(VNTB) – Trong Đoàn Chủ Tịch Đại Hội “Công giáo Yêu nước”, ba LM Nguyễn Thế Vịnh, Võ Thành Trinh và Phạm Quang Phước là những linh mục “quốc doanh” cốt cán từ miền Bắc được đưa vào để nắm tổ chức mới này.
Bài 1: VNTB – UBĐKCG: Công cụ của CSVN nhằm xâm nhập và biến chất Giáo hội Công giáo Việt Nam
Bài 2: VNTB – UBĐKCG: Chiến lược xâm nhập với tham vọng biến chất Giáo hội Công giáo VN
Sau khi CS Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam tiếp tục bị bách hại bằng nhiều cách khác nhau. Trường học Công giáo bị quốc hữu hóa, cơ sở Công giáo bị trưng thu (33. Wikipedia, truy cập 2024) và nhiều linh mục, tu sĩ bị tù đày, trong đó đa số là các linh mục làm công tác thuần mục vụ tôn giáo trong quân đội VNCH. Tuy không tàn bạo như ở miền Bắc sau 1954, cuộc bách hại người Công giáo sau 1975 tại miền Nam nhắm vào phẩm hơn lượng vì nhà cầm quyền còn tranh thủ viện trợ từ nước ngoài. Cuộc bách hại cộng thêm hậu quả của kinh tế kiệt quệ do nhà nước quản lý yếu kém không ít thì nhiều ảnh hưởng đến mỗi người dân Miền Nam. Hàng triệu người bất chấp hiểm nguy đã bỏ nước ra đi với gần 400,000 người chết oan khuất trên biển cả, rừng sâu. Trước tình hình người dân quá bất mãn và mất tin tưởng vào nhà cầm quyền, nhóm linh mục tu sĩ “yêu nước” trong các ủy ban do MTTQ chỉ huy bày ra một phong trào mới. Ngày 24 đến 26-8-1983, “Hội Nghị Mở Rộng Ủy Ban Liên Lạc Toàn Quốc Những Người Công Giáo Việt Nam Yêu Tổ Quốc, Yêu Hòa Bình” được triệu tập tại Sài Gòn nay được đổi thành Thành phố Hồ Chí Minh.
Báo chí của Đảng và nhà nước cùng hát bản đồng ca về một phong trào công giáo Việt Nam yêu nước trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước, kỳ thực đó là cuộc họp để chuẩn bị cho Đại Hội Những Người Công Giáo Việt Nam Xây Dựng Và Bảo Vệ Tổ Quốc Bảo Vệ Hòa Bình sẽ được tổ chức tại Hà Nội ngay sau đó, để từ đó chính thức thành lập tổ chức “Công giáo Yêu nước” khắp ba miền Bắc Trung Nam. Đại Hội này diễn ra tại Hà Nội từ 08 đến 10/11/1983. Trong Đoàn Chủ Tịch Đại Hội, ba LM Nguyễn Thế Vịnh, Võ Thành Trinh, Phạm Quang Phước là những linh mục “quốc doanh” cốt cán từ miền Bắc được đưa vào để nắm tổ chức mới này. Nhóm chủ chốt trong Miền Nam là các linh mục “cấp tiến, thiên tả” từng tiếp tay CS nằm vùng phá nát Miền Nam trước năm 1975 như các LM Huỳnh Công Minh, Trương Bá Cần, Vương Đình Bích, Phan Khắc Từ, vv. được sắp xếp vào ban lãnh đạo trong tổ chức mới này (34. LM Chân Tín, 2011).
Dưới chủ trương đó, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (UBĐKCGVN) được thành lập theo Quyết định số 13-CT, ngày 11/01/1984 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tiền thân của ủy ban này là Ủy ban Liên lạc Những Người Công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu Hòa bình, hay Ủy ban Liên lạc Công giáo Toàn quốc (UBLLCGTQ) ra đời tháng 3/1955. Quyết định 13-CT ghi rõ mục tiêu của UBĐKCG là “tập hợp người Công giáo, phát huy lòng yêu nước và đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.” (14. Ban Tôn Giáo Chính Phủ, 2018). Trong đó, không có chi tiết nào nói về lý tưởng Công giáo như rao giảng Tin Mừng Kitô giáo mà chỉ tập hợp, đóng góp vào sự nghiệp “giải phóng dân tộc” và công tác “xây dựng xã hội XHCN” hay đúng hơn là bảo vệ vị trí lãnh đạo độc tôn của Đảng. Các tu sĩ, linh mục tham gia vào UBĐKCG như vậy là cán bộ cho MTTQ và đảng CSVN với mục tiêu tối hậu là xây dựng “chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam”, một xã hội hoàn toàn đi ngược lại giáo lý Kitô giáo và đức bác ái của Tin Mừng!
Tội ác của UBĐKCG đối với giáo hội Công giáo
Bài viết này không nhắc lại một cách chi tiết các tội ác của UBĐKCG đối với giáo hội Việt Nam sau 1975, về chi tiết xin tìm đọc tuyển tập Ba Mươi Năm Công Giáo Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản 1975-2005, do Nguyệt San Diễn Đàn Giáo Dân và Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại ấn hành tháng 8/2005 tổng kết nhiều bài viết của các nhân chứng và trí thức công giáo. Người viết xin nhắc lại sơ lược những tội ác chính để nêu rõ vai trò trợ cụ, tay sai của UBĐKCG và các linh mục, tu sĩ làm việc cho MTTQ. Hầu như tất cả những cuộc đàn áp từ cá nhân các tu sĩ đạo đức đến các biến cố làm hại giáo hội trong giai đoạn này đều có bàn tay của các linh mục “cán bộ” trong UBĐKCG do MTTQ dàn dựng.
Nhắc lại những sự kiện này để thấy Ủy ban thực sự làm việc cho Đảng với hy vọng các linh mục, tu sĩ hiện đang tham gia vì nghĩ có lợi cho việc đạo nên xét lại hành vi của họ. Một ngày không xa công luận và sự thật sẽ lên án và nguyền rủa họ, như những linh mục, giám mục từng làm việc cho mật vụ cộng sản Ba-Lan hay các nước Đông Âu sau khi chế độ CS bị giải thể tại các quốc gia này. Sau đây là những tội ác tiêu biểu mà giáo sư Lê Thiên (21. Lê Thiên, 2005) và các nhân chứng trong tuyển tập trên đã ghi lại chi tiết hơn.
Xin nhắc lại, sau Hiệp định Genève 1954, Khâm sứ Dooley tiếp tục giữ cương vị đại diện chính thức của Tòa Thánh tại Hà Nội đến tận năm 1959 thì bị phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trục xuất và chiếm hẳn tòa nhà Khâm Sứ cho đến bây giờ. Trong thời gian này, Tòa thánh Vatican vẫn không công nhận Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (15. Bách Khoa Toàn Thư Mở, 2024). Âm mưu của cộng sản Bắc Việt nhằm quốc doanh hóa Giáo hội Công Giáo Việt Nam hay tách giáo hội VN ra khỏi Tòa thánh Vatican. Từ đó mong dần tạo ra một giáo hội Công Giáo tự trị, trá hình làm công cụ cho đảng CSVN, phục vụ chính sách độc tài toàn trị và che đậy tội ác, góp sức vào công cuộc xích hóa người dân. Âm mưu này tại Miền Bắc Việt Nam đã không thành nhờ hàng giáo phẩm, các giám Mục, tu sĩ và giáo dân kiên trung với đức tin, vâng phục Đức Giáo hoàng một cách tuyệt đối. Không một giám mục miền Bắc nào ủng hộ UBLLCG, nhiều vị còn kiên quyết ngăn cấm các linh mục tham gia tổ chức này. Linh mục, tu sĩ nào không vâng lời thì bị vạ tuyệt thông một hình phạt nặng nề nhất đối với người công giáo. Vạ tuyệt thông đã từng được các giám mục đặt trên nhiều linh mục trong hàng lãnh đạo UBLLCG. Giáo dân Miền Bắc lúc đó nhất mực âm thầm sống theo tiếng gọi của giáo lý, của các giám mục, tẩy chay triệt để các linh mục, tu sĩ gia nhập UBLLCG. Tại Miền Nam nhóm linh mục “cán bộ” trong tổ chức công giáo yêu nước hay ủy ban được MTTQ chăn dắt làm tay sai hiệu quả hơn. Chính sách quyết tâm quốc doanh hóa giáo hội công giáo vẫn được đảng CS theo đuổi, nhưng áp dụng bài bản và uyển chuyển hơn sau thập niên 80. Vào miền Nam, MTTQ dần học được kinh nghiệm đàn áp giáo hội công giáo hung bạo như tại miền Bắc không hiệu quả, cần phải có một chiến lược khôn khéo hơn là thâm nhập và dần biến chất đối tượng mà đa số nạn nhân có thể không ý thức. Tuy nhiên, bản năng CS thích dùng bạo lực cách mạng không dễ từ bỏ.
Trục xuất Đức Khâm sứ Tòa thánh Henri Lemaitre tại Sài Gòn sau 1975
Chỉ trong vài ngày sau 30-4-1975, một nhóm các linh mục công giáo “cấp tiến” được chế độ mới hỗ trợ đã kêu gọi trục xuất Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Henri Lemaitre và phản đối việc bổ nhiệm Đức Cha Nguyễn Văn Thuận làm Phó Tổng Giám Mục Sài Gòn. Dẫn đầu cuộc phá rối này là các linh mục Trương Bá Cần, Huỳnh Công Minh và Vương Đình Bích, với sự hỗ trợ tích cực của linh mục Thanh Lãng và linh mục Phan Khắc Từ. Riêng linh mục Trương Bá Cần còn sử dụng tổ chức “Thanh Lao Công” mà ông ta là tuyên úy để công khai tấn công giáo hội (16. Nguyễn An Tôn, 1988). Dưới áp lực của các linh mục này và sự chỉ đạo của Mặt trận Tổ quốc, Đức Khâm sứ Tòa thánh đã bị đuổi khỏi tòa khâm sứ và bị trục xuất khỏi Sài Gòn vào ngày 14/5/1975, đúng hai tuần sau khi Sài Gòn bị đổi tên. Gần 50 năm sau, nhà cầm quyền lập lại quan hệ ngoại giao với Vatican và cho đặt văn phòng Khâm sứ Tòa thánh tại Việt Nam! Nhiều nhà bình luận công giáo nhận xét chính các linh mục trong UBĐKCG để lập công còn chống Vatican hơn cả MTTQ (20. Hà Thành, 2008). Nếu sự thật như vậy thì các linh mục, tu sĩ này còn là người công giáo?
Âm mưu đưa Giám mục Nguyễn Văn Thuận vào tù 13 năm
Ngày 12/5/1975, Tổng Giám mục (TGM) Nguyễn Văn Bình cho phổ biến thông cáo về việc Tòa thánh bổ nhiệm GM Nguyễn Văn Thuận làm TGM Phó Tổng Giáo phận Sài Gòn. Ngay trong ngày hôm đó, một nhóm linh mục “tiến bộ” kéo tới bao vây hai TGM Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Văn Thuận. Họ yêu cầu GM Nguyễn Văn Thuận rút lui, và yêu cầu các giám mục tự quyết định lấy “không cần phải xin phép Tòa Thánh Vatican”. Một kế hoạch công giáo tự trị bắt đầu được nhen nhúm. Theo ghi nhận của giáo sư Lê Thiên, nhóm linh mục “tiến bộ” trên gồm: Nguyễn Quang Lãm, Vương Đình Bích, Thanh Lãng, Trương Bá Cần, Trần Viết Thọ, Nguyễn Văn Trinh, Phan Khắc Từ, và Hoàng Kim. Cùng lúc, một bức thư ngỏ gửi TGM Nguyễn Văn Bình được tung ra yêu cầu hoãn lại việc bổ nhiệm GM Nguyễn Văn Thuận, cũng do nhóm linh mục trên ký tên cộng thêm với một số linh mục khác như Nguyễn Thới Hòa, Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Nghị, Nguyễn Ngọc Lan (lúc đó còn là linh mục, sau xin Tòa Thành hoàn tục để lập gia đình. Ông Lan cuối đời đã phục thiện và tích cực vạch trần âm mưu của Đảng), Chân Tín, Huỳnh Công Minh, Nguyễn Thiện Toàn, Đinh Bình Định. Sau đó, còn có các vụ quấy rối và viết tâm thư cũng do nhóm linh mục UBLLCG giật dây (21. Lê Thiên, 2005). TGM Nguyễn Văn Bình ban đầu viết kháng thư phản đối các linh mục trên. Thấy tình hình có thể không kiểm soát được nên ủy ban quân quản TP Hồ Chí Minh vào cuộc. Họ cho triệu tập các linh mục, tu sĩ có uy tín để đề phòng các vị này chống lại quyết định đưa GM Nguyễn Văn Thuận ra khỏi Sài Gòn. Sau đó họ cho triệu tập hai TGM Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Văn Thuận tại Dinh Độc Lập lúc này được đổi tên là Dinh Thống Nhất. Tại đó, họ áp giải và đưa GM Nguyễn Văn Thuận đi giam lỏng tại Cây Vông thuộc tỉnh Khánh Hòa, sau đó lại chuyển vào Sài Gòn để từ đó cùng đoàn tù miền Nam giải ngài ra Bắc như một tội phạm. Họ cầm tù không tuyên án GM Nguyễn Văn Thuận 13 năm trời, trong đó có 9 năm biệt giam, cho tới ngày 23/11/1988 (21. Lê Thiên, 2005)! Sau này, khi là Hồng Y và Bộ trưởng tại Vatican, GM Nguyễn Văn Thuận đã lên tiếng tha thứ cho các linh mục UBĐKCG đã hãm hại Ngài. Như vậy chuyện họ tiếp tay đưa Ngài đi tù 13 năm là sự thật. Lời tha thứ của vị mục tử nhân lành Nguyễn Văn Thuận có phải là “tiếng kêu trong hoang địa” gửi các linh mục, tu sĩ hiện trong UBĐKCG còn chút lương tri hãy can đảm từ bỏ tổ chức tay sai này?
Tiếp tay nhà cầm quyền khống chế các giám mục, linh mục, tu sĩ cả nước
Sau khi trực tiếp tống khứ Đức Khâm Sứ Tòa Thánh và bỏ tù TGM Nguyễn Văn Thuận, nhà cầm quyền có sự tiếp tay của UBĐKCG bắt đầu khống chế các giám mục, linh mục, tu sĩ cả nước. Họ thu thập danh sách các Ban Chấp Hành Hội đồng các Giáo xứ, các giới lãnh đạo Hội đoàn Công giáo, ruồng bắt các thành phần cốt cán, có học trong tập thể giáo dân công giáo đưa vào các trại “cải tạo”. Các trường học, bệnh viện, viện mồ côi, tu viện và nhiều cơ sở khác của Giáo Hội bị tịch biên. Các Giám Mục không được phép đi lại, thăm viếng giáo dân, giáo xứ. Hàng trăm linh mục bị tống giam về tội làm Tuyên úy cho quân đội miền Nam hoặc do bị gán tội phản động chống phá cách mạng. Việc dạy giáo lý, sinh hoạt đoàn thể đều bị cấm chỉ triệt để vì bị coi là truyền bá văn hóa phản động! Trong khi đó, tổ chức gọi là “Công Giáo Yêu Nước” và UBĐKCG được dựng nên để dùng làm công cụ giúp nhà cầm quyền luồn lách vào nội bộ Công giáo, nắm các phương tiện truyền thông, báo chí với mục tiêu biến chất giáo hội từ bên trong. Một không khí khủng bố bao trùm cả nước (21. Lê Thiên, 2005)!
