Việt Nam Thời Báo

VNTB – UBĐKCG là công cụ của đảng CSVN dùng để lũng đoạn và biến chất GHCGVN (bài 4)

TS Phan Quang Trọng

 

(VNTB) – Có nhiều linh mục ra mặt công khai là thành viên của UBĐKCG, nhưng chắc chắn cũng có những linh mục, thậm chí có thể có cả một vài giám mục là thành viên “giấu mặt” của ủy ban, và họ âm thầm hoạt động theo chỉ đạo của Đảng giữa lòng Giáo Hội.

 

Bài 1VNTB – UBĐKCG: Công cụ của CSVN nhằm xâm nhập và biến chất Giáo hội Công giáo Việt Nam

Bài 2: VNTB – UBĐKCG: Chiến lược xâm nhập với tham vọng biến chất Giáo hội Công giáo VN

Bài 3: VNTB – UBĐKCG: Tổ chức phong trào Công giáo Yêu nước năm 1983 và đi đến thành lập Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam

 

Đảng CSVN cài đặt cán bộ trong hàng ngũ nhân sự và các tổ chức của Giáo hội CGVN

Chế độ độc tài Cộng sản luôn luôn tìm cách cài cắm người của họ vào trong các tổ chức có thế lực, thậm chí trong các chính quyền của các quốc gia tự do, kể cả Vatican, để làm tình báo, tuyên truyền, vận động sao cho có lợi, hoặc ít nhất giúp giảm bớt những gì có hại cho họ. Họ còn với tay ra nước ngoài để cài cắm người, huống chi các tổ chức trong nước nằm trong quyền sinh sát của họ. Họ dùng mọi thủ đoạn từ thuyết phục, ép buộc bằng pháp luật đến bạo lực, nhất là đối với những tổ chức có năng lực, và có thể nguy hại cho cho sự tồn vong của Đảng, như các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền, bất đồng chính kiến, v.v… Các tôn giáo, nhất là Kitô giáo, đặc biệt Công giáo, từ trước đến giờ luôn luôn bị xem là thế lực nguy hiểm cho độc quyền lãnh đạo, nên đảng phải cố gắng cài người vào càng nhiều và càng cao càng tốt. Không phải chủ quan khi nói không có mấy Kitô hữu hay tu sĩ thuần thành nào muốn trở thành người của CS, nếu không vì lợi hay vì nỗi sợ nào đó. Ngược lại, Đảng từng hoạt động nhiều năm trong bí mật nên có quá nhiều kinh nghiệm để cài được người vào trong GHCG.

Tùy theo thời và theo người, một trong những sách lược dễ gây cơ sở hợp tác là tạo quan hệ giúp cho cả hai cùng có lợi. Các thủ đoạn khác bao gồm “cây gậy và củ cà rốt” (đối tác phải chọn lựa giữa hình phạt và phần thưởng), hoặc cấy “sinh tử phù” dành cho đối tác dễ bị lung lạc (đặt bẫy, mỹ nhân kế, chụp hình, quay phim, tung thư vu cáo nặc danh, v.v…). Thủ đoạn đang thịnh hành là “vào tổ chức có mất mát gì đâu, vừa tốt đời mà lại giúp mở mang nước Chúa”, đối tác đang tự đánh lừa việc xây dựng cơ sở vật chất là “đẹp lòng Chúa”. Một trong những thủ đoạn “ăn khách” trong mọi thời đại là gieo rắc một nỗi sợ vô hình! Các sách lược trên đã được đem vào hoạt động và hiệu quả. Vì ngay dưới thời VNCH, một số linh mục đã hoạt động công khai cho cộng sản, như các LM Phan Khắc Từ (có vợ nhưng không chịu hoàn tục), Huỳnh Công Minh, Trần Bá Cương (aka Trương Bá Cần), Trần Viết Thọ (có vợ nhưng vẫn làm LM cai quản giáo xứ Vườn Xoài, chuyên chứa chấp các linh mục thân cộng, sau 1975 hoàn tục và hối lỗi). Một số linh mục khác thời VNCH có những hoạt động có lợi cho cộng sản, như lấy chiêu bài chống tham nhũng hay đòi hòa bình để chống chính quyền VNCH. Đảng cố gắng cài người vào trong Giáo hội, không chỉ cài những cá nhân, mà họ còn cài được cả một tập thể vào giáo hội. Tập thể đó chính là UBĐKCG (23. Phỏng vấn GS Nguyễn Chánh Kết, 2024. GS Kết là cựu chủng sinh từng học tại Giáo hoàng Học viện).

Vì hiểu đức tin kiên trung của người Công giáo Việt Nam và e ngại mối liên kết chặt chẽ của GHCGVN với giáo hội hoàn vũ, đảng đã dùng chính sách “lấy củi đậu nấu đậu”, leo cao luồn sâu vào các tổ chức công giáo tiến hành để gây suy yếu và chia rẽ nội bộ GHCG từ bên trong. Ngay sau 04/1975 tại miền Nam, họ đã cài đặt một số linh mục vào tổ chức đứng đầu của GHCG miền Nam là Tổng giáo phận Sài Gòn. Sau 1975, LM Huỳnh công Minh, nguyên phó xứ Tân Định, được đặt làm Tổng Đại Diện TGP Sài Gòn. Sau này họ còn mong đưa cả LM Minh lên hàng giám mục thay thế TGM Nguyễn Văn Bình khi có thời cơ. Chính vì vậy các cố gắng của Tòa Thánh bổ nhiệm một giám mục do Tòa thánh chọn cho TGP Sài Gòn bị họ tìm mọi cách phá vỡ, như họ đã tìm mọi cách để loại bỏ GM Huỳnh Văn Nghi hay TGM Nguyễn Văn Thuận kể cả giải pháp đưa Ngài vào tù. Khi TGM Nguyễn Văn Bình qua đời, Tòa Thánh đề cử GM Huỳnh Văn Nghi làm giám quản tông tòa với quyền kế vị TGM Nguyễn Văn Bình khi thuận tiện. GM Huỳnh Văn Nghi lúc đó đang là GM địa phận Phan Thiết. Ngài cũng không phải là một người xa lạ gì với TGP Sài Gòn vì nguyên là LM chánh xứ giáo xứ Tân Định. GM Huỳnh Văn Nghi đã từng lên tiếng than phiền Linh Mục phó xứ Tân Định của ngài là LM Huỳnh Công Minh đã dùng Hội Trường Giáo Xứ Tân Định để tổ chức họp mặt cán bộ cộng sản nằm vùng hoạt động nội thành (Sài Gòn) thời chiến tranh, trong đó có các cán bộ Huỳnh Tấn Mẫm, Lý Chánh Trung, Dương Văn Đầy, và cả Trần Bạch Đằng là Trưởng Ban Tuyên Giáo Thành Ủy lúc đó. Chính vì vậy nhóm “tứ nhân bang” trong TGP là các linh mục Minh, Cần, Từ, Bích đã chống đối kịch liệt, ngăn không cho GM Huỳnh văn Nghi về nhận nhiệm sở là TGP Sài Gòn. Họ cương quyết và có thế lực lớn đến nỗi GM Huỳnh Văn Nghi đã phải chịu thua quay lại Phan Thiết mặc dù đã có bài sai (lệnh) của Tòa Thánh. Sau vụ này, chính sách xâm nhập vào giáo hội càng ngày càng được thi hành ở mức độ công khai không còn e dè đối với hàng giáo sĩ, một số vị còn xem đó là một vinh hạnh vào UBĐKCG (22. Phỏng vấn Cố LM Nguyên Thanh, 2024. LM Nguyên Thanh qua đời vào tháng 12, 2024 tại California, Hoa Kỳ).

 

UBĐKCG trực thuộc Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ), một tổ chức ngoại vi của Đảng CSVN:

UBĐKCG khởi đầu do các linh mục trong UBLLCG ở Miền Bắc làm nòng cốt cùng với một số linh mục thiên cộng tại Miền Nam nói trên, mà người làm chủ tịch đầu tiên là ông Nguyễn Đình Đầu, rồi đến LM Phan Khắc Từ… và hiện nay là LM Trần Xuân Mạnh. Sau khi hai Miền Nam Bắc đã thống nhất thành một nước, thì hai ủy ban trên cũng thống nhất thành một ủy ban duy nhất với tên UBĐKCG. Cả hai trong thực tế là những tổ chức do Đảng CSVN thành lập với mục đích làm tay sai hay công cụ cho nhà cầm quyền với tư cách đại diện cho người Công giáo tại Việt Nam, để giúp Đảng theo dõi và khống chế nội bộ của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Do đó, có thể nói UBĐKCG là một tổ chức ngoại vi của Đảng CSVN hoạt động trong lòng GHCGVN (24. Phỏng vấn Kỹ sư Đỗ Như Điện, 2024. Ông Điện hiện là chủ tịch Phong trào Giáo dân Công giáo Việt Nam Hải Ngoại).

