Lần đầu tiên sẽ có việc lấy phiếu tín nhiệm với Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã khai mạc hôm 5/1.
Dự kiến kéo dài cả tuần, khoảng 200 nhân vật cao cấp nhất của Đảng gặp nhau để bàn các chủ đề quan trọng về nhân sự, tổng kết đường lối, phương hướng cho Đại hội Đảng lần thứ 12.
BBC có cuộc trao đổi với Giáo sư Carl Thayer, một nhà nghiên cứu sống ở Úc chuyên quan sát tình hình chính trị Việt Nam.
Carl Thayer: Trước hết có thể nhận xét Hội nghị Trung ương 10 đã bị trì hoãn quá lâu. Trong suốt cả năm 2014 chỉ có mỗi một hội nghị trung ương 9 diễn ra vào tháng Năm. Hội nghị này lẽ ra có thể đã được nhóm vào tháng Tám khẩn trương để đối phó với khủng hoảng Giàn khoan HD-981. Sau đó nó được định lại ngày vào tháng Mười, tháng Mười Hai và nay thì vào tháng Giêng.
Ngay từ kỳ hội nghị lần thứ 9 hồi tháng Năm đã có các tiểu ban làm việc về vấn đề nhân sự. Nhưng hội nghị này cũng là cơ hội cuối để đảng tiếp tục hoạch định kế hoạch kinh tế – xã hội chiến lược tổng thể, cân nhắc việc điều chỉnh vị trí của Đảng, điều lệ Đảng và bầu cử, xác định xem cơ cấu quyền lực tới đây sẽ lớn nhỏ như thế nào, kể cả với cơ cấu, số ghế Bộ Chính trị v.v… Do đó đây là là một hội nghị trung ương rất quan trọng.
BBC:Ông nghĩ là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trụ lại? Đã có những nguồn gợi ý rằng ông ấy cũng quan tâm tới chiếc ghế Tổng Bí thư của Đảng.
Tất cả những gì tôi có thể nói được là trong quá khứ, với tiêu chí hạn chế tuổi lãnh đạo ở ngưỡng 65 tuổi, thì người ta luôn mở ra đặc lệ với ghế Tổng Bí thư Đảng. Có nguồn nói thậm chí người ta sẽ mở ngoại lệ ra cho hai cá nhân đợt này.
Nhưng rõ ràng tính số lượng với những ủy viên sắp nghỉ hưu, chỉ tính những người đã ngồi trọn nhiệm kỳ, mà không tính tới hai ủy viên mới trong Bộ Chính trị, thì đây là một vấn đề với Việt Nam. Cứ năm năm một lần Việt Nam lại lặp lại vấn đề là Đảng không có đủ nhân sự tài năng, cả nam lẫn nữ, để điền vào cho các ghế mới. Do đó hiện có những đồn đoán và phải nói là vẫn còn sớm để nói lên điều gì.
Họ có kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm, sẽ được sử dụng để đề bạt những người làm việc tốt hoặc để loại bỏ nhân sự. Và trong quá khứ đã có hành động trong nội bộ được cho là để hạ bệ Thủ tướng, nhưng ông ấy đã tỏ ra rất mạnh mẽ trong vấn đề Biển Đông và do đó sự ủng hộ trong Trung ương Đảng cho ông ấy khá cao. Trước đây, đã có những tấn công mạnh mẽ, nhưng ông Dũng đã thoát ra được khá là ngoạn mục.
Có hai khả năng, thứ nhất là có sự đồng thuận để ai đó như ông Nguyễn Tấn Dũng có thể trụ lại và làm việc tiếp, hoặc nếu không thì tất cả sẽ đều phải về hưu. Và đó cũng từng là cách xảy ra trong quá khứ.
Có hai khả năng, thứ nhất là có sự đồng thuận để ai đó như ông Nguyễn Tấn Dũng có thể trụ lại và làm việc tiếp, hoặc nếu không thì tất cả sẽ đều phải về hưu. Và đó cũng từng là cách xảy ra trong quá khứ.
