Xã luận ngày 14/5/2016 của tờ The New York Times
Diên Vỹ chuyển ngữ
Dân luận
So với hầu hết các cựu thù khác, Hoa Kỳ và Việt Nam đã hành động nhanh hơn để hàn gắn quan hệ sau một cuộc chiến tàn khốc. Chỉ sau hai thập niên hai quốc gia này đã tái lập quan hệ ngoại giao sau khi người Mỹ rút khỏi Việt Nam vào năm 1973. Tổng thống Obama dự định sẽ đến thăm Việt Nam vào cuối tháng này.
Ông Obama không nên cảm thấy bắt buộc phải nhượng bộ với chính quyền độc tài Việt Nam điều họ đang muốn – gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí vốn từng được thiết lập trong thời chiến, ngoại trừ họ phải có những hành động khả tín để giải quyết những lạm dụng về nhân quyền. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có nhiều điểm để đồng ý.
Việt Nam là trọng tâm của chiến lược của ông Obama trong việc chú ý nhiều hơn vào châu Á và liên kết khu vực này về mặt kinh tế, quân sự và chính trị để đối phó với một Trung Quốc ngày một cứng rắn. Quan hệ kinh tế đang phát triển mạnh hơn – Hoa Kỳ hiện là nước nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cùng với 11 quốc gia khác, Việt Nam đã tham gia Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương vốn tìm cách khuyếch trương việc trao đổi mậu dịch trong khu vực trong khi cùng nâng cao tiêu chuẩn lao động và môi trường.
Vào cuối năm nay, Đại học Fulbright Việt Nam sẽ mở cửa tại Thành phố Hồ Chí Minh, giới thiệu một khuôn mẫu giáo dục của Mỹ trong đó nhấn mạnh tính sáng tạo và độc lập trong học thuật. Cả hai phía đang hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu sinh học đa dạng, và Washington đang giúp đỡ Việt Nam khắc phục những tai hại của chất độc Da Cam đối với môi trường và sức khỏe trên hầu hết khu vực phía nam của đất nước này.
Về mặt quân sự, năm ngoái hai quốc gia đã đồng ý tiến hành các hoạt động hải quân và hợp tác trong lĩnh vực giữ gìn hòa bình thế giới. Mỹ đã cung cấp tàu thuyền, khí tài và đào tạo cho cảnh sát biển Việt Nam chống lại tội phạm liên quốc gia và đối phó với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát hầu hết khu vực biển Đông.
Việt Nam đang xúc tiến việc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí thời chiến mà ông Obama từng nới lỏng vào năm 2014, trên cơ sở rằng nó chỉ là một di sản không cần thiết và rằng việc tháo bỏ nó sẽ tăng cường tin tưởng và tạo điều kiện cho quốc gia này tự vệ tốt hơn. Những người ủng hộ gỡ bỏ lệnh cấm cho rằng hành động này sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến Trung Quốc. Tuy nhiên, với hành xử độc tài của Hà Nội, đây chưa phải là lúc để gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm. Đảng Cộng sản kiểm soát toàn bộ các cơ chế tại Việt Nam, không cho phép bầu cử tự do, đang giam giữ hơn 100 tù nhân chính trị và vẫn chưa hoàn tất nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận thương mại nhằm cho phép thành lập các công đoàn lao động.
Trong chuyến thăm Hà Nội năm ngoái, Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken đã gọi chính quyền trả tự do cho toàn bộ các tù nhân chính trị và nói rõ rằng Việt Nam cần nới rộng tự do và nhân quyền nếu hy vọng xây dựng được một nền văn hóa thương mại và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông Obama nên củng cố những tuyên bố này.
Nếu ông quyết định gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, Obama và Quốc hội nên hành xử một cách cẩn trọng. Các giấy phép bán vũ khí đương nhiên cần được quyết định theo từng trường hợp một, như đối với mọi quốc gia khác. Và như lời khuyên của Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy của tiểu bang Vermont, chính phủ nên cân nhắc mọi yếu tố, bao gồm việc liệu Việt Nam có sẵn sàng hành động “để bảo vệ quyền tự do ngôn luận và những quyền con người cơ bản khác” hay không.