Các ông lớn người Thái đang tích cực thâu tóm thị trường bản lẻ của Việt Nam, trong đó phải kể đến lĩnh vực điện máy và đồ uống.
Doanh nghiệp điện máy ‘bán mình’ cho đại gia Thái
Dư luận đang xôn xao trước thông tin hệ thống siêu thị điện máy Pico sẽ về tay Tập đoàn Central Group (Thái Lan) do ông Chirathivat, người giàu nhất Thái Lan nắm giữ.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh đầu năm 2015, Central Group mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT, đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim với hệ thống 21 siêu thị điện máy trên cả nước.
Trong vòng hơn 1 năm qua Central Group hiện diện mạnh mẽ tại Việt Nam.
Mở trung tâm mua sắm mang tên Robins đầu tiên tại Hà Nội, vào tháng 4/2014, vài tháng sau đó, tập đoàn này tiếp tục chi thêm 4 triệu USD mở trung tâm thứ 2 tại TP.HCM.
Cả ở hai trung tâm này, hàng Thái Lan luôn chiếm số lượng lớn.
Tham vọng thâu tóm bia Sài Gòn
Từ tháng 11/2014, The Wall Street Journal (WSJ) cho biết tập đoàn đồ uống ThaiBev của Thái Lan đã tiếp xúc với cơ quan chức năng Việt Nam để mua cổ phần của Tổng công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), công ty bia lớn nhất Việt Nam.
Tiếp đó, đến tháng 2/2015, WSJ lại tiếp tục đăng tải nhiều thông tin chi tiết về thương vụ này. ThaiBev, công ty đã làm nên thương hiệu của bia Chang nổi tiếng tại Thái Lan, có ý định mua lại 40% cổ phần của Sabeco với mức giá có thể lên tới gần 1 tỷ USD.
Mức giá được đưa ra cho mỗi cổ phiếu của Sabeco là 80.000 đồng (3,76 USD) – cao hơn khoảng 60% so với cổ phiếu này niêm yết trên sàn chứng khoán vào thời điểm thông tin đăng tải.
Hiện Bộ Công Thương đang sở hữu 89,6% cổ phần của Sabeco và Heineken nắm giữ khoảng 5%. Giống như ThaiBev, Heineken cũng có ý định trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco.
Heineken đang sở hữu 70% cổ phần của Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam, doanh nghiệp đứng thứ 2 về thị phần bia tại Việt Nam với các thương hiệu Heineken, Tiger, Larue…
Không bỏ qua ô tô, vật liệu xây dựng
Đầu năm 2015, Công ty Chairatchakarn khiến giới đầu tư chứng khoán Việt Nam chú ý khi mua gần 2 triệu cổ phiếu của Công ty Ô tô Trường Long và trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 22,6%.
Chairatchakarn là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ô tô tại Thái Lan với các thương hiệu xe Toyota và Hino.
Các tỷ phú Thái cũng gây ấn tượng mạnh trong những vụ thâu tóm ngành vật liệu xây dựng Việt Nam.
Thương vụ đình đám nhất phải kể đến là Siam Cement Group (SCG), doanh nghiệp lớn nhất Thái Lan hoạt động tập trung vào 5 lĩnh vực chính là hóa dầu, giấy, xi măng, vật liệu xây dựng và phân phối, “nuốt trọn” Prime Group.
Prime Group là tập đoàn đầu tư đa ngành, đầu tư chủ yếu trên các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng nhất là gạch ốp lát. Đang phát triển rất tốt nhưng do đặt mục tiêu quá cao nên Prime Group chấp nhận “bán mình’ cho SCG.
Cuối năm 2012, SCG định giá Prime ở mức 280 triệu USD (khoảng 5.800 tỷ đồng), cao hơn nhiều so với giá trị thực của Prime Group. Được định giá cao, các cổ đông của Prime không ngần ngại bán cổ phần cho Prime. Kết quả là SCG mua lại 85% cổ phần của Prime Group với giá khoảng gần 5.000 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2012, The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd thuộc tập đoàn Thai Plastic and Chemicals đã gom một lượng lớn cổ phần của Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong. Đây là hai doanh nghiệp nhựa xây dựng hàng đầu Việt Nam.
Hụt mua Metro Việt Nam
Đầu tháng 1/2015, gần 88,5% cổ đông thiểu số của tập đoàn Berli Jucker PCL (BJC) Thái Lan đã bỏ phiếu không thông qua thương vụ mua lại Metro Việt Nam do lo ngại rủi ro tài chính và pháp lý.
Trong khi đó, TCC Holding – cổ đông lớn nhất – được coi là cổ đông có quyền lợi liên quan (do trực tiếp đề xuất thương vụ và tham gia đàm phán) không được bỏ phiếu trong cuộc họp này.
Tháng 8 năm ngoái, BJC đồng ý mua Metro Cash & Carry Việt Nam – mảng hoạt động tại Việt Nam của Tập đoàn Metro (Đức). Cả hai sau đó cũng chấp thuận điều khoản thanh toán bổ sung vào tháng 10.
Theo đó, BJC sẽ phải đưa chứng thư bảo lãnh trị giá 655 triệu euro cho bên bán trong 2 ngày làm việc kể từ khi nộp giấy tờ lên Chính phủ Việt Nam để sửa đổi giấy chứng nhận đầu tư. Nếu Chính phủ yêu cầu có bằng chứng thanh toán trước khi sửa đổi, BJC sẽ phải chuyển trước cho Metro Vietnam 655 triệu euro vào tài khoản.
Với việc cổ đông nhỏ của BJC không thông qua, TCC Holdings sẽ tiếp tục đàm phán để trực tiếp thực hiện thương vụ này.
Nếu thương vụ mua Metro Việt Nam thành công, hệ thống bán sỉ lớn nhất và duy nhất ở Việt Nam sẽ rơi vào tay người Thái.
Theo An Nhiên (Đất Việt)
* VNTB đặt lại hình ảnh