lẽ giới showbiz bất kỳ quốc gia nào cũng đầy bê bối bị phanh phui và Việt Nam đâu phải là ngoại lệ.
Có người lại cho rằng bà Phương Hằng đụng phải những nghệ sĩ quyền lực, nhưng ở Việt Nam những nghệ sĩ này có thể quyền lực trong giới của họ mà thôi, đâu đủ sức chi phối các cơ quan tố tụng. Đó là chưa kể có những người đấu khẩu với bà Phương Hằng như nhà báo Hàn Ni cũng bị bắt sau đó. Nếu các nghệ sĩ đứng sau tất cả chuyện này thì chẳng lý do gì họ muốn bắt cả Hàn Ni.
Trong khi một dấu hỏi lớn vẫn nằm im trong vụ Phương Hằng thì lại xuất hiện một vụ án kỳ quặc khác. Người mẫu Ngọc Trinh bị bắt vì tội gây rối trật tự công cộng sau khi đăng tải các video clips quay cảnh biểu diễn chạy xe phân khối lớn trên đường. Trước đó thì cô đã bị xử phạt hành chính vì các lỗi liên quan tới việc lái xe này.
Người ta một lần nữa lại bàn tán xôn xao về lý do bắt giữ Ngọc Trinh nhưng có vẻ cũng chưa ai đưa ra được một nguyên cớ thuyết phục. Người theo thuyết âm mưu thì cho rằng Ngọc Trinh chỉ là đầu mối để dẫn tới những vụ án lớn hơn, song cũng không hề có bằng chứng gì.
Ngay cả các luật sư thân chính quyền thường lên báo minh họa cho mọi quyết định bắt giữ của công an thì lần này cũng tỏ vẻ ngần ngại là hình như công an hơi mạnh tay khi bắt giam Ngọc Trinh.
Dư luận chưa kịp lắng xuống vụ Ngọc Trinh thì lại bị thu hút bởi việc điều tra bất ngờ của cơ quan công an đối với nhà xe Thành Bưởi – một nhà xe có tiếng lâu năm ở miền Nam. Những lý do mà công an đưa ra, dù được phụ họa bởi báo chí quốc doanh, vẫn không đủ sức thuyết phục dư luận lẫn chính nhà xe Thành Bưởi đến nỗi nhà xe này, bỏ qua cả những thận trọng chính trị thông thường của dân làm ăn ở Việt Nam, đã ngay lập tức ra một thông cáo báo chí tỏ ý nghi ngờ việc điều tra có thể được thúc đẩy bởi một “âm mưu” mờ ám nào đó.
Những vụ án như thế này đang xuất hiện thường xuyên hơn những năm gần đây không khỏi khiến cho dư luận thắc mắc điều gì đang xảy ra với cơ quan thực thi pháp luật vậy?
Pháp trị hay chuyên chính vô sản?
Mấy chục năm Đổi Mới với việc thử nghiệm kinh tế thị trường trong lòng chế độ cộng sản đã khiến cung cách quản trị xã hội ở Việt Nam thay đổi ít nhiều.
Từ chỗ là một thứ thừa thãi của một xã hội xô-viết vận hành bằng chỉ thị và nghị quyết, pháp luật bỗng dưng được quan tâm. “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trở thành khẩu hiệu giăng mắc nhan nhản từ thành thị đến nông thôn. Cũng dễ hiểu, kinh tế thị trường, dù ở mức chưa hoàn thiện đi chăng nữa, cũng chỉ có thể vận hành được trong một khuôn khổ pháp luật. Tương tự vậy, tiền đầu tư ngoại quốc cũng sẽ chỉ đổ vào một quốc gia vận hành theo pháp luật chứ không phải là chỉ thị và nghị quyết của đảng cầm quyền.
Bởi lẽ, đặc trưng của một xã hội vận hành bằng pháp luật và trọng pháp luật – tức một nền pháp trị – là minh bạch và dễ đoán định vốn là những điều kiện cần thiết cho tự do kinh doanh và giao kết hợp đồng của một nền kinh tế thị trường. Trái lại, một nền chuyên chính vô sản, tức là lề lối quản trị xã hội bằng chỉ thị và nghị quyết của một đảng leninist thì kém minh bạch và không thể đoán định, vốn là những điểm thù nghịch với kinh tế thị trường vì sẽ bóp chết mọi ý định kinh doanh và gây rủi ro cho mọi giao kết hợp đồng.
Quen với một xã hội vận hành [tương đối] bằng pháp luật, nhiều người nhìn những vụ án kỳ quặc kể trên qua lăng kính pháp trị không thấy gì khác ngoài sự băn khoăn của mình. Chính ở đây, một lăng kính khác có thể giúp họ bớt băn khoăn: Chuyên chính vô sản.
Án của Đảng
Ngay sau khi bà Phương Hằng bị bắt giữ, các ngành nội chính Việt Nam bao gồm Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có phiên họp dưới sự chủ trì của ngôi sao chính trị đang lên Võ Văn Thưởng khi đó là Thường trực Ban Bí thư.
Tại đây ông Thưởng đã cho biết bà Phương Hằng, cùng với nhóm Báo Sạch bị bắt vì “thách thức đường lối, chủ trương của đảng” – một lý do không thể mơ hồ hơn. Ông Thưởng cũng đã tiết lộ “những vụ án, vụ việc có liên quan đến chính trị, đối ngoại, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thì xử lý theo đúng Chỉ thị số 26-CT/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 04-HD/TW của Ban Bí thư.”
Vậy là đã rõ, đối với vụ việc dư luận quan tâm, đường hướng xử lý sẽ tuân theo các chỉ thị của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Bí thư, chứ không phải dựa trên các cân nhắc pháp lý. Nghĩa là, một người có thể bị bắt vì các cơ quan nội chính xét thấy cần phải làm như vậy nhằm đạt được những mục tiêu chính trị nhất định do Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra, chứ không phải vì đã vi phạm hình sự tới mức phải bị khởi tố và bắt giữ, như trong một nền pháp trị. Lẽ dĩ nhiên là sau khi các cơ quan nội chính đã chốt, công an sẽ làm phần việc còn lại bằng cách diễn giải pháp luật, đôi khi một cách rất khiên cưỡng, để hợp thức hóa việc bắt giữ.
Trớ trêu thay, cả Chỉ thị 26 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 04 của Ban Bí thư đều là những văn bản nội bộ của đảng, đều không công khai và người dân không thể tiếp cận.
Vậy làm sao biết khi nào một ai đó bị bắt và nếu bị bắt thì lý do thực sự là gì? Khi bạn nhận ra rằng có những vụ án của đảng trong đó người ta bị bắt đôi khi chỉ vì đảng muốn như vậy, bạn sẽ thấy sự trở lại của một bóng ma rồi sẽ còn phủ bóng lên đời sống xã hội Việt Nam nhiều năm tới đây.
Bóng ma chuyên chính vô sản.
—
Bài đăng trên Blog RFA
Tranh ảnh tuyên truyền đánh tư sản sau 1975. (Nguồn: Báo Giải phóng, dẫn qua blog Tây Bụi)