Những ngày qua, nhiều người dân ở Khánh Hòa ngỡ ngàng, bức xúc khi trên bãi biển Nha Trang lại vừa mọc thêm một công trình nhà hàng bêtông cốt thép khổng lồ tại khu vực công viên Phù Đổng.
Công trình nhô cao che tầm nhìn ra biển – Ảnh: Tiến Thành |
Hiện nay, khu nhà hàng ngầm và nổi tại công viên Phù Đổng đang được xây dựng và đã nổi lên trên bãi biển cao hơn 6m.
Chưa vượt quá chiều cao cho phép (!)
Trong lúc dư luận còn chưa kịp nguôi ngoai với nỗi buồn về dự án nhà hàng nổi E-land Four Seasons che chắn trên bãi biển Nha Trang (ở khu cà phê Bốn Mùa cũ), thì tại một khu công viên Phù Đổng (phía đông đường Trần Phú) lại mọc lên một nhà hàng còn bề thế hơn.
Cho đến nay, bên hàng rào tôn che công trường xây dựng nhà hàng này chỉ thấy có một tấm bản công khai một cách sơ sài: “Dự án công viên Phù Đổng/Phù Đổng Park. Địa điểm: đường Trần Phú, TP Nha Trang. Chủ đầu tư: Công ty TNHH Invest Park Nha Trang” cùng tên của các đơn vị tư vấn thiết kế; giám sát; đơn vị thi công và hình vẽ thiết kế khu nhà hàng nhìn từ trên trời xuống…
Đây là công trình xây dựng theo giấy phép do giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa Lê Văn Dẽ đã ký cấp cho Công ty TNHH Invest Park Nha Trang vào ngày 6-5-2014.
Công trình nhà bêtông cốt thép đã được xây trồi trên bãi biển Nha Trang là phần nổi của nhà hàng Nga, có diện tích xây dựng 1.100m2/1.307m2 tổng diện tích sàn.
Toàn cảnh công trình nhà hàng nổi ở công viên Phù Đổng (Nha Trang) – Ảnh: Tiến Thành |
Công trình kiên cố hai tầng – Ảnh: Tiến Thành |
Nhà hàng này có một tầng với chiều cao cho phép xây dựng là 7,5m. Đó là một trong ba hạng mục của dự án đã được cấp phép. Hai hạng mục còn lại là tầng hầm nhà hàng Nga, cho xây ngầm sâu 3,5m với diện tích 2.880m2 và khu công viên phía nam rộng hơn 12.000m2 nằm trên các khu đất còn lại, theo sơ đồ hình vẽ thì có đến vài chục hạng mục công trình.
Đến chiều 7-4, theo lãnh đạo Sở Xây dựng Khánh Hòa, công trình nhà hàng Nga chỉ mới xây hơn 6m, chưa vượt quá chiều cao cho phép (!).
Trước đó ngày 6-3, trong cuộc gặp mặt các doanh nghiệp du lịch ở Khánh Hòa do ông Lê Thanh Quang – bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh – chủ trì, có nhiều ý kiến phản ảnh đề nghị chấn chỉnh tình trạng quy hoạch, chia sẻ, cát cứ ở bãi biển Nha Trang.
Ông Lê Ngọc Năng – DNTN Hoàng Sơn ở đường Tuệ Tĩnh (Nha Trang) – phản ảnh:“Công viên Phù Đổng thì đang rào kín và đào bên trong, không biết để làm gì?”. Theo ông Năng, đó là thực trạng rất đáng buồn trên bãi biển Nha Trang.
Đáp lại các kiến nghị của các doanh nghiệp về thực trạng đã nêu trên bãi biển Nha Trang, ông Lê Thanh Quang đã phát biểu: “Đối với vấn đề quy hoạch phát triển thì “không được phát triển bằng mọi giá” nhưng cũng cần xem xét cái gì cần giữ, cái gì cần khai thác, phục vụ du lịch, phát triển. Ngay cả quy hoạch phía đông đường Trần Phú – Nha Trang sắp tới cũng phải lấy thêm ý kiến”.
Cho đến nay việc “lấy ý kiến thêm” vẫn “chưa kịp” thực hiện nhưng khu nhà hàng nổi tại công viên Phù Đổng thì đã trồi lên rất nhanh, cao hơn 6m và vượt quá hàng rào vây kín lâu nay.
Hủy hoại đặc trưng bãi biển Nha Trang
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa “Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 khu vực phía đông đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng (TP Nha Trang)” đã được UBND tỉnh ban hành ngày 17-10-2014.
Như vậy giấy phép xây dựng kể trên đã được cấp trước khi quy hoạch vừa nêu được phê duyệt. Còn quy hoạch vừa nêu từng có nhiều ý kiến góp ý phản biện của các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật (HKHKT) Khánh Hòa phản đối, vì cho rằng đó là “Quy hoạch “bức tử” bãi biển Nha Trang” (xem TT ngày 21-2-2014).
Liên hiệp Các HKHKT Khánh Hòa đã có kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa: “Đất phía đông đường Trần Phú là đất nhạy cảm, đề nghị UBND tỉnh trước khi duyệt quy hoạch tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, các tổ chức xã hội” và “rút kinh nghiệm việc xây dựng nhà hàng E-Land Four Seasons”.
Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hoàng – phó chủ tịch Hội KTS Khánh Hòa – cho rằng theo các quy định của Chính phủ tại nghị định “Về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị” (số 38/2010/NĐ-CP) thì việc quy hoạch, xây dựng các công trình đô thị, nhất là thuộc các di tích, danh lam thắng cảnh là phải lấy ý kiến các hội nghề nghiệp.
Thế nhưng ngày 7-4 tại Hội KTS Khánh Hòa, chủ tịch, phó chủ tịch và nguyên chủ tịch hội đều cho biết hội nghề nghiệp này không được lấy ý kiến gì đối với dự án đã cấp phép tại công viên Phù Đổng.
Còn nhiều ý kiến phản biện đối với “quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 khu vực phía đông đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng (TP Nha Trang)” thì không được tỉnh tiếp thu, sửa đổi khi UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch như đã kể trên.
Bảng hiệu công trình – Ảnh: Tiến Thành |
Cũng theo KTS Nguyễn Hoàng: “Đối với cảnh quan đô thị và cảnh quan bảo tồn đều có luật lệ của nó hết chứ không phải anh muốn làm gì thì làm. Cảnh quan bảo tồn theo quy định là phải giữ gìn cảnh quan kiến trúc đặc trưng vốn có của không gian khu vực quy hoạch, xây dựng”.
Còn theo KTS Nguyễn Văn Lộc – chủ tịch Hội KTS Khánh Hòa (nguyên giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa): “Đặc trưng của vịnh Nha Trang chính là dải cây xanh cộng với bãi cát trắng và mặt nước vịnh tạo nên cảnh quan của cả một cái vịnh không ở đâu có như bờ biển Nha Trang”.
Theo ông Lộc, “tôn tạo không phải là xây dựng các công trình bêtông cốt thép kinh doanh thương mại mà làm đẹp là tạo cảnh quan, tạo một không gian mà vẫn giữ được sự yên bình, là chỗ để mọi người đều được hưởng thụ cái không khí trong lành của biển và cảnh quan vịnh này. Còn bây giờ “anh” cho bêtông hóa lên tức anh đã xây dựng, đã hủy hoại môi trường đặc trưng đó của bãi biển vịnh Nha Trang rồi” – ông Lộc nói.
Ông Trần An Khánh – bí thư Thành ủy Nha Trang, nguyên phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa:
Công trình điểm xuyết là phải có quy hoạch được duyệt
Về dự án ở phía đông đường Trần Phú và bãi biển Nha Trang thì HĐND tỉnh Khánh Hòa chỉ tham gia ý kiến thông qua quy hoạch chung về phân khu chức năng thôi.
Còn quy hoạch phân khu chi tiết thì không phải thông qua HĐND mà chỉ phải thực hiện trên cơ sở cái nền là quy hoạch chung đã được thông qua, định hướng trong quy hoạch đó như thế nào thì phải theo thế. Tất nhiên là khi quy hoạch chi tiết thì sẽ có chỉnh chỗ này, chỉnh chỗ kia, vì trong quy hoạch chung có thể là chưa ổn lắm và việc đó là thuộc về các cơ quan quản lý.
Nói chung đối với những công trình gọi là “gây nhiều dư luận” thì cũng khó nói lắm. Bởi về dư luận thì có rất nhiều mặt, về tính thẩm mỹ, về tính nghệ thuật… nhiều chuyện lắm. Vấn đề là ở chỗ khi quy hoạch phân khu chi tiết đó anh phải thực hiện cho đúng.
Còn vấn đề dư luận quan tâm, đối với phía đông đường Trần Phú nói chung thì đó là trục đường cảnh quan của thành phố, phía đông đó là dành cho công cộng, cho quang cảnh. Nhưng nếu chỉ để cảnh quan không thì cũng buồn nên chủ trương của tỉnh là vẫn cho điểm xuyết các công trình, dịch vụ để làm sôi động đường Trần Phú lên.
Cái điểm xuyết đó là phải có quy hoạch được duyệt. Quy hoạch đó thì Viện Thiết kế quy hoạch đô thị và nông thôn của Bộ Xây dựng có làm.
Vừa rồi họp Thường vụ tỉnh ủy tôi có tham gia và đã thông qua quy hoạch ấy nhưng trong đó cũng có góp ý điều chỉnh chỗ này, chỗ kia. Song cụ thể cho đến nay quy hoạch đó đã điều chỉnh như thế nào thì tôi chưa rõ, vì sau đấy tôi chuyển công tác về Thành ủy Nha Trang rồi.
Nhà báo – nhà thơ Trần Chấn Uy: Công trình không hợp lòng dân!
Bãi biển Nha Trang trước đây đã được giữ gìn rất đẹp. Nhưng mấy năm gần đây lãnh đạo tỉnh cứ cho chia cắt, cấp phép cho các nhà đầu tư chiếm cứ làm dự án, xây các công trình bêtông che chắn biển như kiểu nhà hàng chỗ Bốn Mùa và nay lại thêm công trình tại công viên Phù Đổng. Những công trình ấy không phải là công viên của cả cộng đồng. Vì vậy việc quyết định, cấp phép đó của những quan chức có quyền là một kiểu làm theo “tư duy nhiệm kỳ”. Những dự án theo kiểu “lợi ích nhóm” đó đang xẻ thịt dần và gần hết bãi biển Nha Trang.
Người dân chỉ biết công trình khi được xây vượt lên trên rào chắn – Ảnh: Tiến Thành |
Năm 2010 một tạp chí nổi tiếng của Mỹ từng bình chọn, xếp bãi biển Nha Trang là “một trong 10 bãi biển tồi nhất trên thế giới”. Nhưng sau đấy dường như lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa “vẫn không chịu tỉnh” mà vẫn tiếp tục cho chia cắt bãi biển Nha Trang cấp cho các dự án thương mại hóa, để các công trình bêtông vẫn tiếp tục mọc lên. Đó là những việc làm không hợp lý, không hợp lòng dân.