Việt Nam Thời Báo

Truyện Kiều, quan hệ Việt – Mỹ và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông

Các nhà tham mưu chiến lược của Nhà Trắng lại một lần nữa khiến ta giật mình khi tư vấn cho ông Joe Biden lẩy hai câu Kiều thuộc hàng hay nhất…

Chủ trì tiệc chiêu đãi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “bất ngờ” lẩy 2 câu trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du:

“Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.”

Chỉ với 2 câu Kiều tài tình, ông Joe Biden đã khái quát được thực trạng cũng như triển vọng quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Hoa Kỳ, đồng thời cho thấy thiện chí của người Mỹ rất mong muốn hợp tác với Việt Nam, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong buổi tiệc chiêu đãi do Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chủ trì.

Đồng thời nó còn góp phần tích cực duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự và luật pháp quốc tế trong khu vực cũng như trên thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Biển Đông bởi những hành động bành trướng, bồi lấp bất hợp pháp của Trung Quốc.

Người Mỹ quá hiểu Việt Nam

Nói như vậy không phải bởi Mỹ và Việt Nam từng có một giai đoạn lịch sử ở hai đầu chiến tuyến 40 năm về trước, mà bởi bộ máy tham mưu quá giỏi của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ khi giúp họ tìm hiểu về con người, văn hóa Việt Nam để làm nền tảng vững chắc cho hợp tác song phương.

Nhà văn hóa Phạm Quỳnh từng nói: “Truyện Kiều con, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”, đủ thấy Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du có vai trò to lớn như thế nào trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt Nam.

Từ bên kia bán cầu, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã dùng chính cái quốc hồn quốc túy của người Việt để bắc cầu hữu nghị, thúc đẩy bang giao. 15 năm trước lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đặt chân đến Hà Nội năm 2000, ông Bill Clinton khiến không ít người Việt giật mình khi lấy 2 câu trong Truyện Kiều để nói chuyện với người Việt:

“Sen tàn cúc lại nở hoa,
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”.

Hai câu thơ trong Truyện Kiều miêu tả tâm trạng u buồn của Thúc Sinh khiến nhân vật quên đi mất thực tại: Sen tàn cúc lại nở hoa, mùa nào chẳng có hoa nở? Không thể thay đổi quá khứ, nhưng cũng đừng vì đeo đẳng quá khứ mà quên mất thực tại.

Và lần này, các nhà tham mưu chiến lược của Nhà Trắng lại một lần nữa khiến ta giật mình khi tư vấn cho ông Joe Biden lẩy hai câu Kiều thuộc hàng hay nhất trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du để phát biểu chào mừng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các nhà lãnh đạo Việt Nam trong tiệc trưa tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Trong cuốn “Thả một bè lau”, Thiền sư Nhất Hạnh bình luận: 

“Hai câu này rất hay! Thuộc về số những câu hay nhất trong truyện Kiều. Trời ở đây không phải là Thượng Đế, Ngọc Hoàng hay tạo hóa. Trời ở đây là tình trạng, hoàn cảnh. Ngày hôm nay chúng ta được gặp nhau, nhìn nhau, nắm tay nhau; tôi còn sống, anh còn sống, em còn sống để có thể ngồi uống trà với nhau, đi thiền hành, nhìn trăng với nhau… Ngày hôm nay quý vô cùng!”

Tan sương đầu ngõ

“Vận” vào quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, từ chỗ là kẻ thù hai đầu chiến tuyến không đội trời chung nay cùng ngồi lại bàn kế hợp tác lâu dài, đem lại thái bình lợi lạc cho người dân 2 nước thì quả đúng là “cơ hội trời cho”, hay “trời còn để có hôm nay”, một cái duyên, cũng là một cơ hội mà cả hai bên trân quý. Vấn đề còn lại là làm sao hai bên tiếp tục làm cho “tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời”.

Hai câu Kiều này cũng cho thấy Mỹ thực sự coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam mà những rào cản về sự khác biệt chính trị trước đó đã được xóa bỏ hoàn toàn khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt chân lên đất Mỹ thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Vì vậy những quan điểm nào đó còn đặt ra vấn đề khác biệt chính trị để chia rẽ quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 nước đã trở thành lạc hậu.

                Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng.

Cũng chính hai câu Kiều này còn cho thấy một sự thật khác, đó là Việt Nam có những giá trị địa chính trị, địa chiến lược quan trọng mà người Mỹ và có thể là các cường quốc khác đang rất quan tâm. Không có lợi ích, người Mỹ hẳn đã không để ý đến việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Kết hợp 2 yếu tố này có thể xem như Việt Nam đang có thiên thời, địa lợi. Vấn đề còn lại là làm sao phát triển “nhân hòa”, tận dụng xu thế ấy làm cho đất nước cường thịnh, phồn vinh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Không thể bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chỉ bằng ý chí mà còn phải có thực lực mạnh. Không thể dựa vào bất kỳ ai để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ngoài chính mình, nhưng phải biết khai thác tối đa các thế mạnh đối nội cũng như đối ngoại, các xu thế và trào lưu quốc tế để phục vụ cho sự nghiệp này.

Người Nhật đã biết khai thác tối đa khoa học công nghệ, kinh nghiệm điều hành quản lý, hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư từ Hoa Kỳ kết hợp với tinh thần tự lực quật cường của mình để hồi sinh dân tộc từ tro tàn sau Chiến tranh Thế giới thứ II thành siêu cường Đông Á như ngày nay.

