Việt Nam Thời Báo

RFA – Ước nguyện của giới hoạt động và thân nhân trong năm Tân Sửu

Kết thúc Năm Canh Tý, thế giới vẫn còn bị đại dịch COVID-19 hoành hành và Việt Nam cũng không tránh khỏi. Virus corona đã làm tê liệt nhiều hoạt động xã hội, ở Việt Nam cũng như khắp nơi. Riêng giới đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, sinh hoạt phản kháng nhà cầm quyền độc đảng lại càng bị tê liệt bởi chính sách đàn áp khắc nghiệt.

Trước thềm năm mới Tân Sửu, họ có những mong ước gì?

Từ Kontum, cựu tù nhân lương tâm (TNLT), Mục Sư A Đảo, mới được trả tự do vào tháng 9 năm ngoái, nay tiếp tục hoạt động cho quyền tự do hành đạo của các tín đồ Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ, cho biết gần Tết, cũng là gần thời điểm Đại Hội Đảng lần thứ 13, các tín đồ liên tục bị quấy rối. Vì vậy, ước vọng cho năm Tân Sửu của vị lãnh đạo tôn giáo này chỉ đơn sơ là chính quyền hãy để cho họ yên để họ thờ phụng theo tín ngưỡng của họ.

“Ở Phú Yên, anh em nói là bên chính quyền vô nhà, thu Kinh Thánh, rồi thậm chí phát động cho dân làng ký giấy bỏ đạo. Nhưng một số anh em có niềm tin không thể bỏ được. Họ bị ngăn cấm, bịa đặt, bảo là mình theo FULRO. Từ khi Mục sư sinh ra cũng chưa biết FULRO là cái gì. Họ bịa đặt cho mình. Mình đâu có vấn đề gì.

Bấy lâu nay họ cứ nói mình theo cái này cái kia. Nhưng thực tế họ đâu có bằng chứng bảo là mình theo FULRO hay chống phá gì. Đâu phải mình mua súng đạn bắn nhau với chính quyền gì đâu mà bảo là mình chống phá?

Mục sư cũng mong ước, cũng như của tất cả anh em trong hội thánh, năm mới được chính quyền Việt Nam đỡ gây khó dễ, để cho anh em chúng tôi được thờ phượng tự do, bình đẳng theo hiến pháp và bộ luật tôn giáo”.

Ước vọng cho năm mới của bà Phạm Thị Lân, vợ của TNLT Nguyễn Tường Thụy – blogger Đài Á Châu Tự Do, cũng chỉ là được thấy chồng trở về nhà, một điều càng khó khi mới đây có tin nhà báo Nguyễn Tường Thụy đã xé bỏ đơn kháng cáo.

“Tất nhiên điều mong muốn nhất là anh ấy được trả tự do, chứ tôi cũng không muốn gì hơn cả”.

Bà Lân nói ông Thụy nay đã 70 tuổi và sức khỏe không được tốt nên bà rất lo ngại vì không có đầy đủ thông tin về việc ông không kháng cáo:

“Tôi nghĩ là anh ấy không kháng cáo là có thể do sự tác động của Luật sư. Bây giờ tôi chưa gặp được ảnh nên tôi chưa có bằng chứng. Khi mà anh Thụy ở bên ngoài, chưa bị bắt thì các vụ án chính trị anh ấy rất am hiểu, thì anh bảo thế nào thì cũng phải kháng cáo. Không hiểu tại sao trường hợp của anh, anh không kháng cáo. Cho đến gần hết hạn thì anh mới lên viết đơn, rồi bị làm khó thì anh bỏ về, thì hết thời hạn kháng cáo. Trước khi xử sơ thẩm thì mẹ của Phạm Chí Dũng nói, bên chính quyền bảo là chỉ nhận đơn xin giảm tội chứ không nhận bản kháng án, nên mình cũng không biết như thế nào”.

Vào ngày 5/1/2021, blogger Nguyễn Tường Thuỵ bị tuyên án tù 11 năm với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước.

Đại dịch COVID-19 lại bùng phát tại Việt Nam nên bà Lân nói không biết đến kỳ gặp tháng 2 trại giam có cho bà gặp chồng không để tìm hiểu thêm.

Uớc mơ của thân nhân những người đang bị giam cầm thật đơn giản, như chỉ được một lần nữa ôm lấy người thân. Nhưng đôi lúc ước mơ cũng lại rất khó thực hiện được, như mong ước của cô Đỗ Thị Thu về một đất nước không còn người tù chính trị. Cô Thu là vợ của nhà hoạt động về quyền đất đai Trịnh Bá Phương. Gia đình có ba người hiện đang bị tạm giam là dân oan Dương Nội, bà Cấn Thị Thêu và hai con trai của bà là Trịnh bá Phương và Trịnh Bá Tư.

Cô Thu chia sẻ: “Năm mới em cũng mong rằng cả ba người trong gia đình em sẽ sớm thoát khỏi ngục tù. Và em cũng mong ước rằng đất nước Việt Nam này không còn cảnh dân oan và những TNLT nữa”.

Cả ba nhà hoạt động Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư và Trịnh Bá Phương bị tạm giam hơn nửa năm nay, nhưng cô Thu cho biết, gần Tết gia đình đã có được một ít niềm vui. Ngày 15 tháng 1 ở nhà nhận được thư từ bà Thêu và anh Tư.

Trong đó, bà Thêu viết: “Tôi không hề sợ hãi trước sự đàn áp đê hèn của độc tài cộng sản. Sự đàn áp chỉ khiến tôi quyết tâm hơn trên con đường đấu tranh đòi dân chủ của người dân phải được thực thi, nhân quyền con người phải được tôn trọng”.

Còn anh Trịnh Bá Tư viết gửi bố: “Con và mẹ giữ quyền im lặng, sẽ chống án đến cùng.”

Cô Thu nói, “Từ khi nhà em nhận được lá thư này thì nhà em cũng rất là phấn khởi, rất là vui. Vì lá thư ra thì rất khó khăn, mà mẹ em và Tư ở trong đó thì những người bạn cùng buồng rất quan tâm và tốt, họ đối xử tốt với mẹ em và Tư”.

Cô cho biết thêm, vườn bưởi của gia đình trước Tết Nguyên Đán đã gặp khó khăn vì gia đình chỉ có 5-6 người mà mất hết phân nửa. Nhưng nhờ sự nâng đỡ của cộng đồng nên gia đình đã vượt qua. Nhiều người đã mua bưởi ủng hộ gia đình đấu tranh này. Cô Thu nói:

“Ba người nhà em bị bắt nên nhà em rất bị neo người, nhiều lúc giao hàng, đặt hàng, cũng bị chậm trễ thì lúc đó mọi người chung tay ủng hộ, nên nhà em cũng bán hết được vườn bưởi, rất vui chị à. Trong vòng một tháng mà bán được hết, chắc là 7, 8 vạn quả bưởi. Rất là mừng”.

“Vấn đề đấu tranh, chúng tôi rất mong mỏi sự đoàn kết cũng như hợp tác để cuộc tranh đấu được kết quả hơn. Đồng bào trong nước gặp nhiều khó khăn, những sự đàn áp khốc liệt trong năm 2020 đã cho chúng ta thấy rằng nó quá mức, vì thứ nhất là Đại Hội 13 khiến cho họ gia tăng đàn áp và khi họ đàn áp như vậy thì họ sẽ không dừng ở đó. Nên sự hỗ trợ của cộng đồng hải ngoại cũng rất cần thiết. Mong rằng chúng ta bỏ qua những cái dị biệt, nhất là qua bầu cử vừa qua để chúng ta có thể nắm tay nhau giúp đỡ đồng bào trong nước”. -Bà Nancy Bùi

Dịch COVID-19 cũng đã làm hoạt động của giới đấu tranh ở hải ngoại ngưng trệ. Tại Đức, Bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, Hội trưởng của Liên Hội  Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại CHLB Đức, nói tất cả các sinh hoạt chính trị văn hóa của Liên Hội đã bị hủy hoàn toàn từ một năm nay. Nhưng trước tình trạng gia tăng đàn áp của chính quyền Việt Nam, như vụ Đồng Tâm hay các vụ bắt bớ những nhà hoạt động, nhà báo như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Đoan Trang và rất nhiều người nữa, bà nói qua điện thư rằng Ban Chấp Hành Liên hội đang nóng lòng chờ cho tình hình miễn dịch cộng đồng tiến triển tốt đẹp để có thể vận động trực tiếp các chính giới cho các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

Từ Hoa Kỳ, bà Nancy Bùi, Phó Hội Trưởng đặc trách ngoại giao của Hội Công Lý cho Nạn Nhân Formosa, cho biết gần đây có tin vui là Tối cao Pháp viện của Đài Loan đã chấp nhận đơn kháng cáo của các nạn nhân của thảm họa môi trường do công ty Formosa của Đài Loan gây ra năm 2016. Vì vậy, năm Tân Sửu, Hội Công lý sẽ dồn sức đại diện cho nạn nhân Việt Nam hầu tòa ở Đài Loan, đồng thời tranh thủ dư luận và sự hiểu biết của người dân Đài Loan về nhu cầu khiếu kiện công ty Formosa.

Để có thể giúp đẩy mạnh công cuộc đấu tranh cho quyền lợi của người dân Việt Nam, bà Nancy Bùi bày tỏ ước vọng như sau:

“Vấn đề đấu tranh, chúng tôi rất mong mỏi sự đoàn kết cũng như hợp tác để cuộc tranh đấu được kết quả hơn. Đồng bào trong nước gặp nhiều khó khăn, những sự đàn áp khốc liệt trong năm 2020 đã cho chúng ta thấy rằng nó quá mức, vì thứ nhất là Đại Hội 13 khiến cho họ gia tăng đàn áp và khi họ đàn áp như vậy thì họ sẽ không dừng ở đó. Sự hỗ trợ của cộng đồng hải ngoại cũng rất cần thiết. Mong rằng chúng ta bỏ qua những cái dị biệt, nhất là qua bầu cử (ở Mỹ) vừa qua để chúng ta có thể nắm tay nhau giúp đỡ đồng bào trong nước”.

Nguồn: RFA 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Ai lươn ai lẹo?

Phan Thanh Hung

RFA – Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng tuyệt thực

Bùi Ngọc Dân

RFA – Qua cơn hoạn nạn, mới hiểu tận lòng nhau

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.