Mặt trận Tổ Quốc là một tổ chức của đảng Cộng sản đặc trách lãnh đạo các Ủy Ban, như Ủy Ban Sắc Tộc, Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam… theo Quyết định số 13-CT, ngày 11/01/1984 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thành lập. Uỷ ban đoàn kết Công Giáo yêu nước trực thuộc Mặt trận Tổ Quốc cũng như các tổ chức tôn giáo quốc doanh đều nằm dưới sự quản lý của Mặt Trận Tổ Quốc. Vậy rõ ràng các Ủy Ban này là tổ chức của Cộng sản để điều hành và khống chế các tôn giáo dưới chiêu bài đoàn kết. Những LM lãnh đạo tổ chức UBĐKCG, đồng thời vẫn giữ những chức vụ cao và làm việc mục vụ trong GHCGVN để kiểm soát và khuynh loát giáo hội qua những hoạt động mục vụ tôn giáo của chính họ và từ đó ảnh hưởng và kiểm soát hoạt động của địa phận qua các Tòa Giám mục (24. Phỏng vấn Kỹ sư Đỗ Như Điện, 2024). Một vài thí dụ: LM Huỳnh Công Minh, sinh năm 1941, giữ chức vụ Phó chủ tịch trung ương UBĐKCG, Đại biểu Quốc hội khoá 6 – 7 và LM Tổng đại diện TGP Sài Gòn từ 1975 – 2014 qua ba đời TGM. LM Trần Xuân Mạnh, sinh năm 1948, hiện là chủ tịch trung ương UBĐKCG nhiệm kỳ (2023-2028). Đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa 18 (26. Phỏng vấn một nhạc sĩ từ Việt Nam, 2024, vì sự an toàn xin không tiết lộ danh tánh). LM Mạnh, ngoài việc công đa đoan của một cán bộ MTTQ, còn là LM chánh xứ giáo xứ Phúc Lãng, GP Thanh Hoá. LM Mạnh vừa xây lại nhà thờ Phúc Lãng năm 2022. Một công trình xây dựng khá nguy nga mất 2 năm cho một giáo xứ mà đại đa số là giáo dân nghèo làm nghề nông và biển (39. GP Thanh Hóa, 2024). Nếu chỉ đánh giá đóng góp cho giáo hội là những ngôi nhà thờ nguy nga thì phải nói công của LM Mạnh không nhỏ, nhưng Đức Tin Tôn Giáo không ở trong những dinh thự nguy nga nếu thế Đức Giêsu đã không chọn được sinh ra trong chuồng của gia súc.

Trong hệ thống chính trị Việt Nam, ngoại trừ Đảng Cộng sản, còn lại tất cả mọi đoàn thể được hoạt động công khai đều nằm dưới sự quản lý của MTTQ. Do đó, UBĐKCG cũng vậy. MTTQ cũng chỉ là tấm bình phong, vì thực chất thì tất cả các hoạt động của UBĐKCG đều do an ninh tôn giáo kiểm soát, chỉ đạo trực tiếp. Hiến pháp Việt Nam quy định đảng Cộng sản nắm giữ quyền lãnh đạo độc tôn nhà nước và xã hội. Do đó, nói UBĐKCG là tổ chức ngoại vi của đảng Cộng sản không sai. GHCG chưa bao giờ minh thị công nhận vai trò của UBĐKCG hoặc cho phép hoạt động trong GHCG (19. Bùi Đức Sinh, 2000), nhưng vì chính sách tranh đấu nhưng không đối đầu, các giám mục VN đã chọn giải pháp giữ im lặng và tìm cách gìn giữ giáo hội mà không công khai lên án UBĐKCG như một số giám mục can đảm đã lên tiếng trước đây. Đây là một bước đi khôn khéo theo cách thế gian để sống còn và duy trì hoạt động tôn giáo trong một chế độ độc tài đã tước đoạt mọi quyền và thế của người dân. Về lâu dài GHCG Việt Nam đánh mất dần thiên tính và ảnh hưởng vì không dám lên tiếng cho công bình, bác ái, nhân quyền trong một xã hội đầy rẫy bất công hiện tại. Một cuộc chiến âm thầm, không cân sức giữa giáo hội và thế quyền CS mà về lâu dài phần thua sẽ thuộc về tổ chức không có chiến lược hợp lý và tài lực dồi dào như Đảng.

Nói về tài lực, một điểm cần được nêu lên là ngoài những ân huệ mà thành viên UBĐKCG được hưởng từ nhà cầm quyền, phần lớn kinh phí sinh hoạt của ủy ban đều do MTTQ chi trả. Đây là bằng chứng tay sai rõ nét nhất của các thành viên trong UBĐKCG. Ngoài tài liệu của các nhân chứng, MTTQ cũng báo cáo ngân sách chi thu dành cho các tổ chức dưới ô dù của MTTQ. Thí dụ, ủy ban đoàn kết cấp tỉnh được cấp từ 30 đến 150 triệu đồng mỗi năm. Nhiều thành viên ủy ban tiết lộ họ rủ nhau đi tham quan nơi này nơi kia nhờ tiền của Mặt trận. Tại TP HCM, ủy ban cấp quận huyện cũng được cấp tiền. Mỗi vị chủ tịch được lương tháng từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Các linh mục trong ủy ban được từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Ngoài ra còn được bồi dưỡng các kỳ họp. Chủ tịch UBĐKCG theo cơ cấu là Phó Chủ tịch MTTQ Trung ương có biên chế như một bộ trưởng. Xe hơi (ôtô) được cấp biển xanh, có tài xế, xăng xe do nhà nước chi. Các vị còn được khám chữa bệnh miễn phí như các cán bộ cao cấp. Nhà nước bù lỗ cho Báo “Người công Giáo VN” mỗi năm 600 triệu đồng VN… Các linh mục lãnh đạo ủy ban được ưu ái mỗi năm mấy chuyến bay đi họp hội nghị. Đi thăm nơi đâu hay về quê cần là có xe đưa đón. Đi họp Quốc hội thì có người phục vụ. Thứ bảy, chủ nhật có xe nhà nước đưa về quê làm lễ. Còn nếu chết thì tang lễ được tổ chức tại nhà tang lễ quốc gia và có đủ vòng hoa của các nguyên thủ nhà nước đến viếng (20. Hà Thành, 2008). Tham gia hay ủng hộ ủy ban thì nhà nước tạo điều kiện để xây dựng giáo xứ, trung tâm hành hương, tòa giám mục, vv. Các vị tu sĩ lãnh đạo ủy ban đã nhúng chàm sẽ chọn Chúa hay Đảng khi giá trị của thần quyền và thế quyền mâu thuẫn?

Đi sâu vào ngân sách hoạt động của ủy ban, điều lệ của UBĐKCG trước đây được duyệt đi chỉnh lại bao nhiệm kỳ rồi vẫn cho thấy tài chính của Ủy Ban chỉ có hai khoản: (a) Tài vật do các địa phương ủng hộ và (b) Các nguồn thu hợp pháp của Ủy Ban. Từ 2003, điều lệ của UBĐKCG nêu ra thêm ngân khoản thứ ba là phần ngân sách do nhà nước tài trợ. Điều Lệ UBĐKCG hiện nay (nhiệm kỳ 2023 – 2028), Chương V, Kinh phí Hoạt động, Điều 20, cũng nêu rõ:

“Nguồn kinh phí hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp gồm có:

  1. Phần ngân sách do Nhà nước hỗ trợ;
  2. Kinh phí được cấp khi tham gia thực hiện các chương trình, dự án;
  3. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh theo pháp luật;
  4. Tổ chức và cá nhân trong nước và ở nước ngoài ủng hộ;”

Việc ghi thêm phần ngân sách Nhà nước tài trợ không có nghĩa là tới giai đoạn 2002 UBĐKCG mới được tài trợ. Khi Ủy ban mới khai sinh (1955) ở miền Bắc, tổ chức đã được Đảng tài trợ rồi, chỉ khác là trách nhiệm tài trợ được chuyển từ bộ phận tài chánh Đảng sang ngân sách nhà nước, nên buộc phải công khai hóa tính chất công cụ của Ủy ban đối với cả phía chính quyền. Đưa yếu tố ngân sách vào điều lệ của tổ chức sau hơn 40 năm giấu kín có lẽ là cách nhà nước nhắc khéo thân phận nô bộc của các tu sĩ trong ủy ban, xin chớ quên phận sự của họ là công cụ cho đảng và nhà nước xã hội chủ nghĩa (20. Hà Thành, 2008). Đa số các linh mục đứng ngoài UBĐKCG thà sống khó khăn để giữ đạo hơn vì chút quyền lợi mà tha hóa, làm tay sai cho thế lực ma quỷ, có lỗi với tha nhân và Thiên chúa.