Nửa thế kỷ trước, Singapore, Hàn Quốc hay Đài Loan cũng có xuất phát điểm như Việt Nam, nhưng giờ họ đều trở thành những con rồng châu Á cũng không ngoài con đường Nhật Bản đã đi.

Do đó bài toán đặt ra với người Việt lúc này là làm thế nào khai thác tối đa quan hệ hữu nghị hợp tác với Hoa Kỳ để phát triển đất nước cường thịnh, để nông sản bà con nông dân Việt Nam làm ra tìm được chỗ đứng trên thị trường Hoa Kỳ và các nước khác.

Đó cũng là giải pháp giải quyết nỗi lo mất giá, bán không ai mua của nông sản Việt Nam mỗi khi thương lái Trung Quốc o ép hay họ đóng cửa biên giới vì một lý do “vu vơ” nào đó nhằm gây sức ép với ta. Đó là thách thức khó khăn nhưng cũng là cơ hội đột phá, đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ, nỗ lực và sự đoàn kết của người Việt. Hãy bắt đầu từ giáo dục và khoa học công nghệ. Hoa Kỳ sẵn sàng giúp Việt Nam điều này.

Vén mây giữa trời

Làm thế nào để tận dụng tối đa quan hệ Việt – Mỹ cho việc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đấu tranh đòi lại phần lãnh thổ đang bị nước khác chiếm đóng bất hợp pháp có lẽ là mối quan tâm hàng đầu của không ít người dân Việt Nam khi theo dõi chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư.

Nhưng hợp tác trên lĩnh vực nào cũng phải trên cơ sở tính toán hài hòa lợi ích từ hai phía. Do đó, tìm hiểu lợi ích của Mỹ ở Biển Đông là gì rất quan trọng.

Ngay từ năm 2010 Ngoại trưởng Mỹ khi đó bà Hillary Clinton đã khẳng định, Mỹ có lợi ích cốt lõi ở Biển Đông, đó là tự do hàng không hàng hải không bị cản trở.

Cho tới ngày nay, lợi ích này không thay đổi mà còn được mở rộng thêm: Hòa bình ổn định trong khu vực, bảo vệ và duy trì luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS cũng như trật tự sau Chiến tranh Thế giới thứ II mà Mỹ là người cầm trịch; Chống các hành động sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực.

Có thể thấy, chiến tranh xung đột ở Biển Đông rõ ràng không phải lợi ích của Hoa Kỳ. Các hành động leo thang gây hấn đe dọa tự do – an ninh hàng không hàng hải ở Biển Đông, đe dọa luật pháp và trật tự quốc tế, sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực cũng đi ngược lại lợi ích của Hoa Kỳ.

Việt Nam cần khai thác tối đa xu thế này trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như phương án đòi lại những phần bị nước ngoài chiếm đóng bất hợp pháp.

Làm sao để trái vải thiều cũng như các mặt hàng nông sản, hàng hóa Việt Nam tìm được chỗ đứng tại thị trường Mỹ là bài toán đang đặt ra.

Hoa Kỳ không thể đem quân can thiệp nếu xảy ra xung đột giữa Trung Quốc với một nước khác ở Biển Đông nhưng sẽ tích cực ngăn chặn nó. Mỹ không phải một bên yêu sách ở Biển Đông nhưng có lợi ích quốc gia ở Biển Đông, ủng hộ giải quyết bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.

Do đó hãy đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác quốc phòng an ninh, tuần tra huấn luyện, mua bán trang thiết bị tiên tiến, chia sẻ thông tin…với người Mỹ, Nhật Bản cũng là một lựa chọn.

Chuẩn bị kỹ lưỡng một bộ hồ sơ pháp lý ở Biển Đông không chỉ sẵn sàng cho các hoạt động tranh tụng tại các cơ quan tài phán quốc tế, mà còn để phổ biến rộng rãi để mọi người dân Việt Nam đều nắm được các thông tin chính xác, căn cứ pháp lý vững chắc về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam tại các vùng biển ở Biển Đông. Cũng trên cơ sở bộ hồ sơ này hợp tác với các đối tác khác bao gồm Hoa Kỳ để tìm kiếm sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Thời cơ và thách thức luôn song hành với nhau, đây là lúc Việt Nam có cơ hội bứt phá vươn lên, tự cường dân tộc và đòi hỏi nỗ lực không ngừng nghỉ của mỗi người cũng như sự đoàn kết chặt chẽ của mọi tầng lớp đồng bào trong và ngoài nước.

Người Mỹ đã vượt qua được quá khứ, trân quý cơ hội hiện tại, chấp nhận ngồi lại lắng nghe nhau để thu hẹp bất đồng, tăng cường hợp tác với Việt Nam thì không có lý do gì người Việt lại không làm được điều này. Nếu chỉ vì cấn cá chuyện xưa mà quên mất chuyện nay, cơ hội có thể bị tuột mất và thực tại lại thành chiêm bao:

“Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao.”

Chúng ta đã có địa lợi, đang có thiên thời, còn nhân hòa nằm trong tay chính chúng ta. Xin mượn lời cụ Nguyễn Du và “nhà tiên tri” Tam Hợp Đạo Cô trong Truyện Kiều để kết thúc bài viết này:

“Sư rằng: Phúc họa đạo trời,
Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra.
Có trời mà cũng có ta…

Theo Hồng Thủy (Giáo Dục)

Tin bài liên quan:

Việt Nam và trò chơi địa chính trị

Phan Thanh Hung

Những ứng cử viên tự do đầu tiên tại Cuba, thế còn Việt Nam?

Phan Thanh Hung

Báo Việt Nam đả phá ‘Nhóm 61’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo