Tái cấu trúc – con đường để phát triển

Nguyễn Huy Canh

Tái cấu trúc nền kinh tế dựa trên việc tái cấu trúc 3 trụ cột: đầu tư công, ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước đã được đặt ra từ những năm trước. Và giờ đây, điều này càng được đặt ra như một tất yếu lịch sử trước những sai lầm, khuyết tật, và hậu quả yếu kém của nền kinh tế.

Nợ công tăng nhanh, chi phí cho đầu tư giảm mạnh, biên chế, bộ máy cồng kềnh quá sức chịu đựng của nền kinh tế; năng suất lao động cực thấp, đời sống đói nghèo của nhân dân; tăng tiền lương ở năm tới là những vấn đề được đưa ra bàn luận, tranh cãi thẳng thắn, công khai và nóng ở nghị trường Quốc hội trong những ngày qua.

Tái cấu trúc nền kinh tế, vì thế đã được đặt ra như một mệnh lệnh cấp bách của thực tiễn nước nhà.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã ghi nhận những thành tích đạt được trong quá trình thực hiện tái cấu trúc này của Chính phủ, đặc biệt ở lĩnh vực ngân hang trong hơn năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh đó, người ta cũng đã thấy ra được sự chậm chạp, nhiều lúng túng của con đường đổi mới đầu tư công, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Những yếu kém, bế tắc đang bộc lộ đã được thừa nhận, và đưa các doanh nhân, các nhà hoạch định chính sách mon men đến những câu hỏi cao hơn, và những khẳng định mạnh mẽ hơn, như bộ trưởng Bùi Quang Vinh: không đổi mới cán bộ thì không thể đổi mới được nền kinh tế. Còn với Lê Thanh Phong (theo báo Lao động), thì cực đoan hơn, khi ông cho rằng con người mới là tiềm năng của đất nước, chứ không phải là thể chế trong cái ý nghĩ “tái cơ cấu chính các ông đi”.

Tôi quan niệm rằng tái cấu trúc 3 lĩnh vực của nền kinh tế được định hình, và đưa ra mổ xẻ trên nghị trường là một bước tiến lớn, và quan trọng của đất nước từ giai đoạn tư duy kinh nghiệm trong hình thành chính sách đến tư duy lí tính: sự vận động của thực tiễn chính trị đã đang bước tới giai đoạn lí tính hóa.

Nếu tư duy kinh nghiệm chỉ giới hạn vào cái đã qua làm cơ sở, thông qua công việc tổng kết cho sự vận động của nó, thì lí tính đòi hỏi các chính khách phải hình thành, và làm rõ được (các) nguyên lí chỉ đạo cho quá trình các sự biến diễn ra. Không phát hiện ra được nguyên lí “tiềm ẩn” trong các sự biến đó sẽ làm cho tiến trình các sự kiện, và hành động của chúng ta chậm chạp, rối rắm. Đặc biệt nguy hiểm hơn, nếu các nguyên lí được phát hiện không phù hợp với logic của các sự biến sẽ để lại hậu quả rất nặng nề cho thực tiễn chính trị nước nhà, như những năm qua chúng ta đã thấy.

Khi người ta nói tới vấn đề cán bộ, hay rộng hơn là con người được xem như một khâu mang tính đột phá, quyết định cho quá trình tái cấu trúc thành công, người ta có bao giờ tự hỏi Con người là gì không?

Con người, được xét ở khía cạnh hành vi, hành động, bao giờ cũng được chúng ta hiểu là “vật” mang tính chủ quan, chủ thể.

Nhưng tính chủ thể này, cho đến giờ đã được kinh nghiệm của tư duy triết học thống nhất: tính chủ động, năng động, tính sáng tạo của y là rất hạn chế. Và chủ thể luôn là tính thứ 2 của thế giới.

Theo nghĩa ấy, ở mọi cấp độ, con người cần phải được hiểu nét chủ yếu ở y là sản phẩm của môi trường, của hoàn cảnh, sản phẩm của các cơ chế, nguyên tắc đang vận hành của các thiết chế xã hội.

Mọi con người bình thường/ phổ biến/như chúng ta khi được đáp vào cái cơ chế độc quyền, cơ chế xin-cho, và những cơ chế không minh bạch khác…thì đều khó thoát khỏi tham nhũng, tiêu cực, giả dối…ở những mức độ, phạm vi khác nhau (dĩ nhiên, không loại trừ những trường hợp đặc thù có trách nhiệm, trong sạch trong cái cơ chế đó.)

Tham nhũng, giả dối, nói tóm lại năng lực, các phẩm chất tiêu cực, tha hóa của cán bộ, công chức cần phải được chúng ta nhất quyết xem nó là sản phẩm, là nạn nhân của các cơ chế, chính sách của thể chế chính trị đang vận hành.

