Việt Nam Thời Báo

TQ ‘tránh nói về Cách mạng Văn hóa’

Stephen McDonellBBC News, Bắc Kinh
Image copyrightAP
Người dân Trung Quốc trên 50 tuổi đều tận mắt biết đến cuộc Cách mạng Văn hóa.
Nếu quý vị chào đời năm 1966, thì quý vị được 10 tuổi khi cuộc cách mạng này kết thúc.
Nếu cha mẹ quý vị là các học giả, nghệ sỹ, hay viên chức chính phủ, có lẽ quý vị đã phải chứng kiến cảnh họ bị những đám thanh thiếu niên kéo lê trên hè phố, tay bị trói, bị sỷ nhục và thậm chí bị đánh cho tới chết.
Một số người trong chính họ phải đập phá, đốt bỏ, tiêu hủy “văn hóa cổ hủ”. Một số người khác bị tống ra đồng để học cách suy nghĩ của lớp nông dân cần lao.
Trong suốt một thập niên, gần như toàn bộ việc giáo dục ở bậc đại học bị đình trệ, các cơ quan như bệnh viện hầu như không hoạt động, và sự hỗn loạn lên ngôi trong lúc Mao Trạch Đông lấy lại mọi quyền lực trong Đảng Cộng sản và đẩy cả nước vào tình trạng căng thẳng.
Có nhiều ước tính khác nhau về số người chết, nhưng hàng triệu người được cho là đã thiệt mạng.
Đáng chú ý là vào dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện chấn động này, hầu như không có dòng tin nào được tường thuật tại Trung Quốc.
Các báo lớn thuộc quốc doanh và các kênh truyền hình nhà nước không nhắc gì.
Image copyrightAFP
Image captionThời kỳ Cách mạng Văn hóa là lúc mối quan hệ thầy-trò bị đảo lộn tại Trung Quốc
Truyền hình Phượng hoàng (Phoenix TV) là một kênh do Đảng Cộng sản kiểm soát, phát đi từ Hong Kong. Đôi khi họ tự do hơn các đồng nghiệp hoạt động trong đại lục.
Trong dịp nay, Phoenix đã chuẩn bị một chương trình online đặc biệt về dịp kỷ niệm Cách mạng Văn hóa, nhưng đường dẫn tới bài này hiện đã bị đóng.

Bàn luận trên mạng

Tuy nhiên, chủ đề này không đến nỗi bị kiểm duyệt hoàn toàn như việc thảo luận về vụ đàn áp Thiên An Môn 1999.
Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, các từ tiếng Trung “Cách mạng Văn hóa” đến nay vẫn chưa bị chặn.
Trên trang mạng Sina News không có bài báo nào, nhưng họ đăng một tài liệu có từ năm 1981 của Đảng Cộng sản theo đó nói Cách mạng Văn hóa do Chủ tịch Mao Trạch Đông tạo ra và “đã gây ra bước thụt lùi nghiêm trọng nhất, mất mát lớn nhất cho Đảng, cho đất nước và nhân dân kể từ khi thành lập Trung Quốc”.
Tài liệu cũng nói phong trào chính trị này không liên quan gì tới chủ nghĩa Marx-Lenin, “hay thực tế xã hội Trung Quốc”.
Hơn nữa, tài liệu này nói thêm là sau cái chết của Mao, vụ bắt giữ vợ góa của ông là bà Giang Thanh cùng các thành viên khác chả “Bè lũ Bốn tên” đã “cứu Đảng và cuộc cách mạng khỏi cuộc khủng hoảng này và giúp đất nước ta bước vào thời kỳ mới”.
Image captionThời kỳ hỗn loạn kéo dài suốt 10 năm và chỉ chấm dứt sau cái chết của Mao Trạch Đông hồi 1976
Một số người tại Sina News thấy rằng sẽ là khá tệ nếu áp dụng việc kiểm duyệt để chặn một tài liệu chính thức của Đảng Cộng sản.
Hoàn cầu Thời báo vốn ủng hộ mạnh Đảng Cộng sản không nói gì nhiều, nhưng có một trang online đăng một tấm hình đơn lẻ người phụ nữ ăn mì ngay trước tấm chân dung Mao Trạch Đông.
Dòng tiêu đề bài viết: Kỷ niệm bi kịch.
Dưới tấm hình là những dòng chữ này: “Một người bán lẻ ăn mì ngay cạnh tấm hình khổ lớn cố Chủ tịch Mao Trạch Đông tại một khu chợ ở Bắc Kinh hôm Chủ Nhật.”
“Thứ Hai là ngày đánh dấu 50 năm bắt đầu cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-76), khi mà những ký ức về Mao vẫn gây chia rẽ giữa các nhóm người.”
Chủ biên Hoàn cầu Thời báo Hu Xijing tự đăng nội dung này lên Weibo: “Những ngôi nhà của cha mẹ tôi và bà tôi tại Bắc Kinh đã bị bố ráp, bởi họ bị coi là ‘địa chủ’.”
“Đó là ký ức hãi hùng nhất của tôi – khi tôi sáu tuổi, Hồng Vệ binh đẩy bà tôi ngã xuống sàn và gọi bà là ‘con mụ địa chủ’.”
“Họ tát bà, bà khóc. Bà tôi sau đó bị buộc phải rời khỏi Bắc Kinh. Cha tôi là con một của bà, và họ hàng của bà tôi là những người duy nhất có thể giúp chăm sóc ông.”
“Từ những năm còn rất nhỏ, tôi đã luôn phải viết chữ ‘địa chủ’ vào mọi loại đơn từ cần điền. Tôi thấy rất xấu hổ. Cuộc Cách mạng Văn hóa – một ký ức ta thấy thật khó để quay lại nhìn!”
Tuy nhiên, nhiều người đã cáo buộc trên Weibo đối với ông chủ biên thiên Cộng bởi tờ báo của ông hiếm kỳ đề cập tới chủ đề này.
Một người viết: “Đây là Hội chứng Stockholm. Ông này đã phát triển tình cảm với những người gây tội ác với ông và thậm chí ông ta còn đi giúp đỡ họ nữa.”
Image captionGiới trí thức, nghệ sỹ, viên chức nhà nước bị đấu tố, lăng nhục khắp nơi
Đã không có bình luận nào bị gỡ bỏ.
Vậy tại sao việc đưa tin chút ít lại được cho phép thay vì cấm tuyệt đối việc bàn luận?
Các viên chức được phép lên tiếng rằng họ không sợ khi nhắc tới Cách mạng Văn hóa.
Một yếu tố khác là có quá nhiều người phải khốn khổ trong giai đoạn này, trong đó gồm cả những người hiện nằm trong giới lãnh đạo cao cấp.
Ngay cả cha của Chủ tịch Tập Cận Bình, từng là anh hùng trong thời cách mạng, ông Tập Trọng Huân, cũng bị gán mác kẻ thù của Đảng, bị lăng nhục công khai và bị bỏ tù.
Có những người, kể cả ở các vị trí đầy quyền lực nghĩ rằng không thể làm gì để bù đắp cho đủ những gì đã xảy ra trong thời kỳ hỗn loạn đó. Một số học sinh sinh viên từng giết chết giáo viên đã bị đưa ra trước công lý.
Hơn nữa, họ tin rằng lớp người trẻ ở Trung Quốc cần phải học những sai lầm trong cuộc Cách mạng Văn hóa và điều đó cần phải được công khai nói ra.
Nhưng thái độ của chính quyền hiện nay dường như vẫn là hãy để thời kỳ đau đớn đó qua đi, không cần phải đay lại chuyện cũ.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo