Việt Nam Thời Báo

Từ lời hứa giúp đỡ của IMF đến công bằng với dân *

Chuyện Phó chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Mitsuhiro Furusawa sang thăm Việt Nam, hứa rằng IMF sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam và đưa ra những tư vấn chính sách cho sự phát triển trong giai đoạn tới, không thể chỉ được xem là một tin lễ tân. Căn cứ các chuyến làm việc tương tự ở các nước khác, nhất là trong bối cảnh Việt Nam lần đầu tiên rơi vào tình trạng mà VnExpress ngày 23-5-2015 trình thuật là “nợ quá hạn nước ngoài hơn 310 triệu đô la Mỹ”, ắt hẳn đã đến lúc phải cùng nhau tìm cách không để tiếp diễn tình trạng nợ quá hạn không thanh toán được này.

Đúng là thời gian như tên bay. Mới tháng 4-2006, tôi còn đặt câu hỏi “lãi suất 7,15%/năm, vay 750 triệu đô la Mỹ trong 10 năm, trả lãi bao nhiêu?”, ấy vậy mà nay đã đáo hạn và trễ hạn thanh toán rồi! Trong quãng thời gian 10 năm đã trôi qua ấy, đáng tiếc là đã chỉ có những cuộc tranh luận “nợ công còn hay không còn trong ngưỡng an toàn?” mà không thấy có những biện pháp đủ quyết liệt và hiệu quả nhằm hạn chế việc vay nợ nước ngoài. Và nay khi đã “bể nợ” gánh đầu tiên này, các gánh khác đang lần lượt đáo hạn, vẫn chưa thấy có một tiếng chuông nào đủ mạnh được gióng lên nhằm cảnh báo về gánh nặng đáp ứng các nghĩa vụ vay nợ.

Nhất định đã đến lúc khởi sự một làn sóng ngược lại là “nói không với vay nợ”! Tất nhiên, ở góc độ quốc gia, vẫn cần và sẽ càng cần phải vay nợ, và vay trong những điều kiện bớt ngặt nghèo nhất để sử dụng hiệu quả nhất. Song, rõ ràng là ở quy mô địa phương, bộ nghành, lẽ ra từ lâu đã cần khởi xướng cuộc vận động tằn tiện rồi.

Có lẽ cũng chả cần gì IMF phải tư vấn về nhu cầu kỷ luật ngân sách. Do lẽ, đây chính là bản năng sinh tồn của một quốc gia. Còn đợi cho IMF giúp đỡ “làm chính sách”, như ở các nước khác đã đi trước trong việc mất khả năng trả nợ, e rằng lúc đó đã là quá muộn rồi! Thiệt ra, người dân bình thường cũng đã có thể nhận diện được những biện pháp nào đã, đang và sẽ được đưa ra có nghĩa là gì, nếu so với các nước tương tự. Những tính toán đúng và đủ viện phí, học phí… chính là những cắt giảm phúc lợi xã hội mà các nước được IMF hỗ trợ đang làm, gọi chung là “liệu pháp sốc”. Những tính toán nâng tuổi hưu cũng thế… Từ những khoản phí mới hoặc sắp đưa ra như phí giao thông đường bộ, rồi tới đây là phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu… đến chuyện giảm biên chế một lần nữa…, đều là những khoản tăng thu ngân sách trong liệu pháp khắc khổ “kinh điển” của IMF. Chẳng có gì xa lạ gây ngạc nhiên cả, những kết quả như “tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện tháng 5 ước đạt 61.500 tỉ đồng, lũy kế năm tháng đầu năm 2015 ước đạt 380.760 tỉ đồng, bằng 41,8% dự toán, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2014” (baodientu.chinhphu.vn 3-6-2015)! Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước tháng 5 ước 90.700 tỉ đồng; lũy kế chi năm tháng ước đạt 455.600 tỉ đồng, bằng 39,7% dự toán. Bội chi ngân sách nhà nước tháng 5 ước 29.170 tỉ đồng, lũy kế năm tháng ước 74.800 tỉ đồng, xấp xỉ bằng 33,1% dự toán năm”. Thế nhưng, năm nay nhất định phải khác các năm trước khi lần đầu tiên trễ hạn trả nợ nước ngoài! Chuyện dài nhiều tập bội chi ngân sách vẫn cứ kéo dài năm này sang năm khác.

Đã đến lúc phải thắng (phanh) cho được làn sóng tự tiện chi những khoản “trời ơi” đủ loại, đủ kiểu, nhân danh đủ thứ. Như chuyện xây “văn miếu” tốn đến 271 tỉ đồng! Làm thế nào mà một vụ chi tiêu tốn đến như thế, khởi công từ năm 2012 đến nay, lại không được “hay biết”, thậm chí biết trước để mà thắng lại? Cũng quá sức tưởng tượng như vụ tượng đài “lớn nhất Đông Nam Á” tốn đến 411 tỉ đồng! Cũng mới đây xì ra cái thực tế ngán ngẩm là dự án Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi ở Khu kinh tế Vũng Áng, có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng, chuẩn bị khai tử! Còn bao nhiêu cái chết “tiền định” như thế. Rõ ràng đang thiếu cùng một lúc hai bộ thắng (phanh), từ chính các địa phương đó, và từ trung ương. Bộ thắng đó là những cơ quan nào, xin không bàn đến, song không thể không có. Một cỗ máy chi tiêu không thắng kiểu đó, nếu là một chiếc xe, chỉ có thể rơi xuống hố hoặc đâm sầm vào vách đá và tan xác!

Còn trên bình diện dân chúng, liệu khi dân chúng bị cắt giảm phúc lợi xã hội, chịu thuế và phí cứ tăng thêm, mà các cấp chính quyền lớn, nhỏ vẫn cứ bội chi, thì có công bằng?

Theo Thiện Di (Thesaigontimes)

* VNTB đặt lại tiêu đề và hình ảnh

Tin bài liên quan:

VNTB – Dự án BOT giao thông bị lỗ do kinh tế đình trệ

Bùi Ngọc Dân

Nguồn cơn phí chồng phí: Bội chi và thâm thủng ngân sách! *

Phan Thanh Hung

VNTB – Phục hồi kinh tế sau COVID-19: con đường còn dài và gập gềnh

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo