Việt Nam Thời Báo

Thời báo Hoàn Cầu: Mỹ, Nga tranh cãi về vịnh Cam Ranh, Việt Nam mừng thầm

Nguyên Hải

KDDịch giả Nguyên Hải vừa gửi cho Blog KD/KD bài này. Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ

————-

Lời giới thiệu:

Thời báo Hoàn cầu (anh em của tờ Nhật báo Nhân dân) ít khi có bài nói về Việt Nam. Đôi khi có thì phần lớn là bài ký tên cá nhân, không ghi chức vụ, học vị. Và phần lớn dùng những lời lẽ khó nghe, chọc ngoáy, thậm chí xỏ xiên. Mời các bạn đọc thử một bài đăng hôm 17/3 vừa qua trên mạng Thời báo Hoàn Cầu có tiêu đề:

Lao Mộc: Mỹ, Nga tranh cãi về vịnh Cam Ranh, Việt Nam mừng thầm.(Lao Mộc là tên tác giả).


Ngày 16/3, quan chức chính phủ Mỹ tung tin Mỹ đã yêu cầu Việt Nam đình chỉ việc để Nga dùng vịnh Cam Ranh làm « trạm tiếp dầu » cho máy bay ném bom chiến lược của Nga, cho rằng việc máy bay ném bom Nga bay xung quanh căn cứ quân sự Guam của Mỹ là có « tính khiêu khích ». Nga lập tức phản ứng : Yêu cầu này của Mỹ là sự « khiêu khích vô lý » đối với Nga ; Việt Nam sẽ không vâng lệnh Mỹ đâu.

Giới truyền thông đưa ra nhiều cách giải thích về vụ kêu gọi gián tiếp này giữa Mỹ với Nga : điều đó thể hiện địa vị của vịnh Cam Ranh và của Việt Nam trên bàn cờ chiến lược Mỹ-Nga đang được nâng cao ; sự đối kháng leo thang giữa Mỹ với Nga thì tồn tại ở khắp nơi ; sách lược của Hà Nội lấy vịnh Cam Ranh làm miếng mồi câu quăng cho các nước lớn đã đạt được hiệu quả. 

Máy bay ném bom của Nga cất cánh từ Viễn Đông bay vòng đảo Guam, được tiếp dầu bằng máy bay tiếp dầu đỗ tại vịnh Cam Ranh, việc này có ý nghĩa là Nga thể hiện uy lực với Mỹ, và về đối ngoại, nhấn mạnh sự có mặt của Nga tại Việt Nam. Sự phản đối quyết liệt của Mỹ là đòn phản kích mạnh mẽ đối với Nga, cũng có ý tỏ sự bất mãn với Việt Nam.

Bị cả hai bên Mỹ-Nga chỉ đích danh, chính quyền Việt Nam cho tới nay vẫn im lặng, xem ra dường như là khó xử, kỳ thực là mừng thầm, đắc ý với việc mưu kế dùng vịnh Cam Ranh kéo được cả hai nước lớn Mỹ-Nga đã có hiệu quả. Việt Nam rất hiểu rõ giá trị của vịnh Cam Ranh, nó được gọi là « quân cảng số Một châu Á », chốt giữ địa điểm giao thông xung yếu của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, có địa vị chiến lược quan trọng. Việt Nam còn biết rằng vịnh Cam Ranh có mối quan hệ sâu xa với Mỹ-Nga, hai nước này đều có động cơ chính trị, quân sự muốn trở lại nơi đây.

Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, Mỹ tốn 300 triệu USD mở rộng vịnh Cam Ranh thành căn cứ không quân và hải quân lớn. Nơi này có thể đồng thời cho tàu sân bay và hơn trăm tàu cỡ trên 10 nghìn tấn neo đậu. Năm 1975, chiến tranh Việt Nam kết thúc, Mỹ lẳng lặng bỏ đi. Tiếp đó mối quan hệ Xô-Việt trở nên nồng ấm, năm 1979 vịnh Cam Ranh được cho Liên Xô rồi Nga thuê, thời hạn 25 năm. Năm 2002, do kinh tế khó khăn và do chiến lược co lại, Nga tuyên bố chấm dứt hợp đồng thuê trước thời hạn, quân đội Nga rút đi.

Mấy năm gần đây do nhu cầu của mình, việc tranh giành vịnh Cam Ranh giữa Mỹ với Nga có chiều hướng tăng lên. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Panetta đã đến vịnh Cam Ranh khảo sát căn cứ Mỹ hồi trước. Tháng 7 cùng năm, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang thăm Nga có hứa cho Nga đặt một căn cứ sửa chữa tàu tại vịnh Cam Ranh. Tháng 11 năm ngoái, hai nước ký hiệp định, đơn giản hóa thủ tục cho tàu chiến và tàu biển Nga vào vịnh Cam Ranh.

Hà Nội chưa chính thức tỏ thái độ đối với cuộc đấu khẩu Mỹ-Nga về vịnh Cam Ranh, chuyện ấy cũng nằm trong dự đoán mà thôi. Vai diễn « Một tớ hai chủ » mà Việt Nam rất muốn làm, khiến họ không dễ lựa chọn đứng về phía nào giữa hai Mỹ và Nga ; khôn ngoan bắt cá hai tay, giữ quan hệ với cả hai bên — cách này được coi là sự lựa chọn tốt nhất. Đây cũng là bản lĩnh sở trường của Hà Nội.

Việt Nam giao hảo với Liên Xô/Nga đã lâu; trong các lĩnh vực năng lượng, an ninh và quân sự, Việt Nam dựa nhiều vào Nga, trang bị vũ khí cần dùng phần lớn đến từ Nga. Một năm trước, Việt Nam còn nhập từ Nga ba chiếc tàu ngầm lớp Kilo, còn hai chiếc nữa dự kiến năm nay giao hàng. Mối quan hệ đó đã quyết định Hà Nội sẽ chẳng dễ nói Không với Nga, việc cho máy bay ném bom của Nga dùng vịnh Cam Ranh để tiếp dầu dĩ nhiên là chuyện chẳng phải bàn cãi gì nữa.

Mỹ có ý nghĩa thế nào với Việt Nam ? Đó là kẻ cựu thù đã cướp mất tính mạng của vài triệu người Việt Nam, đem lại tai nạn lớn cho Việt Nam. Nhưng những năm này, xuất phát từ nhu cầu chính trị, kinh tế, mối quan hệ giữa hai nước phát triển khá nhanh. Đặc biệt sau khi Mỹ đưa ra chiến lược « Trở lại châu Á-Thái Bình Dương », hai bên từng bước đạt được sự hiểu ngầm nào đấy để lợi dụng lẫn nhau. Mỹ nhìn thấy triển vọng tốt Việt Nam có thể trở thành trợ thủ giúp Mỹ thi hành chiến lược đó, Việt Nam thì hy vọng nhận được sự ủng hộ của Mỹ trên vấn đề Nam Hải [Việt Nam gọi là biển Đông].

Vịnh Cam Ranh trở thành sợi dây nối và cánh tay kéo hai bên lại với nhau. Hà Nội hoặc công khai hoặc kín đáo để cho Mỹ sử dụng vịnh Cam Ranh trong phạm vi nhất định và trên mức độ nhất định, — điều đó cũng được dư luận quan tâm. Cuối năm nay Tổng Bí thư Đảng CSVN sẽ thăm Mỹ, dự kiến vấn đề vịnh Cam Ranh rất có thể trở thành đề tài ông hội đàm với Obama.

Nguyên Hải dịch theo
劳木:美俄就金兰湾斗嘴,越南暗自高兴

Ghi chú của người dịch : Lao Mộc (Lao Mu), tên thật là Mã Thế Côn (Ma Shikun), năm 1964 tốt nghiệp khoa báo chí Đại học Phục Đán, sau đó làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu chính trị kinh tế các nước phương Tây của trường này. Năm 1967 làm việc ở Nhật báo Nhân Dân, từng làm phóng viên thường trú của báo này tại Nam Á, vùng Đông Nam châu Phi và Mỹ, từng làm Trưởng ban quốc tế Nhật báo Nhân Dân, Tổng Biên tập tạp chí « Châu Phi », nay làm cố vấn cao cấp của Mạng Hoàn Cầu, Biên tập viên cấp cao, được hưởng phụ cấp của Chính phủ Trung Quốc. (Theo tài liệu trên mạng Internet).

Nguyên Hải

(Blog Kỳ Duyên)

Tin bài liên quan:

Việt Nam có tự do báo chí hay không?

Phan Thanh Hung

‘Không phân chia sự lãnh đạo quân đội cho lực lượng khác ngoài Đảng’

Phan Thanh Hung

Đại sứ Mỹ “sẽ nói thẳng và tôn trọng lãnh đạo Việt Nam”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.