John Sudworth
BBC News, Bắc Kinh

Tháng 8/2015, ông Vương Toàn Chương bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ.
Ông không phải là người duy nhất. Có hơn 200 luật sư, trợ lý luật sư và các nhà hoạt động bị bắt giữ để thẩm vấn trong chiến dịch càn quét trên toàn quốc vào mùa hè năm đó.
Nhưng đã gần hai năm trôi qua, ông Vương là vị luật sư duy nhất mà không ai nắm được tung tích.
“Tôi không biết anh ấy còn sống hay đã chết,” vợ ông, cô Lý Văn Túc nói với tôi. “Tôi hoàn toàn không có thông tin gì hết. Anh ấy như biến mất khỏi trái đất này vậy. Thật đáng sợ, quá tàn nhẫn.”
Đợt đàn áp mang tên “709” của Trung Quốc – do ngày khởi đầu là 7/09 – được nhiều người coi là dấu hiệu cho thấy sự không khoan nhượng trước những ai bất đồng chính kiến trong thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong số đông những người bị tạm giữ ban đầu, hơn hai mươi người bị điều tra chính thức. Riêng trong năm qua, những trường hợp này dần đi tới kết cục nhất định.
Một số người bị buộc tội đã chịu mức án tù khá nặng, cao nhất tới 7,5 năm vì tội lật đổ.
Những người khác bị án tù treo hoặc được bảo lãnh cho tại ngoại, nhưng bị giám sát chặt chẽ.
Nhưng trong số luật sư bị bắt giữ từ đợt càn quét đầu tiên của năm 2015 đó, trường hợp của ông Vương rất đặc biệt. Ngoài một tráp bắt giữ ngắn gọn, gia đình nói ông đã như hoàn toàn biệt tăm.

“Suốt hai năm, anh ấy không được gặp luật sư mà chúng tôi thuê cho, và anh ấy không được quyền tiếp xúc với thế giới bên ngoài,” cô Lý nói. “Ông ấy bị tước đi tất cả quyền của mình”.
Có cáo buộc rằng một số luật sư bị tra tấn trong thời gian bị tạm giữ, bị ép buộc uống thuốc, đeo cùm, bị đánh đập và giữ ở những tư thế căng thẳng trong thời gian dài.
Những người ủng hộ họ cho rằng lời nhận tội của họ, dù là trước tòa hay qua băng ghi hình đều đã được phát trên truyền hình nhà nước, không nên bị nhìn nhận sai mà hãy coi đó là hậu quả không thể tránh khỏi từ áp lực mà họ phải chịu.
Họ lo sợ rằng, ông Vương vẫn bị giam giữ có thể là do ông không muốn nhận tội.
“Tôi nghĩ là có thể chồng tôi không muốn nhượng bộ bất kỳ cái gì,” cô Lý nói. “Có lẽ vì thế mà vụ việc của anh ấy vẫn không được giải quyết.”
Ông Vương Toàn Chương chắc chắn không lạ gì việc đối mặt với áp lực. Công việc của ông là đại diện cho những người theo Pháp Luân Công, phong trào tôn giáo bị cấm ở Trung Quốc, cũng như các nhà hoạt động nhân quyền. Ông từng khiến chính quyền giận dữ.

Ông Jerome Cohen giảng dạy tại New York University School of Law (Trường Luật, Đại học New York) và là chuyên gia kỳ cựu về hệ thống pháp luật Trung Quốc. Bản thân ông cũng quen một số luật sư bị bắt giữ.
“Họ là những người đi đầu, những người đã thực sự xuất hiện trước công chúng. Có rất nhiều luật sư khác âm thầm làm việc, họ hy vọng mình nằm trong giới hạn cho phép của đảng,” ông nói.
“Nhưng chính họ cũng đang cảm thấy có áp lực và theo dõi rất sát xem những luật sư này, những người đã ra công khai, bị lạm dụng như thế nào.”
“Tất nhiên điều này khiến rất nhiều người nản lòng, đó là mục tiêu lớn nhất của đảng… giữ cho các luật sư đi đúng đường lối.”
Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói về mối nguy hiểm mà tư tưởng tự do mang lại đối với sự cai trị của Đảng Cộng sản, chẳng hạn như thi hành quyền hiến định trong tòa án.
Có vẻ như, Trung Quốc muốn luật sư giúp “cai trị bằng luật pháp” mà không phải là giám sát nhà nước bằng “pháp luật”.
Những luật sư đã qua các phiên xử dường như đều là những người đã xử lý các vụ liên quan tới chính trị nhạy cảm nhất, cũng như những người lên tiếng vận động cho một hệ thống pháp lý vượt ra ngoài tầm kiểm soát của đảng.
“Đảng biết họ cần có luật sư, đảng muốn có họ để phát triển kinh tế,” ông Cohen nói.
“Nhưng về cơ bản, họ muốn các luật sư hành xử như nha sỹ, như các kỹ thuật viên.
“Tôi rất ngưỡng mộ các nha sỹ, nhưng tôi không trông đợi được nha sỹ cảnh báo về những giá trị xã hội mà tôi đang sống,” ông nói thêm.
“Vậy đó chính là điều mà đảng đang cố gắng thực hiện, và thực hiện nó với sự tàn bạo cùng cực.”
Nhưng nếu đó là kế hoạch thực sự của họ, thì ở một mức độ nào đó nó không hiệu quả. “Cuộc chiến với luật pháp” đã khiến vợ của các luật sư bị bắt giữ hợp lại và lên tiếng mạnh mẽ trước công chúng để chồng mình được thả.

Tuy thường xuyên phải đối mặt với đe dọa và bị cảnh sát mặc thường phục gây phiền nhiễu, họ quyết không im lặng.
Một vài người trong số họ thậm chí còn nêu vấn đề ra trước phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ trong tuần này – qua video thu sẵn – như Lý Văn Túc.
Các luật sư Trung Quốc khác cũng tham gia vào bảo vệ cho những ai bị bắt bớ trong cuộc đàn áp, tới thăm trại giam để yêu cầu có thêm thông tin hoặc gia tăng thách thức pháp lý, để rồi sau đó chính họ cũng bị bắt.
Và cộng đồng luật sư Trung Quốc đã chính thức phản đối cách đối xử sai trái với những thành viên của mình.
Trong khi đó, lo ngại về số phận của ông Vương Toàn Chương ngày càng lớn. Nếu ông ta thực sự vẫn kiên quyết chống lại, những người yêu quý ông lo ngại sẽ xảy ra hậu quả.
Luật sư và là bạn, ông Cát Văn Tú, đưa đoạn video lên Twitter vào tuần này, nói: “Luật sư Toàn Chương, ông vẫn còn sống đấy chứ?”, ông hỏi. “Chúng tôi không quan tâm dù là ông có nhận tội trên truyền hình Trung Quốc để về nhà. Về nhà thôi.”