Tự ứng cử: Vì sao Chính phủ “nói ngược” Quốc hội?

Viết Lê Quân

Khẩu hiệu của người Hongkong “Chúng tôi chỉ đòi hỏi bầu cử dân chủ mà thôi”

Hôm nay 20/10 – khai mạc kỳ họp cuối năm 2014 của Quốc hội.
Ngay trước kỳ họp này, phía Chính phủ đã phát đi một văn bản đề nghị “bổ sung quy định theo hướng mở rộng các hình thức bầu cử, như cho phép người ứng cử tự mình tiến hành vận động bầu cử” đối với dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân.

Tinh thần khoe sắc “đổi mới thể chế’ trên lập tức được vài tờ báo “thân chính phủ” rộn ràng giới thiệu.

Nhưng những người dân quan tâm đến chính trị và giới quan sát lưu tâm đến chính trường hẳn không quên “sự kiện” vào tháng 8/2013, Chính phủ đã đưa ra tuyên bố “quyền phúc quyết thuộc về nhân dân”, khiến dư luận và báo chí được một phen thấp thỏm hy vọng. Song từ đó đến nay, tình trạng nhân dân vẫn bị hết nhóm lợi ích kinh tế đến nhóm lợi ích chính trị đè đầu cưỡi cổ đã cho thấy “quyền phúc quyết” thực chất là thế nào.

Những người “ăn đủ”

“Để bảo đảm sự công bằng, khách quan thì không nên bổ sung quy định hình thức người ứng cử tự mình vận động bầu cử” – chỉ mới cách đây 2 tháng, vào trung tuần tháng 8/2014, Ban soạn thảo dự án luật trên thuộc Ủy ban thường vụ quốc hội còn “khuyến nghị” như vậy, với lý do “thực tiễn cuộc bầu cử vừa qua cho thấy có tình trạng người ứng cử sử dụng vật chất ủng hộ cho cá nhân hoặc địa phương nơi mình ứng cử, tạo sự không công bằng với ứng cử viên khác”.

Bất cần biết lý do trên có tính thực chứng hay không, cho đến nay vẫn chỉ có hai hình thức vận động “đảng cử dân bầu” là thông qua hội nghị cử tri do Mặt trận Tổ quốc tổ chức và vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một lần nữa trong không biết bao nhiêu lần từ quá nhiều năm qua, Ủy ban Thường vụ quốc hội lại dính vào tính thủ cựu không làm sao sửa được để “chưa nên cho phép tự vận động ứng cử tại Việt Nam”. Và đó cũng có thể là nguyên cớ để chẳng cần thiết phải thay đổi cơ bản dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Thế nhưng người dân Việt Nam lại biết quá rõ trong quá khứ các kỳ vận động bầu cử, đã chỉ có một số ít ỏi ứng viên độc lập dùng tới “lực lượng vật chất” và “lực lượng truyền thông” để tự ứng cử. Những người này lại thuộc về thành phần doanh nghiệp chứ không phải là các trí thức túng thiếu tiền bạc nhưng luôn thừa thãi lòng tự trọng.

Phần đa còn lại là các ứng viên được “cơ cấu” theo cách không thể nào trượt. Đó là những quan chức mặt trận và chính quyền theo ba cấp phường xã, quận huyện và tỉnh thành. Chính những ứng viên này mới được trang bị đầy đủ bởi ngân sách nhà nước cùng đội hậu bị hùng hậu của báo chí quốc doanh.

Xét theo phương châm bất di bất dịch đó, quan chức nhà nước được coi là “ăn đủ”, còn những người có gan tự ra ứng cử trong quá khứ như các ông Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân… đều rớt sạch. Không những rớt, các ông này sau đó còn đi thẳng vào nhà giam…

Tuy vậy, đó là chuyện dĩ vãng. Còn hiện tình, những thông tin sôi trào từ dư luận người dân cho thấy nếu một cuộc bầu cử tự do được chấp thuận, các ứng cử viên tự do và trên hết là người có tinh thần yêu nước sẽ chiến thắng.

Chắc hẳn quá lo ngại về tinh thần yêu nước và “chủ nghĩa tự do vô chính phủ” như thế nên Quốc hội Việt Nam vẫn âm thầm làm mọi cách để không cho phép bất kỳ nhân vật nào của Xã hội dân sự bén mảng vào chốn nghị trường.

Thực chất Chính phủ?

Câu hỏi còn lại là tại sao vào lần này, Chính phủ một lần nữa “nói ngược” Quốc hội?

Trong suốt ba năm qua, kể từ tháng 11/2011 khi Thủ tướng ra trước Quốc hội đề nghị Luật Biểu tình, cho đến giờ tất cả vẫn lặng câm. Lối so sánh biện chứng lịch sử không tránh khỏi như thế đang khiến người dân khó có thể hiểu khác hơn là ngay trước một kỳ họp quốc hội, giới quan chức chính phủ muốn lặp lại kịch bản “lấy điểm” dư luận chứ không hề xuất phát từ lòng thành tâm tối thiểu của họ.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)