Trung Quốc khởi tố nhiều luật sư nhân quyền

BBC

Image captionHình phác thảo luật sư Chu Thế Phong
Chính quyền Trung Quốc đã bắt và khởi tố ít nhất bảy luật sư nhân quyền và phụ tá về tội “lật đổ”, theo tin từ bạn bè và gia đình.
Nhân viên của hãng luật Phong Nhuệ ở Bắc Kinh, trong đó có người sáng lập Chu Thế Phong, đã bị bí mật giam giữ từ mùa hè năm ngoái.
Nếu bị xử có tội, họ có thể phải nhận mức án từ 15 năm tù cho tới tù chung thân.
Trung Quốc cho thực hiện hàng loạt vụ bắt bớ các nhà hoạt động, trong đó có nhiều luật sư và nhân viên của họ.
Ông Chu nổi lên sau khi đại diện cho nhiều gia đình trong vụ tai tiếng trẻ em bị ngộ độc sữa năm 2008. Ông bị bắt giữ hồi tháng 7 năm ngoái – một tuần sau khi truyền thông nhà nước đưa tin ông nhận một số tội không xác định.
Đồng nghiệp của ông, Lưu Hiểu Nguyên, xác nhận với BBC rằng ông Chu, luật sư Vương Toàn Chương và người tập sự Lý Xu Vân đã chính thức bị cảnh sát bắt do nghi ngờ “lật đổ chính quyền”.
Bốn trường hợp khác, luật sư Tạ Yên Ích, Tạ Dương, Tùy Mục Thanh, và trợ lý pháp luật Triệu Vi, đã bị bắt giữ và buộc tội “kích động lật đổ nhà nước”, AFP đưa tin, dẫn lời bạn bè và thân nhân những người này.
Phóng viên Jo Floto của BBC ở Bắc Kinh nói có nhiều khả năng nhóm sẽ phải ra tòa. Nếu điều này xảy ra, việc họ bị buộc tội là gần như chắc chắn.

Phân tích của phóng viên Celia Hatton, BBC News

Image copyrightAFP
Image captionNgười thân và bạn bè của các luật sư bị bắt giữ ở bên ngoài Trung tâm Tạm giam Hà Tây, Thiên Tân, Trung Quốc
Chính quyền Trung Quốc đã đàn áp khá nhiều luật sư bào chữa. Khoảng 250 luật sư và trợ lý luật pháp bị giam giữ kể từ năm ngoái – một chiến dịch đáng lo ngại đi ngược hẳn với những lời lẽ to lớn về khát vọng củng cố luật pháp Trung Quốc.
Phần lớn những luật sư này kể từ đó đã được thả. Tuy nhiên, vụ bắt giữ chính thức hôm nay cho thấy, ngay từ đầu, những luật sư bị bắt từ hãng luật Phong Nhuệ được xếp vào hạng mục khác. Nhiều tháng trước, văn phòng của hãng bị cảnh sát tới dọn sạch.
Phong Nhuệ được biết đến với các vụ án nổi tiếng gây ảnh hưởng lên đám đông, bắt đầu từ năm 2008 với vụ sữa trẻ em, khi hơn 300.000 trẻ sơ sinh lâm bệnh do uống sữa nhiễm độc.
Các luật sư của Phong Nhuệ đôi khi khuyến khích người đi khiếu kiện tụ tập bên ngoài tòa án xử vụ của họ. Những người này thực hiện vai trò bảo vệ quần chúng một cách nghiêm túc – động thái khiến chính quyền giận dữ, và dẫn tới vụ đàn áp toàn diện làm sập tiệm Phong Nhuệ.

Đàn áp

Image captionPhụ tá luật Triệu Vi (trái) và luật sư Lý Xu Vân
Năm ngoái, chính quyền đưa ra thông cáo buộc tội một nhóm do các luật sư Phong Nhuệ dẫn dắt, thuê người biểu tình và gây ảnh hưởng tới quyết định của tòa dưới danh nghĩa “bảo vệ pháp luật và lợi ích quần chúng”.
Nhóm này bị cáo buộc tổ chức hơn 40 vụ việc gây tranh cãi và gây rối trật tự công cộng. Bắc Kinh dẫn chứng một trường hợp nhóm bị cho là đã bóp méo một vụ nổ súng hợp pháp của công an tại nhà ga thành âm mưu giết người.
Hồi tháng Bảy, chính quyền Trung Quốc thực hiện một chiến dịch có vẻ như được lên kế hoạch, khi hơn 280 luật sư nhân quyền và nhà vận động – cùng liên minh – bị triệu tập hoặc giam giữ hoặc biến mất. Các vụ bắt giữ cũng được nhiều người coi là nỗ lực của chính quyền nhằm bóp nghẹt giới bất đồng chính kiến.
Tháng trước, một luật sư nhân quyền có tiếng, ông Phổ Chí Cường, nhận án tù treo sau một phiên xử ngắn ngủi về tội “khích động hận thù sắc tộc” và “gây tranh cãi” qua các đoạn viết trên mạng xã hội.
CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)