Tôi nghĩ bây giờ vẫn còn quá sớm và chúng ta phải chờ các cuộc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng để mà đo đếm.
BBC:Ông nghĩ là ông Nguyễn Phú Trọng đã có được một ứng cử viên nào đó ở trong ống tay áo của ông ấy để có thể kế vị? Tương tự, các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng có tự chọn ra ai chưa để thay thế vị trí của họ?
Hết đồn đoán này đến đồn đoán khác. Có nguồn nói ông Nguyễn Phú Trọng đã chọn ông Phạm Quang Nghị (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội) là ứng viên được ưa thích của ông ấy. Do đó ông Nghị đã được cử sang Washington trong vụ Khủng hoảng Giàn khoan 981, trước khi Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh được cử đi. Phải xem điều này có đúng không.
Tôi thì phải nói ngay là tôi không thấy ông Nguyễn Phú Trọng có thể tiếp tục chức Tổng Bí thư. Điều ông ấy có thể làm bây giờ chỉ là cố gắng tác động, ảnh hưởng. Nhưng thành tích trong quá khứ của ông ấy không được tốt. Ông ấy đã từng đề cử hai nhân vật quan trọng vào Bộ Chính trị năm ngoái, nhưng không ai trong đó được thăng tiến vào đó. Trung ương Đảng đã không quyết việc đó. Thành tích bổ nhiệm nhân sự của ông ấy đã không được hiệu quả.
Với cặp được cho là cạnh tranh giữa các ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng, hai người ở miền Nam, nếu họ tiếp tục cạnh tranh và thù địch để một người trụ lại trong khi người kia bị hạ bệ, thì có thể cả hai sẽ phải cùng rời ghế quyền lực. Bởi vì ở Việt Nam, quyền lực luôn có khuynh hướng tập trung, mà không có sự quá khích, và Đảng luôn muốn điều tiết quyền lực ấy, nhất là để chọn ra giới lãnh đạo.
Do đó, một lần nữa, gác những đồn đoán lại, đối với tôi điều quan trọng là liệu Đảng có cho biết công khai bỏ phiếu tín nhiệm sẽ xảy ra như thế nào, được tiến hành ra sao, liệu có được công bằng cho tất cả không, đối với các vị tri lãnh đạo chóp bu thế nào? Ở trong những kỳ lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, ông Trương Tấn Sang có kết quả khá cao, nhưng năm 2014, ông Thủ tướng đã phục hồi được sau lần có kết quả khá thấp của đợt phiếu tín nhiệm diễn ra năm trước đó.
BBC:Về phần mình, ông Nguyễn Tấn Dũng có chuẩn bị cho mình một ứng cử viên nào để thay thế ông ấy hay là không?
Tôi sẽ không đưa ra lời trả lời có hay không như thế, vì như thế mọi việc coi như đã xong rồi còn gì. Riêng với ghế Thủ tương thì có vẻ như là ông ấy sẽ không tiếp tục ngồi lại đó. Nhiều nhà phân tích, trong đó có cả tôi, cũng gặp những khó khăn nhất định trong việc phân tích xem ai sẽ là vị Thủ tướng kế tiếp.
Cũng có một số gợi ý rằng trong số các cấp Phó của ông Dũng, sẽ có thể có ứng cử viên ngồi vào ghế đó. Một lần nữa, ta nhớ rằng hội nghị trung ương 10 lẽ ra phải diễn ra sớm hơn thay vì liên tục bị trì lâu như vậy. Lẽ ra nó phải được nhóm vào cuối năm ngoái, nhưng rồi lại không. Mặc dù hai hội nghị trung ương một năm phải là tối thiểu, trong 10-15 năm qua, người ta thấy cũng khá thường xuyên diễn ra tới ba hội nghị một năm. Nhưng năm ngoái, Đảng chỉ tổ chức được mỗi một hội nghị và điều đó thực là bất thường. Và điều đấy cho thấy ở trong Đảng đang có một số vấn đề gì đó và việc chậm trễ lịch trình cũng gợi ý rằng, hiện nay còn quá sớm để đưa ra một đánh giá, dự đoán.
