Việt Nam Thời Báo

Trả lời 9 câu hỏi thường gặp về “đa đảng”

Nếu “Việt Nam” được hiểu là “chính quyền VN” thì là điều dễ hiểu vì “chính quyền VN” được hiểu là ĐCSVN (do “đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội”). Điều này giống như Apple không bao giờ muốn có Samsung tồn tại để cạnh tranh với họ vậy.

1) Việt Nam “không cần đa đảng”(?)

Đây là luận điểm thường được các quan điểm chống đa đảng đặt ra. Tuy nhiên nên xác định “Việt Nam” ở đây là ai?

Nếu “Việt Nam” được hiểu là “chính quyền VN” thì là điều dễ hiểu vì “chính quyền VN” được hiểu là ĐCSVN (do “đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội”). Điều này giống như Apple không bao giờ muốn có Samsung tồn tại để cạnh tranh với họ vậy.

Nếu “Việt Nam” được hiểu là “nhân dân Việt Nam” thì phải thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý hoặc điều tra xã hội học có điều kiện kèm theo như: những ý kiến, quan điểm ủng hộ hoặc bác bỏ đa đảng hay độc đảng phải được tuyên truyền một cách bình đẳng, bất thiên vị trên các phương tiện truyền thông có thể tiếp cận một cách dễ dàng; có quan sát viên, tổ chức quốc tế giám sát một cuộc trưng cầu dân ý như vậy để quyết định liệu “dân VN có chấp nhận đa đảng hay độc đảng”.

2) Đa đảng “sẽ đổ máu, loạn lạc, đánh nhau”(?)

Truyền thông do chính quyền VN kiểm soát thường đưa tin các vụ đảng phái tranh chấp quyền lực ở Thái Lan hoặc mới đây là Ai Cập để cho thấy “sự nguy hại, bất an bao trùm” là hậu quả của đa đảng.

Tuy nhiên thế giới đến năm 2013 chỉ còn lại 7 quốc gia theo chế độ độc đảng cầm quyền. Hơn 160 quốc gia còn lại theo thể chế đa đảng. Nếu mệnh đề “đa đảng tất loạn” là đúng, có nghĩa là đa số các quốc gia đa đảng trên thế giới phải đang rên xiết trong bao loạn chính trị. Tuy nhiên điều đó chỉ đúng với một vài quốc gia đa đảng trong bối cảnh chính trị đặc thù của nước đó.

Việc Miến Điện sau nhiều chục năm bị cai trị dưới chính quyền độc tài quân sự, nay đã chuyển tiếp sang chế độ dân chủ bằng cách cho đảng đối lập công khai hoạt động, tranh cử mà không có một tiếng súng hay giọt máu nào đổ thêm. Điều này chứng tỏ khả năng chuyển tiếp chính trị từ độc tài, độc đảng sang dân chủ mà không có giai đoạn loạn lạc là hoàn toàn có thể.

3) Đa đảng “nhưng vẫn nghèo”(?)

Điều này là có thật. Một vài ý kiến chỉ trích và không chấp nhận đa đảng cho rằng họ có thể kể ra cả chục nước tuy đa đảng nhưng vẫn tham nhũng và nghèo nàn.

Đa đảng không phài là điều kiện “đủ” để một quốc gia trở nên giàu có, nó chỉ là điều kiện “cần” mà thôi. Điều kiện đủ phải là một nhà nước pháp quyền theo nguyên tắc tam-quyền-phân-lập, và được có một nền kinh tế tự do.

4) Đa đảng sẽ “phụ thuộc vào nước ngoài”(?)

Đây là điều mà quan điểm chống đa đảng thường đặt ra. Họ cho rằng nếu một chính đảng mà bị chi phối bởi nước ngoài thắng cử thì khả năng VN bị lệ thuộc nước ngoài (như TQ chẳng hạn) là rất cao.

Tuy nhiên, luật pháp của nhiều nước có kinh nghiệm đa đảng lâu đời như Hàn Quốc, Nhật Bản có thể tránh được. Luật của các nước này cấm tất cả chính trị gia nhận nguồn tiền có nguồn gốc từ nước ngoài để vận động tranh cử.

Cựu Bộ trưởng ngoại giao Seiji Maehara của Nhật đã phải từ chức vì bị phát giác nhận 600 USD từ một phụ nữ Hàn Quốc cho chương trình tranh cử của ông này, điều mà luật Nhật Bản cấm các chính trị gia không được làm.

Điều này hạn chế khả nặng “phụ thuộc nước ngoài” nếu có của đa đảng.

Ảnh: cơ cấu ghế của các đảng trong quốc hội Thụy Sĩ


5) Làm sao đa đảng mà vẫn yên bình(?)


Là nhờ vào luật pháp và tam-quyền-phân-lập.

Nhờ có luật pháp, một chính đảng có thể sẽ bị giải tán nếu: hạ nhục đối lập, dùng trò bẩn trong tranh cử, gian lận bầu cử,…

Và nhờ có hệ thống tòa án độc lập với hành pháp và lập pháp, quyền xét xử không bị chi phối bởi một đảng muốn dùng tòa án làm công cụ để triệt hạ đối thủ chính trị của mình.

6) Tại sao thể chế đa đảng giải quyết tốt các vấn đề hơn là độc đảng?

Apple có lẽ sẽ không bao giờ cho ra các sản phẩm mới, tốt, rẻ hơn nếu họ là nhà sản xuất có quyền độc quyền bán điện thoại trên thế giới mà không bị canh tranh.

Một chính đảng được mặc nhiên cầm quyền vĩnh viễn mà không phải qua tranh cử với đảng khác sẽ không (hoặc rất chậm) cải tổ nếu không có đối lập chính trị.

Một chế độ đa đảng, nơi mà đảng nào làm tốt sẽ được tiếp tục duy trì quyền lực, hoặc không sẽ bị thay thể. Đây là động lực tốt để cải tổ, chống tham nhũng, chống quan liêu, tiêu cực.


7) Độc tài vẫn có thể giàu có(?)

Điều này là có thật nhưng hiếm thấy và phải có điều kiện đi kèm.

Hàn Quốc từng là nước nghèo nhất thế giới sau chiến tranh Triều Tiên, tuy nhiên trong vòng 20 năm sau đó, Hàn Quốc trở thành cường quốc kinh tế mà thành quả được cho là “công” của Park Chung Hee – vị tổng thống khét tiếng độc tài và đàn áp đối lập lúc bấy giờ. Singapore dưới thời Lý Quang Diệu và Lý Hiển Long cũng bị chỉ trích là độc tài nhưng vẫn cho kết quả giàu có.

Tuy nhiên, không thể so bì độc tài kiểu Park Chung Hee và Lý Quang Diệu với độc tài độc đảng kiểu XHCN như Việt Nam hay Trung Quốc. Vì so sánh cho thấy độc tài là cách mà họ duy trì chính sách đúng đắn để đưa đất nước phát triển có định hướng và nhanh chóng, thời kỳ độc tại của hai tổng thống kể trên, tham nhũng bị coi là tội cực kỳ nặng nề như phản quốc.


8 ) Mô hình chính trị đa đảng kiểu Mỹ có phải là “dân chủ nhất”(?)

Mỹ là nước có nền dân chủ lâu đời kể từ khi lập quốc. Tư tưởng bảo vệ quyền con người, dân chủ là giá trị cốt lõi của bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ song vẫn còn nhiều đánh giá trái ngược về nền chính trị lưỡng đảng tham chính tại Mỹ có phải là “dân chủ nhất hay không”.

Bảng xếp hạng về chỉ số dân chủ (Democracy index 2012) với những tiêu chí định lượng để xếp hạng các nước trên thế giới theo thang từ “dân chủ nhất” cho tới “độc tài nhất” của Tạp chí Economist theo đó xếp Mỹ 21 trên tổng 167 nước được đánh giá.

Thứ hạng của Mỹ thua Hàn Quốc (xếp thứ 20/167 nước).

Việt Nam xếp thứ 144/167 nước về mức độ dân chủ.


9) Liệu copy mô hình đa đảng nước ngoài vào VN hiện nay sẽ phù hợp(?)

Một mô hình chính trị có thể thích hợp ở quốc gia này nhưng không thành công ở quốc gia khác.

Mô hình chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô chủ trương đấu tranh giai cấp, công hữu tư liệu sản xuất, nền kinh tế tập trung bao cấp đã thất bại khi được “nhập khẩu” nguyên xi vào VN trong lần thử nghiệm từ 1976 đến 1986 tại VN. Sau đó các nhà lý luận Marx – Lenin đã buộc phải “Mở Cửa” để cứu vãn tình thế bằng cách cho phép kinh tế nhiều thành phần, mở cửa giao thương với “các nước tư bản”, đảng viên được làm kinh tế tư nhân, được thuê mướn nhân công (điều mà vốn từ trước bị coi là bóc lột giá trị thặng dư)….

Việc thử nghiệm một mô hình chính trị đa đảng tại VN cần được nghiên cứu nghiêm túc bởi những người thực tâp muốn cải cách và khước từ chế độ độc đảng vốn đã bộc lộ nhiều khuyết điểm.

(Theo Nhật Ký Yêu Nước)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.