Liên quan đến cái chết mờ ám của GM Nguyễn Kim Điền, TGM giáo phận Huế:
Là một mục tử can trường, GM Nguyễn Kim Điền quyết tâm lên án nhà cầm quyền đàn áp tôn giáo, âm mưu lập giáo hội tự trị, và nhào nặn UBĐKCG thành tay sai. Chính sự cương quyết sẵn sàng làm chứng tá cho Đức Tin đã dẫn đến cái chết oan khuất của ngài. GM Philippe Nguyễn Kim Điền là một chủ chăn dám nói thẳng, thật. Trong hai bài phát biểu ngày 19 và 22/4/1977 tại Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Bình Trị Thiên, GM Nguyễn Kim Điền công khai phê phán âm mưu đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền. Ngài cấm các linh mục và tu sĩ tại giáo phận Huế không được tham gia UBĐKCG và còn ra vạ tuyệt thông một linh mục vì vị này tham gia Mặt Trận Tổ Quốc và UBĐKCG. Trong văn thư ngày 19/10/1983 gửi cho linh mục Nguyễn Thế Vịnh, Chủ tịch UBLLCG, TGM Nguyễn Kim Điền cảnh báo tổ chức này về việc họ mưu toan lập một Giáo Hội Việt Nam “ly khai” với Tòa Thánh Vatican. Vì Ngài lên tiếng đụng đến âm mưu ngầm của nhà cầm quyền và sợ tố cáo của Ngài lan truyền trong giáo hội. Ngài bị công an tỉnh Bình Trị Thiên mời đi “làm việc” liên tục từ tháng 4/1984. Ngài bị thẩm vấn trong suốt 120 ngày, rồi nhận được lệnh quản chế, cấm không được ra khỏi chu vi thành phố Huế (17. Nguyễn Lý Tưởng, 2004).
Cuối Tháng Năm, 1988, TGM Nguyễn Kim Điền lâm bệnh, được chuyển vào Sài Gòn chữa trị. Tại bệnh viện Chợ Rẫy, đang tiến hành xét nghiệm và làm thủ tục cho ngài được đi điều trị tại nước ngoài do Tòa Thánh yêu cầu, bỗng ngài từ trần ngày 08/5/1988, lúc 67 tuổi. Nhiều nghi vấn được đặt ra chung quanh vụ đột tử của ngài. Có nhân chứng ghi nhận ngài chết vì bị một nữ y tá lạ mặt cho uống thuốc cực độc. Linh mục Nguyễn Văn Lý có cuộc điều tra chi tiết về cái chết đột ngột của TGM Nguyễn Kim Điền, một người 67 tuổi tương đối khỏe mạnh và không có bệnh mãn tính (18. Nguyễn Văn Lý, 2001).
Làm công tác tuyên giáo với giáo dân và hàng giáo phẩm thay cho đảng
UBĐKCG cố ý diễn giải sai lệch các Thư chung và huấn lệnh của Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) làm sao có lợi cho nhà cầm quyền: Chủ đề các huấn lệnh như Thư Chung 1980 liên tục bị những người trong tổ chức UBĐKCG khai thác diễn dịch theo hướng tuyên truyền có lợi cho Cộng sản. Trong Thư Chung của HĐGMVN năm 1980 nêu cao chủ đề “Giáo Hội đồng hành với Dân tộc” đồng thời kêu gọi người Công Giáo “Sống Phúc Âm giữa lòng Dân tộc”. Linh mục Võ Thành Trinh cùng những linh mục trong nhóm “quốc doanh” chộp lấy lời kêu gọi ấy mà lái cái ý nghĩa hoàn toàn khác của nó vào mục đích tuyên truyền cho chủ nghĩa xã hội của Cộng sản. LM Trinh viết đồng hành với dân tộc là yêu nước, và “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”. Từ lập luận này, LM Trinh đề ra nhiệm vụ cấp bách cho nhóm quốc doanh của ông: “Cho nên chúng ta càng ngày càng làm cho đông đảo đồng bào công giáo xác định rõ: Yêu nước là vinh quang, yêu nước bây giờ là phải xây dựng chủ nghĩa xã hội, không có con đường nào khác”. Chủ đề Thư Chung 1980 liên tục bị những người trong tổ chức UBĐKCG khai thác diễn dịch theo hướng tuyên truyền như LM Trinh mở màn có lợi cho đảng và nhà cầm quyền (20. Hà Thành, 2008).
