Việt Nam Thời Báo

Tản mạn ngày 21/6: Nhà báo và cách “làm tiền”

Dương Ngạn
Cách đây một năm, trước thềm ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, nhà báo Nguyễn Như Phong khi đó đang là tổng biên tập tờ Năng Lượng Mới (Petro Times) đăng đàn ví nghề báo như đời con chó “Nghề phóng viên là phải như con chó ấy”. Nhưng một nhà báo chân chính chẳng ai lại thích bị gọi là chó bao giờ. Cuối bài viết, ông Phong đưa ra lời khuyên với các nhà báo, khi bị ví là chó đừng chạnh lòng mà hãy nghĩ về những phẩm chất tuyệt vời của con chó, đó là biết vâng lời và trung thành. Chó ở đây, theo lời của ông Phong, không những vâng lời và trung thành mà còn biết cách “làm tiền”.
Trên thế giới có không ít nhà báo giàu có nhờ công việc viết lách. Chẳng hạn như Maria Bartiromo, một nhà báo Mỹ, tài sản của cô ước tính là 22 triệu USD hay nhà báo Walt Mossberg của tờ The Wall Street Journal, với gần 1 triệu USD tiền nhuận bút hàng năm, tổng tài sản trị giá 170 triệu USD. Ở Việt Nam, tôi nghĩ không có nhà báo nào làm được điều ấy nếu họ chỉ kiếm tiền bằng chất xám. Một nhà báo thực sự sống bằng nghề, thu nhập có thể là vài chục triệu một tháng chưa thể gọi là giàu có. Được gọi là giàu có phải là, nhà biệt thự, tài sản hàng chục tỷ đồng, xe hơi bạc tỷ, con cái du học…
Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 18.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề. Trong số đó liệu có bao nhiêu nhà báo thực là nhà báo theo đúng nghĩa ? Không ai biết chính xác nhưng sẽ có nhiều, vì không phải nhà báo nào cũng bán lương tâm, đạo đức nghề nghiệp và lòng tự trọng vì những đồng tiền bẩn. Nhưng cũng có không ít những kẻ cơ hội lợi dụng quyền lực vô hình của báo chí để trục lợi.
Trong làng báo hiện nay không thiếu những người giàu có, thậm chí là rất giàu. Nhưng sự giàu có của họ thường là nhờ thủ đoạn, mánh khóe. Còn cách thì muôn vàn, đại loại như: ép buộc, đe dọa các doanh nghiệp để xin quảng cáo, ăn hoa hồng. Đe dọa đăng thông tin tiêu cực để tống tiền, cưỡng đoạt tài sản. Nhận tiền viết bài tâng bốc, ca tụng. Lợi dụng sự quen biết để chạy chức, chạy quyền…Nhưng không phải nhà báo nào cũng làm tiền được, một anh phóng viên tép riu chẳng làm được gì cả, mà phải là những nhà báo có chức vụ. Phải như: tổng biên tập, phó tổng biên tập, thư ký tòa soạn, trưởng, phó đại diện các văn phòng đại diện.
Thế nên, chuyện nhà báo ở Việt Nam bị bắt vì tống tiền, nhận hối lộ, lừa đảo không phải là hiếm. Hầu như năm nào cũng có một vài vụ. Như mới đây, ngày 24/3 công an Hải Phòng đã bắt trưởng văn phòng đại diện báo Kinh doanh và Pháp luật ở thành phố cùng 2 phóng viên của báo này vì có hành vi tống tiền. Theo báo chí tường thuật, 3 nhà báo kể trên đã theo dõi, phát hiện các hộ gia đình, các tổ chức xã hội có dấu hiệu vi phạm pháp luật, sau đó đe dọa họ sẽ đăng báo nếu không chịu nộp tiền. Cũng theo công an TP Hải Phòng, việc này đã được thực hiện thời gian dài và thu tiền của nhiều người dân, tổ chức tại địa bàn thành phố.
Trước kia khi mới đọc “lời ai điếu cho một nền báo chí bút nô” của nhà báo Lê Phú Khải, tôi có phần nghi ngờ những gì ông viết. Nhưng đến gần đây tôi gặp lại người bạn đồng môn thời đại học, hiện đang làm phó đại diện cho một tờ báo lớn của trung ương, phụ trách khu vực miền trung, qua những gì nó kể, tôi tin những gì Lê Phú Khải viết. Nghĩ mà buồn cho nền báo chí cách mạng vinh quang.
Gần 20 năm không gặp, tôi thực sự choáng trước cơ ngơi của nó, căn biệt thự trên khu đất rộng cả ngàn mét vuông, xe hơi hai chiếc, mỗi chiếc giá cả tỷ bạc. Tôi thắc mắc, chỉ làm báo thôi, sao giàu đến thế. Nó thú thật với tôi: nghề báo chân chính thì chỉ đủ sống ở dạng bậc trung, nhà lầu xe hơi chỉ là giấc mơ. Cũng như các ngành nghề khác, nghề báo cũng có những mặt trái, đồng tiền luôn có ma lực và không phải ai cũng đủ bản lĩnh vượt qua sự cám giỗ nhất. Thời thế nó đưa đẩy, mình không làm thì có người khác làm. Xét cho cùng vị trí như mình chẳng là gì so với những người khác nhưng hơn hẳn những phong viên bình thường. Mình kiếm được một đồng họ kiếm được mười đồng. Họ thuộc dạng cáo già khôn lanh, luôn biết giấu cái đuôi của mình và có một vỏ bọc hoàn hảo. Họ còn được ca tụng, vinh danh và được mời nói chuyện, thỉnh giảng ở các trường đại học, các buổi hội thảo. Chả sao cả, xã hội này đầy những kẻ như thế.
Có nhiều cách để kiếm tiền – nó nói. Đối tượng dễ nhất là các cơ quan, công ty, doanh nghiệp nhà nước. Ở đó luôn có sai phạm và sai phạm của họ luôn là cơ hội của mình. Muốn làm được điều ấy phải “thính” để phát hiện ra những sai phạm, những vấn đề thì mới làm tiền họ được. Nhưng đó thôi chưa đủ, mà còn phải phụ thuộc đó là tờ báo nào. Báo càng lớn, càng uy tín, nhiều ảnh hưởng thì càng dễ làm tiền.
Cái bọn đưa tiền cho mình không vui vẻ gì, họ ví mình như những kẻ cướp cạn. Vì mình làm tiền trên cái sai của họ nên họ chấp nhận ngậm bồ hòn khen ngọt. Chẳng hạn, đối với cánh Cảnh sát giao thông, họ nhận tiền mãi lộ, mình lại nhận tiền từ họ. Nó khẳng định, biết tất cả các đội trưởng của các trạm Cảnh sát giao thông ở các tỉnh mà hắn phụ trách và nắm rất rỏ lai lịch của họ và cách họ kiếm tiền. Lâu lâu điện thoại hỏi thăm là họ biết phải làm gì. Vậy nên, đến tỉnh nào, chỉ cần một cuộc điện thoại là có người đứng ra trả mọi chi phí và còn nhận phong bì mang về. Trước mặt mình họ tỏ ra vui vẻ, nhưng sau lưng kiểu gì họ chẳng chửi mình là đồ chó. Nhưng chó thì đã sao, miễn là có tiền. Ở xã hội này chỉ có kẻ có tiền mới có quyền và được trọng vọng.
Nghe những gì nó kể, tôi chỉ biết thở dài. Cũng không trách nó được, vì cái cơ chế này nó thế. Ai ngồi vào vị trí của nó rồi cũng thế cả thôi. Quyền lực khi không được kiểm soát thì dễ làm tha hóa con người. Nói như nhà báo Võ Văn Tạo: nguyên nhân chính, cơ bản ấy, là một xã hội không chú trọng về đạo đức, về tình thương. Cái chuyện nói dối là phổ biến, cho nên là cái giả dối là phổ biển của nền tảng chính trị thì nó kéo theo tất cả những thứ khác, đạo đức nó suy đồi.
Dương Ngạn

Tin bài liên quan:

VNTB – Cảm khái ‘Dáng đứng Việt Nam’: Dáng đứng sân golf

Phan Thanh Hung

VNTB- Chính quyền Trump thất bại trong việc kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền

Phan Thanh Hung

‘Tước quốc tịch chưa có tiền lệ ở Việt Nam’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.