Việt Nam Thời Báo

Thông cáo Báo chí của Toà trọng tài thường trực về Vụ kiện Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông

Vào thứ 2, ngày 13 tháng 7 năm 2015, Tòa Trọng tài đã kết thúc điều trần về thẩm quyền và khả năng thụ lý trong vụ việc trọng tài mà nước Cộng hòa Philippines đã khởi kiện chống lại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo quy định của Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (“Công ước”).



                                                         THÔNG CÁO BÁO CHÍ
                    Vụ kiện Trọng tài giữa Cộng hòa Philippines và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

La Hay, 13 tháng 7 năm 2015 

Tòa Trọng tài Kết thúc Phiên điều trần về Thẩm quyền và Khả năng thụ lý 

Vào thứ 2, ngày 13 tháng 7 năm 2015, Tòa Trọng tài đã kết thúc phiên điều trần về thẩm quyền và khả năng thụ lý trong vụ việc trọng tài mà nước Cộng hòa Philippines đã khởi kiện chống lại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo quy định của Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (“Công ước”).

Phiên điều trần được bắt đầu vào ngày 7 tháng 7 năm 2015 và diễn ra ở Cung điện Hòa bình, trụ sở của Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay, Hà Lan.

Đoàn Philippines gồm khoảng 60 người tham dự, trong đó có Cố vấn Pháp lý với vai trò là Luật sư tranh tụng của Philippines, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Tư pháp, Bộ trưởng Quốc phòng, thành viên Tòa án Tối cao, thành viên Hạ viện, các Đại sứ, luật sư của chính phủ, các quan chức, luật sư, cố vấn, chuyên gia kỹ thuật và trợ lý.

Luật sư tranh tụng của Philippines, Cố vấn Pháp lý Florin T. Hilbay, và Ngoại trưởng Philippines, ông Albert Ferreros del Rosario đã có các bài phát biểu giới thiệu. Sau đó, Luật sư của Philippines, ông Paul S. Reichler, Giáo sư Phillipe Sands QC, ông Lawrence H. Martin, Giáo sư Bernand H. Oxman, và Giáo sư Alan Boyle đã trình bày các lập luận pháp lý của Philippines.

Tòa trọng tài đã quyết định không công khai phiên điều trần. Tuy nhiên, sau khi nhận được các văn bản đề nghị từ các Quốc gia có quan tâm đến vụ việc và tham khảo ý kiến của các Bên, Tòa trọng tài đã cho phép Chính phủ Malaysia, Cộng hòa Indonesia, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Vương quốc Thái Lan và Nhật Bản cử các đoàn nhỏ tham gia phiên điều trần với tư cách quan sát viên.

Khởi đầu của vụ kiện trọng tài

Quá trình trọng tài bắt đầu vào ngày 22 tháng 1 năm 2013 khi Philippines gửi tới Trung Quốc Thông báo và Bản yêu sách “liên quan đến tranh chấp với Trung Quốc đối với quyền tài phán trên biển của Philippines ở vùng Biển Tây Philippines”. Vào ngày 19 tháng 2 năm 2013, Trung Quốc đã gửi Philippines công hàm ngoại giao trong đó đưa ra “Quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề ở Biển Đông” và từ chối, trả lại Thông báo của Philippines.

Tòa trọng tài gồm năm thành viên được chủ trì bởi Thẩm phán Thomas A. Mensah đến từ Ghana. Các Thành viên khác gồm có Thẩm phán Jean-Pierre Cot người Pháp, Thẩm phán Stanislaw Pawlak người Ba Lan, Giáo sư Alfred Soons người Hà Lan và Thẩm phán Rudiger Wolfrum người Đức. Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đóng vai trò là Cơ quan đăng ký của cuộc tố tụng.

Trung Quốc không tham gia

Chính phủ Trung Quốc đã duy trì quan điểm không chấp nhận và cũng như không tham gia vào quá trình tố tụng trọng tài này. Trung Quốc đã tái khẳng định quan điểm này trong các công hàm ngoại giao, các tuyên bố chính thức, “Tuyên bố Lập trường của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Vấn đề Thẩm quyền trong Vụ kiện Trọng tài Biển Đông do Cộng hòa Philippines đệ trình” ngày 7 tháng 12 năm 2014, và hai lá thư do Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan gửi hai thành viên của Tòa Trọng tài. Chính phủ Trung Quốc cũng đã khẳng định rằng những tuyên bố và tài liệu này “sẽ không được hiểu là Trung Quốc đang tham gia vào quá trình tố tụng trọng tài dưới bất kỳ hình thức nào”.

Điều 9 của Phụ lục VII Công ước quy định rằng:

Khi một trong số các bên trong vụ tranh chấp không ra Toà hoặc không trình bày các lý lẽ của mình, thì bên kia có thể yêu cầu Toà tiếp tục trình tự tố tụng và phán quyết. Việc một bên vắng mặt hay việc một bên không trình bày các lý lẽ của mình không cản trở cho trình tự tố tụng. Trước khi ra phán quyết, Toà trọng tài cần phải biết chắc chắn rằng không những Toà có thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp mà còn chắc chắn rằng đơn kiện có cơ sở về mặt thực tế pháp lý.

Phù hợp với nghĩa vụ theo Điều 5 của Phụ lục VII Công ước về việc “cho mỗi bên có khả năng bảo vệ các quyền của mình và trình bày căn cứ của mình”, Tòa Trọng tài đã thường xuyên cập nhật cho Trung Quốc những tiến triển của mọi giai đoạn trong quá trình tố tụng. Bản ghi chép của các phiên xét xử đều đã được chuyển tới Trung Quốc và Trung Quốc đã được mời đưa ra ý kiến đối với tất cả những gì đã được nêu ra ở phiên xét xử.

Quá trình tố tụng về Thẩm quyền và Khả năng thụ lý

Theo quy định của Công ước, một tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII có thẩm quyền xem xét một tranh chấp giữa các Quốc gia Thành viên Công ước trong phạm vi tranh chấp đó liên quan đến việc “giải thích hay áp dụng” Công ước. Tuy nhiên, Công ước cũng loại trừ một số loại tranh chấp khỏi thẩm quyền của tòa trọng tài và bao gồm một số điều kiện tiên quyết cần phải được đáp ứng trước khi tòa trọng tài thực thi thẩm quyền của mình.

Vì những lý do đã nêu tại Lệnh Thủ tục số 4 ngày 21 tháng 4 năm 2015, Tòa Trọng tài đã coi những trao đổi của Trung Quốc là cấu thành lập luận cho rằng vụ kiện của Philippines nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của Tòa Trọng tài. Vì vậy, Tòa Trọng tài đã quyết định mở phiên sơ thẩm để xem xét phạm vi thẩm quyền và khả năng thụ lý các yêu sách của Philippines. Trong trường hợp Tòa Trọng tài quyết định rằng Tòa có thẩm quyền đối với một số yêu sách của Philippines thì Tòa sẽ tiếp tục mở các phiên xét xử về nội dung vụ tranh chấp.

Tòa Trọng tài tiếp tục có nghĩa vụ theo Điều 9 Phụ lục VII của Công ước về việc thỏa mãn được yêu cầu rằng Tòa có thẩm quyền đối với vụ tranh chấp. Theo đó, trước và trong phiên xét xử Tòa Trọng tài đã làm rõ rằng Tòa sẽ xem xét các vấn đề về thẩm quyền và khả năng thụ lý cho dù nó có được nêu lên trong Tuyên bố Quan điểm của Trung Quốc hay không.

Vào ngày 23 tháng 6 năm 2015, Tòa Trọng tài đã gửi thư tới các Bên với hướng dẫn về những vấn đề cần giải quyết liên quan đến phiên xét xử. Tòa Trọng tài cũng đặt thêm câu hỏi trong quá trình xét xử.

Tóm tắt Tuyên bố Lập trường của Trung Quốc về Vấn đề Thẩm quyền

Tuyên bố Lập trường của Trung Quốc được đưa ra vào ngày 7 tháng 12 năm 2014 “nhằm chứng minh rằng [Tòa Trọng tài] không có thẩm quyền đối với vụ việc này”. Tuyên bố Lập trường này “không thể hiện bất kỳ quan điểm nào đối với các vấn đề thực chất liên quan đến nội dung vụ kiện trọng tài mà Philippines đệ trình lên” và “sẽ không được coi là Trung Quốc chấp nhận hay tham gia vào quá trình tố tụng này”.

Tuyên bố Lập trường, có thể được truy cập tạihttp://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1217147.shtml, nêu ra bốn quan điểm sau, theo Trung Quốc:

• Nội dung trọng tâm của vụ kiện trọng tài là chủ quyền lãnh thổ đối với một số cấu trúc trên biển ở Biển Đông, nó nằm ngoài phạm vi của Công ước và không liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước;

• Trung Quốc và Philippines đã thỏa thuận, thông qua các văn bản song phương và Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông, rằng hai bên sẽ giải quyết các tranh chấp có liên quan qua con đường đàm phán. Bằng việc đơn phương khởi động vụ kiện trọng tài này, Philippines đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo luật quốc tế;

• Ngay cả khi giả định, vì mục đích tranh luận, rằng nội dung vụ kiện liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước, thì nội dung đó là một phần không thể tách rời của công tác phân định trên biển giữa hai nước, vì vậy nó sẽ rơi vào phạm vi của tuyên bố của Trung Quốc năm 2006 phù hợp với Công ước, trong đó loại trừ những tranh chấp liên quan đến phân định biển khỏi thẩm quyền bắt buộc của trọng tài và các thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc khác;

 • Hệ quả là, Tòa Trọng tài rõ ràng không có thẩm quyền đối với vụ việc này. Dựa trên những quan điểm nêu trên và quyền tự do của Quốc gia được phép chọn phương thức giải quyết tranh chấp, việc Trung Quốc bác bỏ và không tham gia vào vụ việc trọng tài hiện tại là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tóm tắt lập luận của Philippin

Trong bài phát biểu giới thiệu lúc khai mạc phiên xét xử về thẩm quyền và khả năng thụ lý, Bộ trưởng del Rosario đã tóm tắt đệ trình của Philippines về nội dung tranh chấp của hai Bên như sau:

• Đầu tiên, Trung Quốc không có quyền thực hiện cái mà nước này gọi là ‘quyền lịch sử’ đối với các vùng biển, đáy biển và vùng đất dưới đáy biển ngoài giới hạn mà nước này được hưởng theo Công ước;

• Thứ hai, cái gọi là ‘đường chín đoạn’ không hề có bất kỳ căn cứ nào theo luật quốc tế khi ý nghĩa của nó là nhằm vạch ra giới hạn yêu sách ‘quyền lịch sử’ của Trung Quốc;

• Thứ ba, những cấu trúc trên biển mà Trung Quốc dựa vào để làm căn cứ nhằm khẳng định yêu sách của mình ở Biển Đông không phải là các đảo có khả năng tạo ra quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Thay vào đó, một số cấu trúc đó là ‘đảo đá’, theo định nghịa của Điều 121(3); một số khác là các cấu trúc lúc chìm lúc nổi; còn số khác là đảo chìm. Do đó, không một cấu trúc nào có khả năng tạo ra quyền ngoài phạm vi 12 hải lý, thậm chí một số cấu trúc còn không tạo ra bất kỳ một quyền nào. Những hoạt động cải tạo với quy mô lớn gần đây của Trung Quốc không thể thay đổi một cách hợp pháp bản chất và đặc điểm nguyên thuỷ của những cấu trúc này;

• Thứ tứ, Trung Quốc đã vi phạm Công ước bằng việc can thiệp vào quyền thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippin; và

• Thứ năm, Trung Quốc đã vi phạm [Công ước] bằng việc gây ra thiệt hại không thể phục hồi đối với môi trường biển trong khu vực, thông qua việc phá hủy các bãi san hô ở Biển Đông, bao gồm các khu vực thuộc [vùng đặc quyền kinh tế] của Philippines, thông qua thực tiễn đánh cá mang tính phá hủy và nguy hại của mình, và qua việc đánh bắt những loài vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Bộ trưởng del Rosario cũng nhấn mạnh rằng “qua việc đệ trình vụ việc này, Philippines không yêu cầu Tòa Trọng tài xét xử về khía cạnh chủ quyền lãnh thổ của các tranh chấp với Trung Quốc. Chúng tôi có mặt ở đây vì muốn làm rõ những quyền trên biển của mình ở Biển Đông, một câu hỏi mà Tòa có thẩm quyền xem xét”.

