Việt Nam Thời Báo

Tự ứng cử, “đảng cử – dân bầu” và “9 không”

Minh Tâm
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB

Chuyện “Đảng cử – Dân bầu” sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp lần thứ 8 của Quốc hội, khai mạc từ hôm nay 20-10-2014. Tuy nhiên ít có khả năng việc “phổ thông đầu phiếu” được bấm nút thông qua, vì nó đi ngược lại với Quy chế bầu cử trong hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

9 “không”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương ký Quyết định số 244-QĐ/TW, về ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng, để thay thế Quy chế bầu cử trong Đảng kèm theo Quyết định số 220-QĐ/TW, ngày 17-4-2009 của Bộ Chính trị (khoá X).

Điều 13 của Quy chế nhấn mạnh đến 6 việc “không được” và 3 việc “không có” trong chuyện “so bó đũa chọn cột cờ”.

Theo đó, cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy.

Ở các hội nghị của ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do ban thường vụ cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ cấp ủy.

Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.

Sở dĩ “không”, vì… đã quá dân chủ (!?)

Trong một trả lời giới truyền thông về quá nhiều cụm từ “không được” này, ông Nguyễn Đức Hà – Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương, cho rằng sở dĩ cần phải quy định như vậy là vì: “Trong quá trình chuẩn bị nhân sự cấp ủy khoá tới, cấp ủy cấp triệu tập đại hội đã được thực hiện một quy trình dân chủ rộng rãi từ dưới lên trên”.

“Cấp ủy cấp triệu tập đại hội thảo luận, bỏ phiếu giới thiệu những cấp ủy viên đương nhiệm tiếp tục tái cử cấp ủy và những người mới sẽ tham gia cấp ủy khoá tới. Chỉ những người được trên 50% số cấp ủy viên đương nhiệm giới thiệu mới được đưa vào danh sách để cấp ủy đề cử với đại hội. Như vậy, các cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình và tham gia vào quyết định của cấp ủy, thì không được nói và làm khác với quyết định của cấp ủy”.

“Còn ở trong các hội nghị của cấp ủy và hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí ủy viên ban thường vụ, các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận, biểu quyết để ban thường vụ cấp ủy hoặc Bộ Chính trị quyết định danh sách đề cử với cấp ủy, thì cũng không được nói và làm khác với quyết định của ban thường vụ hoặc của Bộ Chính trị, vì mình đã tham gia để xây dựng nên quyết định của ban thường vụ hoặc của Bộ Chính trị”.

Lập luận của ông Vụ trưởng, được đánh giá là quân phiệt, và làm mất cơ hội thăng tiến cho những đảng viên vì lẽ gì đó đã “mích lòng” với “bề trên” nên giờ đành đứng bên ngoài cuộc chơi quyền lực. Kịch bản này cũng khả năng xảy ra, với sự vắng mặt khá lâu (vô tình hay cố ý!) trên nghị trường của ông Nguyễn Bá Thanh sẽ là lý do để người ta chuyển những lá phiếu đề cử cho nhân vật “biết nghe lời” khác…

Những khái niệm bị đánh tráo

Ông Nguyễn Đức Hà cho rằng: “Có thể nói, Quy chế bầu cử trong Đảng mới ban hành lần này là một bước tiến mới trong nhận thức và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng; xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy viên. Quy chế vừa quy định số dư tối thiểu, vừa quy định số dư tối đa khi bầu cử; vừa phát huy tính dân chủ, vừa bảo đảm tính tập trung trong Đảng và khắc phục tình trạng bầu thiếu số lượng so với số lượng cần bầu”.

Bước tiến mới đó, theo ông Hà, ở Quy chế bầu cử trong Đảng do Bộ Chính trị (khoá VIII) ban hành năm 2000, thì khi đại hội có yêu cầu thì Đoàn chủ tịch công bố danh sách nhân sự do cấp ủy chuẩn bị để đại hội tham khảo. Còn Quy chế bầu cử trong Đảng do Bộ Chính trị (khoá X) ban hành năm 2009 quy định: Trước khi đại hội chốt danh sách bầu cử thì Đoàn Chủ tịch đại hội công bố danh sách nhân sự do cấp ủy chuẩn bị để đại hội tham khảo (dù đại hội có yêu cầu hay không có yêu cầu).

Quy chế bầu cử trong Đảng lần này quy định danh sách ứng cử viên do cấp ủy các cấp triệu tập đại hội chuẩn bị là danh sách đề cử chính thức của cấp ủy với đại hội. Cấp ủy cấp triệu tập đại hội chuẩn bị nhân sự cấp ủy và ban thường vụ phải có số dư từ 10 đến 15% so với số lượng cần bầu; số dư tối đa trong danh sách bầu cử ở đại hội không quá 30% số lượng cần bầu.

Vấn đề ở đây là vai trò của “cấp ủy”. Cả 3 lần thay đổi Quy chế vẫn có một điểm chung là mọi chuyện “xếp ghế” cho nhiệm kỳ mới đều phải xuất phát từ “lựa chọn” của “bề trên” nhiệm kỳ hiện tại. Chính điều này khiến người ta dễ dàng “chạy ghế” vì biết chính xác địa chỉ “cần chạy”.

Người ta cũng biết rất rõ “bề trên” nào sẽ đưa mình vào “Danh sách”. Tham nhũng được khoác chiếc áo “nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng”, thêm lần nữa có điều kiện phát triển ngay trong lòng của Đảng cầm quyền.

Nói cách khác, vẫn giữ phương thức cũ kỹ mà ai cũng nhận ra là dáng dấp của “con vua thì lại làm vua”, khi mà vẫn tiếp tục câu chuyện “cấp ủy cử – đảng viên bầu”, thì phổ thông đầu phiếu ngay cho những người đang nhân danh Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp tục là mỹ từ son phấn của giấc mơ dân chủ.

Tin bài liên quan:

Chính quyền VN liên tục ngăn cản quyền tự do đi lại của công dân

Phan Thanh Hung

Tổ chức Bảo vệ Ký giả lên tiếng: Blogger Mẹ Nấm lo ngại sẽ bị bắt giam vì những hoạt động Facebook

Phan Thanh Hung

McCain nhắc nhở VN về dân chủ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.