Tuy các tu sĩ của ủy ban tận trung làm công bộc ăn lương của nhà nước, Đảng vẫn chưa tin các tu sĩ này. Văn phòng UBĐKCG ở những nơi quan trọng đều có đảng viên của Ban tôn giáo được điều động đến là bí thư chi bộ cho ủy ban. Từ năm 1995, sợ mang tiếng là “cánh tay nối dài của Đảng”, nên mấy linh mục ở ủy ban cấp trung ương đề nghị đưa sang trực thuộc mặt trận. Vì vậy, mặt trận lại cử một ông phó ban tôn giáo sang làm chánh văn phòng UBĐK. Văn phòng ủy ban và tờ báo “Người công giáo VN” chỉ có khoảng chục người nhưng nơi nào cũng có một chi bộ đảng và bí thư được cơ cấu là đảng ủy viên thuộc khối mặt trận (20. Hà Thành, 2008). Từ năm 2014, huy hiệu chính thức của UBĐKCG xuất hiện đồng bộ cả nước tại mọi nơi có văn phòng ủy ban. Chính huy hiệu này tự nói lên quá rõ “bản chất nô dịch của UBĐKCG trong mọi thời” (31. Nguyễn Hữu Giải và Nguyễn Văn Lý, 2024). Huy hiệu UBĐKCG (xin xem Hình 1 dưới đây) nêu rõ chủ trương của Đảng đặt ra cho ủy ban. Cờ đảng được nâng lên chỗ cao nhất bởi bàn tay của các cán bộ công bộc ủy ban, cả hai hình tượng đó đều ở trên hình Thánh giá tượng trưng cho Kitô giáo! Huy hiệu này đã xác định vai trò của ủy ban là phục vụ quyền lợi của Đảng và xây dựng xã hội chủ nghĩa đúng như mục tiêu Đảng đã đề ra cho ủy ban từ lúc thành lập 1955.

Hình 1: Huy hiệu của UBĐKCGVN

 

UBĐKCG ra đời nhằm phục vụ cho chính sách hai mặt của nhà cầm quyền cộng sản:

Một mặt nhà cầm quyền tạo ra một vỏ bọc bên ngoài rất đẹp cho các tôn giáo, bằng việc cho những tôn giáo nào thuần phục và chấp nhận sự kiểm soát của họ, được tự do xây cất cơ sở to lớn, đồ sộ. Đồng thời các tín đồ của những tôn giáo đó được tự do tham dự những sinh hoạt tôn giáo, lễ hội, hành hương,… Để được tự do như vậy, những tôn giáo quốc doanh phải trả giá bằng thái độ không quan tâm đến mục đích chính hay bản chất của tôn giáo là giáo dục lương tâm quần chúng, đòi hỏi công bằng xã hội và chống mọi hình thức bất công xã hội (23. Phỏng vấn GS Nguyễn Chính Kết, 2024). Vì thế, vào những dịp lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, lễ Phật Đản, cũng như những ngày lễ Chúa nhật, v.v… người ngoại quốc đến Việt Nam sẽ thấy tín đồ các tôn giáo đến những nhà thờ hay chùa chiền đông hơn ở những quốc gia khác, một hình ảnh tự do tôn giáo hình thức. Mặt khác, công an đàn áp thẳng tay những tôn giáo nào không chấp nhận sự kiểm soát của MTTQ và những tín đồ do tiếng gọi của lương tâm lên tiếng phản đối hay góp ý về những sai trái, tội ác, hay bất công do đảng và nhà cầm quyền gây ra (24. Phỏng vấn Nhà báo Trần Phong Vũ, 2024). Đảng biết rõ có cho xây cơ sở tôn giáo to rộng, nghi lễ tôn giáo lớn lao, nhưng nếu lương tâm tôn giáo bị thui chột thì tôn giáo không là lực cản mà ngược lại có lợi cho “quyền lực mềm” của Đảng. Chính vì vậy, nhà cầm quyền tạo điều kiện để tôn giáo đăng cai tổ chức các hội nghị hay lễ hội tôn giáo “hoành tráng” có các tổ chức và người nước ngoài tham dự. Gần đây, nhà nước còn mời Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô sang thăm hữu nghị VN.

Chính sách hai mặt của nhà cầm quyền Việt Nam về tự do tôn giáo được thực hiện thông qua công cụ là UBĐKCG? Một mặt, Nhà cầm quyền tạo điều kiện cho các LM tham gia UBDKCG được phép tổ chức các lễ hội và xây dựng cơ sở vật chất một cách dễ dàng. Qua đó, tạo ra bộ mặt giả tạo của tự do tôn giáo và để đối phó với những lời chỉ trích quốc tế. Mặt khác, mặt trận và công an vẫn đang đàn áp quyết liệt giáo hội công giáo ở những nơi xa xôi như Tây nguyên hay vùng tam biên ba nước Việt Miên Lào như trường hợp LM Giuse Trần Ngọc Thanh và nhiều LM tại Đắk-Lắk. Chính sách hai mặt của CSVN về tôn giáo có thể nói ngay là “thuận và về phục vụ thì sống, còn muốn độc lập thì chết”. Để biến chất tôn giáo, CSVN sử dụng một chiến thuật cũ nhưng rất hữu hiệu, đó là chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt”, áp dụng chủ yếu cho những vị lãnh đạo tôn giáo. Vì các tín đồ tôn giáo nhất là tín hữu công giáo hầu như luôn luôn tin tưởng và vâng lời các vị lãnh đạo tinh thần (26. Phỏng vấn một nhạc sĩ từ Việt Nam, 2024).

 

UBĐKCG và các thành viên thâm nhập và hoạt động công khai trong lòng giáo hội:

Ngay trong tên gọi của UBĐKCG cũng đã nói rõ nhiệm vụ chính trị của tổ chức này. Từ ngữ “liên lạc” hay “đoàn kết” trong chế độ cộng sản luôn có nghĩa là liên kết lại với nhau dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản. Và chỉ đạo của Đảng cộng sản là lũng đoạn, làm suy yếu hay tiêu diệt những thế lực hay tổ chức mà họ nghĩ có hại cho đảng, chẳng hạn các tổ chức bất đồng chính kiến, các tôn giáo, trong đó Công giáo là lực lượng mà họ ưu tiên nhắm tới. Mục đích của UBĐKCG do Đảng cộng sản thành lập là thi hành những điều có lợi cho đảng và thông thường những điều đó đem lại bất lợi cho đạo, cụ thể trong hoàn cảnh hiện tại là lũng đoạn, gây chia rẽ và biến chất Giáo Hội Công giáo. UBĐKCG thuộc quyền chỉ đạo của Đảng, vì mọi sinh hoạt của UBĐKCG như hội nghị thường niên hay những hội nghị khác đều có sự tham dự của đại diện nhà nước như Ban Tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc, v.v… để nhận sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cho những hoạt động của ủy ban (26. Phỏng vấn một nhạc sĩ từ Việt Nam, 2024). Trong trường hợp quyền lợi của Đảng đi ngược lại với giáo lý và thiên chức của GHCG thì các linh mục, tu sĩ trong UBĐKCG được hưởng bổng lộc của Đảng sẽ chọn lựa phục vụ cho ai? Cho Đảng hay cho Đức Kitô, người đã dạy các môn đệ hay những ai theo Ngài không được làm tôi tớ cho hai chủ! “Của Caesar hãy trả lại cho Ceasar!

Đối với các linh mục đang tham gia vào các tổ chức chính trị với vai trò cho dù chỉ là “hữu danh vô thực” là đã vi phạm luật của giáo hội công giáo tông truyền. Trích từ thư của LM Nguyễn Hữu Giải và LM Nguyễn Văn Lý (31. 2024). Trong thư này hai vị linh mục cũng nhắc lại thư của TGM Nguyễn Kim Điền gửi cho nhà cầm quyền như sau:

Giáo Luật GHCG toàn cầu 1983 đang hiệu lực, cấm Giáo Sĩ tham gia các hoạt động chính trị công quyền tại Điều 278, 3: “Cấm các Giáo Sĩ lập hay tham gia các hiệp hội có mục đích và hoạt động không hợp với nghĩa vụ của Giáo Sĩ”; Điều 285, 3: “Cấm các Giáo Sĩ đảm nhận các chức vụ công quyền, tham gia thi hành quyền bính dân sự”; & Điều 287, 2: “Cấm các Giáo Sĩ tham gia các đảng phái chính trị, hoặc lãnh đạo nghiệp đoàn, trừ khi theo phán đoán của Giáo Phẩm thẩm quyền trong Giáo Hội, việc bảo vệ các quyền lợi của Giáo Hội, và việc cổ vũ công ích đòi hỏi như vậy”. (Bản dịch của HĐGMVN T.6.2006).

Thánh Bộ Giáo Sĩ ra Tuyên Cáo ngày 8.3.1982 do Đức Hồng Y Silvio Oddi ký: “Cấm tất cả Giáo Sĩ tham gia các hiệp hội hoặc phong trào chính trị, hoặc lập các hội kiểu nghiệp đoàn”.

Việc UBĐKCG thâm nhập vào những sinh hoạt của Giáo Hội qua những thành viên của Ủy ban là cách điều khiển từ xa, vì ngoài giáo vụ là một linh mục, có khi các thành viên là người giữ những vai trò quan trọng trong nội bộ Giáo Hội. Điều này hiện nay không còn là điều phải giấu diếm, mà càng ngày càng trở nên công khai. Có nhiều linh mục ra mặt công khai là thành viên của UBĐKCG, nhưng chắc chắn cũng có những linh mục, thậm chí có thể có cả một vài giám mục là thành viên “giấu mặt” của ủy ban, và họ âm thầm hoạt động theo chỉ đạo của Đảng giữa lòng Giáo Hội. UBĐKCG là một công cụ mà cộng sản dùng để quốc doanh hóa Giáo Hội Công giáo với mục đích tạo ra cái vỏ tốt đẹp bên ngoài nói trên. Nhưng rất may cho tới nay, họ chỉ thành công được một phần nào vì trong Giáo Hội đại đa số các linh mục và giám mục trong thâm tâm vẫn quyết trung thành với Giáo Hội, mặc dù bên ngoài có thể vẫn có thái độ mềm dẻo hay có vẻ như thỏa hiệp với họ trong một mức độ nào đó. Ngoài ra, trong Giáo Hội vẫn có những linh mục hay giám mục dám can đảm tố cáo sự sai trái, bất lợi cho Giáo Hội của tổ chức UBĐKCG và những người tham gia vào Ủy ban này (23. Phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Chính Kết, 2024). Nhiều vị LM dám lên tiếng bênh vực quyền lợi của người dân thấp cổ bé miệng, hay quan tâm cho tiền đồ giáo hội đang bị “quản thúc” tại chính các tòa giám mục như LM Nguyễn Văn Lý, LM Đặng Hữu Nam.

 

UBĐKCG dùng phương tiện truyền thông cổ võ giáo dân phục vụ cho quyền lợi của Đảng:

UBDKCG qua các tờ báo như “Người Công Giáo VN” hay “Công Giáo và Dân Tộc” đã giả danh như họ là một tổ chức truyền thông chính thức của giáo hội Công giáo. Trong thực tế họ là cơ quan truyền thông của MTTQ với mục đích đội lốt tôn giáo để đánh phá tôn giáo một cách khoa học. Mọi chi phí để điều hành và in ấn hai tờ báo này đều do nhà cầm quyền chi trả. Trong khi các tờ báo hay hoạt động truyền thông của giáo hội CGVN đều bị kiểm soát chặt chẽ nếu có được in ấn hay lưu hành cũng chỉ được cho phép làm trong một quy mô rất nhỏ không thể đáp ứng được cho con số tín hữu 7 triệu. UBDKCG dùng tờ báo Công Giáo & Dân Tộc (CG & DT) để lừa mị giáo dân , giáo quyền, cắt nghĩa sai lạc đức tin công giáo, đôi khi bài bác cả Giáo Tông và Tòa Thánh Vatican. Do nhu cầu truyền thông, một số linh mục, giám mục đã phải dùng các tờ báo này để đem các món ăn tinh thần đến tín hữu. Vì vậy, trong một tờ báo như CG & DT nhiều thông tin thật, giả, vàng, thau lẫn lộn. Rất may trong hai thập niên qua các phương tiện truyền thông qua không gian mạng, mặc dù vẫn bị kiểm soát, đã giúp tín hữu tiếp cận được sự thật.

Với danh xưng “Người Công Giáo VN” hay “Công giáo và Dân tộc”, các tờ báo này đã khiến nhiều người nghĩ nó được điều hành bởi Giáo Hội Công Giáo. Cộng thêm được một số giáo sĩ nổi tiếng cũng tham gia viết bài, tiếp tay cho tờ báo này như GM Bùi Tuần, LM Thiện Cẩm, Nguyễn Hồng Giáo, vv. càng làm cho nhiều người tưởng lầm đó là tờ báo của Giáo Hội Công Giáo (22. Phỏng vấn Cố Linh Mục Nguyên Thanh). TGM Ngô Quang Kiệt đã từng nhận định “Viết cho báo ấy xấu cả người, loại Công Giáo nhãn mác “giả mạo”“. Trong hoàn cảnh giáo hội không thể lên tiếng nhiều thức giả đã phải dùng trang Bách khoa Từ điển Wikipedia để xác định tờ “Công giáo và Dân tộc” chưa hề được giáo hội Công Giáo VN công nhận: “Công Giáo và Dân tộc là một tờ tuần báo Công Giáo xuất bản tại Việt Nam, ra đời vào ngày 10 tháng 7 năm 1975. Tờ báo này mặc dù mang nội dung Công Giáo nhưng chưa hề được Giáo Hội Công Giáo công nhận là cơ quan truyền thông của họ. Hiện nay, báo này không thuộc bất kỳ tổ chức nào của Giáo Hội Công Giáo mà nó thuộc sự quản lý của Ủy ban Đoàn kết Công Giáo”. Hai tờ báo này đã ngưng phát hành báo giấy do nhà nước cắt giảm ngân khoản viện trợ, hiện chỉ còn trang báo điện tử với con số người xem còn đáng kể.

 

UBDKCG là công cụ để biến chất, tha hóa, và cuối cùng quốc doanh hóa giáo hội CG chân truyền:

UBĐKCG là một tổ chức của Cộng sản qua đó chúng theo dõi và báo cáo cho lãnh đạo đảng tình hình Giáo Hội Công Giáo. Như chính miệng linh mục Huỳnh Công Minh, Tổng Đại Diện TGP HCM, từng nói trong một “buổi tĩnh tâm” cho các linh mục trong giáo phận, “Nếu tôi thấy có gì phản động trong hàng linh mục thì tôi sẽ báo cáo cho nhà cầm quyền”. Một lời đe dọa với giọng điệu của công an loại thuộc cấp, chứ không phải từ miệng một linh mục tổng đại diện! Trong những năm tháng sau 1975, công tác chỉ điểm như LM Minh tuyên bố càng được công khai hơn, phát xuất từ TGP HCM nhóm Tứ Nhân Bang được thành lập, làm chỉ điểm của cộng sản: “Nhất Trí, nhì Cao, tam Bao, tứ Lãm”. Trí là Linh Mục giáo xứ Phú Thọ Hầm. Trần thanh Cao là Linh Mục nhà thờ Đồng Tiến người đã báo cáo để Linh Mục cựu Tuyên Úy Nguyễn thế Hoạt phải vào tù Chí Hòa 3 năm. Ba là Linh Mục Bao, giáo xứ Bắc Hà, quận 10, và bốn là Linh Mục Lãm, chánh xứ Hòa Hưng (22. Phỏng vấn cố LM Nguyên Thanh, 2024). Giai đoạn đấu tố gần như công khai đã bước sang giai đoạn thoái trào để thay thế bằng hiện tượng “hợp thức hóa” cho UBĐKCG. Hiện nay Giáo phận Xuân Lộc có con số các LM tham gia vào ủy ban cao nhất trong cả nước và hầu như các LM hạt trưởng đều có chân trong ủy ban. Hiện tượng này cho thấy có sự đồng thuận của vị GM đại diện cho giáo quyền tại giáo phận này. “LM nào không gia nhập thì bị bó tay bịt miệng không được đi đâu, làm gì cũng bị khó khăn, sách nhiễu. Nếu còn lên tiếng cho Công Lý, Sự thật, nặng thì “Treo Chén”, nhẹ thì cho “ngồi chơi xơi nước”. Một vị LM khác cho biết thêm trong tình hình mới một tổ chức khác đang tha hóa giáo hội không kém UBĐKCG là Doanh Nhân CG: “Giáo phận Xuân Lộc dẹp bỏ Ban Công Lý Hòa Bình, thay thế bằng hội Doanh Nhân CG giống giáo phận Vinh” [thì cũng là một loại UBĐKCG]” (30. Phan Nhân, 2023). Như vậy, chính sách tha hóa, biến chất, và tiêu diệt giáo hội của Đảng vẫn không thay đổi, chỉ cách thi hành linh động cho từng thời kỳ.

Thực chất vai trò của ủy ban là tai mắt của nhà cầm quyền CS trong lòng Giáo Hội nhằm kềm chế những khuynh hướng Công Giáo truyền thống, và giúp cho nhà cầm quyền yên tâm về việc kiểm soát giáo hội Công Giáo. Mặt khác nhà cầm quyền yên tâm không sợ những tổ chức chống đối trong giới Công Giáo và để nhà cầm quyền mở rộng bang giao với các nước Tây Âu tôn trọng nhân quyền mà không bị coi là quốc gia cần lưu tâm về tự do tôn giáo (26. Phỏng vấn một nhạc sĩ từ Việt Nam, 2024). UBDKCG thành tấm bình phong che đậy những vi phạm nhân quyền, giải độc với những chỉ trích lên án của quốc tế như việc CSVN đàn áp khốc liệt các tôn giáo và khai gian về tù nhân lương tâm tôn giáo. Mỗi khi cần điều trần hay có báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) thanh tra về nhân quyền, về tự do tôn giáo, các linh mục trong ủy ban sẽ đóng vai trò tu sĩ công giáo đứng ra bênh vực các chính sách của đảng. LM Phan Khắc Từ đã có lần viết thư lên LHQ để bênh vực nhà cầm quyền khi họ bị lên án. Gần đây LM Nguyễn Thanh Lý, một vị bề trên dòng Vinh-Sơn Việt Nam, tháp tùng phái đoàn Ban Tôn giáo, với thứ trưởng Bộ nội vụ Vũ Chiến Thắng, đến Hoa Kỳ để vận động mong đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “Cần Theo Dõi Đặc Biệt” của chính phủ Hoa Kỳ (32. Vinh Sơn Liêm Lý, 2023 và 36. Phan Quang Trọng, 2023).

Nhà cầm quyền CSVN chưa bao giờ từ bỏ mục đích tiêu diệt các tổ chức tôn giáo, vì các tổ chức tôn giáo có khả năng hiệu triệu công chúng. Khả năng này tiềm ẩn sự thách thức quyền lực độc tôn của đảng CSVN. Do đó, tất cả các chính sách của nhà cầm quyền CSVN như thành lập UBĐKCG đều chỉ có một mục đích là cạnh tranh, kiểm soát GHCG và tiến tới phủ nhận hoặc xóa bỏ vai trò của GHCG. Tuy nhiên, điều này cho đến nay họ chưa thành công (27. Phỏng vấn Luật sư Đặng Đình Mạnh, 2024). Chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” nêu ra ở trên được áp dụng như sau: Những vị lãnh đạo tôn giáo nào chấp nhận vâng lời Nhà nước hơn vâng lời lương tâm hay vâng lời Thiên Chúa, nghĩa là dù Nhà nước hay chế độ có tàn ác tới đâu, có gây bất công tới đâu, thì cứ hoàn toàn im lặng, không phản ứng hay phản đối gì cả, cho dù sự im lặng ấy có trái với tiếng lương tâm hay trái với ý muốn của Thiên Chúa, thì cũng phải coi trọng ý muốn của chế độ hơn. Nếu ai ưu tiên coi ý muốn của chế độ hơn, thì sẽ được chế độ ưu đãi. Họ sẽ được Nhà nước tạo đủ mọi điều kiện để họ thăng tiến bản thân trong giáo hội hay tôn giáo của họ, vì hiện nay, mọi việc phong chức hay tấn phong ai vào một vị trí nào đó trong tôn giáo, đều phải được chế độ chấp nhận. Tôn giáo chỉ có quyền đề nghị, còn họ thì có quyền veto, nghĩa là chấp nhận hay không chấp nhận, khiến việc phong chức hay tấn phong ai, tùy thuộc vào Nhà nước hơn là vào các tôn giáo (23. Phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Chính Kết, 2024).

Ngoài ra, mọi sinh hoạt tôn giáo hay hoạt động mục vụ của những vị lãnh đạo nào tuân phục chế độ đều được Nhà nước dễ dàng cho phép, muốn xuất ngoại, muốn xây nhà thờ hay xây chùa lớn cỡ nào cũng có thể được Nhà nước ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi. Còn trái lại, những vị lãnh đạo tôn giáo nào không chịu vâng phục Nhà nước hay chế độ, mà cứ sống theo đúng theo lương tâm, đúng theo bản chất của tôn giáo là chống ác, chống bất công, không chấp nhận im lặng thụ động trước những tội ác tày trời của chế độ, mà cứ lên tiếng nói sự thật về chế độ, như TGM Nguyễn Kim Điền, LM Đặng Hữu Nam, LM Nguyễn Duy Tân, v.v… Họ sẽ bị đàn áp, trừng trị. Nhiều khi họ dùng chính những bề trên của những người can đảm ấy trừng trị thay cho họ, chẳng hạn như trường hợp LM Đặng Hữu Nam hiện nay (25. Phỏng vấn Kỹ sư Đỗ Như Điện, 2024).

Theo GS. Nguyễn Chính Kết (2024), nhờ tai mắt của Đảng trong UBĐKCG, Đảng biết được tình hình nội bộ trong Giáo Hội để phân loại và ứng xử với từng đối tượng theo cách đánh giá lợi hay hại, ủng hộ hay chống đối, v.v… Tùy theo thang đánh giá này dành cho mỗi vị lãnh đạo tôn giáo mà Nhà nước ưu đãi hay bạc đãi ở những mức độ khác nhau. Những vị hay những tập thể được ưu đãi thì được Nhà nước tạo nhiều điều kiện để làm mục vụ, để đi lại, để ra hải ngoại, để được tiến thân lên những chức vụ cao trong giáo hội, được phong chức, v.v… Những vị bị bạc đãi thì thường gặp nhiều khó khăn trong việc thi hành mục vụ, bị theo dõi, sách nhiễu, bị cộng sản áp lực bề trên của mình nhằm chế tài như trường hợp LM Đặng Hữu Nam, v.v…Như vậy, những thành viên trong UBĐKCG là những người có thể xem là cán bộ hay thành phần đã thần phục hay chịu sự chỉ đạo của chế độ thì đương nhiên được ưu đãi khác với những người không tham gia, và càng khác với những người tỏ ra không chấp nhận hay chống đối UBĐKCG (26. Phỏng vấn một nhạc sĩ từ Việt Nam, 2024).

Cách đây gần 10 năm, đại diện nhóm các “Linh Mục Nguyễn Kim Điền” (những vị mục tử can đảm chọn cách sống đạo theo tinh thần GM Nguyễn Kim Điền) đã đưa ra một thông báo chung về UBĐKCG và có lẽ trong khuôn khổ một tuyên bố ngắn các vị đã tóm tắt đầy đủ và dứt khoát vai trò tay sai của UBĐKCG “chỉ là công cụ đê hèn của đảng Cộng sản và nỗi ô nhục khôn cùng của Giáo hội Công giáo Việt Nam”. Còn lời kêu gọi thống thiết và can trường nào hơn tiếng nói của các vị mục tử này, xin được ghi lại phần minh định sau đây. Toàn văn thư của nhóm có trong phần tài liệu  (37. Nhóm LM Nguyễn Kim Điền, 2014):

“- UBĐKCGVN đi ngược lại tinh thần Công giáo, ý thức công dân tự do, giáo huấn xã hội của Giáo hội, chưa bao giờ thực hiện châm ngôn “sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” theo tinh thần Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Những lý do viện dẫn để thành lập và gia nhập tổ chức này như làm cầu nối giữa thế quyền với giáo quyền, nỗ lực đối thoại với nhà nước, tìm cách ảnh hưởng tốt lên chế độ hay tìm kiếm sự dễ dãi cho Giáo hội… rốt cuộc đã chỉ tỏ ra hoàn toàn vô ích và ảo tưởng. Với Cộng sản, không bao giờ có đối thoại thẳng thắn và cộng tác lành mạnh!!

– Các tờ báo do UBĐKCGVN phát hành dưới sự chỉ đạo của đảng CS như Công giáo và Dân tộc, Người Công giáo Việt Nam chỉ là thuốc độc bọc đường, từng bị nhiều Giám mục tẩy chay phản đối, vì dùng Tin Mừng và Giáo lý Hội thánh để biện minh cho chế độ vô thần Cộng sản, vì đăng các tin tức về những thứ tự do thứ yếu, ngoại diện (như xây dựng nhà thờ, tổ chức lễ hội…) để khỏa lấp chính sách cấm cản và tiêu diệt các tự do chính yếu, đích thực của Giáo hội và của mọi tôn giáo, vì dửng dưng câm nín trước nạn dân oan bị nhà cầm quyền cướp đất, công dân yêu nước bị nhà cầm quyền trù dập và trước nhiều vấn đề quan trọng khác của quốc gia xã hội…

– Chẳng những các linh mục tu sĩ mà ngay cả các giáo dân cũng không được tham gia UB chia rẽ và tàn phá Giáo hội lẫn xã hội này. Lương tâm Công giáo không cho phép họ làm như vậy. UBĐKCG đáng bị xóa sổ giữa lòng Giáo hội và cả giữa lòng xã hội. Tình trạng nô bộc thế quyền của nó đã quá lâu, không thể kéo dài thêm được nữa. Nó chỉ là công cụ đê hèn của đảng Cộng sản và nỗi ô nhục khôn cùng của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Làm tại Việt Nam ngày 11-05-2014, Chúa nhật Chúa Chiên Lành.

Ký tên: Đại diện Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền: Lm Phêrô Nguyễn Hữu Giải, Tổng giáo phận Huế, Lm Tađêô Nguyễn Văn Lý, Tổng giáo phận Huế, Lm Phêrô Phan Văn Lợi, Giáo phận Bắc Ninh”

 

Kết Luận

Trong hơn 70 năm qua, đảng CSVN chưa bao giờ chia sẻ quyền lực lãnh đạo của họ cho bất kỳ tổ chức nào ngoài đảng. Quyền độc tôn lãnh đạo đó với họ không chỉ nằm trong phạm trù chính trị hay tổ chức nhà nước, nhưng trong tất cả mọi mặt của xã hội từ văn hóa, kinh tế, giáo dục, y tế, vv. Quyền được điều khiển, lãnh đạo tôn giáo cũng nằm trong mục tiêu đó của đảng. Vì mất quyền chỉ huy, kiểm soát trong bất kỳ lĩnh vực nào theo nhận thức của họ cũng ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng. Chiến lược dành quyền điều khiển các tôn giáo hữu hiệu nhất là tạo ra các tôn giáo quốc doanh, với vỏ bọc mang hình thức một tôn giáo chân truyền, nhưng ruột là một tôn giáo hoàn toàn khác chỉ biết phục vụ cho độc tài lãnh đạo của đảng và được điều hành bởi cán bộ đội lốt tu sĩ. Qua đó, nhu cầu tâm linh hời hợt của đa số người dân vẫn được thỏa mãn, nhưng Đức Tin tôn giáo dần trở thành mê tín và bản thân tôn giáo không còn là nguồn trông cậy tinh thần và lãnh đạo tâm linh. Trái lại tôn giáo, như các phạm trù đã bị cộng hóa hay quốc doanh hóa trở thành trợ cụ cho đảng và nhà cầm quyền để cai trị người dân, phục vụ quyền lợi cho thiểu số lãnh đạo của đảng và nhà cầm quyền. Sau đó, tôn giáo do nhà cầm quyền lập ra và bảo trợ quay lại đàn áp ngay chính tôn giáo chân truyền của tôn giáo đó, như trường hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà cầm quyền lập ra năm 1983 đang ra sức tiêu diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có rất lâu trước đó (35. Nguyễn Hải Di, 2024). Từ đó tôn giáo dần mất đi khả năng hướng dẫn dư luận, tiếng nói của lương tri, trái lại tôn giáo trở thành con rối của nhà cầm quyền, là trợ cụ tinh thần cho chính sách độc tài, đảng trị. Tôn giáo quốc doanh hiện nay tại Việt Nam mới đúng nghĩa là  “thuốc phiện của thường dân” như châm ngôn của Lênin viết 120 năm trước. Vì hiện nay các tôn giáo quốc doanh tại Việt Nam không còn là tiếng nói công chính, bênh vực cho khát vọng tự do, lý tưởng công bình, bác ái và tôn trọng nhân quyền nữa! Tôn giáo quốc doanh thành thứ thuốc phiện tinh thần ru ngủ tín đồ bằng lễ hội, cúng tế, và những hủ tục nặng phần mê tín trong những đền chùa nguy nga.

Chính sách đối xử của nhà cầm quyền với tôn giáo ngày nay tại Việt Nam tàn độc hơn so với những tác hại thời phong kiến trước đây. Vì mục tiêu không chỉ nhằm vào sự tiêu diệt một tổ chức mà đến cả truyền thống lâu đời, cả một ý thức hệ duy tâm lành mạnh. Hậu quả là hố ngăn cách, nghi ngờ giữa tôn giáo và chính trị trở nên trầm trọng, phản tác dụng. Mối nguy hại lâu dài của việc đánh mất tôn giáo và niềm tin là sự đánh mất một hệ thống đạo lý được quy tụ và hun đúc bởi dân tộc Việt Nam qua những hấp thụ và sàng lọc lâu dài. Việt Nam là nơi “đa giáo đồng nguyên” tập trung nhiều tôn giáo cao thượng nhất của nhân loại. Con người Việt Nam thời xưa được nuôi dưỡng bằng tinh thần Nhân Trí Dũng của Đạo Khổng, quan niệm thanh tịnh, an nhiên, dĩ đức báo oán của Đạo Lão, đức từ bi hỷ xả, từ bỏ tham sân si của Đạo Phật, và chủ trương công bình bác ái của Kitô giáo. Xuất phát từ một nền đạo đức cao đẹp như vậy, ngay cả nhiều nhà lãnh đạo cầm quyền Việt Nam ngày nay than phiền xã hội Việt Nam tha hóa. Nhìn ra bên ngoài, các quốc gia phát triển đã nhận ra những giá trị tinh thần của tôn giáo trong công cuộc xây dựng, ngay cả nước Nga là cái nôi của chủ nghĩa cộng sản còn sửa sai chính sách về tôn giáo cho kịp đà tiến với cộng đồng nhân loại. Ông Gorbachev đã nói với Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II: “chúng tôi cần những giá trị thiêng liêng, cần một cuộc cách mạng tinh thần. Đây là con đường độc nhất đưa đến một nền văn hóa mới và một nền chính trị mới … những giá trị luân lý mà tôn giáo đã làm nảy sinh và đúc kết trong hàng thế kỷ, có thể giúp cho công việc đổi mới đất nước của chúng tôi“.  Thật vậy, ngoài vai trò căn bản là phát triển những giá trị luân lý và đạo đức, tự do tôn giáo và niềm tin  tại Việt Nam là con đường hiệu quả nhất để giúp hòa giải trong dân tộc Việt Nam. Suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam đã thử nghiệm nhiều thể chế chính trị nhưng không thể chế nào tồn tại mãi với dân tộc. Nhưng mỗi khi một tôn giáo chân chính đến với dân tộc đều ở lại vĩnh viễn. Truyền thống bao dung của tôn giáo cộng thêm được chấp nhận ưu ái và trân trọng trong lòng dân tộc, tôn giáo chân chính sẽ là nhịp cầu vững chắc nối kết những bất đồng chính kiến, là khả năng hóa giải những hận thù quá khứ để dân tộc theo kịp đà phát triển như các nước văn minh.

Để đứng vững, giáo hội ý thức “tự do tôn giáo là quyền chứ không phải đặc ân xin cho”. Hội đồng Giám mục Việt Nam đã từng xác định tinh thần này trong 6 điểm góp ý gửi cho nhà nước Việt Nam ngày 14 tháng 4, 1991. Sáu điểm góp ý về tôn giáo có thể tóm tắt như sau: (1) Thực thi đứng đắn quyền tự do tín ngưỡng có ghi trong hiến pháp của nước Việt Nam. Những nghị quyết về tôn giáo nên giải nghĩa rõ ràng để tránh tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, hay địa phương tự ý khai triển để trù dập tôn giáo. (2) Cán bộ nhà nước hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo cần hiểu biết chính xác, khách quan, sinh hoạt và tâm lý của người có tôn giáo để tạo điều kiện cho việc tiếp xúc thông cảm và đoàn kết. (3) Quyền tự do tín ngưỡng, được tôn trọng như một quyền lợi chứ không phải như một đặc ân. (4) Luật pháp, nghị quyết, nghị định về tôn giáo phải đem ra lấy ý kiến toàn dân nhất là tín đồ tôn giáo trước khi thi hành để tránh làm phương hại đến tình cảm của các cộng đồng tôn giáo. (5) Cho phép những nhà lãnh đạo tinh thần phục vụ tín hữu ở những địa phương cần sự có mặt của họ. (6) Tạo điều kiện cho tôn giáo thực hành lý tưởng bác ái, phục vụ người nghèo, nhất là ở những nơi xa xôi hẻo lánh.