Tiếp sau Bộ trưởng del Rosario là Luật sư của Philippines, ông đã bắt đầu bằng việc trả lời câu hỏi rằng vụ kiện của Philippines liên quan đến việc có tồn tại một tranh chấp pháp lý giữa Philippines và Trung Quốc đối với một số vấn đề hay không và liệu những tranh chấp đó có đòi hỏi việc giải thích hay áp dụng Công ước hay không. Theo Philippines, tranh chấp giữa các Bên, ở mức rộng nhất, liên quan đến các quan điểm trái chiều của các Bên về nguồn gốc các quyền trên biển của mình. Theo quan điểm của Philippines, “các quyền và nghĩa vụ của Philippines và Trung Quốc chính là các quyền và nghĩa vụ được quy định trong Công ước 1982, không hơn không kém” và Công ước quy định đầy đủ về các vùng biển của các Quốc gia Thành viên. Vì vậy, đối với Philippines, câu hỏi về việc “liệu ‘quyền lịch sử’ của Trung Quốc theo luật quốc tế có trái với các điều khoản của Công ước 1982 , hay được bảo vệ bởi những điều khoản đó, là một vấn cần phải giải thích và áp dụng Công ước”. Tương tự, Philippines lập luận rằng những đệ trình của mình liên quan đến quy chế của một số cấu trúc trên biển và các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, đòi hỏi Tòa Trọng tài phải áp dụng các điều khoản có liên quan của Công ước, vì vậy chúng là những vấn đề thuộc thẩm quyền của Tòa Trọng tài.

Tiếp theo, Luật sư của Philippines nói tới mối quan hệ giữa các đệ trình của Philippines trong vụ trọng tài này và các yêu sách của Philippines về chủ quyền đối với các cấu trúc trên biển ở Biển Đông, cụ thể là phản đáp lại các lập luận trong Tuyên bố Quan điểm của Trung Quốc. Theo Philippines, quy chế của một cấu trúc theo quy định của Công ước và các vùng biển mà nó có thể tạo ra không đòi hỏi phải xác định trước rằng Quốc gia nào có chủ quyền đối với cấu trúc đó. Vì vậy, Tòa Trọng tài không cần phải xem xét đến vấn đề chủ quyền khi xét xử các đệ trình của Philippines, do quy chế của các cấu trúc sẽ không thay đổi, cho dù Quốc gia nào có chủ quyền với chúng đi chăng nữa. Hơn nữa, Philippines cho rằng theo luật quốc tế tòa và tòa trọng tài có quyền thực thi thẩm quyền đối với một phần của một tranh chấp đa chiều, ngay cả khi tòa đó không có thẩm quyền xem xét tất cả các vấn đề liên quan đến tranh chấp.  

Tiếp đó, Luật sư của Philippines quay sang câu hỏi về các điều kiện tiên quyết đối với thẩm quyền của Tòa Trọng tài và liệu Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông năm 2002  hay Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á năm 1976 có cấu thành một thỏa thuận giữa các Bên về việc loại trừ quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên bằng hình thức trọng tài theo quy định của Công ước hay không. Theo Philippines, Tuyên bố năm 2002 không phải là một thỏa thuận có tính ràng buộc về pháp lý, một thực tiễn mà Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định. Hơn nữa, Philippines lập luận rằng, Tuyên bố 2002 không chứa bất kỳ nội dung nào có thể được hiểu là loại trừ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, và bản thân Tuyên bố cũng dẫn chiếu đến việc giải quyết tranh chấp theo quy định của Công ước. Tương tự như vậy, theo Philippines, mặc dù Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác là một thỏa thuận có tính ràng buộc giữa các Bên, bản thân Hiệp ước cũng đã khẳng định về khả năng sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp khác. Theo quan điểm của Philippines, điều khoản này chỉ áp đặt một “trách nhiệm khiêm tốn” với các Quốc gia tranh chấp và trách nhiệm đó đã được thỏa mãn thông qua trao đổi ngoại giao giữa Philippines và Trung Quốc.

Sau đó, Luật sư của Philippines nói tới các ngoại lệ đối với thẩm quyền được quy định trong Công ước và lập luận trong Tuyên bố Quan điểm của Trung Quốc rằng các đệ trình của Philippines là một phần không thể tách rời của một tranh chấp đối với phân định ranh giới trên biển và do đó bị loại trừ khỏi thẩm quyền của Tòa Trọng tài theo quy định của Điều 298 của Công ước. Theo Philippines, “các vấn đề về phân định trên biển chỉ phát sinh trong bối cảnh chồng chéo quyền của các quốc gia ven biển” và Trung Quốc, với sự phản đối của mình, đã gộp vấn đề về quyền đối với các vùng trên biển với câu hỏi về việc phân chia các vùng đó trong trường hợp có sự chồng chéo. Theo quan điểm của Philippines, một trong những thành tựu nổi bật của Công ước là đã xác định được quyền trên biển của các Quốc gia ven biển và xây dựng được cơ chế giải quyết tranh chấp đối với bản chất và giới hạn của các quyền đó. Vì vậy, Philippines cho rằng, cho dù Tòa Trọng tài không thể phân định các quyền chồng chéo, nhưng Tòa không bị cản trở trong việc xác định sự tồn tại của các quyền đó, như Philippines đã yêu cầu.

Liên quan đến việc loại trừ theo Điều 298 đối với các tranh chấp liên quan đến “vịnh hoặc danh nghĩa lịch sử”, Luật sư của Philippines lập luận rằng các yêu sách của Trung Quốc về “quyền lịch sử” là hoàn toàn khác biệt với “danh nghĩa lịch sử” được quy định trong Công ước. Khi rà soát bản tiếng Trung của Công ước, cũng như của năm thứ tiếng chính thức khác (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, và tiếng Nga), Philippines cho rằng một “vịnh hay danh nghĩa lịch sử” bị giới hạn ở các yêu sách ở vùng biển nội thủy liền kề với đường bờ biển của một Quốc gia. Hơn nữa, theo Philippines, các tuyên bố và trao đổi ngoại giao của Trung Quốc cũng chưa hề sử dụng những thuật ngữ đó để mô tả các “quyền lịch sử” mà Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông.

Luật sư của Philippines sau đó nói về các ngoại lệ về thẩm quyền đối với các tranh chấp liên quan đến hoạt động quân sự hoặc chấp pháp. Theo Philippines, ngoại lệ đối với các hoạt động chấp pháp là hẹp và chỉ áp dụng với các hoạt động chấp pháp có liên quan đến nghiên cứu khoa học trên biển hay quản lý tài nguyên sinh vật (cả hai lĩnh vực này đã bị loại trừ khỏi giải quyết tranh chấp bắt buộc). Do đó, Philippines không coi ngoại lệ về chấp pháp là có liên quan đến các đệ trình của mình. Còn với ngoại lệ về hoạt động quân sự, Philippines cho rằng việc coi các hoạt động là có tính quân sự phụ thuộc vào mục đích của chúng và lập luận rằng Trung Quốc, chứ không phải Philippines, mới có khả năng cung cấp thông tin về bản chất và mục đích các hoạt động của mình ở Biển Đông. Tuy nhiên, Philippines cũng lưu ý rằng Trung Quốc đã không coi các hoạt động của mình là có tính quân sự và cũng không viện dẫn đến ngoại lệ này trong Tuyên bố Lập trường. Thêm vào đó, Philippines nhận định rằng “nhiều Quốc gia đã sử dụng tàu hải quân của mình cho mục đích chấp pháp ít nhất là vài lần” và lập luận rằng “việc các cán bộ quân sự tham gia vào các hoạt động xây dựng hay cải tạo đất không đồng nghĩa với việc mục đích của các hoạt động đó là quân sự”.

Cuối cùng, Luật sư của Philippines nói tới các ngoại lệ về thẩm quyền đối với các tranh chấp liên quan đến tài nguyên sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi các đệ trình của Philippines về tổn hại đối với môi trường và các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng. Theo Philippines, ngoại lệ này không thể được áp dụng, do các vi phạm của Trung Quốc không xảy ra ở vùng lãnh hải bao quanh Bãi cạn Scarborough hay trong các vùng gần Bãi Second Thomas Shoal và Đá Vành khăn, những vùng mà chỉ có Philippines được hưởng vùng đặc quyền kinh tế. Theo Philippines, trong trường hợp này Tòa Trọng tài không bị hạn chế về thẩm quyền. Philippines cũng làm rõ rằng các đệ trình của mình liên quan đến các nội dung của Công ước về môi trường biển và ở đây Philippines không khiếu kiện về một vi phạm riêng đối với Công ước về Đa dạng sinh học. 