Thấu hiểu nguyên lí này sẽ đưa các truy vấn cuối cùng của chúng ta không phải là về nơi con người, về cán bộ theo một công thức hời hợt: “không ai mang đá ghè vào chân mình”. Đó phải là câu hỏi nghiêm túc về thể chế.

Đổi mới thể chế, tái cấu trúc quyền lực chính trị của đất nước đã là khát vọng chính đáng của chúng ta.

Chúng ta đã nghe thấy tiếng kêu ấy ở nhiều nhân sĩ, trí thức, nhiều chuyên viên cấp cao của chính phủ trong hai, ba năm qua.

Nhưng thể chế chính trị mà chúng ta nói tới ở đây là gì? Và đâu là nguyên lí của công cuộc tái cấu trúc hệ thống quyền lực này?

Các chuyên gia kinh tế, các chuyên viên của chính phủ thường chỉ giới hạn thể chế này vào quyền lực, và chức năng của nhà nước, và đưa ra những khuyến nghị, như cải cách thủ tục hành chính để bớt đi các loại phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp, giảm mạnh thời gian nộp thuế; giảm mạnh vai trò, sự điều hành trực tiếp của nhà nước vào công việc kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận; nhà nước trở thành nhà nước kiến tạo, và phát triển…

Thể chế chính trị của nước ta rất không giống ai. Nó không như các định nghĩa chúng ta thường gặp trong ngành chính trị học, rằng chỉ bó hẹp vào quyền lực nhà nước.

Vì thế, những khuyến nghị, những kế sách tuyệt vời nói trên chỉ đem lại những hiệu quả cục bộ, chắp vá, và những cuộc tranh cãi về mô hình phát triển, cứ kéo dài.

Thể chế chính trị của nước ta là một hệ thống được cấu trúc theo nguyên lí tam vị nhất thể: đảng-nhà nước-mặt trận. Trong đó đảng vừa là một thực thể riêng biệt, vừa là nền tảng, trung tâm của hệ thống đó, và do đó, đảng cũng đồng thời có mặt ở khắp mọi nơi của hệ thống, và xã hội.

Từ nguyên lí cấu trúc này đã sản sinh ra các cơ chế cho sự vận hành của nó, như cơ chế độc quyền, cơ chế xin-cho…, và các nguyên tắc hoạt động như tập thể lãnh đạo-cá nhân phụ trách, tập trung dân chủ, chứ không phải là cá nhân lãnh đạo, và chịu trách nhiệm trước nhân dân, và pháp trị chỉ như một nguyên tắc thức hai sau các nguyên tắc đó.

Cái hệ thống cấu trúc quyền lực này đã được sinh ra từ hơn 50 năm qua, và đã phát huy được vai trò lịch sử của nó. Giờ đây nó đã cạn kiện động lực của sự phát triển. Nó trở thành thể chế đảng trị, chính xác như học giả Nguyễn Trung đã gọi.

Tái cấu trúc thể chế cần phải định hình một nguyên lí mới để tam vị được trở nên như chính nó trong sự độc lập (tương đối) của mình. Tôi gọi đó là nguyên lí giải nền tảng để trở thành đa hệ thống.

Nếu nguyên lí tái cấu trúc trên đây được thực tiễn minh định, thì xã hội được hiểu như hệ thống mở, sẽ hình thành được cơ chế vận hành theo hướng dân chủ, và nguyên tắc pháp trị sẽ trở thành nguyên tắc hoạt động chủ đạo của hệ thống mở ấy.

Cái thể chế mới này được hình thành, sẽ kéo theo sự thay đổi về năng lực và phẩm chất đạo đức của các con người trong sự vận hành của nó. Các con người, nói ở đây, không phải ai khác, mà lại là chính chúng ta, những người của ngày hôm qua, và hôm nay còn đang mang trên mình đầy tiêu cực, tội lỗi, và nỗi xót xa vì các quyền tự chủ bị cắt xén.

Cơ chế dân chủ, nguyên tắc vận hành pháp trị, và trách nhiệm cá nhân được triển khai trở thành lí thuyết “thống trị” hệ thống này sẽ tỏa sáng, ảnh hưởng lên toàn bộ sự vận động của nền kinh tế, và trở thành động lực to lớn cho sự thành công trong công cuộc tái cấu trúc 3 trụ cột nói trên…

Đó là lí do, tái cấu trúc thể chế chính là con đường của sự phát triển trong yêu thương, hòa bình, dân chủ và lí tính.

* Tác giả gửi bài cho VNTB

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)