Không ưu ái cho ai cả
Với suy nghĩ bình thường, ai cũng tưởng Hàn Quốc ắt sẽ ưu ái hết mức cho các doanh nghiệp hàng đầu của họ như Samsung, Hyundai, Posco… Thực tế ngày xưa từng có sự ưu ái như thế nhưng gần đây, nhất là sau các cuộc khủng hoảng kinh tế, việc chia nhỏ các chaebol, việc hạn chế ảnh hưởng của các chaebol lên nền kinh tế lại là đề tài được bàn tán sôi nổi ở Hàn Quốc. Thực tế Hàn Quốc từng không ngần ngại bỏ tù người đứng đầu các tập đoàn lớn, điều tra việc thao túng thị trường của doanh nghiệp này, phạt tiền doanh nghiệp khác vì những giao dịch không minh bạch. Các vụ ầm ĩ nhất vẫn là điều tra ông chủ các chaebol tội trốn thuế, hối lộ…Người ta lập luận, ảnh hưởng của các chaebols lên nền kinh tế sẽ khiến nó không còn sức sống, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không còn đường phát triển nên đánh mất tính sáng tạo, linh hoạt. Các tài năng trong xã hội không có điều kiện phát huy năng lực khi bất kỳ ai cũng muốn vào làm cho các tập đoàn như một con đường bảo đảm cuộc sống lâu dài. Doanh nhân không có động lực khởi nghiệp một khi các chaebol hiện diện trong mọi ngóc ngách của nền kinh tế, không còn chừa cho họ cơ hội thâm nhập thị trường nào nữa.
Đó cũng là lý do tại sao ở các nước khác như Mỹ không ngần ngại phá vỡ thế độc quyền của Microsoft ngày trước hay hạn chế sự độc quyền của Google ngày nay. Nếu cứ ưu ái cho Microsoft như một tài sản của quốc gia vì nó đem lại sự thống trị của phần mềm Mỹ ở khắp thế giới thì ắt đã không có Google hay Facebook và hàng loạt công ty công nghệ nổi tiếng sau này.
Hàn Quốc hạn chế tầm ảnh hưởng của các chaebol bằng luật và cái hay là sự hạn chế này không ngăn trở Samsung trở thành một tập đoàn toàn cầu chẳng hạn. Châu Âu hạn chế sự độc quyền của các công ty đa quốc gia bằng các vụ kiện. Tất cả đều nhắm tới mục tiêu tạo một sân chơi bình đẳng cho bất kỳ ai muốn tham gia thị trường để từ đó nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp, cạnh tranh và sáng tạo.Hiện nay ở nước ta, suy nghĩ ưu ái cho một số doanh nghiệp để dùng họ làm đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế là khá phổ biến. Vì sự ưu ái đó nên một số nguyên tắc của kinh tế thị trường tạm thời bị gác sang một bên. Vậy là chúng ta đã đi từ một thái cực này (e dè với doanh nghiệp tư nhân) đến một thái cực khác (hình thành mối quan hệ thân hữu giữa chính quyền và doanh nghiệp). Thái cực nào cũng bất cập.
Ở chúng ta dù chưa có các doanh nghiệp tầm cỡ để phải lo đến tầm ảnh hưởng lên môi trường cạnh tranh như kiểu Microsoft hay Apple nhưng hiện tượng ưu ái doanh nghiệp dẫn tới sự chèn lấn, sự thiếu công bằng, thiếu minh bạch là đã có. Đây là điều đáng ngại vì doanh nghiệp sẽ hướng tới cầu cạnh mối quan hệ chứ không hướng tới việc tự hoàn thiện để làm động lực phát triển bền vững, dài lâu. Đó cũng là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, hối lộ và lợi ích nhóm.
Nguyễn Vũ