Viễn Đông
VOA
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 14/12/2016, hơn một tháng sau khi tỷ phú bất động sản đắc cử.
Ông Nguyễn Xuân Phúc hôm 9/3 nói với một phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ rằng ông “sẵn sàng” tới thăm nước họ và làm việc với Tổng thống Donald Trump để thúc đẩy quan hệ Hà Nội – Washington.
Ông Phúc cũng được VGP News dẫn lời khẳng định rằng chính phủ Việt Nam “coi trọng và mong muốn thúc đẩy hợp tác hữu nghị với Hoa Kỳ theo hướng thực chất, toàn diện, ổn định và lâu dài trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị của nhau…”
Trang Thông tin Chính phủ trên Facebook dẫn lời ông Trump nói trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Việt Nam sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ rằng ông sẽ tiếp ông Phúc “bất cứ lúc nào, dù là ở Washington hay là New York”. Tuy nhiên, hiện chưa rõ phía Mỹ đã chính thức mời Thủ tướng Phúc công du Hoa Kỳ hay chưa.
Cựu đại sứ Mỹ tại Hà Nội Michael Michalak dẫn đầu phái đoàn Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN tới thăm Việt Nam và nói chuyện với ông Nguyễn Xuân Phúc hôm 9/3.
Trong cuộc tiếp đón đoàn doanh nghiệp Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN, do cựu đại sứ Mỹ tại Hà Nội Michael Michalak dẫn đầu, ông Phúc cũng đề nghị các doanh nghiệp Mỹ “thúc đẩy chính phủ và quốc hội Hoa Kỳ tăng cường hợp tác đầu tư thương mại với khu vực” và Việt Nam cũng như “hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công APEC”.
“Cố gắng mời”
Một bản tin của Đài truyền hình Việt Nam về cuộc gặp dẫn lời Thủ tướng Phúc kêu gọi phái đoàn doanh nhân Mỹ “cố gắng mời Tổng thống Donald Trump sang thăm Việt Nam nhân hội nghị cấp cao APEC vào cuối năm nay”.
Đây không phải là lần đầu tiên quan chức Việt Nam bày tỏ mong muốn nhà lãnh đạo Mỹ tới dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Tuy nhiên, tới nay, phía Mỹ vẫn chưa có phản hồi chính thức về lời mời này.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói với VOA Việt Ngữ rằng không chỉ Việt Nam mà các nước thành viên khác của APEC đều đang theo dõi và muốn nghe “thông điệp rõ ràng hơn” của ông Trump đối với APEC, về quan hệ “giữa Mỹ và các nước ở phía bên này Thái Bình Dương” cũng như “thái độ của ông ấy đối với các vấn đề quốc tế khác nhau”.
Bà nói thêm: “Vì ông Trump là tổng thống mới của Hoa Kỳ và đang đưa ra nhiều chính sách mới cũng như cách thức ông Trump tiếp cận khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung có cái khác so với các tổng thống trước, cho nên Việt Nam càng có mong muốn nhiều hơn là ông Trump đến Việt Nam lần này trong dịp hội nghị APEC để thể hiện thái độ của ông Trump không những đối với khu vực mà còn đối với nước chủ nhà Việt Nam phần nào. Ông Trump mà tham gia được hội nghị APEC ở Việt Nam thì đấy cũng thể hiện một sự ủng hộ của ông Trump đối với APEC và vai trò chủ nhà của Việt Nam”.
Cựu thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Việt Nam cho biết rằng năm 2006, Việt Nam từng vận động thành công Tổng thống Mỹ khi ấy là ông George W. Bush tới tham dự APEC.
Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết, Tổng thống George W. Bush, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Chile Michelle Bachelet tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Việt Nam năm 2006.
“Chờ đợi”
Trả lời phỏng vấn VOA Việt Ngữ mới đây, ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở thủ đô Washington, cho biết rằng cuối năm 2016, trong cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama sau khi mới đắc cử, ông Trump “tỏ ra không biết APEC là gì”, và hiện “chưa biết ông ấy nghĩ gì về APEC”.
Tuy nhiên, ông Hiebert cho rằng Việt Nam nên tiếp tục mời nhà lãnh đạo Mỹ tới dự sự kiện sẽ diễn ra ở Đà Nẵng vào tháng 11 năm nay.
Cuối năm 2016, Tổng thống Mỹ khi ấy là ông Barack Obama đã tới Peru tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC. Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang cũng có mặt tại sự kiện này.
Trong khi đó, bà Phạm Chi Lan cho rằng “chuyến đi thăm song phương thì sẽ rất khó, nhưng đi Việt Nam kết hợp với việc tham dự hội nghị APEC và trao đổi với nước chủ nhà về mối quan hệ giữa hai bên là điều Việt Nam mong muốn”.
Bà nói tiếp: “Trong bối cảnh ông Trump quyết định không tham gia TPP [Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương] nữa và muốn chuyển sang hướng đàm phán song phương giữa các quốc gia với nhau, giữa Mỹ và các quốc gia khác trong TPP, thì tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng chờ đợi rằng người đứng đầu của nước Mỹ có thể trong chuyến đi đó thì đã có ý tưởng nào đó đối với Việt Nam về cách thức quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam trong tương lai”.
Ngay sau khi nhậm chức hồi tháng Một, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp, rút Hoa Kỳ khỏi TPP. Còn trong chiến dịch vận động tranh cử, tỷ phú bất động sản này từng nhiều lần phản đối các hiệp định thương mại tự do cũng như các tổ chức quốc tế đa phương.