(VNTB) – Không phải là vấn đề “ỉm” hay không “ỉm”, mà khi huỵch toẹt ra hết rồi, thì sau đó xử lý như thế nào, có đúng theo pháp luật không, hay là từ chức về nhà làm người tử tế rồi xong?
Cuối tháng 5, Phạm Minh Chính có buổi toạ đàm với doanh nghiệp để chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó tướng Chính có chỉ đạo cấp dưới phải giải quyết xong các yêu cầu, đề xuất, cũng như những khó khăn của doanh nghiệp trong vòng 2 tuần. Báo chí CSVN đưa tin rằng ông Chính nhấn mạnh “được hay không được thì phải nói, giải quyết đến đâu thông báo đến đấy chứ không chỉ trong nội bộ, cứ ỉm đi là không được”. (1)
Câu này được tuyên giáo CSVN ca ngợi là thể hiện sự quyết liệt, rõ ràng của ông thủ tướng. Nhưng nếu nhìn vào những bê bối của Phạm Minh Chính từ trước tới nay thì có thể thấy ông thủ tướng cũng “ỉm” nhiều vụ chứ không phải ít. Đáng nói nhất là vụ ông Chính dính tin đồn cặp kè bồ bịch với Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch kiêm tổng giám đốc AIC.
Bà Nhàn bị khởi tố và bị truy nã từ năm 2022 do gây ra hàng loạt vụ tham nhũng, hối lộ. Vụ án của bà Nhàn đã khiến cả dàn lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2021 bị kỷ luật hoặc đi tù. Trong đó có Nguyễn Văn Đọc (Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Uỷ ban tỉnh 2010-2015), Nguyễn Đức Long (Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh 2011-2015).
Đặc biệt, ông Phạm Minh Chính là Bí thư tỉnh Quảng Ninh từ 2011-2015. Vụ AIC ở Quảng Ninh thì ông Chính không thể không liên quan, khi cả dàn cấp dưới đều bị kỷ luật như vậy. Mà kỷ luật là nhẹ, chứ đúng ra là phải vô tù hết rồi. Hơn nữa, theo quy tắc của CSVN, nếu cấp dưới sai phạm thì ông Chính phải chịu trách nhiệm người đứng đầu.
Nếu “rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó sợ gì” thì Phạm Minh Chính đã không “ỉm” đi vụ AIC này. Bây giờ chỉ đạo cấp dưới “được hay không được thì phải nói, cứ ỉm đi là không được”, thì ông Chính phải nói rõ vấn đề vụ AIC. Chỉ có như vậy mới làm gương được. Chứ bản thân còn “ỉm” thì làm sao kêu lính không “ỉm” hay là chỉ nói cho có rồi lại huề cả làng?
Không phải là vấn đề “ỉm” hay không “ỉm”, mà khi huỵch toẹt ra hết rồi, thì sau đó xử lý như thế nào nữa! Cứ cho là ông Chính không ỉm vụ AIC, công khai ra hết thì ông Chính và đồng đảng có bị xử lý theo pháp luật không? Hay là từ chức về nhà làm người tử tế rồi xong?
Hoặc như ngay trong chỉ đạo của Phạm Minh Chính, yêu cầu cấp dưới phải giải quyết khó khăn của doanh nghiệp trong vòng 2 tuần, không được ỉm đi. Thì nếu cấp dưới ông Chính thừa nhận không giải quyết được, không ỉm, mà nói thẳng ra những khó khăn thì ông Chính có giải quyết được hay không, đó mới là vấn đề!
Mấy tháng nay Tô Lâm, Phạm Minh Chính cứ kêu gọi tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, điểm nghẽn hạ tầng, điểm nghẽn nhân lực. Nhưng tới nay thì có điểm nào thông chưa? Hay càng tháo càng nghẽn, để cho điểm nghẽn giống sợi dây kinh nghiệm, càng rút thì càng dài?
Bởi vậy câu chuyện “ỉm” của ông Chính làm lộ ra rất nhiều vấn đề. Thứ nhất, ông Chính gián tiếp thừa nhận rằng trước nay có tình trạng “ỉm” (thì bây giờ mới chỉ đạo không được ỉm). Thứ hai, bản thân ông Chính cũng “ỉm” chứ đừng nói ai! Thứ ba, không ỉm cũng không có cách xử lý. Thể chế độc tài cộng sản gây “nghẽn”, gây bế tắc cho mọi vấn đề của Việt Nam hiện nay. Muốn công khai minh bạch để không phải “ỉm”, muốn khơi thông điểm nghẽn, muốn xử lý triệt để các vấn đề khúc mắc ở Việt Nam thì phải thay đổi thể chế, từ bỏ chế độ độc tài, để người dân có thể thật sự làm chủ đất nước.
_________________
Tham khảo: