Theo chuyên gia Shi Yongming của Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, Bắc Kinh chẳng có thể làm gì khác trước việc Bình Nhưỡng thử nguyên tử. Ông nói: « Dù sao đi nữa, Bắc Triều Tiên chưa bao giờ vâng lời Trung Quốc, nhất là từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền ».
Sự kiện Bắc Triều Tiên thử bom khinh khí được tất cả các báo Pháp chú ý. Le Monde đăng trên trang đầu thông tin « Bắc Triều Tiên khẳng định sở hữu bom H ». Le Figaro đăng ảnh lãnh tụ Bình Nhưỡng ở trang nhất với tựa đề « Vụ khiêu khích mới về nguyên tử của Kim Jong Un ».
Libération sau khi đặt câu hỏi « Bắc Triều Tiên có thực sự chế tạo được bom H hay không ? » đã nhận định « Còn lâu mới răn đe được Bình Nhưỡng ». Tương tự, nhật báo Les Echos ghi nhận « Cộng đồng quốc tế gặp khó khăn trong việc đáp trả vụ thử nguyên tử của Bắc Triều Tiên ».
Bài xã luận của Le Figaro mang tựa đề « Trung Quốc đứng trước thách thức », phân tích khả năng phản ứng của ông anh cả Bắc Kinh trước cậu em cứng đầu Bình Nhưỡng. Theo tờ báo, trong danh sách khá dài của các « Nhà nước du côn », thì Bắc Triều Tiên của Kim Jong Un vẫn luôn đứng ở hàng đầu tiên. Đó là nhờ một thứ cocktail trộn lẫn các yếu tố bí mật, khiêu khích và tuyên truyền.
Lo tập trung đối phó với mối đe dọa khủng bố, tương đối an tâm trước thỏa thuận hạt nhân ký kết với Iran hồi tháng Bảy năm ngoái, cộng đồng quốc tế bớt cảnh giác trước nguy cơ phổ biến vũ khí nguyên tử. Vụ Bắc Triều Tiên cho nổ quả bom vào sáng sớm hôm qua 06/01/2016 khiến thế giới phải quay lại với nỗi lo thảm họa hạt nhân.
Dù là bom « H » (tức bom khinh khí, bom nhiệt hạch) hay là bom « A » (thường gọi là bom nguyên tử), vụ nổ này đã gây ra cú sốc lớn lao trong một khu vực vốn đang căng thẳng giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và cả hai nước Triều Tiên.
Các chuyên gia không tin vào lời khoe khoang của Bình Nhưỡng là đã làm chủ được kỹ thuật chế tạo bom nhiệt hạch, vì cơn địa chấn tạo thành từ vụ nổ hôm qua lẽ ra phải mãnh liệt hơn nhiều. Nhưng rõ ràng là Bắc Triều Tiên có tiến bộ trong lãnh vực gây tai họa, với khả năng sản xuất ra từ 8 đến 12 đầu đạn nguyên tử loại « A » và các hỏa tiễn đạn đạo với tầm bắn ngày càng xa hơn.
Pakistan, Iran và một số nước khác đã hưởng lợi từ các cơ sở thí nghiệm nguyên tử bí mật của triều đại họ Kim. Ai có thể tin rằng nhà độc tài trẻ tuổi, đang thống lĩnh một chế độ toàn trị dựa vào sự cô lập của đất nước và sự khốn cùng của người dân, lại tự cấm cản mình bán ra loại sản phẩm xuất khẩu duy nhất này cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hay tất cả các nhóm khủng bố khác nếu chúng đủ giàu ?
Một thập kỷ trừng phạt không có tác dụng gì ngoài những nỗ lực thương lượng có sự tham gia của các nước láng giềng và Hoa Kỳ. Người bảo trợ khổng lồ Trung Quốc, một lần nữa bị qua mặt, không giấu được sự bực tức. Nhưng theo Le Figaro, việc lên án ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vẫn chưa đủ.
Trung Quốc có thể gây áp lực mạnh lên nước cộng sản chư hầu nhỏ bé này, nhưng lo sợ nếu Bắc Triều Tiên bị sụp đổ thì sự hiện diện của Hoa Kỳ lại trở thành ngay sát biên giới của mình. Tờ báo cho rằng Washington cần tháo gỡ bằng cách đề nghị một thỏa thuận khu vực. Những hành động của Bình Nhưỡng sẽ cho thấy liệu Bắc Kinh có sẵn sàng sử dụng ảnh hưởng ngoại giao tương xứng với sức mạnh kinh tế, vì hòa bình thế giới hay không.
Tương tự, Les Echos nhận xét « Bắc Kinh lên án nhưng không có lợi lộc gì nếu đồng minh Bắc Triều Tiên sụp đổ ». Một nước Triều Tiên thống nhất và hàng ngàn chú GI trấn giữ gần biên giới – Washington vốn là đồng minh quân sự chủ chốt của Seoul – là một điều mà không bao giờ Bắc Kinh chấp nhận được !
Nhắc lại rằng « kiên quyết phản đối » vụ thử nguyên tử, triệu mời đại sứ để « nghiêm khắc cảnh báo », cổ vũ nên giữ các cam kết…và chỉ có thế ! Những từ ngữ không ngăn cản nổi Kim Jong Un ăn ngon ngủ yên. Chính quyền Trung Quốc đã huy động một ít lực lượng ở biên giới Trung-Triều để sơ tán dân cư, nhưng đó là vì sợ nhiễm phóng xạ.
Theo chuyên gia Shi Yongming của Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, Bắc Kinh chẳng có thể làm gì khác. Dù sao đi nữa « Bắc Triều Tiên chưa bao giờ vâng lời Trung Quốc, nhất là từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền ».
Libération bình luận, vũ khí nguyên tử luôn là bảo hiểm nhân thọ đối với các nhà độc tài. Khả năng quấy nhiễu đã giúp họ bắt chẹt được thiên hạ, và lãnh tụ họ Kim thế hệ thứ ba biết rõ hơn tất cả. Kim Jong Un có thể khoái trá thưởng thức tác động của vụ thử bom hạt nhân được tổ chức để mừng sinh nhật lần thứ 33 của mình.