Cuộc đối thoại được chờ đợi giữa cộng đồng người Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Bỉ liên quan đến vấn đề lạm thu phí lãnh sự, chậm trả giấy tờ và thái độ phục vụ không phù hợp của nhân viên sứ quán đã không diễn ra như dự kiến.
Thông báo mới nhất được đăng tải ngày 12/6/2015 trên trang của Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ, một tổ chức tự nhận là “đại diện cho cộng đồng người Việt Nam tại Vương quốc Bỉ” cho biết phần đối thoại giữa các hội viên của tổ chức này và Đại sứ quán bị hủy bỏ vì đại diện của sứ quán “bận tập trung các công việc quan trọng khác của đại sứ quán”.
Buổi đối thoại dự kiến diễn ra vào chiều ngày Chủ nhật 14/6/2015 được ông Phạm Huy Hoàng, Tổng thư ký Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ công bố cách nay hơn một tháng sau khi tổ chức này nhận được kiến nghị và đề nghị trợ giúp của một số hội viên liên quan đến mức phí, thủ tục làm hộ chiếu và các giấy tờ liên quan tại Đại sứ quán Việt Nam.
Một người trong Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ nói với BBC rằng ”Cơ hội đối thoại văn minh để giải quyết bức xúc của cộng đồng đã bị Đại sứ quán Việt Nam bỏ lỡ một cách đáng tiếc với lý do thiếu thuyết phục.
”Chưa nói đến cách hành xử thiếu bản lĩnh và kém đàng hoàng của một cơ quan đại diện quốc gia, việc chưa được giải quyết theo cách đối thoại, bức xúc của cộng đồng sẽ tiếp tục âm ỉ và có thể diễn biến theo những cách chưa lường trước được.”
Được biết Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ là một tổ chức trực thuộc Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài do một thứ trưởng Bộ Ngoại giao làm chủ nhiệm.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi tháng Năm tuyên bố sẽ xác minh và cam kết “nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm minh” liên quan tới cáo buộc lạm thu phí của người Việt Nam ở nước ngoài, báo Lao Động nói.
Trước đó, báo này có bài viết theo đó nêu đích danh Đại sứ quán Việt Nam tại Vương Quốc Bỉ đã thu phí cao hơn so với mức quy định hiện hành của Bộ Tài chính, và những người phải trả mức cao này gồm cả sinh viên du học lẫn người định cư tại nước ngoài và vợ, chồng, con cái họ.
Ngoài việc bị tính giá cao từ gấp đôi cho tới thậm chí gấp bốn lần biểu phí chính thức của Bộ Tài chính, những người cần xin giấy tờ còn bị những trì hoãn, chậm trễ mà theo Lao Động là tình trạng “giam” giấy tờ để vòi tiền.
Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ không phải là trường hợp đầu tiên bị đặt câu hỏi về tình trạng mập mờ thu phí đối với các công dân.
Hồi 2005, Đại sứ quán Việt Nam tại Washington D.C. cũng bị những chỉ trích tương tự, và Bộ Ngoại giao đã đưa ra giải pháp hoàn trả khoản tiền chênh lệch cho công dân và có biện pháp cụ thể đối với các cán bộ làm sai.
Bộ Ngoại Giao Việt Nam khi đó khẳng định không hề có chủ trương hoặc văn bản điều chỉnh mức thu lệ phí liên quan tới việc cấp mới và gia hạn hộ chiếu của công dân Việt Nam ở nước ngoài, theo lời ông Thái Xuân Dũng, Trưởng phòng Lãnh sự Nước ngoài thuộc Vụ Lãnh sự Bộ Ngoại giao nói với BBC Tiếng Việt hồi tháng Tám 2005.
Đầu năm 2015, cộng động người Việt tại Phần Lan đã tổ chức biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam để phản đối tình trạng lạm thu phí tùy tiện của nhân viên sứ quán.
Mới đây nhóm người Việt ở Châu Âu tự đứng ra vận động chữ ký để kiến nghị Việt Nam chấm dứt bất cập nêu trên và đã gửi kiến nghị thư dự kiến gửi lên Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam.
Hôm 24/5/2015, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, một kiều dân Việt Nam, đại diện nhóm gửi kiến nghị nói với BBC rằng kiến nghị này xuất phát từ những quan tâm, quan ngại của người dân.
Bà Ngọc Anh trước đó cho hay một trang Facebook đã được lập với nhiều thông tin dưới dạng các ‘câu chuyện’, ‘bằng chứng’, ‘chứng từ’, ‘hóa đơn’ v.v… đã được chia sẻ trên trang có tên gọi “ Tôi và sứ quán” mà theo đó những ai quan tâm có thể truy cập, tham khảo và tìm hiểu.
Bà nhấn mạnh, ngoài các mục đích muốn cho các công việc lãnh sự, đại diện, tiếp đón, giải quyết các nhu cầu của Việt Kiều nói trong kiến nghị được cải thiện, chấn chỉnh, cũng như muốn cho kiều dân Việt Nam nhận thức, bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhóm chủ trương kiến nghị ‘không có bất kỳ mục đích’ nào khác.
Trang “Tôi và Sứ quán” cũng đặt ra câu hỏi về vai trò của các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trong cộng đồng trong nỗ lực trợ giúp những người bị lạm thu nhưng chưa lên tiếng.
Bà Nguyễn thị Ngọc Anh, một trong các thành viên gửi thư kiến nghị nếu trên hôm 13/06 nói với đài VOA rằng ‘Tất cả những gì chúng tôi kiến nghị là những điều đã được nhà nước Việt Nam ban hành trong các điều luật.
”Cho nên phải được thực hiện bởi vì bộ mặt của Bộ Ngoại giao Việt Nam, của đất nước Việt Nam đang bị đe dọa rất xấu. Nó làm tổn thương không chỉ hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài mà làm tổn thương cả bộ mặt của Bộ Ngoại giao Việt Nam.”
BBC