Việt Nam Thời Báo

Trái đắng bất động sản đến từ nhà đầu tư ngoại

Khi thị trường bất động sản (BĐS) đang nóng hầm hập, các nhà đầu tư ngoại cũng háo hức xắn tay vào cuộc hòng kiếm được những miếng mồi béo bở.

Nhưng chẳng ai nói trước điều gì khi mối lương duyên chẳng thể bền đẹp, khi đó, những ông chủ gắn mác ngoại quốc cũng nhanh chóng rũ áo ra đi, để lại một mớ bòng bong với những hệ lụy mà người dân lỡ góp tiền vào dự án phải gánh chịu…

Những cuộc tháo lui của nhà đầu tư ngoại đang khiến người dân chịu trận.


Sau khởi công là… đắp chiếu

Trong khoảng thời gian chục năm từ 2001 – 2010, khi thị trường BĐS nóng hơn bao giờ hết, các dự án chung cư, địa ốc được nhắc đến với lượng thu hút nguồn vốn nước ngoài nhiều nhất. Khi đó, những dự án được gắn mác nhà đầu tư nước ngoài, nhà thầu nước ngoài liên tục được công bố, được động thổ,… và kéo theo sự tranh đua góp vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn mà bất động sản rơi vào cuộc khủng hoảng thì không ít những nhà đầu tư nước ngoài với số vốn đầu tư khủng đã phải chấp nhận rời cuộc chơi với những “án binh bất động” hoặc chấp nhận đắp chiếu. Điển hình phải kể đến các dự án như: Habico Tower Phạm Văn Đồng, Daewoo Văn Phú, Booyoung Mỗ Lao…

Còn nhớ, vào thời điểm năm 2010, chủ đầu tư của dự án Habico Tower (trên đường Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã hét cái giá không tưởng đối với một căn hộ từ 375 – 788m2 của dự án là từ 34 đến 84 tỉ đồng. Một mức giá mà đã có nhiều chuyên gia cho rằng, cả đại gia nhiều tiền cũng chẳng dám sờ tới. Thậm chí có người còn phỏng đoán, đó chỉ là chiêu trò để nhà đầu tư tự đánh bóng. Hoành tráng là vậy, thế nhưng, theo điều tra của PV, Chung cư Habico Tower nằm trên đường Phạm Văn Đồng đã ngừng xây dựng được 4 năm do xảy ra tranh chấp giữa công ty vận hành và khai thác (thực chất cũng là nhà đầu tư) là tập đoàn Doriwon Development (Hàn Quốc) và chủ đầu tư Việt Nam là công ty cổ phần Hải Bình (Habico).

Theo thiết kế, Habico Tower có 2 tòa tháp với chiều cao 180m với 4 tầng hầm, 36 tầng nổi được xây dựng trên diện tích đất 10.906m2 và sàn xây dựng là 174.704m2. Dự án có tổng vốn đầu tư 220 triệu USD. Khởi công ngày 22/3/2008 đến 2011 thì dự án bị ngừng thi công để giải quyết tranh chấp hai bên cho đến nay vẫn chưa thuận. Nhìn chung, công trình đã xuống cấp, cũ kỹ nhiều, xung quanh có nhiều rác thải công trình gây ra việc ô nhiễm, ảnh hưởng đến khu dân cư phía sau và bên cạnh. Khung cảnh đó, khiến cánh PV liên tưởng đến sự trái ngược hoàn toàn với hình ảnh của một khu căn hộ với nội thất,… hiện đại nhất Hà Nội như lời mà chủ đầu tư đã từng “thổi” và “vẽ” với công chúng.

Trả lời phỏng vấn của PV về những ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày do công trình dang dở gây ra, anh Chu Mạnh Dũng, một người dân xóm B3, Phạm Văn Đồng (Hà Nội) than thở: “Việc xây dựng ứ đọng cát đất nhiều, cũng như rác thải làm xảy ra hiện tượng ngập úng sâu ở khu vực dân cư. Chuột sinh sôi nhiều, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho cuộc sống người dân. Việc dự án “chết” cũng khiến việc đi hay ở của người dân gặp nhiều vấn đề, vì nếu đi thì chưa được quyết định cấp đất hay tiền đền bù. Còn ở lại, không được cấp sổ đỏ, đường sá phải tự sửa chữa, đường điện, đường nước cũng phải tự lo. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết”.

Cùng cảnh ngộ với Habico Tower, là Daewoo Cleve Tân Phú (đều nằm ở quận Hà Đông, Hà Nội) cũng được liệt vào những dự án chộp giật nhất thời, đang đóng băng. Tìm hiểu thực tế của PV báo ĐS&PL cho thấy, dự án Daewoo Cleve đang được ví như “bánh vẽ” của một nhà đầu tư Hàn Quốc – công ty TNHH Hibrand. Dự án này được khởi công vào tháng 12/2010 và được nhà thầu dự kiến hoàn thành, bàn giao nhà cho khách hàng vào tháng 3/2014. Với vị trí đắc địa ở quận Hà Đông, cùng số vốn đầu tư lên đến hơn 421 triệu USD, đây từng được coi là một siêu dự án. Nhưng đến nay, khối công trình mà theo chủ đầu tư vẽ ra là tòa chung cư với khoảng hơn 4.500 căn hộ cao cấp đạt chuẩn châu Á chỉ mới hoàn thành ngang tầng 6. Các cần cẩu công trình đã đứng yên bất động trong gần 2 năm mà chưa có thông báo chính thức nào của nhà đầu tư là sẽ tiếp tục. Đến bây giờ, thông tin rao bán Daewoo Cleve đã không còn xuất hiện trên các trang mạng, dù trước đó đã được chào bán khá rầm rộ, kèm theo nhiều ưu đãi đặc biệt như cho khách vay vốn mua nhà với lãi suất thấp.

Không kém cạnh, sau nhiều năm lận đận với giấy phép cùng với việc chuyển giao đầu tư từ công ty mẹ sang cho công ty con (công ty TNHH Booyoung của Hàn Quốc nay chuyển cho Booyoung Housing) dự án với cái tên ngoại quốc: Booyoung Mỗ Lao (Hà Đông) vẫn rơi vào tình trạng… im lặng, dù được khởi công từ tháng 2/2007 với mức đầu tư lên tới 171 triệu USD.

Cuộc thoái lui khiến… dân chịu trận

Cùng nhìn lại dự án Habico Tower Phạm Văn Đồng, ít ai có thể nghĩ, một dự án được đầu tư khủng cùng sự kết hợp giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước lại đi đến con đường lụn bại như vậy. Sự kiện đánh dấu mốc ngừng thi công vô thời hạn của Habico Tower là tháng 5/2011, khi nhà thầu tiến hành căng cáp dự ứng lực tại sàn tầng 9 khối căn hộ thì xảy ra sự cố bê tông sàn bị phá hủy.
 
Nghi vấn chất lượng của tòa nhà được đặt ra, tạo nên sự tranh cãi quyết liệt giữa hai chủ đầu tư. Sự vụ càng có thêm những câu hỏi đặt ra, khi thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội vào cuộc, phanh phui việc chủ đầu tư và chủ thầu làm việc chưa xuất trình được quyết định phê duyệt dự án và chất lượng công trình. Điều này đang tỉ lệ nghịch với lời quảng cáo mĩ miều của nhà thầu Hàn Quốc: “7 ngày một tầng nhà, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng”.

Cũng theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân mà Daewoo Cleve và Booyoung Mỗ Lao lâm vào hoàn cảnh đắp chiếu như bây giờ cũng chính là vấn đề tài chính.

Có thể nhận thấy, vấn đề tài chính luôn là vốn lo đau đáu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài khác ở Hà Nội như: Dự án Gamuda Gadens (quận Hoàng Mai), dự án Park City (quận Hà Đông), hay mới đây là dự án Garden Villas (quận Long Biên)… vẫn duy trì “phong độ”, dù chưa bán được sản phẩm, hoặc khách hàng đầu cơ không tiếp tục đóng tiền. Điều đó cho thấy, chỉ có những nhà đầu tư chỉ muốn tranh thủ lướt sóng để thu tiền rồi về nước mà không chịu đầu tư kỹ lưỡng, dài hơi với dự án của mình thì mới có kết cục thảm bại và chịu cảnh ngậm trái đắng mà về nước.

Vậy cơ quan chức năng và các nhà quản lý sẽ nhìn nhận trách nhiệm ra sao về vấn đề này, bản báo sẽ tiếp tục trở lại nội dung trên.
TS. Dương Văn Cận, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng): Dần loại bỏ doanh nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, không có tiềm lực

Một vấn đề nhức nhối thời gian vừa qua, là chủ đầu tư tùy tiện huy động vốn của dân, dùng tiền không đúng mục đích, dùng tiền của dự án này đi làm dự án khác dẫn đến nhiều dự án đều dở dang, mất khả năng thanh toán và thiệt hại rất lớn thuộc về người mua nhà. Theo quy định, sắp tới, doanh nghiệp muốn bán nhà phải bắt buộc có bảo lãnh của ngân hàng. Trường hợp chủ đầu tư không hoàn thành tiến độ, không làm được nhà, ngân hàng phải đứng ra trả tiền cho người mua. Vì vậy, ngân hàng sẽ đứng ra chọn lựa các chủ đầu tư và dự án thực sự đủ năng lực, đủ uy tín mới bảo lãnh. Điều này sẽ hạn chế tình trạng nhiều dự án mới chỉ có tý giấy tờ đã vội đi huy động vốn, rồi lại mang tiền đi làm việc khác.

Một quy định mới khác, là chủ đầu tư trước khi bán nhà phải thông báo và được sự chấp thuận của chính quyền địa phương. Tức là chính quyền sẽ thẩm định dự án đã được cấp phép chưa, đã nộp tiền sử dụng đất và đầy đủ các điều kiện chưa mới được quyền bán. Có thể nhận thấy trách nhiệm khi để xảy ra những vướng mắc trong thực hiện dự án ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân thuộc về chính quyền sở tại.

Theo quy định của pháp luật nói chung và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi nói riêng, trách nhiệm của các sở ngành, địa phương được nêu rất rõ. Quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, cấp chứng nhận đầu tư, giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng… đều thuộc thẩm quyền của các tỉnh, thành phố.

Vì vậy, các tỉnh, thành phố phải xây dựng kế hoạch phù hợp với chiến lược quốc gia. Lượng hàng sản xuất ra phải phù hợp với điều kiện thanh toán của người dân, năng lực nhà đầu tư. Vốn pháp định của doanh nghiệp bất động sản được nâng lên tối thiểu 20 tỉ đồng (trước đây tối thiểu là 6 tỉ đồng). Với những nhà phát triển dự án thì yêu cầu còn cao hơn nhiều. Điều đó sẽ loại bỏ được các doanh nghiệp nhỏ lẻ, manh mún không có tiềm lực.

(Theo ĐS&PL)

Tin bài liên quan:

Làm du lịch thua Campuchia, khách ngày càng sụt giảm

Phan Thanh Hung

Chuyện gửi tiết kiệm ngân hàng: Gửi đi căn hộ thu về mớ rau

Phan Thanh Hung

Nợ xấu: Nỗi lo ‘đâu lại vào đấy’?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.