BBC:Có vẻ Trung Quốc có quy hoạch cụ thể rõ rệt về việc chuyển giao lãnh đạo từ mấy năm trước Đại hội Đảng, còn ở Việt Nam không làm được như vậy?
Đúng thế, chỉ nói riêng quy mô của Bộ Chính trị, số lượng ủy viên phải nghỉ hưu đã tới con số 50%, đây là một tỷ lệ phần trăm rất cao về những người phải về nghỉ. Trong quá khứ, những người được phép ngồi vào năm vị trí lãnh đạo cao cấp như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Bộ Chính trị đều phải là những ủy viên đã ngồi ít nhất 5 năm toàn thời gian trong Bộ Chính trị. Và ngay cả nếu Bộ Chính trị có mở rộng nhiều hơn, thì Việt Nam vẫn gặp rủi ro mà tôi so sánh như khi người ta ngồi vào ghế trong một trò chơi tìm ghế trước khi ‘tắt nhạc’. Đó là ở phương Tây, người ta luôn có nhiều người hơn số ghế, và khi bản nhạc tắt đi, những người không tìm được ghế thì phải ra ngoài. Còn ở Việt Nam thì trò chơi lại là người ta đặt 5 người sẵn cho 5 cái ghế. Và khi nhạc dừng, tất cả đều phải ngồi xuống.
Cho nên trong kỳ Đại hội lần trước, ông Trương Tấn Sang được người ta bảo là: “Chào ông, ông phải ngồi xuống ghế Chủ tịch Nước, vì tất cả các ghế kia đều đã có người ngồi.” Hội nghị này, hay bất cứ sự kiện nào diễn ra sau cùng, nếu không thay đổi lối chơi thì vẫn thế, trừ phi có ai đó “vắng mặt” thôi. Nhưng mọi thứ vẫn còn quá sớm để nhận định.
BBC:Gần đây có một trang mạng “Chân dung Quyền lực” đưa ra nhiều thông tin chưa thể kiểm chứng, chủ yếu xoay quanh hai ông Nguyễn Bá Thanh và Nguyễn Xuân Phúc. Trang này cáo buộc Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có mâu thuẫn lớn với ông Thanh. Theo ông ai đứng sau trang web này, mục đích của nó là gì?
Tôi không biết ai đứng sau này. Ông Nguyễn Bá Thanh được điều ra khỏi Đà Nẵng và đứng đầu Ban Nội chính Trung ương Đảng để chống tham nhũng và ông báo cáo trực tiếp với Tổng Bí thư của Đảng. Động thái của ông Tổng Bí thư để tiến hành điều tra, thanh tra khoảng hai chục vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, làm sai lớn, và đặt ông Thanh vào hướng đối diện với ông Thủ tướng Chính phủ, ông hỗ trợ cho ông Trọng và mạng lưới của ông ấy… Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được hiệu quả.
Ông Thanh là một nhân vật rất được biết tới ở Đà Nẵng, ông ấy đã có những thử nghiệm về dân chủ ở Đà Nẵng, ông trực tiếp chỉ đạo việc bầu cử các quan chức địa phương v.v…
Tôi nghĩ trang “Chân dung Quyền lực” có thể ít nhiều bộc lộ nội tình và tình trạng sức khỏe của nền chính trị Việt Nam. Với ông, Nguyễn Bá Thanh, người ta đã thiết kế nhiều cách thức để lần trước ông không thể vào được Bộ Chính trị, còn ông Nguyễn Xuân Phúc đương nhiên là một người gần hơn với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
(BBC)