Việt Nam Thời Báo

Tiền lương “hụt hơi” với giá

Thu nhập không thể đáp ứng mức sống tối thiểu nên chất lượng sống của công nhân ngày càng giảm

12 năm cật lực làm việc tại Công ty Upgain Việt Nam (KCX Linh Trung 1, TP HCM), điều hạnh phúc nhất của chị Võ Thị Tuyết Khoa là mỗi tháng có thể gửi được ít tiền về cho cha mẹ. Sống tằn tiện, thậm chí không dám sắm sửa bất cứ thứ gì đáng giá cho bản thân nhưng do thu nhập thấp nên hầu như chị không tích lũy được gì.

Lương đi… thụt lùi!

Chị kể: 10 năm trước, nếu tăng ca đều đặn, thu nhập của chị được hơn 2 triệu đồng/tháng, lúc ấy dù lương thấp nhưng cuộc sống cũng dễ thở hơn bởi chi phí sinh hoạt không quá đắt đỏ. “Trước đây, giá nhà trọ chỉ khoảng 300.000-350.000 đồng/tháng nhưng hiện nay đã tăng gấp 5 lần. Hơn 10 năm làm công nhân (CN), thu nhập hiện tại của tôi cũng chỉ tròm trèm 4 triệu đồng/tháng trong khi chi phí sinh hoạt liên tục tăng nên số tiền tôi tiết kiệm để gửi về quê còn ít hơn 10 năm trước” – chị cho biết.

Thu nhập bấp bênh buộc công nhân phải dè sẻn trong chi tiêu. Trong ảnh: Công nhân Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân, TP HCM) đang mua thực phẩm ở khu chợ tạm gần công ty Ảnh: HỒNG NHUNG

Chị Hà Thị Tuyết Nhung, CN Công ty TNHH SX May mặc Tao Nhã (huyện Hóc Môn, TP HCM) cũng vậy. Chị Nhung buồn nói: “Cách đây khoảng 16 năm, lúc tôi bắt đầu đi làm, thu nhập lúc đó khoảng 1,4 triệu đồng/tháng. Với thu nhập đó, sau khi trừ các khoản sinh hoạt, tôi vẫn mua được nửa chỉ vàng. Hiện nay, thu nhập của tôi là 3.034.000 đồng/tháng, gấp đôi trước đây nhưng không đủ sống vì vật giá leo thang mỗi ngày”. Chị cho biết thêm tổng thu nhập mỗi tháng của vợ chồng chỉ khoảng 6 triệu đồng, dù không phải mất chi phí thuê nhà như những CN khác nhưng chị phải chi tiêu thật dè sẻn, thậm chí phải nhịn ăn sáng mới đủ trang trải cho cả nhà. Tháng nào được mời dự đám tiệc thì chị luôn lâm vào tình thế “ăn trước, trả sau”. Theo chị Nhung, để CN có thể sống được, nhà nước nên tăng mức lương tối thiểu (LTT) lên 3,6-3,7 triệu đồng/tháng.

Tự nhận là người có thu nhập cao trong công ty (khoảng 3,6 triệu đồng/tháng) song chị Đào Thị Phượng Trâm, chuyền phó Công ty TNHH Moland (quận 12, TP HCM) vẫn cho rằng khó trụ nổi lâu dài tại TP HCM. “Thu nhập của tôi cố định trong khi ông xã thì bấp bênh nên cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Những lúc hữu sự, tôi phải cầm cố tài sản hoặc vay nặng lãi để giải quyết” – chị Trâm than thở. Nhiều đồng nghiệp của chị Trâm, trong đó có người còn độc thân cũng luôn trong tình trạng túng thiếu như vậy.

Bữa cơm thiếu cá, thịt

Giá cả liên tục gia tăng làm cho tiền lương thực tế của CN bị giảm sút nghiêm trọng, kéo theo chất lượng cuộc sống cũng giảm. Chị Mai Thị Loan, tổ trưởng chuyền may của Công ty TNHH Kollan Việt Nam (KCX Linh Trung 1, TP HCM), nói thẳng LTT hiện nay quá thấp. Thu nhập bình quân của CN ở Công ty Kollan là hơn 4 triệu đồng/người/tháng (tương đối cao ở các KCX-KCN trên địa bàn TP). “Trừ tiền nhà, tiền điện, nước, gửi con nhà trẻ… nhiều gia đình đồng nghiệp của tôi chỉ có 50.000 đồng tiền ăn mỗi ngày. Thịt, cá hầu như vắng bóng trong bữa ăn hằng ngày nên sức khỏe càng suy kiệt” – chị Loan cho biết.

Đồng lương không đủ sống khiến đời sống công nhân thêm khó Ảnh: HỒNG ĐÀO

Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát nhỏ tại một khu nhà trọ ở phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM. Khu nhà trọ có hơn 40 phòng, trong đó gần một nửa là các gia đình CN có từ 3 đến 5 thành viên. 100% CN được hỏi cho biết thịt bò là loại thực phẩm không bao giờ hiện diện trong bữa ăn hằng ngày. “Ai cũng biết thịt bò ngon, bổ, tốt cho sức khỏe nhưng với giá mấy trăm ngàn/ký thì… thà nhịn còn hơn. Nhà tôi có 2 con nhỏ, nhiều khi cũng muốn mua cho các cháu vài lạng nhưng tính đi, tính lại, cuối cùng lại thôi” – chị Lê Thị Thủy, CN Công ty Trường Lợi, nói.

Điều đáng nói là với đồng lương ít ỏi, CN phải chấp nhận lựa chọn những loại thực phẩm ế, thừa, ôi thiu, không bảo đảm vệ sinh, an toàn. Dạo quanh một vòng các khu chợ tự phát gần KCX Linh Trung, KCN Tân Tạo, không khó để nhận ra hầu hết các loại thực phẩm bán ở chợ chiều chủ yếu dành cho CN không còn tươi ngon; thậm chí nhiều thứ bốc mùi, ruồi nhặng bâu đầy. “Không ăn những thứ đó thì biết ăn gì? Chúng tôi không còn chọn lựa nào khác”. Chị Lê Thị The, CN Công ty P. H (KCN Tân Tạo, TP HCM), phân trần khi chúng tôi hỏi tại sao chị lại chọn mua mớ lòng heo đã chuyển màu với mùi khó chịu. Chị cho biết sẽ mua ngũ vị hương về ướp, sau đó khìa với nước dừa thì sẽ có món lòng heo “rất ngon”.

Chúng tôi chợt nhớ có lần bà Chín, một người quen bán cá ở chợ Chuồng Bò (quận 10, TP HCM), chỉ một thau cá biển đã cắt đầu, móc ruột, thịt tái nhợt, nói: “Cái này tôi làm cho một cơ sở ngoài quận 6, họ thầu nấu cơm cho CN, có bao nhiêu cũng lấy hết”. Lần theo địa chỉ bà Chín nói, chúng tôi tìm đến một công ty may ở quận 6, TP HCM. Hóa ra đó là Công ty G.M, chỗ quen biết cũ. Chị chủ tịch Công đoàn trong lúc vui chuyện đã buột miệng: “Khám sức khỏe định kỳ cuối tháng 6 vừa rồi, cả công ty gần 400 CN, chỉ có 28 người sức khỏe loại một, 67 người loại hai, còn lại là loại ba. Nhiều người mắc cả chục thứ bệnh… Mà đâu chỉ riêng công ty này. Mấy người bạn ở các công ty khác cũng cho biết như vậy. CN bây giờ cực lắm, lại ăn uống thiếu thốn, mất cân đối nên sinh đủ thứ bệnh”.

Nghèo nàn đời sống tinh thần

Đau đầu với việc chi tiêu nên số đông CN không dám mơ đến việc giải trí. “Xa xỉ” là điều rất nhiều CN khẳng định khi chúng tôi hỏi về nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của họ. Chị Lê Kim Thoa, CN Công ty TNHH Bách Hợp (quận 6, TP HCM), cho biết thu nhập của chị là 3,1 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí nhà trọ (500.000 đồng/tháng) và gửi tiền về phụ giúp gia đình (khoảng 1 triệu đồng/tháng), chị chỉ còn một ít để chi phí ăn uống, sinh hoạt hằng ngày cho bản thân. Tuy còn trẻ, độc thân nhưng việc vui chơi, giải trí đối với Thoa hầu như không có. Sau giờ làm việc, chủ yếu Thoa ở phòng trọ xem tivi vì “bước chân ra ngoài là tốn tiền”.

Cuộc sống khó khăn, nhu cầu giải trí đối với nhiều CN trở thành không cần thiết. Chính vì vậy, đời sống tinh thần của đa số CN rất nghèo nàn. Chị N.T.T, CN Công ty TNHH Freetrend Việt Nam (KCX Linh Trung 1, TP HCM), cho biết 7 năm sinh sống ở TP HCM, vợ chồng chị vẫn chưa có điều kiện đưa con đến các địa điểm tham quan, du lịch trên địa bàn TP. Khoản thu nhập gần 10 triệu đồng hằng tháng của vợ chồng chị chỉ vừa đủ lo cho 2 con ăn học và mẹ già ở quê. “Cật lực kiếm tiền trang trải cuộc sống, chúng tôi không có thời gian dành cho con. Ngoài giờ học của con, tôi đành đánh liều để 2 đứa ở phòng trọ rồi khóa cửa lại để đi làm. Mấy đứa nhỏ cũng chỉ biết ngắm cảnh, xem các khu vui chơi giải trí trên tivi…” – chị T. buồn bã nói.

Bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch CĐ Công ty Giày Tích Hanh (quận Bình Tân, TP HCM), nhìn nhận: Do LTT thấp nên thu nhập của CN cũng không cao. Qua khảo sát, CN độc thân phải có mức thu nhập tối thiểu mỗi tháng từ 4-4,5 triệu đồng mới đủ chi tiêu. Riêng CN có gia đình và nuôi con nhỏ đang độ tuổi mẫu giáo thì mức thu nhập phải từ 6-6,5 triệu đồng/tháng mới sống tạm đủ. Hiện mức thu nhập của CN tại công ty bình quân đạt 4,5 triệu đồng/tháng (tăng ca dưới 30 giờ/tháng). “Mức thu nhập hiện tại cũng chỉ bảo đảm cuộc sống tạm ổn định cho CN độc thân, còn CN đã có gia đình vẫn thiếu trước, hụt sau. Không ít lần tôi chứng kiến CN xin được ứng lương để đóng tiền nhà trọ hoặc mua sữa, đóng học phí cho con. Điều này khiến tôi trăn trở rất nhiều” – bà Thu tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:

Không thể tích lũy để tái tạo sức lao động

Lộ trình tăng LTT đã được tính toán cách đây rất nhiều năm với mục tiêu “LTT bảo đảm mức sống tối thiểu và có một phần tích lũy để tái tạo sức lao động”. Gần đây nhất, Kết luận số 23-KL/TW cũng chỉ rõ việc điều chỉnh mức LTT khu vực doanh nghiệp nhanh hơn để đến năm 2015 đạt mức nhu cầu tối thiểu. Thế nhưng đến nay, các mục tiêu đó đều còn quá xa vời. Trong thực tế, LTT chỉ mới bảo đảm từ 67,6% đến 70,5% mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) và họ không thể tích lũy để tái tạo sức lao động. Điều này có nguyên nhân kinh tế khó khăn, doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả nên trả lương thấp nhưng cũng có một lý do khác là mức LTT theo quy định còn thấp. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp chỉ trả lương cho NLĐ cao hơn LTT chút ít để không vi phạm luật, vì vậy, LTT thấp là một trong những lý do quan trọng làm cho thu nhập của NLĐ thấp, đời sống khó khăn, không có điều kiện học hành để nâng cao trình độ.

LĐLĐ TP HCM cho rằng đề xuất mức LTT vùng năm 2015 của Tổng LĐLĐ Việt Nam với mức cao nhất ở vùng 1 là 3,4 triệu đồng/người/tháng là đã tính đến nhiều yếu tố, trong đó có sự chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp. Nếu vì lý do nào đó mà nhà nước quy định thấp hơn mức đề xuất này thì đời sống tuyệt đại đa số NLĐ sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

NHÓM PV CÔNG ĐOÀN

Theo Người lao động

Tin bài liên quan:

VNTB – Đình công nối tiếp đình công… và vai trò mờ nhạt của Công đoàn

Phan Thanh Hung

VNTB – Người lao động cần cơm gạo hơn

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Ai chịu trách nhiệm của việc lương công nhân không đủ sống?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.