
Hoàng Hưng
(VNTB) – Nhà văn Nguyễn Quang Lập tức blogger Quê Choa bị bắt giam đã 20 ngày, bức thư yêu cầu trả tự do cho anh do 35 văn nghệ sĩ trí thức khởi xướng công bố rộng rãi trên nhiều mạng đã được 15 ngày. Cho đến hết ngày 24/12, trong số gần 1500 chữ ký, tôi thống kê được gần 250 thuộc giới văn nghệ sĩ-nhà báo- nghiên cứu giảng dạy hoặc công tác trong các ngành văn hoá, tức giới có liên quan gần nhất, có thể coi như đồng nghiệp của người bị bắt, chiếm 1/6 tổng số.
Có thể ghi nhận rằng: trong tất cả những “kiến nghị”, “thỉnh nguyện”… các loại xuất hiện trên mạng từ 2008 (mở đầu là kiến nghị phản đối việc thu hồi tập thơ của Trần Dần), đây là văn bản thu được nhiều chữ ký nhất của giới nói trên. Không ít người nhận xét văn nghệ sĩ VN bây giờ thờ ơ với thời cuộc, kém xa các trí thức những ngành khác. Đó quả là một sự thật rất kém vui, nhất là khi giới này thường được tôn làm “kỹ sư tâm hồn”, “thư ký thời đại”, v.v. Nhưng với Bọ Lập, có lẽ tình thân ngày thường với Bọ và tình cảnh bi đát bệnh tật của Bọ đã làm nên bước chuyển biến đáng kể. Không ít tên tuổi chưa từng xuất hiện ở các kiến nghị trước, mà lại có “số má” trong các Hội chính thống, kể cả đương chức, có mặt ở đây. Đơn cử: nhà thơ Thanh Thảo đang du hý bên Thái đã nhanh nhảu điện thoại về nhờ ký tên, nhà văn Văn Giá đương kim Trưởng khoa Đại học, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Bình, NSUT Kim Chi, nghệ sĩ Hồng Ánh, nghệ sĩ Ái Vân, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (thật cảm động cảnh ông ngồi xe lăn cùng với nhà thơ Nguyễn Duy đến trại tạm giam xin gửi rượu ngon vào cho bạn), nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nhạc sĩ Trần Tiến, nhà văn Hoàng Minh Tường, nhà thơ Từ Quốc Hoài, Ngọc Trai nguyên Phó TBT báo Văn nghệ… Nghe nói ông Chủ tịch Hội LHVHNT phát biểu trong một hội nghị lớn là ông rất “đau lòng” về việc này! “Đau lòng” vì các hội viên của mình lên tiếng cứu một đồng nghiệp đang lâm nạn, quả là khó hiểu (nhưng dễ hiểu!).
Từ nước ngoài, nhà nghiên cứu văn học Thụy Khuê cho biết bà không bao giờ muốn ký tên vào những “kiến nghị” kiểu này, nhưng vì tình cảm với Bọ Lập mà lần đầu tiên bà ký!
Tuy nhiên, không ít ý kiến vẫn rất “chê” tình trạng “sức khoẻ lương tâm” của văn nghệ sĩ VN thể hiện qua vụ Bọ Lập. Người ta hỏi: đâu rồi những bạn rượu, bạn “tám”, bạn “ca” hàng ngày của Bọ (con số hình như khá lớn)? Người ta hỏi: đâu rồi 5000 friends của FB Quê Choa? Nhà văn Phạm Thị Hoài phán một cách thẳng thừng: Con thuyền chở Sự thật đơn độc giữa sóng gió của Bọ Lập sẽ đắm vì sự tệ bạc của chúng ta!
Bọ Lập chưa được tự do, cũng chưa được “tại ngoại”, thì thư yêu cầu gửi đến tam vị lãnh đạo còn tiếp tục thu nhận chữ ký. Sẽ còn bao nhiêu văn nghệ sĩ nhà báo tham gia giải cứu bạn mình? Lương tâm những người “tránh né” sẽ có thể yên ổn đến lúc nào? Họ có biết câu nói này của một mục sư người Đức sống dưới chế độ phát xít: ““Đầu tiên bọn Nazi đánh những người cộng sản, và tôi đã không lên tiếng, vì tôi không phải cộng sản. Rồi chúng đánh người Do Thái, và tôi đã không lên tiếng vì tôi không phải Do Thái. Rồi chúng đánh người hoạt động công đoàn, tôi không lên tiếng vì tôi không phải người hoạt động công đoàn. Rồi chúng đánh người Công giáo, tôi không lên tiếng vì tôi không phải người Công giáo. Thế rồi chúng đánh đến tôi… và đến lúc này, chẳng còn ai để lên tiếng cho ai nữa.” [i]
Cách đây ít ngày, một bạn trẻ viết thư cho tôi – một trong những người khởi xướng bản yêu cầu – nói cô rất muốn ký tên, nhưng vẫn ngần ngại vì… sợ bị “trù” không cho xuất cảnh! Tôi trả lời: “Cháu ký hay không ký không quan trọng với chúng tôi, mà quan trọng với cháu”. Chỉ ít phút sau, tôi nhận được thư tiếp theo của cô nói cô đã ký. Thư cô có đoạn: “Nếu mình không đủ trí tuệ và từ bi để giúp mình và giúp người thì hôm nay người ta đàn áp một người nào đó, ngày mai sẽ đến lượt mình. Giống như tình trạng của con ếch bị đun trong nồi nước vậy: nếu con ếch gặp nước sôi đầu tiên thì nó sẽ có phản xạ nhảy bật ra khỏi nước sôi, nhưng nếu đun con ếch từ trong nồi nước lạnh thì nước ấm lên từ từ và nó còn cảm thấy an ổn trong làn nước ấm đó cho đến khi nước quá nóng và con ếch bị nấu chín mà không thể thoát ra được nữa”, “Mỗi người sẽ tự tìm cách chiến thắng nỗi sợ hãi trong mình để đứng lên bởi cái ác chỉ tồn tại khi con người còn sợ hãi”.
Lẽ nào chúng ta không suy nghĩ được như cô bé đáng tuổi con cháu mình?