Việt Nam Thời Báo

Tập Cận Bình thanh trừng kiểu Staline để nắm toàn quyền

Cuộc thanh trừng tại Trung Quốc theo kiểu Stakine là đề tài được tuần báo Courrier International quan tâm. Tờ báo trích dịch bài viết trên trang mạng Cn.nytimes.com đề tựa: “Trung Quốc: thanh trừng kiểu Staline”. Bài viết nêu lên quan điểm của tác giả Murong Xuecun, đồng thời là nhà văn, về chiến lược chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo tác giả, mục tiêu của chiến dịch này là làm suy yếu các phe cánh đối lập và đảm bảo quyền lực tuyệt đối.
media
Chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình giống như “thanh trừng” thời Staline hầu đảm bảo quyền lực tuyệt đối – REUTERS /Jason Reed
Theo tác giả bài viết, chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập được báo chí trong nước không ngớt lời ca ngợi, nhưng cùng lúc ấy lại dấy lên nhiều tiếng nói chỉ trích một cuộc chiến “có chọn lọc”. Đối với tác giả, chiến dịch này giống một cuộc thanh trừng theo kiểu Staline trong nội bộ Đảng Cộng sản hơn là tìm kiếm sự minh bạch. Nó dựa vào điều lệ của Đảng hơn là dựa vào pháp luật.
Những người chịu trách nhiệm thi hành đa số là đảng viên Đảng Cộng sản, tương đương với nhân viên tình báo của KGB, chứ không phải là cảnh sát. Thường thì nhà báo bị cấm xen vào các vụ này. Do đó, truyền thông cũng không được lên tiếng khi các vụ việc chưa được đưa ra công chúng. Hơn nữa, tất cả phải viết cùng một ý. Quan trọng hơn nữa là cho tới giờ phút này, trong phe cánh thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình chưa có ai bị sờ gáy.
Theo nhiều nhà phân tích, các đồng minh chính trị quan trọng nhất của ông Tập là những người được gọi là “thế hệ đỏ thứ hai” tức con cháu của các cựu đảng viên. Trong cỗ máy quyền lực khá đặc biệt của Trung Quốc cộng sản, thành phần này có nhiều đặc quyền đặc lợi hơn người khác và một khả năng làm giàu không thể tưởng.
Tuy nhiên, cho đến lúc này thì chưa ai bị diệt cả, trừ Bạc Hy Lai (cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh) bị kết án tù chung thân năm 2013. Sự thất sủng của ông Bạc được xem như kết quả của sự thua cuộc trong cuộc chiến quyền lực, chứ không phải là hệ quả của hành vi nhận hối lộ.
Theo tác giả, tuy thất thế, nhưng Bạc Hy Lai (Bo Xilai) vẫn được đãi ngộ khá tốt hơn so với nhiều nhân vật khác xuất thân từ gia đình bình dân như Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang) bị cáo buộc tham nhũng và tiết lộ bí mật quốc gia. Cả gia đình, tay chân thân cận và lãnh địa của ông Chu cũng bị kéo vào vòng xoáy.
Tác giả giải thích, tại Trung Quốc, các quan chức cao cấp có quyền lực vô hạn tại khu vực mà họ lãnh đạo: họ có thể thăng tiến cho người thân và nhận hối lộ mà không chút hổ thẹn.
Tại các thành trì của ông Tập Cận Bình như tỉnh Phúc Kiến (Fujian) và Chiết Giang (Zhejiang), theo những gì tác giả biết, chưa một quan chức cao cấp nào cỡ phó chủ tịch tỉnh bị hạ bệ.
Ông Tập Cận Bình sẽ không kéo dài chiến dịch này, vì, nếu trong nhiệm kỳ thứ hai của ông (nếu ông tái đắc cử), một số đông công chức khả nghi tiếp tục bị trừng phạt thì điều đó chứng tỏ ông bất lực trước tệ nạn này. Khi ông Tập loại bỏ được hết đối lập thì các quan chức và người thân vẫn tiếp tục ngựa quen đường cũ (tham nhũng).
Tại Trung Quốc, một số ảo tưởng rằng hành động trên của ông Tập nhằm đưa đất nước Trung Hoa tiến dần theo hướng dân chủ, nhưng theo tác giả, đó là một nhà độc tài đang tìm cách tập trung quyền lực vào tay mình. Ngoài ra, tác giả còn tố cáo quyền được bào chữa của phạm nhân không được tôn trọng, vì họ không được gặp luật sư trong lúc chờ xét xử.
(Theo Lê Vy – RFI)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.