HĐXX cho rằng bị cáo cựu công an viên đã vô cớ chạy sang địa bàn khác đuổi bắt em học sinh không hề có hành vi nguy hiểm, rồi dùng mũ bảo hiểm và các thế võ đánh dã man, gây nứt sọ nạn nhân.
Tại phiên tòa phúc thẩm xử vụ án bắt người trái pháp luật, cố ý gây thương tích xảy ra tại Công an xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), trong phần thẩm vấn bị cáo Lê Minh Phát (24 tuổi, cựu công an viên xã Vạn Long), HĐXX TAND tỉnh Khánh Hòa tập trung làm rõ hành vi vô cớ bắt người, đánh người dã man của bị cáo này.
Hai bị cáo cựu công an viên xã Vạn Long đều khai phó Công an xã Vạn Phước tham gia việc bắt em Tu Ngọc Thạch. Ảnh: TẤN LỘC
HĐXX phúc thẩm nêu lại diễn biến vụ việc: Chiều 29-12-2013, sau khi hai nhóm học sinh mâu thuẫn và đã giải hòa với nhau, Lê Minh Phát vố cớ đuổi bắt em Tu Ngọc Thạch (sinh năm 1999, học sinh lớp 9, Trường THCS Lương Thế Vinh, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh).
Khi em Thạch hoảng sợ chạy trốn sang xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh thì Phát đuổi theo. Em Thạch núp trong bụi cây ven quốc lộ 1 thì Phát lao vào lôi ra đánh đấm. Khi em Thạch chạy trốn xuống ruộng thì Phát đuổi theo, tiếp tục đánh em học sinh này rồi dùng còng số 8 còng tay nạn nhân.
Bị cáo Lê Ngọc Tâm (31 tuổi, công an viên xã Vạn Long) khai đã gọi diện cho ông Huỳnh Trung Thắng, Phó Công an xã Vạn Phước đến tham gia bắt giữ em Thạch. Cả hai bị cáo Phát và Tâm đều khai ông Thắng đã chứng kiến việc Phát bắt, còng tay, đánh đập em Thạch. Tâm nói: “Ông Thắng bảo nghi phạm ở xã Vạn Long thì đưa về xã Vạn Long nên bị cáo chở Phát và em Thạch về Công an xã Vạn Long”.
HĐXX đã đặt ra nhiều câu hỏi với các bị cáo để làm rõ vai trò của ông Thắng trong quá trình Phát bắt, còng tay, đánh đập em Thạch mà cấp sơ thẩm chưa đề cập.
Mẹ nạn nhân đau đớn khi nghe các bị cáo kể quá trình bắt giữ, đánh đập em Thạch. Ảnh: TẤN LỘC
HĐXX hỏi bị cáo Phát: “Trước khi bắt em Thạch, trên đại bàn xã Vạn Long có xảy ra vụ mất an ninh trật tự nào không?. Phát trả lời: “Không”. Tòa hỏi tiếp “Vậy vì sao em Thạch không có hành vi nguy hiểm gì mà lại vô cớ bắt giữ, đánh đập em này?”. Phát không trả lời ấp úng: “Vì nghe có hai nhóm thiếu niên đánh nhau”.
Đại diện VKS nêu lại kết quả điều tra cho biết trên đám ruộng nơi Phát đuổi đánh em Thạch, cơ quan điều tra thu giữ một chiếc mũ bảo hiểm của Phát. Kết quả khám nghiệm cho thấy chiếc mũ bảo hiểm này có vết nứt vỡ, còn in hình năm ngón tay. Trong khi đó, cơ quan giám định pháp y xác định trên đầu nạn nhân Tu Ngọc Thạch có ba vết thương gây nứt sọ do vật tày gây nên. Trong đó, cơ quan pháp y cho rằng một vết do bị cáo Lê Tấn Khỏe (sinh năm 1999, ngụ xã Vạn Long) ném vỏ chai thủy tinh gây ra trước đó. Đại diện VKS cho rằng hai vết còn lại chỉ có thể do Phát gây ra.
Tại phiên tòa, bị cáo Phát khai từng tham gia Câu lạc bộ Võ thuật Khánh Hòa với hai bộ môn Quyền anh, Whusu, từng giành huy chương vàng. Người giữ quyền công tố hỏi tiếp: “Với một người có võ như bị cáo, khi đánh em Thạch, bị cáo có dùng võ thuật để đánh nạn nhân không? Người có võ đánh theo kiểu người có võ. Bị cáo khai chỉ tát em Thạch, sao lại gây nứt sọ?”. Phát không trả lời được.
Bị cáo Lê Minh Phát tươi cười khi tòa tạm nghỉ. Ảnh: TẤN LỘC
Một thẩm phán của HĐXX đặt ra hàng loạt câu hỏi với bị cáo cựu công an viên Lê Minh Phát: “Đâu phải có còng số 8 trong tay rồi muốn bắt ai thì bắt thì bắt, lại đi bắt một cháu nhỏ không có tội tình gì. Lại vô cớ ra tay đánh đập hung bạo như vậy. Đâu phải cứ có chút quyền lực trong tay muốn bắt ai thì bắt, muốn đánh ai thì đánh. Sao bắt một con người mà dễ dàng như vậy? Sao làm công an mà coi thường sinh mạng người khác như vậy? Sao làm công an mà côn đồ quá vậy?”.
Đại diện VKS cũng hỏi thêm bị cáo Phát: “Còng tay chỉ khi người ta phạm tội quả tang hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Đằng này, em học sinh có tội tình gì mà lại còng tay, đánh đập?”. Trước những câu hỏi này, bị cáo lần lượt thừa nhận nhiều hành vi phạm tội của mình.
HĐXX cũng tập trung làm rõ hành vi đồng phạm của bị cáo Lê Ngọc Tâm trong việc bị cáo Phát đánh đập em Thạch. Trong phần thẩm vấn, bị cáo Tâm khai thêm: khi Tâm điều khiển xe máy chở em Thạch ngồi giữa và Phát ngồi sau, trên đường đi, Phát tiếp tục đánh em Thạch. Tại trụ sở Công an xã Vạn Long, Phát tiếp tục bắt em Thạch đứng đối diện để Phát đánh tiếp trong khi em Thạch vẫn bị còng tay.
Theo lời khai của bị cáo Tâm, em Thạch đã bị giữ tại trụ sở hơn một tiếng đồng hồ; sau đó Công an xã Vạn Long buộc người thân em Thạch viết giấy bảo lãnh mới cho về nhà. Đại diện VKS khẳng định việc Công an xã Vạn Long buộc gia đình em Thạch viết giấy bảo lãnh là trái với quy định của pháp luật, không đúng quy trình vì em Thạch không phải là người bị tạm giữ hình sự hay bị tạm giữ hành chính. HĐXX và đại diện VKS nêu ra nhiều vấn đề để làm rõ dấu hiệu tội bắt giữ người trái pháp luật, chứ không chỉ tội bắt người trái pháp luật như câp sơ thẩm đã truy tố, xét xử.
Tấn Lộc
(Theo PLO)
(Theo PLO)