Vào ngày cuối cùng của phiên xét xử, để trả lời các câu hỏi của Tòa Trọng tài, Philippines đã đưa thêm những lập luận về (a) sự tồn tại của một tranh chấp pháp lý liên quan đến từng đệ trình của Philippines; (b) phạm vi thẩm quyền lệ thuộc của một tòa trọng tài đối với các vấn đề nhỏ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ có thể được nêu trong đệ trình của Philippines; (c) việc áp dụng nguyên tắc estoppel (cấm phản cung) đối với Tuyên bố về Ứng xử các Bên ở Biển Đông năm 2002; (d) về việc Philippines có nghĩa vụ cố gắng giải quyết tranh chấp giữa các Bên theo quy định của Tuyên bố năm 2002 hay Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á năm 1976 hay không; (e) phạm vi và ý nghĩa của các ngoại lệ theo Công ước đối với các tranh chấp liên quan đến hoạt động quân sự; và (f) liệu câu hỏi về thẩm quyền đối với bất kỳ một đệ trình nào của Philippines không mang “tính sơ thẩm một cách thuần túy” và đòi hỏi Tòa Trọng tài phải xác định trước một hay nhiều vấn đề liên quan đến nội dung yêu sách của Philippines hay không. Philippines cũng trả lời các câu hỏi của các thành viên trong Tòa Trọng tài.

Bước tiếp theo của Tòa Trọng tài

Các Bên sẽ có thời hạn đến thứ 2 ngày 20 tháng 7 năm 2015 để rà soát và đệ trình những thay đổi đối với bản ghi chép của phiên xét xử về thẩm quyền và khả năng thụ lý. Đến thứ 5 ngày 23 tháng 7 năm 2015 Philippines sẽ đệ trình các văn bản phản hồi các câu hỏi của Tòa Trọng tài trong phiên xét xử. Tòa Trọng tài kỳ vọng rằng các bản ghi chép sửa đổi sẽ có thể được truy cập tại trang mạng của PCA.

Phù hợp với nghĩa vụ của Tòa Trọng tài theo Điều 5 Phụ lục VII của Công ước về việc “cho mỗi bên có khả năng bảo vệ các quyền của mình và trình bày căn cứ của mình”, Tòa Trọng tài đã quyết định cho Trung Quốc cơ hội được bình luận bằng văn bản, với thời hạn là ngày 17 tháng 8 năm 2015, đối với tất cả những gì được nói tại Phiên xét xử về Thẩm quyền và Khả năng thụ lý này.  

Tòa Trọng tài hiện đang bước vào quá trình phân xử và ý thức được nghĩa vụ của mình theo Quy tắc Thủ tục về việc “tránh sự trì hoãn và chi phí không cần thiết và cung cấp một tiến trình công bằng và hiệu quả”. Tòa Trọng tài sẽ cố gắng đưa ra quyết định về các vấn đề về Thẩm quyền và Khả năng thụ lí mà Tòa coi là hợp lý một cách nhanh nhất có thể và hy vọng sẽ làm được trước thời điểm cuối năm.

Nếu Tòa Trọng tài xác định rằng có những phản đối đối với thẩm quyền hay các vấn đề về khả năng thụ lí không mang tính sơ thẩm một cách thuần túy thì, theo quy định của Điều 20(3) của Quy tắc thủ tục, những vấn đề đó sẽ được xem xét và quyết định tại các phiên sau của quá trình tố tụng.

***

Các thông tin thêm về vụ kiện, bao gồm Quy định Thủ tục và các Thông cáo Báo chí trước đây và hình ảnh của buổi điều trần có thể xem tại http://www.pca-cpa.org/showpage.asp?pag_id=1529. 

Thông tin về Toà Trọng tài Thường trực (PCA):  Toà Trọng tài Thường trực là một cơ quan liên chính phủ được thành lập năm 1899 bởi Công ước Hague về việc xét xử hoà bình các tranh chấp quốc tế. Có trụ sở tại Cung điện Hoà Bình ở La Hay, Hà Lan, Toà Trọng tài Thường trực thực hiện việc phân xử bằng hình thức trọng tài, hoà giải, tìm hiểu tình hình thực tế một cách trung lập và các thủ tục giải quyết tranh chấp khác giữa các quốc gia, các thực thể nhà nước, các tổ chức phi chính phủ và các chủ thể tư nhân.

Dịch: Việt Phạm

Hiệu đính: Kim Minh

(Nghiên Cứu Biển Đông)

Tin bài liên quan:

Trên 99% công chức “chuẩn mực”: ĐBQH bật cười, không tin!

Phan Thanh Hung

Các lực lượng đặc biệt Việt Nam đang chuẩn bị cho tranh chấp Biển Đông?

Phan Thanh Hung

Ba tháng mất một tỉ đôla, bao giờ Việt Nam vỡ nợ?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo