Việt Nam Thời Báo

Trung Quốc ngang ngược lên kế hoạch đưa ‘công xưởng’ chế biến cá đến Trường Sa

Tàu cá Trung Quốc tràn xuống biển Đông
hồi năm 2012 – Ảnh: Reuters

Trung Quốc ngang ngược lên kế hoạch triển khai một tàu chở cá sống 200.000 tấn, phục vụ như một ‘công xưởng’ chế biến cá di động, đến bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bắc Kinh sẽ triển khai tàu chở cá sống đến vùng biển quanh bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, trang tin Want China Times (Đài Loan) ngày 27.9 dẫn lại thông tin từ tờ China Science Daily (trụ sở ở Bắc Kinh) cho biết.

China Science Daily cho biết đã đến lúc Trung Quốc tập trung hơn vào tài nguyên thiên nhiên ở biển Đông.

Ông Lei Jilin, nhà nghiên cứu thuộc Học viện Lâm nghiệp Trung Quốc, cho biết bảo vệ vùng lãnh hải không chỉ là sứ mạng duy nhất của các lãnh đạo Trung Quốc.

Theo ông Lei, các lãnh đạo Trung Quốc cần phải biết cách khai thác tài nguyên hợp lý và Học viện Lâm nghiệp Trung Quốc lên kế hoạch mua một tàu chở dầu 200.000 tấn, tân trang nó thành một tàu chở cá sống.

Tàu chở cá sống này có thể trở thành một “công xưởng” chế biến cá di động và cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau cho quân đội và tàu dân sự Trung Quốc hoạt động trên biển Đông.

Nếu kế hoạch ở bãi Vành Khăn thành công, ông Lei nói Trung Quốc trong tương lai sẽ triển khai một hạm đội tàu chở cá sống đến biển Đông và Hoa Đông dưới sự bảo vệ của Hải quân Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc còn đang tiến hành các hoạt động xây dựng phi pháp, biến 6 bãi đá ở Trường Sa thành các đảo nhân tạo nhằm phục vụ các hoạt động quân sự và củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý nuốt trọn gần cả biển Đông.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình, chiều 25.9, cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ ngư dân của Việt Nam đánh bắt tại ngư trường truyền thống trên biển Đông.

Phát biểu trên được ông Lê Hải Bình đưa ra trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc bảo vệ ngư dân Việt Nam đánh bắt cá tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa trước tin Cục Hải sự Trung Quốc ngày 24.9.2014 thông báo quân đội nước này sắp tập trận bắn đạn thật quy mô lớn tại phía nam đảo Hải Nam và phạm vi tập trận kéo dài đến gần quần đảo Hoàng Sa.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho biết ngay sau khi có thông tin trên, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tiếp tục xác minh thông tin trên.

Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh, từ trước đến nay Chính phủ Việt Nam luôn luôn có các biện pháp cần thiết để bảo vệ ngư dân hoạt động bình thường trên ngư trường truyền thống lâu nay của bà con.

Cũng tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc thời gian gần đây Trung Quốc tiến hành cải tạo, thay đổi hiện trạng các bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, trong đó có đảo Gạc Ma thành các đảo nhân tạo, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC), ông Lê Hải Bình cho biết:

“Mọi hoạt động của các bên liên quan ở Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan, tuân thủ luật pháp quốc tế đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC) và không có bất cứ hành động nào làm phức tạp thêm tình hình.”

“Chúng tôi cho rằng, trong tình hình hiện nay tất cả các bên đều phải có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông”, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh. (TTXVN)

Phúc Duy
Thanh Niên

Tin bài liên quan:

Thoát khỏi sự nô dịch tư tưởng

Phan Thanh Hung

VN chi 20 triệu đô để tuyên truyền ra hải ngoại

Phan Thanh Hung

Hội Người cao tuổi bảo vệ báo

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.