Việt Nam Thời Báo

Sun Group đang làm gì ở Việt Nam?

Lê Anh Hùng

VOA

Sun Group đang gấp rút san lấp, bức tử sông Cái. (Ảnh: Huỳnh Ngọc Chênh)
Sun Group đang gấp rút san lấp, bức tử sông Cái. (Ảnh: Huỳnh Ngọc Chênh)

Ngày 6/3/2017, trên trang Facebook cá nhân, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đã đăng bài “Ai cho phép Sun Group lấp sông?” Theo tác giả, Đà Nẵng giải tỏa hai xã Hòa Xuân và Hòa Quý để giao cho tập đoàn Sun Group làm khu du lịch sinh thái. Tuy nhiên, khu du lịch sinh thái đâu chẳng thấy mà chỉ thấy một khu đô thị sinh thái đang hình thành. Hàng ngàn ngôi nhà dân kể cả đình, chùa, nhà thờ họ tộc bị cày trắng, hàng trăm ha ruộng là phương tiện sinh nhai của nông dân bao đời nay bị san lấp để phân lô. Giá đền bù cho nông dân vỏn vẹn vài chục ngàn VNĐ/m2, để rồi sau đó được rao bán tới hai mươi triệu VNĐ/m2.
Mặc dù vậy, chừng đó vẫn chưa thỏa lòng tham của nhà đầu tư này. Sun Group còn san lấp lấn chiếm hàng chục mét ra dòng sông Cái, đoạn ngã ba giáp với sông Cẩm Lệ chảy ra sông Hàn, và công khai cho hàng chục xe tải đổ đất san lấp ngày đêm.
Sun Group đang gấp rút san lấp, bức tử sông Cái. (Ảnh: Huỳnh Ngọc Chênh)
Sun Group đang gấp rút san lấp, bức tử sông Cái. (Ảnh: Huỳnh Ngọc Chênh)
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đặt câu hỏi về hành vi bức tử sông Cái của Sun Group: “Không biết ông Nguyễn Xuân Anh và Huỳnh Đức Thơ biết chuyện nầy hay không? Hay là hai ông đang loay hoay với grab, với việc trả lại xe biếu, với hầm chui qua sông bằng mọi giá nên không còn biết gì hết. Liệu các chuyện đó có liên quan gì đến việc lấp sông nầy không???”
Hỏi tức là đã trả lời. Một dự án lớn và được triển khai rầm rộ như thế thì lẽ dĩ nhiên lãnh đạo thành phố Đà Nẵng không thể không biết mà phải biết rất rõ.
Đây không phải là dự án tai tiếng đầu tiên của Sun Group. Tập đoàn này còn là chủ đầu tư dự án “Quần thể công trình du lịch văn hoá dịch vụ cáp treo, vui chơi giải trí, khách sạn Fansipan Sa Pa”, được khởi công xây dựng từ tháng 11/2013. Cùng với hệ thống cáp treo, dự án bao gồm khu nghỉ dưỡng cao cấp gồm hệ thống khách sạn 4-5 sao, khu vui chơi giải trí, ẩm thực, một khu down-town Sa Pa, một sân golf 18 lỗ, và một khu du lịch tâm linh gồm hệ thống đền chùa trên đỉnh Fansipan. Việc thực hiện dự án đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả môi trường sinh thái lẫn cảnh quan của Vườn Quốc gia Hoàng Liên, một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng nhất Việt Nam, với tổng diện tích vùng lõi gần 30 ngàn ha và vùng đệm gần 39 ngàn ha. (Bên cạnh quần thể thực vật rất phong phú, với 2.024 loài thuộc 200 họ, trong đó có 66 loài trong sách đỏ Việt Nam, là một hệ động vật đa dạng, với 66 loài thú, 347 loài chim, 41 loài lưỡng cư và 61 loài bò sát.)
Tuy nhiên, chứng kiến sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng cả dàn lãnh đạo địa phương từ Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai trở xuống trong lễ động thổ xây dựng chùa Bảo An – một trong những ngôi chùa nằm trong quần thể tâm linh do Sun Group xây dựng trên Fansipan – vào ngày 20/9/2014 thì hẳn ai cũng hiểu mọi sự phản đối đều chẳng khác gì “đá ném ao bèo”.
Tháng 9/2014, Sun Group khởi công xây dựng dự án Sun World Ha Long Park tại thành phố Hạ Long, địa danh hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Để thực hiện dự án này, hàng trăm ha mặt biển thuộc vùng đệm của di sản thiên nhiên thế giới, vốn bị cấm xâm phạm theo hồ sơ di sản cũng như quy định của UNESCO, đã bị san lấp một cách vô tội vạ, bất chấp sự phản đối của dư luận.
Sun Group ồ ạt san lấp biển ở vịnh Hạ Long, xâm phạm nghiêm trọng vùng đệm của di sản thiên nhiên thế giới. (Ảnh: Lê Anh Hùng)
Sun Group ồ ạt san lấp biển ở vịnh Hạ Long, xâm phạm nghiêm trọng vùng đệm của di sản thiên nhiên thế giới. (Ảnh: Lê Anh Hùng)
Chưa hết, Sun Group lại sắp thực hiện dự án Công viên Đại Dương Sơn Trà (Sơn Trà Ocean Park) tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đe dọa tàn phá nghiêm trọng hệ sinh thái nơi đây. Việc Sun Group san lấp 100ha mặt biển sẽ xâm hại quần thể san hô vốn cần được bảo vệ nghiêm ngặt của bán đảo Sơn Trà. Đặc biệt, việc xây dựng hệ thống cáp treo đưa du khách đi thẳng từ bến du thuyền lên đỉnh Đá Bàn sẽ đe dọa môi trường sống của loại voọc chà vá chân nâu đặc hữu của Sơn Trà. Ngoài ra, vị trí dự án là nơi trú ngụ, neo đậu của hàng trăm tàu thuyền của ngư dân trải qua bao thế hệ. Vì vậy, việc xây dựng công viên khiến hàng trăm hộ ngư dân phải đối diện với nguy cơ thất nghiệp.
Không còn nghi ngờ gì, đằng sau những tập đoàn mafia kinh tế như Sun Group là những ông trùm mafia chính trị. Những dự án như khu đô thị sinh thái ở Hoà Xuân hay công viên đại dương ở Sơn Trà, v.v. không chỉ là nơi ra đời của những tỷ phú dollar Việt Nam mà cả lớp lớp dân oan, những người bị tước mất quyền con người thiêng liêng nhất – quyền được sống. Và mới đây Lê Viết Lam – ông chủ bí hiểm của Sun Group – là một trong những cái tên đầu tiên mà BPSOS thông báo tìm kiếm thông tin cá nhân vì những thành tích nhân quyền bất hảo.
* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo