Tập Cận Bình : Đảng phải đóng vai trò lãnh đạo trên cả tôn giáo

mediaChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh chụp tại Bắc Kinh, ngày 12/04/2016.Reuters



Các nhóm tôn giáo Trung Quốc phải tuân theo những quyết định phi tôn giáo của đảng Cộng Sản. Ngày 23/04/2016, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu như trên trong một cuộc họp báo quan trọng về tôn giáo dành cho truyền thông nhà nước, trong khi Bắc Kinh siết chặt kiểm soát các tổ chức xã hội dân sự và nhà thờ.
Buổi họp báo được tổ chức để tổng kết hai ngày làm việc với các thành viên của Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị Trung Quốc. Tân Hoa Xã trích phát biểu của ông Tập Cận Bình trước các quan chức cao cấp của đảng, cho biết : « Các nhóm tôn giáo phải tuân theo sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc ».
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh các đảng viên phải là « những người theo chủ nghĩa Mác vô thần kiên trung » và kêu gọi họ « kiên quyết bảo vệ chống xâm nhập từ nước ngoài thông qua các thủ đoạn tôn giáo… Chúng ta nên hướng dẫn và giáo dục các nhóm và tín đồ tôn giáo với các giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa ».
Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh là những nỗ lực như vậy cần được duy trì, đồng thời ông kêu gọi tiếp tục « hợp nhất học thuyết tôn giáo với văn hóa Trung Quốc ».
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định : « Các chính sách và lý thuyết về tôn giáo của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã được chứng minh là đúng thông qua thực hành trong quá khứ ».
Tại Trung Quốc có hàng trăm triệu tín đồ Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo. Đảng Cộng Sản tìm cách « định hướng » các tín đồ, trong khi lại đàn áp các nhóm tôn giáo không chính thức.
Từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo vào năm 2012, chính quyền Trung Quốc đã có đường lối cứng rắn hơn với xã hội dân dự và tôn giáo.
Tại tỉnh Chiết Giang (phía đông Trung Quốc), trong những năm gần đây, các quan chức địa phương đã cho tiến hành phá hủy nhà thờ hoặc dỡ bỏ cây thánh giá bên ngoài. Theo thống kê của các nhóm bảo vệ nhân quyền, hàng trăm giáo xứ đã bị ảnh hưởng.
Còn tại vùng Tân Cương, nơi tập trung chủ yếu người Hồi Giáo, các nhóm nhân quyền và người dân địa phương đã phản ánh là quyền tự do tín ngưỡng bị thắt chặt với các lệnh cấm hoặc hạn chế thi hành các nghi thức Hồi Giáo như mùa chay Ramadan hay để râu dài. Còn Bắc Kinh luôn tuyên bố là đang phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố từ tư tưởng cực đoan ở Tân Cương.
CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)