Gần đây truyền thông nhà nước và một số quan chức kêu gọi dân chúng nên quay lưng lại với các thông tin được cho là “xấu, độc hại”. Tuy vậy, trên thực tế cho thấy các trang mạng nhạy cảm này vẫn thu hút được một số lượng rất lớn người theo dõi.
Vì sao lại có hiện tượng như vậy và lỗi thuộc về ai?
Một số các trang mạng được dân theo dõi thường xuyên
Khi người dân “đói thông tin”
Hiện tượng việc xuất hiện các trang mạng ẩn danh, như Quan Làm Báo hay Chân dung Quyền lực… trước các sự kiện quan trọng của Đảng CSVN, đã trở thành vấn đề mang tính quy luật trong việc tranh chấp quyền lực.
Với các thông tin thâm cung bí sử về các quan chức lãnh đạo cao cấp, đã làm rúng động nội bộ Đảng CSVN và đẩy truyền thông nhà nước lâm vào sự khủng hoảng, do đánh mất lòng tin của dân chúng.
Đánh giá sự nguy hiểm của các trang mạng kể trên, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nói rằng: ” Trên mạng xã hội, có những trang blog chống đối quyết liệt Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, nói xấu nhiều lãnh đạo cao cấp. Những thông tin xấu, độc hại, nếu không kịp thời ngăn chặn, giải quyết sẽ gây tác động rất lớn đến tâm tư nguyện vọng, tình cảm của người dân, gây ra sự hoài nghi trong xã hội.”.
Điều đó cho thấy truyền thông nhà nước đã và đang phải đối mặt với một thách thức mới, mà với tư duy truyền thông cũ đã không đáp ứng được. Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng nhận xét:
Bây giờ người dân họ bảo họ không tin, họ không tin những gì Ban Tuyên huấn nói, Bộ TT&TT nói, cho nên họ phải đi tìm các thông tin trên mạng của CDQL, QLB nói và họ tin vào những cái ấy
Nhà báo Trần Ngọc Tuấn
“Trang CDQL khi mới ra đời trong một thời gian ngắn đã có hàng chục triệu người vào đọc, điều đó nó gây ra thành một sự kiện khá ồn ào. Trong khi các thông tin nhà nước đưa ra thì không trung thực và toàn bộ 800 tờ báo của nhà nước, mà người ta nói rằng chỉ có một ông tổng biên tập được sự định hướng thông tin của Ban Tuyên giáo TƯ và một luồng thông tin mà Đảng chỉ muốn cho dân nghe. Tức là các thông tin đưa ra ấy chắc chắn nó không có hồn và sức sống. Vì thế, việc truyền thông nhà nước đi theo cái hướng ấy thì chuyện lâm vào khủng hoảng là điều đương nhiên.”
Trong kỷ nguyên thông tin với phương tiện internet như hiện nay, thì công chúng luôn luôn tin vào các thông tin có bằng chứng thuyết phục. Nhà báo tự do Trần Ngọc Tuấn chia sẻ:
“Bây giờ người dân họ bảo họ không tin, họ không tin những gì Ban Tuyên huấn nói, Bộ TT&TT nói, cho nên họ phải đi tìm các thông tin trên mạng của CDQL, QLB nói và họ tin vào những cái ấy. Truyền thông Nhà nước khủng hoảng từ lâu rồi, khủng hoảng có truyền thống, bởi vì truyền thông trong nước là truyền thông một chiều và với một tư duy cách đây 50 năm – nửa thế kỷ rồi vẫn cái tư duy như vậy, úp úp, mở mở. Nghĩa là một cái tư duy không lành mạnh. Nếu như Đảng CSVN mạnh mẽ, tự tin và khẳng định mình thì hãy đưa thông tin một cách chính xác đi.”
Trả lời câu hỏi, vì sao các trang mạng “xấu, độc hại” này lại thu hút được một số lượng rất lớn người theo dõi?
Nhà báo tự do Trần Ngọc Tuấn thấy rằng, đây là một bài học chua xót trong việc tuyên truyền độc quyền của truyền thông nhà nước. Ông nói với chúng tôi:
“Bởi vì người dân ở trong nước đói thông tin lắm, từ trước đến nay họ chỉ được nghe thông tin một chiều. Nhưng mà họ biết các quan chức các cấp huyện, cấp tỉnh, thành phố tham nhũng thôi, chứ không biết các quan chức ở cấp cao hơn tham nhũng thế nào? Vì thế khi trang thông tin CDQL ra đời và được vào truy cập một cách hết sức dễ dàng, chính những cái đấy đã giúp cho họ hiểu. Và họ bảo vì trang CDQL vô cùng có sức thuyết phục, vì nó đã trưng ra các bằng chứng, bằng hình ảnh, có những thông tin về các HĐ buôn bán. Và lúc đó thì họ mới thấy rằng, té ra tất cả, không phải chỉ là quan huyện, quan tỉnh đâu, mà các quan chức trung ương cũng thế. ”
Bởi vì người dân ở trong nước đói thông tin lắm, từ trước đến nay họ chỉ được nghe thông tin một chiều. Nhưng mà họ biết các quan chức các cấp huyện, cấp tỉnh, thành phố tham nhũng thôi, chứ không biết các quan chức ở cấp cao hơn tham nhũng thế nào?
Nhà báo Trần Ngọc Tuấn
Theo VNN online, GS. Viện sĩ Trần Ngọc Thêm, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương chia sẻ rằng “Nếu không chủ động cung cấp trước thì mặt trận thông tin chính thống sẽ bị bỏ trống. Có khoảng trống thì dân chúng phải nghe ngóng, suy đoán, đồn thổi. Thông tin vỉa hè, mạng xã hội có cơ hội lên ngôi. Các thế lực chống đối cũng nhân đó mà ùa vào tuyên truyền, lũng đoạn thông tin”
Nguyên nhân và lỗi lầm
Do trang CDQL áp dụng cách làm truyền thông với các bằng chứng có sức thuyết phục cao, và đánh trúng vào tâm lý thích tìm kiếm thông tin thâm cung bí sử của số đông. Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng chia sẻ:
“Ngoài cái bản tính tò mò trong cung đình của mọi người đối với các thông tin được cho là thâm cung bí sử, nó còn một cái nguyên nhân mà chúng ta cần phải nhìn sâu hơn nữa. Đó là Đảng và Nhà nước đang nắm vận mệnh của hàng chục triệu người, những người ăn lương nhà nước như lực lượng vũ trang, các công chức… đang phải chịu sự tác động rất nhiều. Mọi sự thay đổi ở trên đều ảnh hưởng đến họ, thượng tầng kiến trúc có một cái gì xáo động lập tức sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hạ tầng cơ sở ở bên dưới. Nên việc họ quan tâm nhiều đến những thông tin đó tôi nghĩ là điều hợp lý.”
Nói về nguồn gốc và nguyên nhân sâu xa của hiện tượng người dân có xu hướng tin vào các thông tin phi chính thống hơn là các thông tin từ truyền thông nhà nước. Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng nói:
Lỗi trách nhiệm tôi cho là to nhất theo tôi là do Bộ TT&TT, cùng Ban Tuyên giáo vì đã không làm được những việc cần thiết ngoài việc bưng bít. Và họ đã quên đi một điều bây giờ là một thế giới phẳng, người dân có thể truy cập tất cả các thông tin
Nhà báo Trần Ngọc Tuấn
“Cũng nhờ công nghệ internet làm cho dân trí phát triển nên người ta mới thấy rằng mọi cái ý thức hệ hay mọi thông tin (của Đảng) đều dựa trên những sự cắt xén, sự không trung thực nếu không muốn nói là giả dối. Cho nên mới có cái hiện tượng người ta nói rằng: “Những gì Ban Tuyên giáo nói đúng thì chắc là sai và những gì Ban Tuyên giáo nói sai thì chắc là đúng.” Trước đây trên trang nhất báo Pháp Luật Thành phố HCM trích lời của một lãnh đạo Ban Tuyên giáo có nói rằng “Làm tuyên giáo phải biết nói ngược.”. Vâng, tôi thấy rằng cái câu đó nói rất rõ bản chất của Ban Tuyên giáo.”
Khi được hỏi, lỗi do ai khiến truyền thông nhà nước lâm vào tình trạng khủng hoảng như hiện nay? Nhà báo tự do Trần Ngọc Tuấn khẳng định:
“Lỗi trách nhiệm tôi cho là to nhất theo tôi là do Bộ TT&TT, cùng Ban Tuyên giáo vì đã không làm được những việc cần thiết ngoài việc bưng bít. Và họ đã quên đi một điều bây giờ là một thế giới phẳng, người dân có thể truy cập tất cả các thông tin. Đấy là một sự bất lực của truyền thông. Còn đối với tôi và rất nhiều người thì nghĩ rằng cái Ban Tuyên giáo là cái bọn nhố nhăng và với họ thì tôi phải cám ơn vì họ là những kẻ chống và phá chế đội hiệu quả lắm.”
Không phải ngẫu nhiên mà gần đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã buộc phải lên tiếng và cho rằng: ” Vậy làm sao để thông tin đó đúng đắn, chúng ta không ngăn, không cấm được đâu các đồng chí. Phải đưa thông tin chính xác, kịp thời thì người dân mới có lòng tin. Đây là nhiệm vụ mới cần phải làm tốt trong năm nay”. Đây có lẽ là một giải pháp đúng đắn và cần thiết cho truyền thông của Đảng trong lúc này.
(Theo Anh Vũ – RFA)