(VNTB) – Các thành viên của tổ chức này, thực chất là cán bộ với vỏ bọc là tu sĩ và giáo dân GHCG, được cài cắm, mua chuộc, hay tự ý vì tham vọng quyền lực, đã thực hiện ý đồ của nhà cầm quyền và ĐCSVN.
Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) sử dụng các tổ chức tôn giáo quốc doanh do họ lập ra thay thế các tôn giáo chân truyền để kiểm soát đời sống tôn giáo và đức tin của người dân. Các tổ chức tôn giáo quốc doanh tại Việt Nam được đặt dưới sự chỉ huy của ĐCSVN qua Mặt trận Tổ quốc (MTTQ). Cơ quan này có quyền lực nhất định với các tổ chức tôn giáo bao gồm việc đề bạt và bổ nhiệm lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, làm chủ tài sản và cấp ngân sách hoạt động, trong nhiều trường hợp MTTQ trực tiếp chỉ đạo cả nghi thức tôn giáo, giải thích giáo lý và điều động các tôn giáo quốc doanh vận động quốc tế bênh vực cho nhà cầm quyền. Tùy thuộc vào khả năng sinh tồn và tổ chức của từng tôn giáo chân chính, ĐCSVN và nhà cầm quyền áp dụng các chiến thuật khôn khéo và tinh vi để đàn áp, áp lực, hay tha hóa với mục tiêu tối hậu là điều khiển và làm chủ.
Về căn bản chiến lược này có thể chia thành 3 bước chính là: (a) trực tiếp đàn áp và quốc doanh hóa, (b) hợp tác ban đầu để từng bước quốc doanh hóa, và (c) xâm nhập, lũng đoạn để dần đi đến quốc doanh hóa. Chiến lược thứ nhất đã áp dụng thành công với đạo Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành Miền Bắc và ngay cả Phật Giáo Thống nhất. Chiến lược thứ hai đang áp dụng với tập thể các tổ chức Tin Lành Miền Nam. Chiến lược thứ ba được áp dụng với Giáo hội Công giáo (GHCG) sau khi chiến lược đàn áp GHCG tại Miền Bắc từ 1954 hay trong thập niên 70 tại Miền Nam không đạt hiệu quả mong muốn. Về cách thi hành, chiến lược thứ ba thành lập các tổ chức tay sai để “liên lạc” hay giúp “đoàn kết” giữa GHCG và nhà cầm quyền. Các thành viên của tổ chức này, thực chất là cán bộ với vỏ bọc là tu sĩ và giáo dân GHCG, được cài cắm, mua chuộc, hay tự ý vì tham vọng quyền lực, đã thực hiện ý đồ của nhà cầm quyền và ĐCSVN. Một tổ chức có tác động lâu dài và mạnh nhất về chiến thuật xâm nhập là Ủy ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG). Tên của tổ chức này được thay đổi nhiều lần, nhưng mục đích không thay đổi từ lúc được thành lập vào năm 1955.
UBĐKCG hoạt động thông qua việc xâm nhập vào giáo dân và nhiều cấp bậc khác nhau trong hàng ngũ tu sĩ. Bên cạnh vai trò mục vụ của một tu sĩ hay giáo dân, các thành viên của UBĐKCG được sắp xếp giữ các chức vụ trong hệ thống MTTQ và nhà nước như quốc hội. Vì lợi ích cá nhân, vì bị gài bẫy phải ngầm tuân theo chỉ thị của Đảng và MTTQ, các thành viên này đang hoạt động để tiếp tay công cụ hóa GHCG. Để tìm hiểu chính sách thâm nhập và chủ trương biến chất GHCG chân chính, bài viết này ôn lại lịch sử thành lập và phát triển của UBĐKCG, sai phạm của tổ chức này đối với GHCG và vai trò xâm nhập và tác động tiêu cực của nó đối với giáo hội. Bài viết cũng mạn phép đưa ra vài bước cụ thể để tín hữu và tu sĩ Công giáo Việt Nam trong nước và hải ngoại có thể góp phần duy trì quyền sinh hoạt độc lập của GHCG với hy vọng giáo hội còn giữ vững được sứ vụ rao giảng Tin Mừng đích thực.
Chủ nghĩa Cộng sản vô thần xem tôn giáo là lực lượng thù địch do giá trị khác biệt. Tôn giáo là một hệ thống các quan điểm, giá trị, và hoạt động liên quan đến mối quan hệ giữa con người với đấng sáng tạo và thần linh. Tôn giáo và niềm tin bao gồm tín ngưỡng, lễ nghi, cầu nguyện, giáo lý và tu đức như một cách để tìm kiếm một giải thoát vĩnh cửu cho đời sau hay tìm ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống hiện tại. Tôn giáo từ đó tạo ra một nền tảng giá trị đạo đức, tư duy để hướng dẫn các hành động của con người. Các giá trị đó từ bản chất đối nghịch với tư tưởng cộng sản duy vật, vô thần. Hai quan niệm đối lập nhau về quan hệ giữa con người, cách tiếp cận với cuộc sống và ý nghĩa của nó. Cộng sản xem các tôn giáo độc lập, không thuộc quyền kiểm soát và luôn cạnh tranh quyền lực với họ trong nhiều lĩnh vực nhất là khả năng tập hợp và ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của quần chúng (1. LM Trần Xuân Tâm, 2022).
Đảng cộng sản sử dụng các lý thuyết vô thần để bác bỏ tôn giáo và truyền bá tư tưởng cộng sản nhằm duy trì quyền lực và kiểm soát xã hội. Đảng khai thác chia rẽ cá nhân, tổ chức và dùng đấu tranh giai cấp làm phương tiện cai trị xã hội. Trong khi các tôn giáo chân chính hướng thiện, tôn trọng nhân quyền, bảo vệ nhân phẩm cho mọi người. Tôn giáo có tính phổ quát toàn cầu, dạy tín đồ kính trọng và gìn giữ lịch sử dân tộc, yêu nước, tương trợ giữa người với người. Hơn thế nữa, tôn giáo luôn đề cao phẩm giá con người, tôn trọng công lý và kêu gọi hòa bình. Nhìn chung, thế giới quan và nhân sinh quan của tôn giáo chân chính và chủ nghĩa CS hoàn toàn đối ngược, vì thế Đảng CS luôn tìm mọi cách để diệt tôn giáo thật và biến tôn giáo thành công cụ giúp họ nắm giữ độc quyền lãnh đạo. Riêng đối với giáo hội và giáo dân Công giáo, nhà cầm quyền CSVN từ lúc chiếm được miền Bắc đã đặt giáo hội và giáo dân ra ngoài lề cái gọi là xã hội theo mô hình Xã hội Chủ nghĩa của họ. Ban tuyên giáo của Đảng qua các phương tiện truyền thông và giáo dục đã không ngần ngại lên án tập thể tín hữu và giáo hội Công giáo là vong bản. Sau năm 1954, giáo dân Công giáo tại miền Bắc không được vào Đảng, có đi bộ đội thì không được làm sĩ quan, lãnh đạo, không được tham gia lực lượng công an, an ninh (2. Cao Thế Dung, 1988). Nhiều tài sản giáo hội bị tịch thu. Đảng tìm mọi cách ngăn cản không cho giáo hội và giáo dân công giáo cơ hội gây ảnh hưởng đến mọi môi trường xã hội, văn hóa, giáo dục, chính trị, vv. Sau gần 50 năm cưỡng chiếm Miền Nam nhà cầm quyền có nới lỏng đôi chút với người Công giáo, nhưng người Công giáo thuần thành vẫn bị ngăn chặn không được tham gia làm việc trong các cơ quan hay nắm giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống an ninh, quân đội, và nhà nước. Bên cạnh đó, luật giáo hội cũng không cho phép người Công giáo trở thành Đảng viên CS, dù biết đó là điều kiện để nắm giữ các vai trò quan trọng trong Đảng và nhà nước.
Ba Chiến Lược của Đảng Cộng Sản nhằm Quốc Doanh Hóa các tôn giáo:
Trong nhiều thập niên qua, Đảng Cộng sản (ĐCS) và Nhà cầm quyền Việt Nam đã xem các tôn giáo chân chính là lực cản làm chậm tiến trình xích hóa dân tộc Việt Nam của đảng. Vì vậy, họ đã ra sức tiêu diệt các tôn giáo chân chính, độc lập, và biến họ thành công cụ cai trị của đảng bằng ba chiến lược để dần kiểm soát và điều khiển đời sống tâm linh của người dân Việt Nam nhằm phục vụ cho mục tiêu duy trì độc tài lãnh đạo của ĐCSVN. Ba chiến lược đó được Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ trong nghiên cứu xuất bản vào tháng 9, 2024 (3. United States Commission on International Religious Freedom – USCIRF, 2024) vạch trần như sau (trích từ bản dịch sang tiếng Việt của Boat People – SOS đăng trên tờ Mạch Sống):
Thay thế: Nhà cầm quyền cấm cản, đặt ra ngoài vòng pháp luật các nhóm tôn giáo độc lập có từ lâu đời và tạo ra các tổ chức tôn giáo mới thay thế do nhà nước điều khiển. Các tổ chức này mượn tên, cơ cấu và chức năng gần giống như các tổ chức tôn giáo gốc, nhưng được ĐCSVN và chính quyền chỉ đạo nhằm phục vụ lợi ích của Đảng và Nhà nước, không nhất thiết là phục vụ tôn giáo và các tín đồ. Các ví dụ bao gồm: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chi phái Cao Đài 1997, và Ban trị sự Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo (GHPGHH) được chính quyền công nhận.
Thoả hiệp/khuynh loát: Nhà cầm quyền khuyến khích tôn giáo tuân thủ các chính sách của nhà nước qua việc công nhận các tổ chức tôn giáo hiện hữu, nới lỏng phần nào các hạn chế về hoạt động tôn giáo, cấp phép xây dựng cơ sở thờ tự và gia tăng các lợi ích khác. Các thành viên và lãnh đạo của tôn giáo có thể lầm tưởng hoạt động trong hệ thống chính quyền điều khiển chặt chẽ là cách duy nhất và tốt nhất để thực hành đức tin của họ. Ví dụ gồm có: Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc) và Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam).
Xâm nhập: Chiến lược này được sử dụng khi nhà cầm quyền không thể kiểm soát hoàn toàn một tổ chức tôn giáo có liên kết chính thức với tổ chức cấp cao hơn ở nước ngoài. Vì vậy nhà cầm quyền thành lập và sử dụng một tổ chức tôn giáo giả mạo mà các thành viên đồng thời là thành viên của tổ chức tôn giáo thực sự. Các thành viên này có thể được sử dụng để diễn giải giáo lý và thực hành tôn giáo một cách phù hợp với chương trình chính trị và chính sách của ĐCSVN. Thành lập và duy trì Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam để kiểm soát Giáo Hội Công Giáo là một ví dụ của chiến lược này (4. Ủy hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn giáo Quốc Tế – USCIRF, 2024).
Bài 2, tiếp theo: Chiến Lược Xâm Nhập với Tham Vọng Biến Chất Giáo Hội Công Giáo VN