Trước tiên, hơn 50 trường hợp điều động công tác về địa phương hầu hết thuộc diện “người đằng mình”. Thậm chí nhiều cán bộ của Văn phòng Trung ương, trường Đảng, báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài tiếng nói, Đài Truyền hình Việt Nam cũng được huy động về ém dưới chức danh lãnh đạo thường trực tại một số tỉnh có địa bàn quan trọng khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ. Một số Ban chỉ đạo “chân không đến đất, cật không đến giời”, tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội đều có “người đằng mình” cắm vào. Số nhân sự này đóng vai trò là lực lượng lãnh đạo hậu bị hùng hậu bổ sung cho lãnh đạo Trung ương và các địa phương và đặc biệt sẽ là nguồn phiếu dồi dào làm loãng bất cứ nhóm lợi ích nào có ý đồ khuynh loát Ban Chấp hành.
Những Ban Đảng quan trọng được chuẩn bị nhân sự đều bằng “người đằng mình”: Tổ chức, Kiểm tra, Tuyên giáo, Dân vận, Nội chính, Kinh tế, Văn phòng Trung ương Đảng. Hàng ngũ tư lệnh, chính ủy các quân binh chủng, quân khu, quân đoàn, học viện, nhà trường thuộc diện “người đằng mình” đều được Tổ chức gọi đi các lớp lãnh đạo dự nguồn. Nhân sự lãnh đạo TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã xong và đều có thâm niên hoạt động Đoàn, Đảng. Rất quan trọng là lãnh đạo Công an, Quốc phòng, Tuyên giáo thì nhìn vào sắp xếp nhân sự mới đây, người ta có thể đoán ngay ra.
Danh sách đề xuất mở rộng nhân sự cho Bộ Chính trị vẫn được giữ bí mật nhưng qua chuẩn bị nhân sự ráo riết gần đây, không khó để nhận ra “người đằng mình” chiếm đa số.
Về cơ cấu: các Ban Nội chính, Kinh tế, Văn Phòng Trung ương và đặc biệt Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (trường Đảng) được đề xuất có ghế trong Bộ chính trị. Một số tỉnh, thành, ngành quan trọng có quyết định cho tăng ghế trong Trung ương khóa tới thì đều đã được “gia cố” chắc chắn. Nhiều ngành tư pháp, bộ quan trọng và cơ quan ngang bộ trước đây là sân riêng của các nhóm lợi ích thì nhân sự đã có dấu hiệu trở cờ, đổi bên.
Với việc mở rộng số Ủy viên Ban chấp hành Trung ương (lên đến 290) khóa tới, lực lượng trước đây ủng hộ phe lợi ích nhóm đang bị pha loãng và phân hóa. Dù tại các Hội nghị trước, phe lợi ích nhóm chiếm thế thượng phong, song hiện gặp khó khăn là thiếu lực lượng hậu bị và mất dần các địa bàn chiến lược, đó là chưa kể nhiều thành phần đã có biểu hiện dao động, đổi bên. Tình hình tương quan lực lượng cho thấy phe Đảng trị xem ra đã chiếm thế thượng phong trước thềm hội nghị Trung ương 11 sắp được triệu tập có tính chất cực kỳ quan trọng nhằm chuẩn bị cho Đại hội 12 diễn ra vào tháng 1 năm 2016.
Đặc biệt, với kế hoạch về hợp tác công tác đảng giữa hai Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam đạt được trong chuyến đi của ông Tổng vừa qua, Trung Quốc sẽ cung cấp những hỗ trợ được cho là quan trọng để tăng cường sự lãnh đạo của đảng anh em. Giới phân tích cho rằng sự hỗ trợ đó, ngoài một số công tác đảng thuần túy, còn có trọng tâm là bảo vệ và xây dựng đảng cũng như cung ứng các nguồn lực thiết yếu. Với kế hoạch này, các nhà phân tích cho rằng ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Đảng Cộng sản Việt Nam còn sâu và rộng hơn nhiều so với những gì Đảng Cộng sản Liên Xô trong quá khứ từng có với Đảng Cộng sản Việt Nam. “Hợp tác Đảng” đã, đang và sẽ tiếp tục là kênh quan trọng nhất mà Trung Quốc khai thác triệt để nhằm duy trì ảnh hưởng toàn diện, thường xuyên, lâu dài đối với Việt Nam.
Cũng trong chuyến đi, một vài nhân vật đã nhận được sự hậu thuẫn đặc biệt mạnh mẽ của Trung Quốc, có thể sẽ nắm những chức vụ rất cao tại Đại hội 12.