VNTB: Chiến dịch “được từ chức” hậu kỳ họp quốc hội cuối năm 2014 tiếp tục kịch tính.
Chỉ ít ngày trước hôm 15/11 diễn ra cuộc lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh lãnh đạo chủ chốt, Thành ủy Hà Nội đã chính thức ban hành “Hướng dẫn thực hiện quy định của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội”.
Theo hướng dẫn này, trong lần bỏ phiếu ở Hà Nội tới đây, những cá nhân có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp sẽ xem xét “đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn”, còn với 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp “có thể cho từ chức”.
Như vậy, Hà Nội đã trở thành đô thị đầu tiên trong cả nước “đi đầu” trong việc mặc định tương lai nguy hiểm dành cho những chính khách đạt tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp quá bán. Tính chất “đi đầu” này là rất khác với các đô thị khác như TP.HCM, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Có thể hiểu, với tư cách là thủ đô đất nước cùng người đứng đầu – Bí thư Phạm Quang Nghị là ủy viên Bộ chính trị và cũng được xem là ứng cử viên tiềm năng cho chức vụ tổng bí thư đảng năm 2016, bản hướng dẫn “được từ chức” của Thành ủy Hà Nội là đặc biệt “nhạy cảm” và có tính tín hiệu cao, hoàn toàn có thể “nhân rộng điển hình” cho không chỉ các địa phương khác mà sẽ tạo “hiệu ứng nhân sự” ngay tại cuộc lấy phiếu tín nhiệm ngày 15/11 tới nơi nghị trường quốc hội.
“Lằn ranh đỏ” 1/2 số phiếu tín nhệm thấp cũng rất có thể sẽ ứng nghiệm chủ yếu với giới quan chức chính phủ. Những lãnh đạo ngành chạm vào lằn ranh này sẽ “nhẹ” nhất không được “quy hoạch” cho đại hội đảng 12 vào năm 2016, cũng chẳng có cơ hội được “thăng chức”. Chẳng hạn, từ bộ trưởng “lên” phó thủ tướng, từ phó thủ tướng “lên” thủ tướng, hoặc từ thủ tướng “lên” cao hơn…
Cần nhắc lại, tại lần bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên vào tháng 6 năm 2013 với 47 chức danh chủ chốt, kết quả mang tính “thảm họa” đã dành cho khá nhiều gương mặt bên chính phủ. Nhân vật đội sổ với xấp xỉ 42% số phiếu tín nhiệm thấp là Thống Đốc Ngân hàng nhà Nước Nguyễn Văn Bình – người bị tạp chí quốc tế Global Finance bình chọn “một trong 20 thống đốc có thành tích điều hành tệ nhất trên thế giới.”
Bộ trưởng giáo dục Phạm Vũ Luận giành ngôi á quân với trên 35% phiếu tín nhiệm thấp. Các bộ trưởng y tế và lao động – không tai tiếng về chuyện này cũng mang tiếng về chuyện khác – đều trong vòng nguy hiểm.
Nhân vật có thành tích khả quan hơn Thống Đốc Bình đôi chút trong lần bỏ phiếu năm ngoái là Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông nhận được hơn 32% số phiếu tín nhiệm thấp.
———————————
Hà Nội: Không thăng chức người có trên 50% phiếu “tín nhiệm thấp”
Lần bỏ phiếu ở Hà Nội tới đây, những cá nhân có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp, sẽ xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn, với 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp có thể cho từ chức.
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành hướng dẫn thực hiện quy định của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội.
Thời điểm lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ các cấp. Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện ở 3 mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Nội dung lấy phiếu tín nhiệm gồm phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực thực tiễn.
Đối tượng phải lấy phiếu tín nhiệm là ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp; cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành và tương đương. Việc lấy phiếu tín nhiệm phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu các cấp trong lấy phiếu tín nhiệm.
Ngoài ra lấy phiếu tín nhiệm cũng phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch. Các hành vi vận động, lôi kéo hoặc có những tác động làm sai lệch mức độ tín nhiệm, lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm tổn hại uy tín tập thể và cá nhân, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ đều bị nghiêm cấm, thậm chí xử lý nghiêm minh.
Kết quả phiếu tín nhiệm sẽ được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ.
Đối với những cá nhân có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Với trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ.
Thành Nam
Infonet