Năm 2015 được cho là năm quan trọng trong việc thương lượng của Việt Nam về việc gia nhập tổ chức thương mại xuyên Thái Bình Dương. Đã có nhiều hy vọng cho Việt Nam với tư cách là thành viên của tổ chức này trong tương lai. Nhưng cũng có những nghi ngại rằng TPP không phải là hy vọng cho việc cải cách kinh tế và chính trị sâu rộng tại Việt Nam.
Các bộ trưởng thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Sydney ngày 26 tháng 10 năm 2014.
Những được và mất
Đầu tháng hai năm 2015, một cuộc hội thảo kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt Mỹ được tổ chức ở Hà nội. Tham dự hội thảo có nhiều quan chức thương mại hai bên và cũng có sự có mặt của ông tân Đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam. Theo báo chí Việt Nam ghi nhận được thì các quan chức Việt Mỹ đều hy vọng là năm 2015 này sẽ là năm mà hai bên đi đến thỏa thuận về việc Việt Nam tham gia vào tổ chức thương mại xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) do Hoa kỳ chủ xướng.
Tờ Kinh tế Sài gòn ghi nhận lời phát biểu của ông Đại sứ Ted Osius như sau:
“Cả Mỹ và Việt Nam đều coi TPP là một thỏa thuận chiến lược về kinh tế, cả Washington và Hà Nội đều có quyết tâm chính trị để đạt được hiệp định này.”
Trong khuôn khổ của bài báo này, cũng như của dư luận Việt Nam nói chung thì TPP được nhìn với một con mắt tích cực và hy vọng.
Tuy nhiên bài báo cũng có nói rằng một số nhà phân tích cảnh báo nên cẩn trọng về những kỳ vọng vào TPP nếu không nắm bắt cơ hội để cải cách nội lực.
Cả Mỹ và Việt Nam đều coi TPP là một thỏa thuận chiến lược về kinh tế, cả Washington và Hà Nội đều có quyết tâm chính trị để đạt được hiệp định này.
– Đại sứ Ted Osius
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích rằng khi gia nhập TPP thì Việt Nam sẽ được lợi về một số mặt hàng nông nghiệp như gạo, cà phê, thủy sản. Đặc biệt là gạo Việt Nam sẽ nhận được nhiều thuận lợi vì các quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gạo là Thái Lan và Ấn Độ không tham gia TPP. Tiến sĩ Doanh cũng nói là TPP sẽ tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp Việt Nam hợp tác với Nhật Bản với những dự án trồng trọt tại Việt Nam và tiêu thụ sản phẩm tại Nhật.
Tuy nhiên ông cũng nói là nhiều ngành công nghiệp không sử dụng nhân công giá rẻ sẽ gặp rất nhiều bất lợi. Ông nhấn mạnh về những bất lợi cho nông nghiệp Việt Nam như mía đường, bắp, chăn nuôi.
“Đối với Việt Nam khi tham gia TPP thì những mặt hàng nông nghiệp có những mặt lợi và có những mặt rất bất lợi. Gia nhập TPP đòi hỏi Việt Nam phải tái cơ cấu nông nghiệp, làm cho nền nông nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao hơn.”
Cải cách chính trị và nỗi ám ảnh Trung Quốc?
Trở lại lời cảnh báo được báo Kinh tế Sài gòn ghi nhận, một số nhà quan sát cho là lời cảnh báo đó thể hiện một tâm lý của nhiều người tại Việt Nam hy vọng vào một áp lực từ bên ngoài cho việc cải cách hệ thống và thể chế tại Việt Nam. Việc cải cách có thể nằm ở mức độ tái cơ cấu nông nghiệp như Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh đề cập, nhưng cũng thể rộng ra hơn là cải cách chính trị. Điều này được Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, một nhà quan sát chính trị và kinh tế từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược Đông Nam Á tại Hawaii, Hoa Kỳ đưa ra trong một lần trao đổi với chúng tôi:
“Ở Việt Nam nhiều người muốn thay đổi họ dùng những áp lực từ phía bên ngoài để buộc phải thay đổi. Trước đây người ta dùng cái WTO, cố sức gia nhập WTO, để ép Việt Nam phải thay đổi. Trong tiến trình thực hiện WTO thì cũng có những cái Việt Nam thay đổi, nhưng cũng có cái làm Việt Nam suy sụp luôn. Cái TPP thì tôi nghĩ là có rất nhiều người ở Việt Nam họ muốn cải cách, muốn thay đổi thì họ hy vọng rất nhiều vào TPP, dùng áp lực bên ngoài để buộc Việt Nam thay đổi, cải cách thế chế.”
Với danh nghĩa là một tổ chức thương mại của các quốc gia ven bờ Thái Bình Dương nhưng lại không bao gồm Trung quốc, TPP cũng được cho là một dự án chính trị trong việc chuyển trọng tâm chiến lược của Hoa Kỳ sang vùng Đông Á. Ngoài những vấn đề về thương mại, vấn đề về quyền lợi của những người lao động cũng được đưa ra là một tiêu chuẩn cho các quốc gia tham gia thỏa thuận này. Và do đó vấn đề về thành lập nghiệp đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi cho người lao động được nhiều nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam đặt hy vọng vào TPP.
…tôi nghĩ là có rất nhiều người ở Việt Nam họ muốn cải cách, muốn thay đổi thì họ hy vọng rất nhiều vào TPP, dùng áp lực bên ngoài để buộc Việt Nam thay đổi, cải cách thế chế.
– Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm
Đây là một vấn đề không dễ dàng đối với nhà nước Việt Nam do đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo, vốn chủ trương công đoàn phải nằm trong tay đảng cộng sản. Ngoài ra vấn đề thị trường tự do cũng cho là sẽ gặp trở ngại vì trong những tuyên bố gần đây giới lãnh đạo Việt Nam vẫn cho thấy là họ sẽ duy trì các doanh nghiệp nhà nước như phần chủ đạo cho nền kinh tế.
Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm nhận định về việc thương lượng sắp tới về TPP giữa Việt Nam và Hoa kỳ:
“Thế thì hai bên sẽ đổi chác! Phía Việt Nam vì cái lợi ích về ý thức hệ của họ rất là lớn nên họ sẽ không nhượng bộ những vấn đề như là quyền lợi của người lao động, những vấn đề như là doanh nghiệp nhà nước. Nhưng ngược lại họ sẽ nhượng bộ những cái mà phía Mỹ ép nhưng thực sự có hại cho kinh tế Việt Nam, ví dụ như những sản phẩm biến đổi gen vào. Cuối cùng thì là nền kinh tế Việt Nam, người dân Việt Nam bị thiệt đơn thiệt kép. Thì nó cũng có mặt đó nữa chứ không hoàn toàn là thúc Việt Nam thay đổi thể chế.”
Nhận định về các sản phẩm biến đổi gen Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói:
“Hiện nay thì Việt Nam cũng có những thử nghiệm đầu tiên về sản phẩm biến đổi gen. Thái độ của Việt Nam về những sản phẩm biến đổi gen thì tôi thấy là có vẻ cởi mở hơn. Tuy vậy trong xã hội Việt Nam thì cũng có những ý kiến hết sức dè dặt đối với các sản phẩm biến đổi gen.”
Đối với các sản phẩm nông nghiệp từ những quốc gia thành viên TPP có nền nông nghiệp mạnh tràn vào Việt Nam thì một chuyên gia về kinh tế người Việt từ Nhật Bản cho chúng tôi biết là những sản phẩm đó sẽ không quan trọng trong thị trường Việt Nam vì chỉ để cung cấp cho một số ít tầng lớp tiêu thụ khá giả mà thôi.
Một cách nhìn về TPP khác từ Việt Nam là mối hy vọng về việc thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung quốc. Trong một lần trả lời phỏng vấn đài Á châu tự do, Giáo sư Tương Lai từ Việt Nam cho rằng việc gia nhập TPP là một bước đi quan trọng để thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung quốc. Nhưng đồng thời ông cũng nhận định rằng trong lịch sử các nước xã hội chủ nghĩa như Liên xô và Đông Âu thì không có sức ép bên ngoài nào có thể làm họ thay đổi mà chính những người bên trong hệ thống đó đứng dậy và đập vỡ nó mà thôi.
Kính Hòa
(Theo RFA)