Tìm mọi cách ngăn chặn tiến trình phong thánh cho 117 vị thánh tử đạo Việt Nam:
Năm 1988, Cộng sản Việt Nam tung chiến dịch ồn ào chống lại việc Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ quyết định phong thánh cho 117 Chân Phước Tử Đạo Việt Nam, một quy trình tôn giáo, cẩn trọng, và có trước khi Đảng CS ra đời! Đảng suy luận việc phong thánh chỉ giúp giáo dân thêm cương quyết, can trường giữ đạo và tổn hại đến quá trình thuần hóa giáo hội. Một mặt chúng huy động các cây bút có trình độ lý luận về ý thức hệ Cộng sản, như Nguyễn Khắc Viện, Trần Bạch Đằng, viết bài xuyên tạc lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Mặt khác, chúng dùng UBĐKCG qua tờ “Công Giáo Và Dân Tộc” với chủ biên là LM Trương Bá Cần viết các bài phụ họa âm mưu xuyên tạc giáo hội. Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn, TGM Hà Nội kiêm Chủ Tịch HĐGMVN nhiệm kỳ II (1983-1986), đã viết thỉnh nguyện thư xin Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ngày 16/11/1985 phong hiển thánh cho 117 Chân phước Tử đạo Việt Nam. Trong thư thỉnh nguyện, ngài khẳng định: “Cả dân tộc Việt Nam – trong nước cũng như ngoài nước – nhất trí với con để dâng lời thỉnh nguyện này. HĐGMVN đồng thanh quyết nghị đệ lên Đức Thánh Cha bức thư thành khẩn hôm nay, mục đích là để làm vinh danh Thiên Chúa, củng cố niềm tin, cậy, mến của cộng đồng tín hữu chúng con” (19. Bùi Đức Sinh, 2000). Lễ phong thánh cuối cùng đã diễn ra trọng thể và tốt đẹp tại quảng trường Thánh Phêrô ngày 19/6/1988 do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chủ tế với sự tham dự của hàng trăm ngàn tín hữu Việt Nam và bạn hữu khắp năm châu, nhưng rất tiếc không có mặt hàng giáo phẩm Việt Nam trong buổi lễ! Nhà cầm quyền không phá được lễ phong thánh thì ngăn không cho hàng giáo phẩm từ Việt Nam tham dự, nhưng các Ngài đã làm xong trách nhiệm là can đảm lên tiếng ủng hộ giáo hội hoàn vũ từ sau bức màn sắt.
Tham gia hỗ trợ các cuộc tấn công nhắm vào nhân sự lẫn cơ sở vật chất của Giáo Hội
Nhiều Bề trên và tu sĩ điều hành các cơ sở Dòng tu bị chụp mũ và vu khống đủ thứ tội ác. Sau khi các ngài bị tống giam, tài sản của các Dòng tu như Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt, Trung Tâm Đắc Lộ Sài Gòn, Dòng Đồng Công Thủ Đức, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Phanxicô, Dòng các Sư huynh La San, vv. và nhiều nơi khác cũng bị tước đoạt. Các trường học, bệnh viện, viện mồ côi, viện dưỡng lão cùng nhiều cơ sở xã hội do Giáo hội Công giáo thiết lập và quản trị từ lâu nay cũng chịu chung số phận. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trong giai đoạn 1975-1990 bị bách hại không thua gì Giáo Hội Miền Bắc trước năm 1975. Nhà cầm quyền đã rút kinh nghiệm từ việc bách hại Công giáo ở miền Bắc nên sau năm 1975 họ áp dụng nhiều chiến thuật tinh vi hơn, không quá trắng trợn và vô pháp như ở miền Bắc, nhưng hiệu quả hơn như vừa được điểm qua nhờ công của UBĐKCG. Cuối thập niên 80, kinh tế kiệt quệ do quản lý yếu kém, nhà cầm quyền buộc phải mở cửa để vận động xin viện trợ quốc tế. Từ đó, họ càng cần tới những thủ đoạn khôn khéo hơn để che mắt quốc tế và vai trò của UBĐKCG càng mang tính chiến lược hơn (19. Bùi Đức Sinh, 2000 và 21. Lê Thiên, 2005).
Trên đây là những hành vi, tội ác tiêu biểu của các linh mục, tu sĩ lãnh đạo phong trào người công giáo yêu nước, “tiến bộ” đối với GHCG. Các nhân vật này đa số nắm các vai trò then chốt trong UBĐKCG. Họ tuy mang vỏ bọc là linh mục, tu sĩ công giáo nhưng thực chất là những cán bộ tôn giáo của Đảng và MTTQ. Mục tiêu và kết quả hành vi của họ không đem lại lợi ích gì cho giáo hội và xã hội nói chung (20. Hà Thành, 2008). Về mặt giáo hội, UBĐKCG như minh chứng ở trên đã gây thiệt hại to lớn cho tập thể người Công giáo. Còn về mặt xã hội, chủ trương phục vụ xã hội của giáo hội qua các chương trình từ thiện và giáo dục đã bị tước đoạt hay làm tê liệt, như vậy cái tinh thần hồ hởi “dân tộc hóa” giáo hội, hay “độc lập với giáo hội hoàn cầu” mà các tu sĩ này say sưa theo đuổi thực sự đã đem lại gì cho giáo hội và xã hội nói chung? Ngoài việc tạo ra một không khí khủng bố bao trùm giáo hội trong thập niên 70 – 90, giúp nhà cầm quyền tước đoạt các phương tiện phục vụ xã hội của GHCG như giúp đỡ người nghèo, người lao động, đóng góp trong giáo dục, v.v… Từ đó giáo hội mất cả cơ hội rao giảng Tin Mừng (tỉ số của người công giáo trong dân số cả nước hầu như không tăng trong nhiều năm). Nói chung việc làm của UBLLCG hay UBĐKCG thực sự không giúp ích gì cho giáo hội mà chỉ giúp cho chính sách của đảng là ngăn chặn ảnh hưởng của giáo hội công giáo trong xã hội, tầm ảnh hưởng bị nhà cầm quyền độc tài cho là thách thức tham vọng lãnh đạo độc tôn của họ. Vừa rồi, lịch sử và hậu quả của UBĐKCG đối với giáo hội và cả xã hội được tóm lược. Đọc lại nhận định và phân tích của các chứng nhân và nhà hoạt động cho tự do tôn giáo để thấy rõ thực chất vai trò và mục tiêu của trợ cụ UBĐKCG đã được MTTQ nhào nặn và hỗ trợ thế nào. Như vậy, UBĐKCG thực chất là gì?
Bài tiếp theo. Bài 4 UBDKCG Là Công Cụ Của Đảng CSVN Dùng Để Lũng Đoạn và Biến Chất GHCGVN
____________________
Tham khảo:
- LM Trần Xuân Tâm (7/2022). “Phân Tích Sự Đàn Áp của Đảng Cộng Sản Việt Nam với Tự Do Tôn Giáo của Giáo hội Công giáo”, Việt Nam Thời Báo, 7 tháng 7, 2022. Bài trên trang trực tuyến: https://vietnamthoibao.org/vntb-phan-tich-su-dan-ap-cua-dang-cong-san-viet-nam-voi-tu-do-ton-giao-cua-giao-hoi-cong-giao-phan-i/
- Cao Thế Dung (1988). Công Giáo Việt Nam trong Dòng Sinh Mệnh Dân Tộc (trang 219). Cơ Sở Dân Chúa Xuất Bản năm 1988. Tìm đọc sách trên Open Library tại: https://openlibrary.org/books/OL1623894M/Co%CC%82ng_gia%CC%81o_Vie%CC%A3%CC%82t_Nam_trong_do%CC%80ng_sinh_me%CC%A3%CC%82nh_da%CC%82n_to%CC%A3%CC%82c
- United States Commission on International Religious Freedom – USCIRF (9/2024). “State-Controlled Religion and Religious Freedom in Vietnam”. Executive Summary, page 2. Bài đăng trên trang trực tuyến: https://www.uscirf.gov/sites/default/files/2024-09/2024%20USCIRF%20State%20Controlled%20Religion%20in%20Vietnam.pdf
- Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (10/2024). “Các trợ cụ đàn áp tôn giáo ở Việt Nam – Bối cảnh và Phương pháp”. Bản dịch từ tài liệu do USCIRF công bố (3. Trang đã dẫn) do BP-SPS dịch thuật và phát hành trên Mạch Sống Media. Bản dịch được chia ra làm nhiều phần. Phần 2 trên trang trực tuyến sau: “Các Trợ cụ Đàn áp Tôn giáo tại Việt Nam: Bối cảnh và Phương pháp”: https://machsongmedia.org/2243-cac-tro-cu-dan-ap-ton-giao-o-viet-nam-boi-canh-va-phuong-phap-phan-2.html#_ftnref6
- Carlyle A. Thayer (4/2017). “Background Briefing: Vietnam – How Large is the Security Establishment”. Thayer Consultancy. ABN# 65-648-097-123. Bài trên trang trực tuyến: https://viet-studies.net › Thayer_VNSecuritySize
- Hứa Hoành (không rõ năm viết). “Việt Minh Giết Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ và Lãnh Tụ Giáo Phái Nam Kỳ” trong loạt bài về “Đức Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ (Bài 2). Việt Nam Sử Học, Trang Văn Học & Lịch Sử Việt Nam. Bài trên trang trực tuyến: http://www.vietnamsuhoc.com/PrintPreview.aspx?id=21
- Báo Nhân Dân (9/1972). “Tiểu sử linh mục Phêrô Vũ Xuân Kỷ”. Thư viện Báo chí của Thư viện Quốc gia Việt Nam. Bài trên trang trực tuyến: http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=Qik19720905.2.26&srpos=&dliv=none&e=%E2%80%94%E2%80%94-vi-20%E2%80%931%E2%80%93img-txIN-
8 . Lm Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong (7/ 2016). “Giáo hội Miền Bắc dưới thời cộng sản từ 1954 đến nay (Kỳ II)”. Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Bài trên trang trực tuyến: https://dcctvn.org/giao-hoi-mien-bac-duoi-thoi-cong-san-tu-1954-den-nay-ky-ii/
- GM Phaolô Lê Đức Trọng (9/2009). “Hồi ký Cố Giám Mục Lê Đắc Trọng – Hiện tình tôn giáo sau năm 1975”. Báo trực tuyến Saigon Echo. Bài trên trang trực tuyến: https://saigonecho.org/main/tintuc/binhluan/13163-hi-ky-c-gm-le-c-trng-hin-tinh-ton-giao-sau-nm-1975.html
- LM Nguyễn Thế Thoại (2001). Công Giáo Trên Quê Hương (Quyển 2, Chương 28-29). Tác giả ghi chú: Lưu Hành Nội Bộ. Tìm đọc trên Thư Viện HĐGMVN: https://thuvienhoidonggiammucvietnam.org/Thongtinsach/Index?masach=143501.