Bên cạnh việc minh định quyền được giữ đạo theo truyền thống Kitô giáo và nhận thức rõ chính sách của nhà cầm quyền qua tổ chức tay sai UBĐKCG, Giáo hội Công giáo tiếp tục liên kết với giáo hội hoàn vũ và các quốc gia dân chủ, tôn trọng nhân quyền như Hoa Kỳ và các nước Tây Âu. Tại buổi điểm Tâm Cầu Nguyện Quốc Gia ngày 6 tháng 2, 2025 Tổng Thống Trump tuyên bố thành lập Văn Phòng Đức Tin tại Toà Bạch Ốc. Mặc dù văn phòng này tập trung vào tự do tôn giáo trong nội địa Hoa Kỳ, ngày càng nhiều các hội thánh, nhóm và tổ chức tôn giáo tham gia sự kiện cũng tham gia phong trào bảo vệ tự do tôn giáo toàn cầu. Phát biểu tại hội nghị tôn giáo quốc tế năm nay, PTT Hoa Kỳ, JD Vance thay mặt cho hành pháp HK nêu rõ: “Tự do tôn giáo là quyền thực hành đức tin của mỗi người và hành động theo lương tâm của mình. Đây là nền tảng của xã hội dân sự không chỉ tại Hoa Kỳ mà còn trên toàn thế giới. Chúng ta đều biết rằng, ở Mỹ, đức tin nuôi dưỡng các cộng đồng của chúng ta. Cả trong nước và quốc tế, nó khơi dậy lòng yêu thương giữa con người với nhau. Đức tin truyền cảm hứng cho sự hào phóng và tinh thần phục vụ, kêu gọi chúng ta đối xử với nhau bằng phẩm giá, nâng đỡ những người đang gặp khó khăn, và xây dựng những quốc gia dựa trên các nguyên tắc đạo đức”. Có thể nói Hoa Kỳ và các nước Tây Âu, có nền văn minh xuất phát từ Kitô giáo, sẽ tiếp tục thúc đẩy quyền tự do tôn giáo cho mọi tôn giáo chân chính là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của họ. Nắm vững nguyên tắc này để giáo hội Việt Nam can đảm chọn cách ứng xử, vì nói cho cùng cũng nhờ Đức Tin và sự liên đới này mà cho đến nay giáo hội công giáo chưa bị quốc doanh hóa tại Việt Nam.

Trong bài giảng khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô ngày Chúa nhật 22-10-1978, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi toàn thể Hội Thánh và mọi người trên thế giới “Đừng sợ”: “Anh chị em đừng sợ! Hãy mở ra, mở toang mọi cánh cửa đón lấy Chúa Kitô! Hãy mở mọi biên giới các quốc gia, các hệ thống chính trị, những lĩnh vực bao la của nền văn hóa, văn minh, phát triển cho quyền năng cứu độ của Chúa bước vào”. Thái độ “không hãi sợ” được Đức Gioan Phaolô II nói đến là thái độ vượt thắng sự thủ thế, chỉ biết đến tôn giáo mình, không dám mở ra đón lấy sự cao cả, siêu việt, nhưng cũng có nghĩa là tinh thần bất khuất, không nao núng trước bạo lực, bạo quyền. Có như vậy, giáo hội công giáo mới xứng đáng là giáo hội của người nghèo, của người bị đẩy ra bên lề xã hội, và của các tổ chức đang bị cường quyền độc tài  đàn áp, tiêu diệt. 

                                                                  

_____________________

Tham Khảo:

  1. LM Trần Xuân Tâm (7/2022). “Phân Tích Sự Đàn Áp của Đảng Cộng Sản Việt Nam với Tự Do Tôn Giáo của Giáo hội Công giáo”, Việt Nam Thời Báo, 7 tháng 7, 2022. Bài trên trang trực tuyến: https://vietnamthoibao.org/vntb-phan-tich-su-dan-ap-cua-dang-cong-san-viet-nam-voi-tu-do-ton-giao-cua-giao-hoi-cong-giao-phan-i/
  2. Cao Thế Dung (1988). Công Giáo Việt Nam trong Dòng Sinh Mệnh Dân Tộc (trang 219). Cơ Sở Dân Chúa Xuất Bản năm 1988. Tìm đọc sách trên Open Library tại: https://openlibrary.org/books/OL1623894M/Co%CC%82ng_gia%CC%81o_Vie%CC%A3%CC%82t_Nam_trong_do%CC%80ng_sinh_me%CC%A3%CC%82nh_da%CC%82n_to%CC%A3%CC%82c
  3. United States Commission on International Religious Freedom – USCIRF (9/2024). “State-Controlled Religion and Religious Freedom in Vietnam”. Executive Summary, page 2. Bài đăng trên trang trực tuyến: https://www.uscirf.gov/sites/default/files/2024-09/2024%20USCIRF%20State%20Controlled%20Religion%20in%20Vietnam.pdf
  4. Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (10/2024). “Các trợ cụ đàn áp tôn giáo ở Việt Nam – Bối cảnh và Phương pháp”. Bản dịch từ tài liệu do USCIRF công bố (3. Trang đã dẫn) do BP-SPS dịch thuật và phát hành trên Mạch Sống Media. Bản dịch được chia ra làm nhiều phần. Phần 2 trên trang trực tuyến sau: “Các Trợ cụ Đàn áp Tôn giáo tại Việt Nam: Bối cảnh và Phương pháp”:

https://machsongmedia.org/2243-cac-tro-cu-dan-ap-ton-giao-o-viet-nam-boi-canh-va-phuong-phap-phan-2.html#_ftnref6

  1. Carlyle A. Thayer (4/2017). “Background Briefing: Vietnam – How Large is the Security Establishment”. Thayer Consultancy. ABN# 65-648-097-123. Bài trên trang trực tuyến: https://viet-studies.net › Thayer_VNSecuritySize
  2. Hứa Hoành (không rõ năm viết). “Việt Minh Giết Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ và Lãnh Tụ Giáo Phái Nam Kỳ” trong loạt bài về “Đức Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ (Bài 2). Việt Nam Sử Học, Trang Văn Học & Lịch Sử Việt Nam. Bài trên trang trực tuyến: http://www.vietnamsuhoc.com/PrintPreview.aspx?id=21
  3. Báo Nhân Dân (9/1972). “Tiểu sử linh mục Phêrô Vũ Xuân Kỷ”. Thư viện Báo chí của Thư viện Quốc gia Việt Nam. Bài trên trang trực tuyến: http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=Qik19720905.2.26&srpos=&dliv=none&e=%E2%80%94%E2%80%94-vi-20%E2%80%931%E2%80%93img-txIN-

8 . Lm Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong (7/ 2016). “Giáo hội Miền Bắc dưới thời cộng sản từ 1954 đến nay (Kỳ II)”. Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Bài trên trang trực tuyến: https://dcctvn.org/giao-hoi-mien-bac-duoi-thoi-cong-san-tu-1954-den-nay-ky-ii/

  1. GM Phaolô Lê Đức Trọng (9/2009). “Hồi ký Cố Giám Mục Lê Đắc Trọng – Hiện tình tôn giáo sau năm 1975”. Báo trực tuyến Saigon Echo. Bài trên trang trực tuyến:  https://saigonecho.org/main/tintuc/binhluan/13163-hi-ky-c-gm-le-c-trng-hin-tinh-ton-giao-sau-nm-1975.html
  2. LM Nguyễn Thế Thoại (2001). Công Giáo Trên Quê Hương (Quyển 2, Chương 28-29). Tác giả ghi chú: Lưu Hành Nội Bộ. Tìm đọc trên Thư Viện HĐGMVN: https://thuvienhoidonggiammucvietnam.org/Thongtinsach/Index?masach=143501.
  3. Trần Thị Liên (3/2005). “Vấn đề Công Giáo Miền Bắc Việt Nam qua tư liệu lưu trữ Ba Lan (1954-1956)” đăng trong Thời Đại mới, Số 4, Groupe d’Etude sur le Vietnam Contemporain – IEP Paris. Bài trên trang trực tuyến từ Viet Catholic News: https://vietcatholic.net/News/Home/Article/25515
  4. Thư Chung các Giám Mục (GM) Đông Dương 1951 và Thư chung các GM Miền Nam 1960 (1951 and 1960). Lương Tâm Công Giáo Việt Nam (tháng 11, 2010). Bài trên trang trực tuyến: https://luongtamconggiao.wordpress.com/2010/11/03/th%C6%B0-chung-cac-gm-dong-d%C6%B0%C6%A1ng-1951-va-th%C6%B0-chung-cac-gm-mi%E1%BB%81n-nam-1960/
  5. Ngô Quốc Đông (2022), “Hoạt động Chính trị của Nhóm trí thức Công giáo Cấp tiến tại Miền Nam trước năm 1975”. Nghiên cứu Tôn giáo, Số 8 (224), 2022, 30-46. Bài trên trang trực tuyến: https://vjol.info.vn/index.php/rsr/article/download/86250/73388/
  6. Ban Tôn Giáo Chính Phủ (Tháng 10, 2018). “Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam từ Đại Hội đến Đại Hội”. Bài trên trang trực tuyến: https://btgcp.gov.vn/doi-song-tin-nguong-ton-giao/Uy_ban_Doan_ket_Cong_giao_Viet_Nam_tu_Dai_hoi_den_Dai_hoi-postyma77BJak5.html
  7. Bách Khoa Toàn Thư Mở (3/2024). “Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam”. Bài trên trang trực tuyến: https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%B2a_Kh%C3%A2m_s%E1%BB%A9_T%C3%B2a_Th%C3%A1nh_t%E1%BA%A1i_Vi%E1%BB%87t_Nam
  8. Nguyễn Anton (1988). Công Giáo Miền Nam Việt Nam Sau 30-4-1975 (trang 219). Cơ sở Dân Chúa xuất bản.
  9. Dân biểu Nguyễn Lý Tưởng (2004). ”Kỷ Niệm” … (trang 81). Nguyệt san Hiệp Nhất, số 138.
  10. LM Tađêo Nguyễn Văn Lý (tháng 1, 2001). Đức Cố TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền Đã Tử Đạo Như Thế Nào?”. Tạp Chí trực tuyến Lương Tâm Công Giáo Việt Nam. Bài đăng trên trang trực tuyến: https://luongtamconggiao.wordpress.com/2011/07/29/d%E1%BB%A9c-c%E1%BB%91-tgm-philipphe-nguy%E1%BB%85n-kim-di%E1%BB%81n-da-t%E1%BB%AD-d%E1%BA%A1o-nh%C6%B0-th%E1%BA%BF-nao/
  11. LM Bùi Đức Sinh (2000). Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam (Phụ Chương 1975-2000). Do Bùi Thế Hậu phát hành năm tại Westminster, California (sách dày 324 trang). Có thể mượn đọc (tái bản 2003 tại Biên Hòa) trên trang trực tuyến của Thư Viện Dòng Đức Mẹ Thăm Viếng Bùi Chu: http://thuviendongthamviengbc.org/index.php/thuvien/catalog_product/view/id/1045/).
  12. GS Hà Thành (2008). “Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo bao giờ đến hồi kết? – Chân dung UBĐKCG” (đây là một trong 3 bài viết về UBĐKCG của GS Hà Thành).  VietCatholic News. Trang trực tuyến: https://vietcatholic.net/News/Home/Article/53194
  13. Lê Thiên (8/2005). “Chính Sách Đàn Áp Công Giáo Của Đảng Cộng Sản và Vai Trò Của Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo”. Trang 453-502, trong tuyển tập Ba Mươi Năm Công Giáo Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản 1975-2005 (8/2005), Nguyệt San Diễn Đàn Giáo Dân và Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại Cơ Sở Đức Quốc, Mỹ và Âu Châu ấn hành, 649 trang.
  14. Phỏng vấn Cố LM Nguyên Thanh (15/2/2024). Phỏng vấn được ghi lại trong điện thư.
  15. Phỏng vấn Gs. Nguyễn Chính Kết (1/2/2024). Phỏng vấn được ghi lại trong điện thư.
  16. Phỏng vấn Nhà báo Trần Phong Vũ (5/2/2024). Phỏng vấn được ghi lại trong điện thư.
  17. Phỏng vấn Kỹ sư Đỗ Như Điện (5/2/2024). Phỏng vấn được ghi lại trong điện thư.
  18. Phỏng vấn một Nhạc sĩ từ Việt Nam – xin tạm dấu tên (22/2/2024). Phỏng vấn được ghi lại trong điện thư.
  19. Phỏng vấn Luật sư Đặng Đình Mạnh (27/2/2024). Phỏng vấn được ghi lại trong điện thư.
  20. Phỏng vấn GS Nguyễn Lý Tưởng (12/1/2024). Phỏng vấn được ghi lại trong điện thư.
  21. Phát biểu của LM. Trần Xuân Tâm (31/1/2024). International Religious Freedom Summit 2024, Washington DC. Phát biểu được ghi âm và hình lại.
  22. Phan Nhân (2023). “Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo: Công Cụ Đàn Áp của Đảng CSVN” Việt Nam Thời Báo. Bài trên trang trực tuyến: https://vietnamthoibao.org/vntb-uy-ban-doan-ket-cong-giao-cong-cu-dan-ap-cua-dang-cong-san-viet-nam-2/

 

  1. LM Nguyễn Hữu Giải và Lm Nguyễn Văn Lý (tháng 3, 2024). “Bản Chất Đích Thực của Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam (1945 – 1983 – 2014 – 2024)”. Bài đóng góp của nhóm các Linh Mục Nguyễn Kim Điền gửi cho BP-SOS. Bài đăng lại trên tờ Mạch Sống trực tuyến (ngày 6 tháng 10, 2024): https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi/2239-ban-chat-dich-that-cua-uy-ban-doan-ket-cong-giao-viet-nam-1945-1983-2014-2024.html
  2. Vinh Sơn Liêm Lý (tháng 11, 2023). “Một Linh Mục Hùa Theo Kẻ Gian Làm Chứng Dối”. Việt Nam Thời Báo. Bài trên trang trực tuyến: https://vietnamthoibao.org/vntb-mot-linh-muc-hua-theo-ke-gian-lam-chung-doi/
  3. Wikipedia (truy cập tháng 2, 2024). “Các cơ sở Công giáo mà Nhà nước Việt Nam đã chuyển quyền sử dụng”. Trích: Các cơ sở Công giáo mà Nhà nước Việt Nam đã chuyển quyền sử dụng là những bất động sản thuộc sở hữu (một phần hoặc toàn phần) của Công giáo tại Việt Nam mà Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã trưng dụng sau đó cấp quyền sử dụng cho pháp nhân khác”. Bài trên trang trực tuyến: https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1c_c%C6%A1_s%E1%BB%9F_C%C3%B4ng_gi%C3%A1o_m%C3%A0_Nh%C3%A0_n%C6%B0%E1%BB%9Bc_Vi%E1%BB%87t_Nam_%C4%91%C3%A3_chuy%E1%BB%83n_quy%E1%BB%81n_s%E1%BB%AD_d%E1%BB%A5ng
  4. LM Chân Tín (tháng 11, 2011). “Hội Đồng GMVN và UBĐKCG”. Nữ Vương Công Lý. Bài trên trang trực tuyến: https://nuvuongcongly.wordpress.com/2010/11/19/h%E1%BB%99i-d%E1%BB%93ng-giam-m%E1%BB%A5c-vi%E1%BB%87t-nam-v%E1%BB%9Bi-%E2%80%9C%E1%BB%A7y-ban-doan-k%E1%BA%BFt-cong-giao%E2%80%9D/
  5. Nguyễn Hải Di (tháng 5, 2024). “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Trở thành Công cụ Khống chế Phật giáo như thế nào?”. Mạch Sống. Bài trên trang trực tuyến: https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi/2145-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-tro-thanh-cong-cu-khong-che-phat-giao-nhu-the-nao.html
  6. Phan Quang Trọng (tháng 10, 2023). “Xin Đừng là Công cụ cho Sự ác”. Việt Nam Thời Báo. Bài trên trang trực tuyến: https://vietnamthoibao.org/vntb-xin-dung-la-cong-cu-cho-su-ac/
  7. Nhóm LM Nguyễn Kim Điền (tháng 5, 2014). “Tuyên Bố về Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam”. Trang Hưng Việt. Bài trên trang trực tuyến: https://hung-viet.org/a18293/tuyen-bo-ve-uy-ban-doan-ket-cong-giao-viet-nam
  8. UBĐKCGVN (tháng 3, 2025). “Điều Lệ UBĐKCGVN (Sửa đổi, bổ sung tại Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028). Bài trên trang trực tuyến: http://ubdkcgvn.org.vn/vi/gioi-thieu/
  9. Giáo phận Thanh hóa (tháng 6, 2024). “Giáo xứ Phúc Lãng: Thánh Lễ Tạ ơn và Cung hiến Nhà thờ Giáo họ Phúc Lợi”. Bài trên trang trực tuyến: https://giaophanthanhhoa.net/sinh-hoat-giao-xu/giao-xu-phuc-lang-thanh-le-ta-on-va-cung-hien-nha-tho-giao-ho-phuc-loi-44482.html

 


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Khen là yêu nước, còn chê là phản động

Bùi Ngọc Dân

RFA – Lực lượng dân chủ trong và ngoài nước kêu gọi Việt Nam cải cách thể chế

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Đi tù 8 năm vì nhận thức cá nhân

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo