Chính phủ Việt Nam cố gắng trấn an người dân là nền kinh tế không có dấu hiệu giảm phát, mặc dầu chỉ số giá tiêu dùng CPI giảm 4 tháng liên tiếp và đặc biệt lần đầu tiên sau 10 năm tháng Tết có chỉ số giá âm.
Theo Vietnam Net giá tiêu dùng tháng 2/2015 có chỉ số âm 0,05% ngược với bình thường tháng tết giá cả luôn luôn tăng mạnh. Ngoài ra 3 tháng trước đó chỉ số giá tiêu dùng liên tục âm hơn 0,2% mỗi tháng.
Nhận định về tình trạng vừa nêu, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế từ Hà Nội nhận định:
“Nó biểu hiện rất nhiều vấn đề, thứ nhất sản xuất chưa thực sự khởi sắc, doanh nghiệp còn khó khăn cho nên thu nhập của người lao động còn thấp; chính vì vậy sức mua còn hạn chế. Thứ hai là qua việc sản xuất còn khó khăn, hàng tồn kho còn nhiều cho nên các doanh nghiệp phải hạ giá.
Việc giảm giá vừa qua thực chất không phải do năng suất, do chất lượng mà do nhiều nguyên nhân khác, không phải do tăng trưởng phát triển của nền kinh tế. Cho nên họp Chính phủ vừa qua thì đã bàn xem có phải là giảm phát hay không? Thực chất thì chưa phải giảm phát, nhưng nó biểu hiện một nền sản xuất chưa thực sự khởi sắc mà còn biểu hiện sự trì trệ của nó và nếu nó kéo dài thì chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng, nó là biểu hiện không tốt của nền kinh tế.”
Theo báo chí chính thức như Vietnam Net đưa tin, tại phiên họp Chính phủ ngày 2/3 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, CPI giảm liên tiếp không phải là hiện tượng giảm phát của nền kinh tế, mà nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng, dầu, giá ga trong nước giảm mạnh theo giá thế giới. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng giá xăng dầu giảm đã tác động làm giảm chỉ số các nhóm hàng giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng. Ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh, giảm phát của nền kinh tế được phản ánh qua hiện tượng cung vượt cầu, dẫn tới suy giảm sản xuất trong nước. Tuy nhiên theo lời ông, tình hình sản xuất trong nước hai tháng đầu năm vẫn phát triển tốt, sức mua thể hiện qua tổng mức bán lẻ tăng cao.
Trao đổi với chúng tôi, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không đồng thuận với quan điểm lạc quan của Chính phủ:
Việc giảm giá vừa qua thực chất không phải do năng suất, do chất lượng mà do nhiều nguyên nhân khác, không phải do tăng trưởng phát triển của nền kinh tế.
– Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long
“Tôi cho đó là không tốt bởi vì thực sự nó đã tiến tới tình trạng giảm phát rõ ràng…Cần xem lại và có sự kích cầu đúng mức. Giá dầu chỉ là một phần thôi chứ không phải tất cả mọi người ai cũng ăn vào giá dầu. Cần xem lại nông nghiệp sản xuất thế nào, công nghiệp phát triển đến mức độ nào, chỉ nhìn một phía là hơi chủ quan. Bởi vì thực sự đời sống của dân cư có lên không, tình hình thu nhập của người dân như thế nào? chứ không chỉ nhìn vào giá cả… bán rau không có người mua, thịt thì hiếm người mua…chúng ta cho rằng như vậy là lạm phát giảm thế là tốt, cái đó không phải vậy…Một loạt các tỉnh biên giới vừa rồi chính phủ vẫn phải trợ cấp bao nhiêu gạo thóc lên trên đó…”
Giảm phát được hiểu là tình trạng giá cả nói chung trên thị trường bị giảm xuống liên tục. Nói cách khác giảm phát là lạm phát với tỷ lệ mang giá trị âm. Thông thường tình trạng giảm phát xuất hiện khi kinh tế suy thoái hay đình đốn và tổng cầu giảm.
Theo tài liệu Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright TP.HCM được báo điện tử Saigon Times đưa lên mạng, giảm phát có hai loại tốt và xấu. Theo đó giảm phát tốt chỉ xảy ra trong thị trường tự do, năng suất cao làm giá thành hạ, khuyến khích người tiêu dùng mua nhiều hơn và kết quả là thành sản phẩm càng giảm hơn…hoặc do cạnh tranh những sản phẩm độc quyền bị đẩy giá lên cao phải chấp nhận giảm giá.
Tín dụng tăng bất thường
Vẫn theo tài liệu của Saigon Times “giảm phát không tốt xảy ra khi giá giảm nhưng số hàng bán không tăng. Các công ty phải giảm quy mô sản xuất và thải bớt nhân công. Trước nguy cơ mất việc, mọi người sẽ tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít hơn, kết quả là giảm phát trở nên trầm trọng.”
Khu chung cư Phú Mỹ Hưng tại thành phố Hồ Chí Minh. AFP photo
Chính phủ Việt Nam không nhìn nhận tình trạng giảm phát hoặc nguy cơ giảm phát và đưa ra những số liệu màu hồng về sức mua và tổng mức bán lẻ tăng cao. Tuy vậy theo các chuyên gia kinh tế, khi một quốc gia có dấu hiệu giảm phát xấu, chính phủ thường đối phó bằng chính sách nới lỏng tiền tệ, như tăng cung tiền, giảm thuế hay điều chỉnh lãi suất.
“Lạm phát 3%-4% với một chính sách tiền tệ tương đối mở rộng hơn một chút thì có cơ sở cho nền kinh tế có thể phần nào phục hồi, dù rất là mong manh. Nền kinh tế Việt nam không có một mảng nào có sức bùng lên, chỉ có đầu tư nước ngoài vào là chính còn đầu tư trong nước chưa thấy có triển vọng gì mà phục hồi, trong khi hàng trăm nghìn doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, vì không đủ vốn tự có, không đủ vốn đi vay mà vay với lãi suất từ 10% trở lên thì doanh nghiệp cũng không thể nào phát triển được. Nói chung nền kinh tế Việt Nam chưa ra khỏi tình trạng bế tắc.”
Phải chăng là một sự trùng hợp đáng chú ý, khi báo chí nhà nước đưa tin tín dụng tăng vọt bất thường ngay đầu năm. Báo Đầu Tư ngày 9/3 trích lời TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lý giải, sở dĩ tín dụng tăng trưởng dương ngay từ tháng 2/2015 vì doanh nghiệp đang kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế. Mặt khác, Tết năm nay rơi vào tháng 2 Dương lịch nên nhu cầu vay vốn cũng tăng mạnh.
Báo Đất Việt điện tử bản tin trên mạng ngày 9/3/2015 có bài “Tín dụng tăng bất ngờ: Nghịch dị doanh nghiệp phá sản tăng.” Tờ báo ghi nhận tình trạng khác thường, vì theo thông lệ những tháng đầu năm tín dụng thường tăng trưởng âm, giảm mạnh. Nhưng tháng 2/2015 theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tín dụng của cả nền kinh tế tăng 0,96%. Trong khi đó tình hình các doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn đáng lo ngại. Theo Tổng cục Thống kê, trong hai tháng đầu năm 2015 có hơn 16.000 doanh nghiệp phải đăng ký giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động vì kinh doanh khó khăn. Cụ thể trong 2 tháng, cả nước có 2.055 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời có 14.040 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, tăng 25% so với cùng kỳ.
Không thể trông vào tăng trưởng tín dụng mà phải xem xét chất lượng, hiệu quả của nó thì mới đánh giá được nền kinh tế có tốt hay không.
– Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long
Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh mà báo Đất Việt gọi là dị nghịch như thế thì dòng tín dụng tăng ngay đầu năm đang chảy vào đâu. Theo báo Đầu Tư, các chuyên gia cảnh báo, tín dụng tăng vọt trở lại sẽ đẩy hệ thống ngân hàng thương mại vào nhiều rủi ro. Trong đó, rủi ro lớn nhất của việc sống dựa vào quá nhiều tín dụng là nợ xấu. Bên cạnh đó, không loại trừ một số ngân hàng “kích” tín dụng ảo để “che” nợ xấu.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long nhận định về hiện tương tăng tín dụng bất thường:
“Tín dụng là hoạt động mạch máu lưu thông trong nền kinh tế cho nến nó có tác dụng rất lớn. Hiện nay nguồn vốn trong lãnh vực sản xuất thì thị trường chứng khoán Việt Nam rất èo uột, cho nên nguồn vốn chủ yếu từ ngân hàng mà quan trọng là tăng trưởng tín dụng. Trong năm nay mục tiêu người ta đề ra là tăng trưởng tín dụng từ 13%-15%.
Nếu tình hình kéo dài như thế này thì tăng trưởng tín dụng, nhưng chất lượng tín dụng và khả năng hấp thu của các doanh nghiệp như thế nào và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp có tốt hay không? cái đó mới là cái quyết định hiệu quả của nền sản xuất, sự quyết định này mới là nhân tố quan trọng của nền kinh tế. Không thể trông vào tăng trưởng tín dụng mà phải xem xét chất lượng, hiệu quả của nó thì mới đánh giá được nền kinh tế có tốt hay không.”
Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi như quan điểm của Chính phủ hay đang rơi vào giảm phát và có dấu hiện chính phủ đang tìm cách đối phó. Đây là vấn đề cần được các chuyên gia đánh giá đầy đủ với các số liệu cập nhật trong thời gian tới.
(Theo RFA)