- Trần Thị Liên (3/2005). “Vấn đề Công Giáo Miền Bắc Việt Nam qua tư liệu lưu trữ Ba Lan (1954-1956)” đăng trong Thời Đại mới, Số 4, Groupe d’Etude sur le Vietnam Contemporain – IEP Paris. Bài trên trang trực tuyến từ Viet Catholic News: https://vietcatholic.net/News/Home/Article/25515
- Thư Chung các Giám Mục (GM) Đông Dương 1951 và Thư chung các GM Miền Nam 1960 (1951 and 1960). Lương Tâm Công Giáo Việt Nam (tháng 11, 2010). Bài trên trang trực tuyến: https://luongtamconggiao.wordpress.com/2010/11/03/th%C6%B0-chung-cac-gm-dong-d%C6%B0%C6%A1ng-1951-va-th%C6%B0-chung-cac-gm-mi%E1%BB%81n-nam-1960/
- Ngô Quốc Đông (2022), “Hoạt động Chính trị của Nhóm trí thức Công giáo Cấp tiến tại Miền Nam trước năm 1975”. Nghiên cứu Tôn giáo, Số 8 (224), 2022, 30-46. Bài trên trang trực tuyến: https://vjol.info.vn/index.php/rsr/article/download/86250/73388/
- Ban Tôn Giáo Chính Phủ (Tháng 10, 2018). “Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam từ Đại Hội đến Đại Hội”. Bài trên trang trực tuyến: https://btgcp.gov.vn/doi-song-tin-nguong-ton-giao/Uy_ban_Doan_ket_Cong_giao_Viet_Nam_tu_Dai_hoi_den_Dai_hoi-postyma77BJak5.html
- Bách Khoa Toàn Thư Mở (3/2024). “Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam”. Bài trên trang trực tuyến: https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%B2a_Kh%C3%A2m_s%E1%BB%A9_T%C3%B2a_Th%C3%A1nh_t%E1%BA%A1i_Vi%E1%BB%87t_Nam
- Nguyễn Anton (1988). Công Giáo Miền Nam Việt Nam Sau 30-4-1975 (trang 219). Cơ sở Dân Chúa xuất bản.
- Dân biểu Nguyễn Lý Tưởng (2004). ”Kỷ Niệm” … (trang 81). Nguyệt san Hiệp Nhất, số 138.
- LM Tađêo Nguyễn Văn Lý (tháng 1, 2001). Đức Cố TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền Đã Tử Đạo Như Thế Nào?”. Tạp Chí trực tuyến Lương Tâm Công Giáo Việt Nam. Bài đăng trên trang trực tuyến: https://luongtamconggiao.wordpress.com/2011/07/29/d%E1%BB%A9c-c%E1%BB%91-tgm-philipphe-nguy%E1%BB%85n-kim-di%E1%BB%81n-da-t%E1%BB%AD-d%E1%BA%A1o-nh%C6%B0-th%E1%BA%BF-nao/
- LM Bùi Đức Sinh (2000). Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam (Phụ Chương 1975-2000). Do Bùi Thế Hậu phát hành năm tại Westminster, California (sách dày 324 trang). Có thể mượn đọc (tái bản 2003 tại Biên Hòa) trên trang trực tuyến của Thư Viện Dòng Đức Mẹ Thăm Viếng Bùi Chu: http://thuviendongthamviengbc.org/index.php/thuvien/catalog_product/view/id/1045/).
- GS Hà Thành (2008). “Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo bao giờ đến hồi kết? – Chân dung UBĐKCG” (đây là một trong 3 bài viết về UBĐKCG của GS Hà Thành). VietCatholic News. Trang trực tuyến: https://vietcatholic.net/News/Home/Article/53194
- Lê Thiên (8/2005). “Chính Sách Đàn Áp Công Giáo Của Đảng Cộng Sản và Vai Trò Của Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo”. Trang 453-502, trong tuyển tập Ba Mươi Năm Công Giáo Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản 1975-2005 (8/2005), Nguyệt San Diễn Đàn Giáo Dân và Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại Cơ Sở Đức Quốc, Mỹ và Âu Châu ấn hành, 649 trang.
- Phỏng vấn Cố LM Nguyên Thanh (15/2/2024). Phỏng vấn được ghi lại trong điện thư.
- Phỏng vấn Gs. Nguyễn Chính Kết (1/2/2024). Phỏng vấn được ghi lại trong điện thư.
- Phỏng vấn Nhà báo Trần Phong Vũ (5/2/2024). Phỏng vấn được ghi lại trong điện thư.
- Phỏng vấn Kỹ sư Đỗ Như Điện (5/2/2024). Phỏng vấn được ghi lại trong điện thư.
- Phỏng vấn một Nhạc sĩ từ Việt Nam – xin tạm dấu tên (22/2/2024). Phỏng vấn được ghi lại trong điện thư.
- Phỏng vấn Luật sư Đặng Đình Mạnh (27/2/2024). Phỏng vấn được ghi lại trong điện thư.
- Phỏng vấn GS Nguyễn Lý Tưởng (12/1/2024). Phỏng vấn được ghi lại trong điện thư.
- Phát biểu của LM. Trần Xuân Tâm (31/1/2024). International Religious Freedom Summit 2024, Washington DC. Phát biểu được ghi âm và hình lại.
- Phan Nhân (2023). “Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo: Công Cụ Đàn Áp của Đảng CSVN” Việt Nam Thời Báo. Bài trên trang trực tuyến: https://vietnamthoibao.org/vntb-uy-ban-doan-ket-cong-giao-cong-cu-dan-ap-cua-dang-cong-san-viet-nam-2/
- LM Nguyễn Hữu Giải và Lm Nguyễn Văn Lý (tháng 3, 2024). “Bản Chất Đích Thực của Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam (1945 – 1983 – 2014 – 2024)”. Bài đóng góp của nhóm các Linh Mục Nguyễn Kim Điền gửi cho BP-SOS. Bài đăng lại trên tờ Mạch Sống trực tuyến (ngày 6 tháng 10, 2024): https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi/2239-ban-chat-dich-that-cua-uy-ban-doan-ket-cong-giao-viet-nam-1945-1983-2014-2024.html
- Vinh Sơn Liêm Lý (tháng 11, 2023). “Một Linh Mục Hùa Theo Kẻ Gian Làm Chứng Dối”. Việt Nam Thời Báo. Bài trên trang trực tuyến: https://vietnamthoibao.org/vntb-mot-linh-muc-hua-theo-ke-gian-lam-chung-doi/
- Wikipedia (truy cập tháng 2, 2024). “Các cơ sở Công giáo mà Nhà nước Việt Nam đã chuyển quyền sử dụng”. Trích: “Các cơ sở Công giáo mà Nhà nước Việt Nam đã chuyển quyền sử dụng là những bất động sản thuộc sở hữu (một phần hoặc toàn phần) của Công giáo tại Việt Nam mà Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã trưng dụng sau đó cấp quyền sử dụng cho pháp nhân khác”. Bài trên trang trực tuyến: https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1c_c%C6%A1_s%E1%BB%9F_C%C3%B4ng_gi%C3%A1o_m%C3%A0_Nh%C3%A0_n%C6%B0%E1%BB%9Bc_Vi%E1%BB%87t_Nam_%C4%91%C3%A3_chuy%E1%BB%83n_quy%E1%BB%81n_s%E1%BB%AD_d%E1%BB%A5ng
- LM Chân Tín (tháng 11, 2011). “Hội Đồng GMVN và UBĐKCG”. Nữ Vương Công Lý. Bài trên trang trực tuyến: https://nuvuongcongly.wordpress.com/2010/11/19/h%E1%BB%99i-d%E1%BB%93ng-giam-m%E1%BB%A5c-vi%E1%BB%87t-nam-v%E1%BB%9Bi-%E2%80%9C%E1%BB%A7y-ban-doan-k%E1%BA%BFt-cong-giao%E2%80%9D/
- Nguyễn Hải Di (tháng 5, 2024). “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Trở thành Công cụ Khống chế Phật giáo như thế nào?”. Mạch Sống. Bài trên trang trực tuyến: https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi/2145-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-tro-thanh-cong-cu-khong-che-phat-giao-nhu-the-nao.html
- Phan Quang Trọng (tháng 10, 2023). “Xin Đừng là Công cụ cho Sự ác”. Việt Nam Thời Báo. Bài trên trang trực tuyến: https://vietnamthoibao.org/vntb-xin-dung-la-cong-cu-cho-su-ac/
- Nhóm LM Nguyễn Kim Điền (tháng 5, 2014). “Tuyên Bố về Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam”. Trang Hưng Việt. Bài trên trang trực tuyến: https://hung-viet.org/a18293/tuyen-bo-ve-uy-ban-doan-ket-cong-giao-viet-nam
- UBĐKCGVN (tháng 3, 2025). “Điều Lệ UBĐKCGVN (Sửa đổi, bổ sung tại Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028). Bài trên trang trực tuyến: http://ubdkcgvn.org.vn/vi/gioi-thieu/
- Giáo phận Thanh hóa (tháng 6, 2024). “Giáo xứ Phúc Lãng: Thánh Lễ Tạ ơn và Cung hiến Nhà thờ Giáo họ Phúc Lợi”. Bài trên trang trực tuyến: https://giaophanthanhhoa.net/sinh-hoat-giao-xu/giao-xu-phuc-lang-thanh-le-ta-on-va-cung-hien-nha-tho-giao-ho-phuc-loi-44482.html