Lao Động là tờ báo đăng bài “Lạm thu phí người Việt Nam ở nước ngoài”.
Hôm 29/5, tờ này nói Bộ Ngoại giao đã yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ tổ chức kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm cán bộ liên quan.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi cho biết Bộ đã yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ chuyển cán bộ có dấu hiệu nhũng nhiễu, tiêu cực mà dư luận phản ánh sang làm bộ phận khác.
Ông Nguyễn Thanh Đức, Bí thư thứ nhất – Lãnh sự, bị triệu về nước để “tiếp tục kiểm điểm, có hình thức kỷ luật nghiêm”.
Bài báo hôm 5/5 kể chuyện chị Nguyễn Hải Yến nhận được “báo giá” làm hộ chiếu mới là 126EUR (cao hơn 61EUR so với quy định).
Ngoài ra, còn có khoản phí Ghi sổ hộ tịch 25EUR (cao hơn 21EUR); Hợp pháp hóa khai sinh Bỉ 40EUR (cao hơn 31EUR); Cấp giấy khai sinh VN 20EUR (cao hơn 11EUR); 2 Bản sao khai sinh 10EUR/bản (so với phí quy định là 4EUR, 2 bản sao là cao hơn 12EUR) và Đăng ký công dân 16EUR (cao hơn quy định 11EUR).
Mới nhất, Bộ Ngoại giao nói Đại sứ quán tai Bỉ đã trao hộ chiếu cho gia đình chị Nguyễn Hải Yến, đồng thời hoàn trả lại cho chị Yến toàn bộ số tiền thu chênh lệch.
Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa tuyên bố sẽ xác minh và cam kết “nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm minh” liên quan tới cáo buộc lạm thu phí của người Việt Nam ở nước ngoài, báo Lao Động nói.
Trước đó, báo này có bài viết theo đó nêu đích danh Đại sứ quán Việt Nam tại Vương Quốc Bỉ đã thu phí cao hơn so với mức quy định hiện hành của Bộ Tài chính, và những người phải trả mức cao này gồm cả sinh viên du học lẫn người định cư tại nước ngoài và vợ, chồng, con cái họ.
Ngoài việc bị tính giá cao từ gấp đôi cho tới thậm chí gấp bốn lần biểu phí chính thức của Bộ Tài chính, những người cần xin giấy tờ còn bị những trì hoãn, chậm trễ mà theo Lao Động là tình trạng “giam” giấy tờ để vòi tiền.
Trên thực tế, nhiều tòa đại sứ của Việt Nam tại các nước không công khai niêm yết giá biểu cũng như thời gian cần thiết, cả ở trụ sở tòa đại sứ, lãnh sự hay trên trang web chính thức.
Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ không phải là trường hợp đầu tiên bị đặt câu hỏi về tình trạng mập mờ thu phí đối với các công dân.
Hồi 2005, Đại sứ quán Việt Nam tại Washington D.C. cũng bị những chỉ trích tương tự, và Bộ Ngoại giao đã đưa ra giải pháp hoàn trả khoản tiền chênh lệch cho công dân và có biện pháp cụ thể đối với các cán bộ làm sai.
Bộ Ngoại Giao Việt Nam khi đó khẳng định không hề có chủ trương hoặc văn bản điều chỉnh mức thu lệ phí liên quan tới việc cấp mới và gia hạn hộ chiếu của công dân Việt Nam ở nước ngoài, theo lời ông Thái Xuân Dũng, Trưởng phòng Lãnh sự Nước ngoài thuộc Vụ Lãnh sự Bộ Ngoại giao nói với BBC Tiếng Việt hồi tháng Tám 2005.
Hồi tháng Giêng vừa qua, tại Phần Lan đã diễn ra cuộc biểu tình của khoảng 100 người Việt trước trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Helsinki với mục đích “chỉ nhằm phản đối việc lạm thu của Đại sứ quán Việt Nam tại Phần Lan”, theo nội dung viết trong lời kêu gọi biểu tình được gửi đi trong cộng đồng người Việt sinh sống tại nước này.
Năm 2006, Bộ Ngoại giao Việt Nam từng bị kiểm toán về việc lập quỹ ngoài ngân sách với số tiền lên tới 16 triệu đô la, mà theo Bộ trưởng khi đó, ông Nguyễn Dy Niên, là được hình thành từ khoản trích tự nguyện lương của các cán bộ ngoại giao đi nước ngoài để giúp những người ở trong nước, và sau này gồm cả một phần trích ra thu các nguồn thu lệ phí của các tòa đại sứ.