Ngọc An

(VNTB) – “Trên bảo sao, dưới nghe vậy” trong những phong trào của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã khiến sinh viên tâm lý ỷ lại, tâm lý của có gì thì “Đảng và Nhà nước lo” như họ vẫn thường được khuyến cáo trong những lần chuẩn bị xuống đường phản đối hành vi xâm lược Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Tìm đâu tiếng nói của người trẻ Việt Nam?
Vừa qua, Hong Kong có xảy ra cuộc biểu tình kéo dài, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các cam kết, trả lại quyền dân chủ thực thụ cho người dân Hong Kong như trước năm 1997.
Hai thủ lĩnh của sinh viên và học sinh: Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), thuộc nhóm Học dân tư triều (Scholarism) và Chu Vĩnh Khang (Alex Chow), sinh viên Xã hội học, tổng thư ký của Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông (Hong Kong Federation of Students, HKFS) của 8 trường đại học, đã cùng Nhóm Chiếm lĩnh Trung Hoàn với Tình yêu và Hoà bình (Occupy Central with Love and Peace) thực hiện cuộc biểu tình.
Tuy khác mục đích, song cuộc biểu tình Hong Kong gợi nhớ hình ảnh sinh viên Sài Gòn trước 1975 xuống đường đấu tranh cho tự tôn dân tộc.
Ở Việt Nam, những cuộc biểu tình quy mô nhỏ, tự phát của người dân oan khuất diễn ra suốt mấy năm qua. Con em của những dân oan ấy, chắc hẳn không ít người từng hoặc đang khoác áo sinh viên. Thế nhưng không hề thấy bóng dáng của sinh viên này trong chuyện góp tiếng nói và hành động cho những oan tình này?
Hãy nói bằng cái… đầu của mình!
Là một người vừa tốt nghiệp đại học, tôi cảm nhận thế hệ trẻ ngày nay dường chừng tiếp tục là những cỗ máy được lập trình sẵn. Dường chừng họ quên mất đi là mình nên “nói bằng cái… đầu của mình”, bằng chính kiến của mình.
Sức ì của 12 năm tiểu học, phổ thông và hơn 4 năm đại học là hệ lụy của việc trong học tập thầy bảo thì trò phải nghe, chỉ sao thì làm , không được làm khác hoặc có suy nghĩ khác, nếu trái ý thì sẽ bị điểm kém, bị phạt…
Ngay từ khi còn là những búp măng cần được uốn nắn thì chúng tôi đã được uốn thành những cỗ máy. Không dám phát biểu, đóng góp ý kiến phần vì sợ sai, phần vì đã có thầy cô đưa ra đáp án rồi. Tất cả lời thầy cô nói luôn luôn mặc định là đúng, học sinh phải chép vào, noi theo và ghi nhớ.
Chúng tôi an tâm và hài lòng với những gì thầy cô đưa ra cho đến khi là sinh viên cũng như vậy. Đó là cả một quá trình dài, ăn sâu vào trí óc làm cho sự tư duy, phản biện lại ý kiến của người khác không được hình thành. Cũng bởi từ sợ mà ra (sợ thầy, sợ cô, sợ sai…). Chính cái sợ trở thành thói quen làm lười suy nghĩ và chấp nhận với đáp án, kết quả của giáo viên đưa ra. Đôi khi thấy không đúng, không đồng ý cũng không dám nói ra, không dám trao đổi. Từ đó, tạo thành một sức ì, làm ta luôn chậm chạp hơn so với thế giới.
Giáo điều tạo ảo tưởng…
Do quá trình đào tạo theo kiểu rập khuôn, kiểu mẫu nên đa phần sinh viên sau khi tốt nghiệp thường khó khăn trong vấn đề tìm việc.
Ở trường, sinh viên được học với môi trường toàn là lý thuyết mà không có ứng dụng thực tế. Cũng chính môi trường lý thuyết đó, nhiều sinh viên ngộ nhận mình là giỏi, có kiến thức vững chắc. Nhưng khi đưa ra ngoài môi trường thực tế để làm việc thì những thứ đã có trong quá trình học không áp dụng được. Hoặc phải đào tạo lại.
Các bạn sinh viên của một trường đại học đã có những chia sẻ: Vào đợt thực tập hướng nghiệp, các bạn phải tự tìm nơi thực tập. Theo sự chỉ dẫn của khoa các bạn đã nộp đơn vào một vài nơi, nhưng khi nhìn thấy sinh viên của khoa thì các công ty này thẳng thừng từ chối, vì những khóa trước cũng đến đây thực tập nhưng lại không có kỹ năng phù hợp.
Khi về lại khoa, các bạn trình bày sự việc thì khoa không chấp nhận lắng nghe thực tế, mà tiếp tục cho rằng “thương hiệu” của khoa vốn là “thái sơn” từ mấy mươi năm qua, nên ai đó chê là người đó… dại!
Cũng khó trách. Tại trường học thì người dạy không được phép nói những ý ngoài phạm vi cho phép của giáo án. Tài liệu học tập thì không đầy đủ. Sách vở học thì bị giới hạn. Người học chỉ có cái nhìn một chiều, một hướng theo ý của người giảng dạy đưa ra. Nay vấp phản ứng từ thực tế, những người thầy vốn chỉ là máy phát ấy, buộc phải tin vào câu cửa miệng: “Đảng và Nhà nước lo”.
undefined