Nguyễn Cao

(VNTB) – Nếu PC67 Công an TP.HCM cáo buộc “hành vi đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính” là “đưa hối lộ”, thì các hành vi “đưa hối lộ – nhận hối lộ” khác cũng phải được thông báo trên các cơ quan thông tin đại chúng để dư luận phê phán.
“Bêu tên” cho sợ
Nhằm tạo dư luận phê phán, Phòng cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ – đường sắt (PC67) Công an TP.HCM sẽ lập danh sách những người đưa hối lộ, chung chi cho CSGT và thông báo về địa phương.
Cụ thể, PC67 Công an TP.HCM khuyến cáo người tham gia giao thông: Những hành vi vi phạm đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính sẽ được PC67 tổng hợp thành danh sách gửi Ban An toàn giao thông quận, huyện và phối hợp thông báo trên các cơ quan thông tin đại chúng để dư luận phê phán.
Đồng thời, nhằm tranh thủ sự ủng hộ và biện pháp giáo dục tại địa phương nơi cư trú, PC67 cũng gửi danh sách vi phạm về Công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người vi phạm hoặc đến cơ quan, trường học nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên để kiểm điểm, nhằm răn đe, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người vi phạm.
Thông tin trên được PC67 đưa ra vào thượng tuần tháng 12-2014. Đầu năm 2013, đề xuất này cũng đã được đưa ra nhưng không thực hiện. Cùng thời điểm đó, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) – Bộ Công an được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2010/BCA quy định về việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Theo dự thảo thì hằng tuần, lực lượng công an các tỉnh, thành phố, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (C67) sẽ lập danh sách các trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông gửi đến các cơ quan thông tin truyền thông (bằng văn bản hoặc thư điện tử) để thông báo, “điểm danh tên tuổi” người vi phạm trên báo, đài truyền hình, truyền thanh địa phương.
Đối với những trường hợp chống người thi hành công vụ hoặc sử dụng rượu, bia, chất ma túy,… điều khiển phương tiện gây tai nạn thì danh sách cá nhân vi phạm với đầy đủ thông tin về địa chỉ cư trú, cơ quan, đơn vị công tác, nơi học tập phải được gửi về Ủy ban An toàn giao thông quốc gia để thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông trung ương.
Thông tư số 38/2010/TT-BCA của Bộ Công an là văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Và trong nghị định này có quy định việc gửi thông tin về người vi phạm Luật Giao thông đường bộ cho các cơ quan báo chí.
“Bêu tên” là phạm luật
Thế nhưng Nghị định số 34/2010/NĐ-CP đã hết hiệu lực thi hành, đã được thay thế bằng Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và trong nghị định này không có quy định về việc gửi thông báo công khai danh tính người vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hơn nữa, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013 không có điều khoản nào quy định về việc phải công bố công khai danh tính người vi phạm trật tự an toàn giao thông trên báo chí.
Cụ thể, tại Điều 72 của Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định như sau: 1. Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.
2. Nội dung công bố công khai bao gồm cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.
3. Việc công bố công khai được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính.
Điều này cho thấy, khi thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính, Quốc hội đã không chấp thuận việc này. Đây là quy định gốc, buộc nghị định của Chính phủ và thông tư của các bộ phải xây dựng sao cho phù hợp, không được quy định trái hoặc mâu thuẫn.
Nếu việc công bố công khai danh tính người vi phạm trật tự an toàn giao thông là cần thiết và có hiệu quả trong việc nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông, thì không còn cách nào khác là phải chờ Quốc hội sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó có bổ sung nội dung này.
Ở đây, nếu PC67 Công an TP.HCM cáo buộc “hành vi đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính” là “đưa hối lộ”, thì các hành vi “đưa hối lộ – nhận hối lộ” khác cũng phải được thông báo trên các cơ quan thông tin đại chúng để dư luận phê phán.
Tuy nhiên, tội “đưa hối lộ”, tội làm “môi giới hối lộ” trong Bộ luật hình sự Việt Nam, không đề cập đến trường hợp như PC67 nêu, vì nội dung đó thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Xử lý vi phạm hành chính.