Gần hai năm sau khi thành lập, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam qua tờ báo mạng nằm ngoài sự kiểm soát của đảng Cộng sản vẫn là một thách thức đối với độc quyền thông tin của nhà nước.
Với hơn 80 hội viên và trung bình 70.000 người đọc mỗi ngày, người sáng lập của nhóm và tờ báo mạng Việt Nam Thời Báo hài lòng về những tiến triển và tin rằng họ đã đạt được đủ mạnh để tiến bước đến dân chủ.
“Chúng tôi đã tăng gấp đôi số lần truy cập và số hội viên. Tuy nhiên, chúng tôi còn phải cải thiện vì nhiều hội viên của chúng tôi không có kinh nghiệm và chuyên nghiệp nhà báo”, ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch của hội và phó giám đốc trang mạng nói.
Tại Việt Nam các nhà báo độc lập ngày càng mạnh. Ảnh: giao diện trang web Hội nhà báo độc lập VN |
Trong cuộc họp thường niên tại một quán cà phê ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ), hơn ba mươi hội viên của nhóm này thảo luận về các tiến triển, các dự án của họ và tình hình chung của đất nước.
Cuộc họp diễn ra vào đêm cuối của năm mới âm lịch, lễ hội quan trọng nhất ở Việt Nam, vì vậy không ai nghĩ là công an sẽ đến, và như thế có thể phát biểu thoải mái ít nhất là bốn giờ đồng hồ.
“Những lần khác, chúng tôi thường thấy mặc công an mặc thường phục lởn vởn chung quanh, nhưng hôm nay không có ai”, một người tham dự nói.
Đây là một nhóm không đồng nhất, một pha trộn gồm những người cộng sản cũ đã vỡ mộng, các nhà hoạt động cho dân chủ từ hàng chục năm nay, các blogger mới vào cuộc, thậm chí một tu sĩ Phật giáo không hài lòng vì thiếu tự do tôn giáo.
Hầu hết các tham dự viên cuộc họp đều bị quản thúc tại nhà nhiều ngày trước đó vì cơ quan an ninh muốn ngăn chặn bất kỳ sự quấy rối nào trong thời gian đại hội Đảng Cộng sản, kết thúc vào ngày 28 tháng Giêng với kết quả Nguyễn Phú Trọng được bầu lại làm tổng bí thư, một chức vụ có quyền hành lớn nhất nước.
Chiến thắng của Trọng, người không mấy cải cách và cởi mở, là một trong những đề tài chính của cuộc bàn luận.
“Chúng tôi luôn luôn phải tìm cách tận dụng mọi tình thế, ngay cả với Trọng”, Bùi Minh Quốc, Phó chủ tịch Hội nói với EFE (1).
Là nhà thơ, nhà báo, Quốc từng là một phóng viên nhiệt tình cho phía cộng sản trong chiến tranh, nhưng cuối cùng vỡ mộng vì tham nhũng và thiếu tự do.
Các tác phẩm và sự dấn thân chính trị của ông đã khiến ông bị bốn năm tù giam và nhiều lần quản thúc tại gia, nhưng ở tuổi 74 ông không chùn bước và nhìn về tương lai bằng con mắt lạc quan.
“Chính quyền Việt Nam đang chịu nhiều áp lực từ bên ngoài bởi vì bây giờ (VN) là một phần của nền kinh tế toàn cầu. Tự do kinh tế có thể mang lại tự do chính trị”, ông nói.
Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, ba lần ứng viên cho giải Nobel Hòa bình cho các hoạt động hòa bình của mình, từng bị cầm tù nhiều lần, cho rằng có khả năng chuyển đổi sang dân chủ.
“Điều quan trọng nhất là chúng tôi phải hủy bỏ các điều khoản trong hiến pháp dành cho đảng Cộng sản uy quyền tối cao. Chúng tôi phải quay trở lại với quốc hội trong vai trò của nó là cơ quan chủ quản và đi đến một nền dân chủ không độc đảng”, ông nói thêm.
Ngược với sự lạc quan của những người lớn tuổi, các hội viên trẻ, chẳng hạn như blogger Phạm Bá Hải, nhấn mạnh những khó khăn và đàn áp tiếp tục của chính quyền Hà Nội.
Hải nhắc nhở người tham dự đến nỗ lực thất bại hồi tháng chín năm ngoái trong việc xây dựng một truyền hình độc lập và sáu người sáng lập bị bắt.
Dù bị áp lực quốc tế, Việt Nam vẫn còn bị xếp hạng 175 trên 180 nước trong bảng xếp hạng tự do ngôn luận của tổ chức Phóng viên Không biên giới
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, Việt Nam hiện giam cầm 60 tù nhân lương tâm, trong đó có các blogger bất đồng chính kiến.
Nguồn: Eric San Juan (EFE/El Dia)
Bản dịch của Vi Minh (Diễn Đàn Việt Nam 21)