UPI dẫn nguồn tin từ truyền thông nhà nước cho hay lời mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm được Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry xác nhận với người đồng nhiệm phía Việt Nam, Phạm Bình Minh, nhân cuộc điện đàm chúc Tết hôm 14/2.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập đảng cộng sản Việt Nam tại Hà Nội, ngày 2/2/2015.
Thông tấn xã Việt Nam cho hay trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng hai nước Việt-Mỹ xem lại những tiến bộ của quan hệ song phương kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.
Đôi bên cũng bàn về các bước kế tiếp để hoàn tất đúng hạn các cuộc thương lượng về Hiệp định Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP do Hoa Kỳ dẫn đầu cùng các lĩnh vực hợp tác khác.
Hai nhà ngoại giao cao cấp nhất của Hà Nội và Washington cùng cho rằng năm 2015 có ý nghĩa đặc biệt với hàng loạt các sự kiện kỷ niệm 2 thập niên ngày Việt-Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Vẫn theo nguồn tin này, Ngoại trưởng của hai nước cũng nhấn mạnh tới việc cần phải tạo điều kiện cho các chuyến thăm cấp cao giữa đôi bên như cách để đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước cựu thù.
Bản tin trên website của đảng cộng sản Việt Nam không cho biết hồi đáp của Hà Nội ra sao trước lời mời của Mỹ đối với Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng và cũng không tiết lộ thêm chi tiết nào khác liên quan đến lời mời này.
Tin này được loan ra chỉ vài ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc mời lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam ‘sớm thăm lại Trung Quốc’ nhân cuộc điện đàm chúc Tết giữa ông Tập Cận Bình với ông Nguyễn Phú Trọng hôm 11/2.
Có rất nhiều tin đồn rất đáng tin rằng để đổi lại, Việt Nam có thể sẽ cho phép Mỹ tiếp cận không phận Cam Ranh cùng các cuộc diễn tập hải quân, những việc mà trước đây Hà Nội không đồng ý.
Giáo sư Carl Thayer, Học viên quốc phòng Australia.
Báo điện tử của đảng cộng sản Việt Nam nói ‘Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình về lời mời và đồng ý thu xếp các chuyến thăm vào thời gian thích hợp cho cả hai bên.’
Ngoài đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, Việt Nam năm nay cũng kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Theo nhân định của giới quan sát, Việt Nam dù mong tăng cường các mối quan hệ với Hoa Kỳ trước các mối đe dọa chủ quyền từ Bắc Kinh ở Biển Đông, nhưng bộ máy lãnh đạo của Hà Nội không muốn một mối quan hệ quá thân thiết hay gần gũi với Hoa Kỳ vì e làm phật lòng người láng giềng cộng sản anh em Trung Quốc.
Có ý kiến cho rằng ông Trọng dừng chân ở Trung Quốc hay Hoa Kỳ trước, hành động đó sẽ là một thông điệp, một biểu tượng đáng chú ý, và vì vậy, đảng cộng sản Việt Nam không thể không cân nhắc cẩn trọng tới thời biểu và trình tự hai chuyến thăm.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia nổi tiếng về Việt Nam thì việc này không quan trọng.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viên quốc phòng Australia nói với VOA Việt ngữ:
“Quan trọng chủ yếu không phải là ông Trọng tới Mỹ hay tới Trung Quốc trước, mà điều đáng nói là việc một mình nhà lãnh đạo này sang thăm cả hai nước Mỹ-Trung trong năm nay. Với tình huống tự tự như thế này trước đây thì một hai nhân vật lãnh đạo sẽ đi hai nơi.”
Nhà phân tích này dự đoán, chuyến thăm của ông Trọng tới Mỹ có thể sẽ diễn ra trước chuyến công du Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 vì sau đó sẽ là hàng loạt các cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN
Nếu chính phủ Mỹ ảo tưởng rằng cứ liên kết với chính quyền cộng sản Việt Nam để chống lại bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông đã rồi cải thiện nhân quyền sau, thì sẽ thiệt hại không chỉ cho dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam mà còn gây thiệt hại cho chính quyền lợi của Mỹ.
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ.
Theo giáo sư Thayer, quan hệ Việt-Trung phần lớn do đảng cộng sản quyết định hơn là do nhà nước và chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Trọng sẽ giúp củng cố các nỗ lực của ông muốn trở thành nhân vật lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam trước thềm Đại hội đảng lần tới.
Đáp câu hỏi việc Hoa Kỳ mời người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam sang thăm có mang ý nghĩa đặc biệt hay bất thường nào không, chuyên gia Thayer cho rằng:
“Nếu Mỹ mời, đó là một ý nghĩa ngoại giao, nhưng đây là do Việt Nam đã thúc đẩy để có được lời mời này từ Hoa Kỳ . Có rất nhiều tin đồn rất đáng tin rằng để đổi lại, Việt Nam có thể sẽ cho phép Mỹ tiếp cận không phận Cam Ranh cùng các cuộc diễn tập hải quân, những việc mà trước đây Hà Nội không đồng ý.”
Vẫn theo lời ông, Trung Quốc hiểu rõ tâm lý muốn ‘thoát Trung’ đang dâng cao tại Việt Nam và nỗ lực bằng mọi cách để ngăn chặn không cho bất kỳ nước nào trong vòng ảnh hưởng của họ nghiêng ngả sang Hoa Kỳ.
Lãnh đạo Việt Nam nhiều lần khẳng định quan điểm trung lập, không đứng về bên nào để chống lại một nước thứ ba trong lúc tìm cách xây dựng mối quan hệ đa phương.
Quan hệ với Trung Quốc lâu nay vẫn chiếm vị trí cao trong các ưu tiên ngoại giao của Hà Nội.
Nỗ lực của Việt Nam tiến tới một mối quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ bị cản trở không chỉ từ các e ngại với Bắc Kinh mà còn từ các vi phạm nhân quyền của chính phủ Hà Nội, một vấn đề luôn luôn bị Washington đặt nặng trong các mối quan hệ với Việt Nam.
Vấn đề được đặt ra là liệu đảng cộng sản Việt Nam sẵn sàng cho cuộc chơi mới này tới đâu? Họ có chấp nhận rủi ro và khả năng chịu đựng của họ đến mức độ nào khi phải hứng chịu những ‘cú đấm thép’ của Trung Quốc.
Luật sư Vũ Đức Khanh, Đại học Ottawa.
Có nhiều khả năng giữa năm nay tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ sang thăm Việt Nam trước khi Ngoại trưởng John Kerry trở lại vào tháng 7 để chuẩn bị cho chuyến thăm có thể có của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào cuối năm.
Các nghị trình ngoại giao bận rộn này là một phần trong nỗ lực đẩy mạnh chính sách ‘Xoay trục về Châu Á’ của Hoa Kỳ nhằm cân bằng lực lượng trước sự lấn áp bành trướng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ hiện là nghiên cứu viên của chương trình Dân chủ Reagan-Fascell tại Cơ quan Hỗ trợ Dân chủ ở Hoa Kỳ cho rằng:
“Nếu chính phủ Mỹ ảo tưởng rằng cứ liên kết với chính quyền cộng sản Việt Nam để chống lại bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông đã rồi cải thiện nhân quyền sau, thì sẽ thiệt hại không chỉ cho dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam mà còn gây thiệt hại cho chính quyền lợi của Mỹ. Bởi vì chính quyền cộng sản Việt Nam không bao giờ chống lại Trung Quốc cộng sản, vốn là chỗ dựa duy nhất cho đảng cộng sản Việt Nam tồn tại.”
Liên quan đến chuyến thăm Mỹ và Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong năm nay, luật sư Vũ Đức Khanh tại Đại học Ottawa (Canada) chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế bình luận:
“Vấn đề được đặt ra là liệu đảng cộng sản Việt Nam sẵn sàng cho cuộc chơi mới này tới đâu? Họ có chấp nhận rủi ro và khả năng chịu đựng của họ đến mức độ nào khi phải hứng chịu những ‘cú đấm thép’ của Trung Quốc.”